March 29, 2024, 6:07 pm

Mưa về long hồ

Mới 8 giờ sáng, Bến Thủy đã vãn khách. Những chiếc quán lưu động được dựng lên ngay đoạn dẫn xuống Bến Thủy giờ chỉ còn lại khách ngồi chờ thuyền ngược các xã khu C ở huyện vùng cao Na Hang. Thường thì vào cữ canh tư, khi bóng đêm và sương núi còn bao trùm xuống lòng hồ, từng đoàn thuyền câu chứa đầy khoang cá của dân bản địa sẽ tập kết tại bến. Những đoàn xe đông lạnh xếp thành hàng dài từ sát mép nước Bến Thủy, kéo lên tận bờ đập thủy điện để thu mua cá hồ cho kịp chuyến về xuôi. Thời điểm này, Bến Thủy như vỡ ra từng chùm âm thanh huyên náo, hòa lẫn tiếng người, tiếng gió và cả tiếng sóng hồ dâng lên lao xao. Công việc buôn bán cá diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn và kết thúc trước khi từng tia nắng đầu ngày hừng lên phía thượng nguồn. Bến Thủy lại trở về vẻ yên tĩnh, chỉ còn tiếng sóng hồ theo những cơn gió hắt lên, nghe như tiếng hát trầm của đại ngàn hùng vĩ.

Minh họa của NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Chúng tôi đứng chờ thuyền nơi Bến Thủy. Em bảo, mưa gió thế này chỉ có thể dẫn các anh ra khu vực nuôi trồng thủy sản của huyện thôi. Bây giờ mà ngược lên phía Cọc Vài sẽ gặp khó khăn và nguy hiểm. Thấy tôi ngạc nhiên, em bảo: Khách đến Na Hang đều muốn lên Cọc Vài, một kỳ quan đã được thiên nhiên kiến tạo, với hai khối đá dựng đứng nằm ngay giữa lòng nước mênh mông, gắn liền với truyền thuyết về chàng Tài Ngào khổng lồ dùng trâu kéo đá đắp đập năm xưa. Ngày nắng ráo thì lên được, nhưng nếu xuất hiện những cơn mưa rừng, cánh lái thuyền sẽ không dám mạo hiểm mà ngược thuyền lên đó vì dễ gặp gió hang thổi ngầm dưới đáy hồ, tạo nên từng lớp sóng cuộn dâng, ầm ào đổ trắng một bên trời sông nước. Trên chuyến lên Cọc Vài cũng sẽ có thêm nhiều điểm thăm quan hấp dẫn mà tạo hóa đã dành tặng cho Na Hang. Nghe em nói vậy chúng tôi đành ngậm ngùi một lần lỡ hẹn đặt chân lên ngọn thác Nặm Me, Khuổi Nhi, Khuổi Shung, lỡ hẹn một lần ngang qua ngã ba Pắc Vãng mà ngược lên Đà Vị, nơi hợp lưu của hai con sông lớn, để đắm mình vào những triền bông trắng, hay ngược lên bản người Dao Đeo Tiền ở Hồng Thái trong mùa lê đang vào độ chín.

Đám khách ngồi chờ thuyền ngược ở Bến Thủy có vẻ nản với trận mưa rừng không ngớt. Dưới kia, những con thuyền neo buộc sát bờ, sóng dềnh lên, thuyền chòng chành xô nghiêng về một phía. Lòng hồ mênh mang màu xám đục. Những lúc trời nắng ráo, người ta sẽ cảm nhận được hàng chục cù lao xanh in mình bên bóng nước. Phía thượng nguồn, từng ngọn núi răng cưa đổ ra hai bên bờ sông Gâm, nhiều đoạn thắt lại, nước chảy xiết, vỗ mạnh vào ghềnh đá, bọt tung trắng xóa. Nơi ấy, trong cái màu xanh bất tận là vùng lõi của khu bảo tồn Tát Kẻ- Bản Bung, rộng trên hai mươi mốt nghìn ha, nằm trải dài qua Thanh Tương, Côn Lôn, Khau Tinh và Sơn Phú, với một thảm thực vật dày, là nơi trú ngụ của loài động vật đặc hữu, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới.

