April 19, 2024, 10:30 am

Mùa xuân biên cương và tình hữu nghị

“Nhìn trên bản đồ, sẽ dễ dàng nhìn thấy đường biên cương Tổ quốc với trùng điệp núi rừng hùng vĩ tựa như chiếc xương sống của con rồng khổng lồ và những nhánh núi chạy hướng ra biển là những rẻ xương sườn kiến lập nên một hình thế núi sông vững chãi. Trong tâm thức mỗi người, biên giới chính là dải hành lang giới hạn không gian sinh tồn của dân tộc Việt, là nơi đất nước, nhân dân ta mở cửa đón chào bạn bè khắp năm châu bốn biển…” – nữ nhà văn áo lính Phạm Vân Anh đã mở đầu tập bút ký “Đường biên cương dệt mùa xuân” của mình bằng những hình tượng về biên cương kỳ vĩ và đẹp một cách khoáng đạt như thế. Bằng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại thông qua các chương trình giao lưu biên giới với nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông cũng như cuốn bút ký này, có thể nói, Phạm Vân Ahh đã có những đóng góp đáng ghi nhận trong công tác tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Bộ quốc phòng cũng như góp phần viết nên một bài ca thắm tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước trong khu vực.

“Đường biên giới dệt mùa xuân”, tập bút ký của Phạm Vân Anh

Bảo vệ chủ quyền dân tộc cũng chính là sự sống còn của nòi giống, là vấn đề lớn mà triều đại nào, thời đại nào cũng được đặt lên hàng đầu. Nhưng bảo về chủ quyền biên giới không có nghĩa là lúc nào hai bên cũng đối đầu, đối kháng, điều tác giả muốn nói ở đây là phải cùng xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc sống có chung một đường biên với chúng ta, sao cho biên cương mãi mãi là nơi bình yên chim hót, mãi mãi mang thông điệp hòa bình.Để viết được tập bút ký “thuần biên giới” này, Phạm Vân Anh đã có hơn mười công tác trong lực lượng BĐBP.Cùng với tình yêu nghề, yêu trang văn, bước chân của chị hầu như đã đặt tới tất cả những miền biên giới, từ nơi địa đầu Móng Cái đến nơi cuối đất Hà Tiên, nơi nào có đồn biên phòng là có dấu chân của chị. Cho nên những gì chị viết là mắt thấy, tai nghe, có hơi thở nồng nàn của cuộc sống.

Trong bút ký “Tình phù sa”, tác giả chọn hình tượng con sông Mê-kông để viết về mối quan hệ giữa 6 quốc gia có chung nguồn nước: Trung Quốc, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Căm-pu-chia và Việt Nam, trong đó 3 nước có chung đường biên giới trên bộ với Việt Nam. Tác giả khẳng định: cái nguồn nước mênh mang quý giá Mê-kông đã làm nên máu thịt, màu da, đã gắn kết các dân tộc bên dòng sông ấy, cái “biên giới lòng người” khi đã được giải tỏa thì cái biên giới trên địa lý hành chính cũng sẽ được gắn kết, và thực sự nhiều thập kỷ qua đã là như vậy, kể cả trong chiến tranh cũng như trong hòa bình.

Nhìn tổng thể là như thế.Nhưng trong từng giai đoạn cụ thể không phải là không có những cấn cá, xung đột, thậm chí đổ máu. Hẳn đã thấm nhuần lời dậy của ông cha: “Yêu nhau rào dậu cho kín”, những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế đã cho phép, ngay sau khi kết thúc các vòng đàm phán và ký kết hiệp ước về phân giới cắm mốc với các nước láng giềng, Đảng và Nhà nước ta đã quyết tâm đầu tư sức người, sức của để công trình trọng điểm Đường biên giới quốc gia được hoàn thành.Phạm Vân Anh đã cho bạn đọc biết khá nhiều chuyện xung quanhquá trình xây dựng công trình lớn này thông qua bút ký “Trên hành trình tạc hình tổ quốc”. Và đặc biệt là tình đoàn kết, hữu nghị giữa các lực lượng bảo vệ biên giới 4 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung.