Lộ trình sông Gâm đổ nước xuôi dòng bắt buộc phải đi qua bình địa của khu bào tồn này. Núi non trùng điệp, địa hình hiểm trở, có lúc lòng sông đủng đỉnh chảy, nhưng gặp đoạn thắt lại, con sông bỗng chốc như chú ngựa bất kham, hung hãn tung bờm phi nước đại. Trên một khúc sông vắng, người ta nom thấy lỗ đá giống hình mũi trâu, đồng bào Tày gọi là Đăng Vài. Cánh lái thuyền có kinh nghiệm là hễ gặp nước sông Gâm thấp hơn Đăng Vài thì thuyền qua được, còn mực nước dâng cao, réo phì phì như trâu thở thì chấp nhận buộc thuyền chờ lũ rút. Chính sự hiểm trở và huyền bí của đại ngàn nên nhiều công trình tín ngưỡng nằm dọc đôi bờ sông Gâm đã hình thành từ rất sớm. Ngay tại ngã ba Pắc Vãng, nơi giao thoa của hai nền văn hóa, ngôi đền thờ Quan Đế đại thần đã được dựng lên. Dưới chân Pắc Tạ, ngọn núi cao nhất ở huyện Na Hang, nằm phía bên kia công trình thủy điện, không chỉ gắn với truyền thuyết về chú voi nghiện rượu nhưng có công đánh giặc, được phong tước Voi Quận công mà còn tồn tại ngôi đền thờ phụng vị hôn thê của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, vị tướng từng trấn thủ Tuyên Quang dưới thời nhà Trần. Tôi lần tìm lát cắt thời gian những dấu xưa của cổ nhân và nghe kể rằng, cánh lái thuyền mỗi lần chở khách ngang qua đều chắp tay thành kính mà mong sự trở che từ đấng tiền nhân cho những chuyến đi thuận buồm xuôi gió.

Tôi đã nhiều lần lên Na Hang và được các anh ở huyện bố trí thăm thú lòng hồ. Nhưng anh bạn nhà văn của tôi lại là vị khách lần đầu đến với vùng đất gắn liền với những truyền thuyết. Suốt từ sáng, anh có có vẻ háo hức vì muốn được khám phá một miền sông nước mà trong chuyến đi anh đã được nghe kể nhiều về nó. Từng câu chuyện về cuộc sống, về bản sắc văn hóa mà cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây sáng tạo, gìn giữ, đến chuyện chinh phục dòng sông Gâm, sông Năng để tạo nên một công trình thủy điện kỳ vĩ, một công trình thuộc diện lớn nhất của cả nước, có nhiệm vụ bổ sung vào lưới điện quốc gia, điều tiết nguồn nước và cắt lũ cho vùng hạ lưu. Chính những câu chuyện này đã gợi lên trong tâm trí anh bạn nhà văn của tôi những điều giản dị về một miền đất và khát vọng lớn lao của người dân nơi rẻo cao.

Ngay buổi làm việc với các anh lãnh đạo huyện Na Hang trong buổi sáng hôm trước, chúng tôi đã được nghe báo cáo khát quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, về thế mạnh của huyện trong khai thác tiềm năng mà một trong những nhiệm vụ đặt ra cho đảng bộ, chính quyền huyện là tích cực liên kết, tạo nên những tour tuyến kết nối du lịch lòng hồ thủy điện với các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang và Bắc Cạn. Việc kết nối này sẽ là động lực để du lịch Na Hang cất cánh. Nhưng nhìn từ thực tế, để có được một công trình thủy điện kỳ vĩ như hôm nay, đã có trên mười hai nghìn hộ gia đình đồng bào các dân tộc trong huyện chấp nhận hi sinh khi phải dời bỏ nhà cửa, mồ mả ông bà để di dời đến nơi ở mới. Một con số khổng lồ, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của đảng bộ, chính quyền địa phương và của cả tỉnh trong việc bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống cho đồng bào di bén tại chỗ và di dân tại các huyện khác trong tỉnh. Tất cả vì một “dòng điện của ngày mai tươi sáng”, đồng bào vui vẻ gánh theo tên đất, tên làng, gánh theo cả nết ăn, nết ở, phong tục tập quán lâu đời mang về nơi ở mới, để bây giờ Na Hang có được một vùng lòng hồ rộng tám nghìn ha, với hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ nhô lên mặt nước xanh biếc, tạo nên cảnh quan thơ mộng như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Một vùng lòng hồ trải dài suốt từ thị trấn Na Hang sang các xã khu C của huyện, rồi kéo dài sang cả huyện mới Lâm Bình, hình thành nên một quần thể khu du lịch độc đáo, níu mỗi bước chân du khách khi tìm về với vùng đất huyền thoại.

Đứng chờ thuyền để ra thăm khu vực chăn nuôi thủy sản của huyện, chúng tôi có dịp ngắm toàn bộ khung cảnh của công trình thủy điện. Trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt, những con thuyền nằm nép mình bên sóng. Từng cơn gió rừng thổi về lành lạnh. Bỗng chốc màn mưa trắng xóa, mưa lóc bóc dềnh lên dưới chân Bến Thủy. Ngang phía trước mặt, hàng chục hòn đảo nhỏ giờ chỉ còn nhìn thấy từng vệt xanh mờ ảo. Ngay cả ngọn núi Pắc Tạ, một biểu tượng của Na Hang nằm ngay chân Bến Thủy cũng không còn nom thấy rõ nữa. Những dãy phố mềm mại nép mình bên đôi bờ sông Gâm ở phía hạ nguồn đang chìm sâu vào cái màu trắng xám lạnh của trận mưa rừng dai dẳng. Em bảo, mưa rừng thế này sẽ không thể tạnh ngay được, nên chúng tôi quyết định đội mưa xuống thuyền ra đảo. Một sĩ quan công an mà huyện bố trí trực tiếp đưa chúng tôi ra đảo đang chờ sẵn dưới chân Bến Thủy. Con thuyền nổ máy và lao vút đi trong mưa, bọt sóng vỗ mạnh vào hai bên mạn thuyền, kéo vệt dài chạy xuôi về phía sau. Từng hạt mưa quất vào mặt, mang theo cái lạnh của một ngày mưa nõn.

Trong cái vệt trắng mờ trước mặt, tôi nhận ra các lồng bè nuôi cá xếp sát vào nhau, ẩn mình nơi vách đá dựng. Ngoài khu vực chăn nuôi trồng thủy sản dưới chân Bến Thủy thì ngay dưới chân thác Mơ cũng là nơi được huyện quy hoạch để đưa vào chăn nuôi thủy sản. Bởi đây là điều kiện lý tưởng khi nguồn nước đảm bảo độ sâu cần thiết, đã được huyện khảo sát, kiểm tra môi trường và đặc biệt là đảm bảo yếu tố về độ đậm đặc lượng thức ăn phù du sinh vật. Ngay sau khi được quy hoạch và kiểm tra chất lượng nguồn nước, đáp ứng đủ các yếu tố phục vụ nhu cầu chăn nuôi thì một số doanh nghiệp và hộ cá thể đã trực tiếp đầu tư xây dựng hệ thống các lồng bè có quy mô lớn tại khu vực eo ngách của công trình thủy điện. Công ty thủy sản Nhận Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đến đầu tư nuôi trồng thủy sản ngay dưới chân thác Mơ, với quy mô trên bốn mươi lồng cá đặc sản, mỗi lồng có quy mô gần ba mươi mét vuông. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nổi bồng bền nơi sóng nước, anh Lại Xuân Tuấn, người quản lý trực tiếp chăn nuôi ở đây hồ hởi nói: Bọn tôi đã trụ lại nơi này ba năm rồi đấy.

- Đầu tư hàng tỉ đồng vào cá, có khi nào các anh đối mặt với rủi ro không? Tôi hỏi.

Anh Tuấn cười lành hiền:

- Có chứ. Nghề nào cũng có những rủi ro cả. Nhưng nghề chăn nuôi cá lồng thì tính rủi ro nhiều hơn, bởi lơ là một chút khi dịch bệnh phát sinh, chỉ cần qua một đêm là sáng hôm sau những con cá đầu tiên chết nổi lên, có những đợt mà lượng cá nuôi chết đến gần một nửa.

Anh Tuấn không phải là dân bản địa, nhưng nhờ tình yêu với mảnh đất này mà sẵn sàng khăn gói từ Quảng Ninh để ngược lên Na Hang, tham gia chăn nuôi cùng với những người bạn ở Tuyên Quang. Những ngày đầu mới đặt chân lên đây, mọi việc đều rất khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất mà những người tham gia nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện gặp phải là vốn, kinh nghiệm sản xuất. Bởi trên thực tế, ngoài yếu tố cần thiết về mặt lý thuyết thì kinh nghiệm luôn là cái quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển của cá trên lòng hồ. Thời điểm mới bắt tay vào chăn nuôi, Công ty Nhật Nam chỉ mới dừng lại quy mô hai mươi lồng, chủ yếu là giống cá rô phi đơn tính, kết hợp với việc thử nghiệm một số giống cá khác, như: Cá chiên, cá quả, cá lăng chấm… Ở mỗi loại cá đều có những đặc tính khác nhau về môi trường nước, nguồn thức ăn nên việc theo dõi và xử lý kỹ thuật chăn nuôi luôn được anh Tuấn cùng các cộng sự của mình tuân thủ nghiêm ngặt. Nhiều kỷ niệm trong quý trình chăn nuôi đã gắn liền với những ngư dân này.