Trong bút ký “Người của Mường Khương” tác giả mô tả cái vùng đất chập chùng đá núi, mây giăng bao phủ, rất giầu truyền thống văn  hóa, nhưng nhân dân rất nghèo và lạc hậu. Một trong những người có công lớn làm cho những bản làng nghèo khổ, phức tạpấy đổi thay chính là Thượng tá Trần Quốc Khải, Đồn trưởng Đồn biên phòng Mường Khương, người đã có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với đất biên cương. Anh cũng là người gây dựng nên tình đoàn kết giữa những xóm bản hai bên biên giới Việt – Trung, góp phần tìm ra một sinh kế mới là trồng dứa, chuối cao sản với sự hợp tác làm ăn giữa người dân xã Bản Lầu (Lào Cai) và người dân Trấn Long Bảo (Vân Nam- Trung Quốc). Anh cũng là người triển khai thí điểm hoạt động tuần tra song phương giữa BĐBP Việt Nam và BĐBP Trung Quốc.

Không chỉ có Thượng tá Trần Quốc Khải, trong tập sách còn nhiều tấm gương sẵn sàng dâng hiến sức khỏe và nghị lực của mình để giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số hai bên biên giới vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống nơi biên cương mãi mãi bình yên. Như trong bút ký “Mình là con cháu Bác Hồ”, tác giả kể về một ông già cựu chiến binh Pả Ai, người Vân Kiều, một con người khá đặc biệt.Người ta gọi ông là “Lưỡng quốc già làng”, nghĩa là ông già của hai làng, mà hai làng của hai quốc gia. Làng (bản) A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - Việt Nam và bản Đen-vi-lay, huyện Mường Noòng, tỉnh Sa-va-na-khẹt – Lào. Chỉ vì một phong tục cổ hủ chôn người ở khu rừng ma  mà hai ngôi làng của hai quốc gia mâu thuẫn, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh biên giới. Bằng bản lĩnh và tình yêu đồng bào cả hai dân tộc, cựu chiến binh Pả Ai đã chọn một phương án hòa giải thật đắc địa, để rồi hai dân tộc của hai ngôi làng lại trở về với tình đoàn kết bền chặt như xưa.

Cũng trong bút ký này, còn một cựu chiến binh Bùi Văn Nghĩa, người được mệnh danh là “Ông lớn vùng biên” đã có công làm đẹp giàu hơn, đoàn kết hơn ở vùng đất biên giới Tân Hà (Tây Ninh) và xã Ruông (Pray Veng, Campuchia) . Ông ngày ngày ra ruộng, chuyện trò để hàn gắn tình đoàn kết giữa nhân dân hai xã. Giúp nhân dân xã bạn giống, phân bón để phát triển ản xuất và nhận thu mua nông thổ sản với giá cả hợp lý. Trong một số bút ký khác, chúng ta còn được gặp những nhân vật rất hay là người dân của 4 nước có chung đường biên giới, như các ôngHai Đời,Hai Bé,Pon Sà-ron, Đoi-ty Chăn… trên biên giới Việt Nam – Campuchia được bà con yêu quý vì đã có công xây dựng tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Hay cácông Vi Văn Tít, Dông Nụ, Thào Khắt, Hồ Ray, A Dói… đã tạo nên những bài ca đẹp về tình anh em trên biên giới Việt Nam -  Lào. Rồi còn có những người như trưởng thôn Vương Chính Phúc, Bí thư Tô Minh Phương, ngư dân Sìn Dỉ Gai, Lương Đại Bân cũng đã đoàn kết bảo nhau sản xuất, canh tác để xây dựng biên giới chung ngày một phát triển trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Bút ký “Cảm ơn thầy thuốc bộ đội Biên phòng Việt Nam”,kể về Trạm y tế quân - dân y kết hợp Thoọng Pẹ do Đồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) xây dựng để khám chữa bệnh cho nhân dân biên giới nước bạn Lào. Cán bộ người Lào có câu nói rằng: “Vào được nhà người Mông ở Thoọng Pẹ khó như đi vào rừng, khuyên được người Mông ở đây đừng trồng cây thuốc phiện khó như đi xuống khe sâu, bảo được họ khi ốm đừng cúng con ma rừng mà phải đi bệnh viện khó hơn trèo lên đỉnh núi…”.Khó thế, nhưng những người lính quân hàm xanh Việt Nam đã làm được dù phải đối mặt với nhiều cái khó, nhiều tình huống oái oăm. Tác giả viết: “Ở cái trạm quân y đặc biệt này, bệnh nhân không cần quan tâm đến giới hạn địa chính, không lo bị phân tuyến, có thể đến trạm bất cứ lúc nào hay bất cứ loại giấy tờ gì, càng không phải lo chuyện tiền nong. Người bệnh, sau khi khám không thể dùng đơn thuốc hướng dẫn như thông thường mà bác sĩ, y tá phải chia các loại thuốc theo từng ngày, cho vào từng túi ni-lông nhỏ. Đến hẹn, nếu không thấy bệnh nhân đến tái khám thì những người thầy thuốc quân y phải lặn lội tìm đến nhà bệnh nhân để kiểm tra…”.