Anh Tuấn kể: Có những đêm mưa gió, mấy anh em chả thể nào ngủ được vì mỗi mùa mưa bão sẽ lại có thêm nhiều mối lo. Chúng tôi thay phiên nhau túc trực đến sáng, bì bõm lội mưa ra kiểm tra từng lồng cá xem bão có hất tung những chiếc lồng mỏng manh lên không. Mùa nước lên, đất lở, cây cối từ thượng nguồn đổ về và dạt vào, có nguy cơ cuốn phăng đi từng lồng cá. Nhưng lo nhất là sau mưa bão thì dịch bệnh trên cá cũng phát sinh theo nên việc chủ động công tác phòng trừ cũng được khẩn trương tiến hành. Mà như anh thấy đấy, làm ra được sản phẩm cung cấp cho thị trường là cả một quá trình anh em trong công ty bắt buộc phải đi qua những khó khăn, vất vả.

Chúng tôi trầm ngâm và nhìn ra ngoài trời mưa. Cơn mưa vẫn nồng nàn đổ xuống mà không có dấu hiệu sẽ ngớt trong một thời gian gần. Dưới chân chúng tôi, những chú cá đủ kích cỡ, chủng loại đang xao động đớp mồi, thỉnh thoảng chúng quẫy lên, tạo nên những vùng nước cuộn sóng. Từng chiếc ô lồng vuông vức đều có những cảnh như vậy, nom rất thích mắt. Chỉ tay một số chiếc lồng chứa đựng những loại cá có trọng lượng từ ba đến năm kg, anh Tuấn bảo, cũng đang chuẩn bị xuất bán trong thời gian tới để kịp nuôi kế tiếp lứa sau. Thành quả có được qua gian khó đã hiển hiện trước mắt, mỗi năm công ty xuất bán ra ngoài thị trường từ một trăm đến một trăm năm mươi tấn sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập cao và tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Nhìn những công nhân ở đây đội mưa chăm sóc đàn cá đặc sản, mới thấy hết được tinh thần trách nhiệm và cả tình yêu với nghề. Ngay như anh Tuấn, những ngày dời Quảng Ninh lên đây, anh chấp nhận để lại vợ con ở quê mà đến với một công việc khá mới mẻ, chấp nhận những khó khăn trước mắt cần phải vượt qua. Đã ba năm gắn bó nghề sông nước, gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, công việc cuốn đi, chả mấy khi có dịp về lại quê nhà. Nhiều đêm mất ngủ, nằm thao thức mà thương nhớ một miền nắng gió, thương vợ con đằng đẵng phía biển xa. Thấy tôi thắc mắc, anh Tuấn cười hiền lành:

- Mỗi năm mình dành thời gian về nhà hai lần thôi. Xa mấy trăm cây số, công việc ở đây đòi hỏi phải có mặt thường xuyên nên đành chịu vậy. Lâu rồi cũng quen, giờ về nhà có khi lại chả quen với nếp sống ở đó ấy chứ!

Có một nỗi day dứt nào đó chợt ùa vào trong lòng tôi. Hóa ra ở đây đã có sự đánh đổi và hi sinh rất lớn để cho những mùa cá sinh sôi. Anh Tuấn và hàng chục hộ nông dân bản địa sinh sống bên thềm sông trước kia chỉ quen với cái nương, cái rẫy giờ đây đã trở thành những ngư dân chấp nhận một cuộc sống lênh đênh trên sông nước lòng hồ, tạo nên những khu vực chăn nuôi thủy sản mang lại kế sinh nhai mới. Huyện cũng đã tạo điều kiện để ngư dân đầu tư phát triển quy mô của các lồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật và lựa chọn cơ cấu giống phù hợp vào chăn nuôi. Điều đó đã mở ra triển vọng trong cơ cấu kinh tế, tận dụng được các điều kiện về tiềm năng lợi thế mặt nước lòng hồ nuôi trong chiến lược phát triển nghề trồng thủy sản. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 500 lồng cá, sản lượng hàng năm đạt trên ba trăm tấn. Ngoài một số giống cá thuần chủng, huyện cũng đã đưa vào nuôi trồng thử nghiệm thêm cá chiên, lăng lai và cá bống, đặc biệt là cũng đã nuôi trồng khảo nghiệm thành công đối với loại cá Anh vũ, một loại cá đặc sản đã từng được tiến vua. Đây là giống cá sống trong các kẽ đá dưới độ sâu hàng chục mét trên lưu vực sông Gâm và chúng chỉ sinh trưởng được ở môi trường sống hoang dã. Tuy nhiên, giờ đây bằng các nghiên cứu và ứng dụng mới, việc chăn nuôi loại cá đặc sản này đang hứa hẹn bước thay đổi mới cho ngư dân sinh sống trên sông nước.