Trong tập sách, Phạm Vân Anh còn quan tâm đến một mảng rất quan trọng, đó là văn hóa. Một nhà văn như chị không thể không thấu hiểu rằng: muốn đến với người dân tộc trước hết phải hiểu và tôn trọng văn hóa của họ. Văn hóa chính là yếu tố đầu tiên để hiểu biết và  gắn kết con người với con người, dân tộc nọ với dân tộc khác. Hầu như tất cả các bút ký trong tập, ở phần này phần khác, tác giả đều đã điểm xuyết tới phong tục, tập quán, ngôn ngữ trong văn hóa của những tộc người khácnhau. Song chị vẫn dành riêng những  bút ký khai thác sâu về văn hóa như “Lang thang miền dã sử”, “Năm thế kỷ tương tư Nam Quốc”, “Sau bóng núi giăng màn”, “Vũ điệu trên than hồng”, “Người Lô Lô trên biên cương cực bắc”…

Trong bút ký “Mình là con cháu Bác Hồ” tác giả dành một phần viết về nghệ nhân Mai Hoa Sen được người Pa Cô ở Quảng Trị gọi theo cách đầy thương mến: “Người nghệ sĩ Pa Cô của đại ngàn Trường Sơn”. Sau chiến tranh, cuộc sống khó khăn đã khiến bà con dần quên đi tiếng cồng chiêng hùng tráng, tiếng đàn Ta-lư réo rắt, quên cả những ngày bản mở hội mừng lúa mới. Với tình yêu âm nhạc dân gian truyền thống của dân tộc mình, người cựu chiến binh Mai Hoa Sen đã bỏ công sưu tầm những nét đẹp văn hóa đang bị mai một để truyền dậy cho các thế hệ sau của người Pa Cô ở Lào và Việt Nam.Bộ sưu tập của ông ngày một dầy thêm, với rất nhiều làn điệu, nhạc cụ khác nhau như: bộ chiêng sáu cái, đàn Ta-lư, đàn Môi, Khèn Xiên, đàn A-ben…

Chất liệu dồi dào, sống động, thông điệp phong phú đã làm nên điểm mạnh ở bút ký Phạm Vân Anh.Nếu như cần nói một chút về hạn chế ở tập sách này thì đó là tính báo chí đôi khí lấn lướt chất văn, cũng là dễ hiểu, bởi viết báo mới là nhiệm vụ chính của tác giả.

Nhà văn Phạm Vân Anh

Phạm Vân Anh sinh năm 1980.Chị là một trong những hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Chị đến với văn chương bắt đầu là thơ: “Tôi chào tôi” (2004), “Mùa tình” (2006), “Góc” (2009), “Sa Mộc” (trường ca – 2016). Năm 2011, chị ra tập truyện ngắn đầu tiên có tên là “Ngón hoa”, năm 2014 ra tập truyện ký “Khúc quân hành lặng lẽ”, và năm 2017 là tập “Đường biên cương dệt mùa xuân” mà tôi đang viết về nó. Rõ ràng Phạm Vân Anh là một nhà văn rất sung sức. Chúng ta hoàn toàn có quyền tin ở nội lực của chị. Chúc tác giả thành công hơn nữa ở những tác phẩm tiếp theo.

Hà Nội, cuối tháng 5 năm 2018.

 


Có thể bạn quan tâm