Một vùng núi non, một vùng văn hoá đa sắc tộc sống quần cư trong các thung lũng có sự bao bọc của những cánh rừng đại ngàn và trải qua hàng trăm năm vỡ đất lập bản, lập làng, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Na Hang nuôi dưỡng một kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo. Các lễ hội Lồng tông, hát then, cọi của đồng bào dân tộc Tày và lễ cấp sắc, hát páo dung của đồng bào dân tộc Dao vẫn như mạch nước nguồn đổ về nuôi dưỡng những con người nơi non cao. Để trẻ con biết vịn vào câu hát mà lớn lên, người già biết vịn vào câu hát mà khuyên răn con cháu từng nết ăn, nết ở. Có một điều lạ là, hầu như ở Na Hang, trên mỗi ngọn núi, mỗi cánh rừng và trong mỗi trầm tích đất đá đều lưu giữ những truyền thuyết mà người dân bản địa sáng tạo nên, nhằm lý giải về hiện tượng tự nhiên, trở thành khát vọng sống mãnh liệt của cộng đồng dân cư, gắn liền với truyền thuyết về loài chim phượng hoàng.

Trên dòng sông Gâm, từ khi công trình thủy điện tích nước, hòa vào dòng điện quốc gia đã hình thành nên một kỳ quan mới, với hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ nhô lên mặt nước xanh biếc, được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa miền non cao. Trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch trước mắt cũng như lâu dài, huyện Na Hang đã phối hợp với các tỉnh Bắc Cạn, Hà Giang, Cao Bằng thành lập tour du lịch bằng đường thuỷ, kết nối giữa lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang với các điểm du lịch của ba tỉnh này, nhằm nâng cấp tour vận chuyển khách bằng đường thuỷ thành tuyến du lịch trọng điểm, thu hút nhiều thành phần kinh tế trực tiếp tham gia và khai thác.

Cơn mưa rừng trong buổi sáng cũng đã bắt đầu ngớt dần, chúng tôi trở ra thị trấn Na Hang để kịp làm việc với các anh lãnh đạo huyện. Chiếc thuyền chòng chành, rồi lướt đi trên sóng nước mênh mông. Khuôn mặt mỗi người đều hằn in những ngổn ngang suy tư về một vùng đất. Dưới chân chúng tôi đứng, trong làn nước xanh như mắt người con gái, đâu sẽ là dấu tích của những bản làng trù phú, của những đêm em ngồi dệt vuông thổ cẩm chuẩn bị đi làm dâu nhà người. Giờ tất đã chìm vào sâu thẳm của nước, của mây trời.

Lại chợt nhớ và lần tìm xem, dưới cái màu xanh kỳ ảo kia, nơi nào đã hằn in dấu chân tôi trong những chuyến ngược rừng theo đoàn khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di chỉ. Bởi theo các nhà khảo cổ học, Na Hang là vùng đất sinh tồn và phát triển của con người từ rất sớm. Văn hoá sơ kỳ đá mới với đặc trưng là văn hoá Hoà Bình đã để lại dấu ấn đậm nét ở vùng sơn khối đá vôi, với sự phát hiện của 14 di tích văn hoá Hoà Bình cả ở trong hang động lẫn thềm sông vùng lòng hồ Na Hang là một đóng góp to lớn trong nhận thức về người tiền sử Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung. Riêng địa điểm Phia Vài thuộc xã Xuân Tiến trước kia với việc phát hiện hàng trăm công cụ đá cùng di cốt bán hóa thạch cách nay trên mười hai nghìn năm đã đóng góp vào tiền sử khu vực Đông Nam Á những tài liệu cổ nhân vô cùng quý giá. Một trong những giá trị rất quan trọng của di tích này cùng một số di chỉ khác trên địa bàn huyện là minh chứng về một vùng đất có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời và liên tục, luôn gắn với quá trình phát triển của các khu vực văn hoá lâu đời của người tiền sử.

Về đến thị trấn miền sơn cước đã gần trưa, cơn mưa bắt đầu ngớt dần. Tôi kịp nhận ra sau mớ tóc dày sũng nước, khuôn mặt em hồng lên ánh lửa, tỏa dâng hơi ấm của tình đất, tình người Na Hang, như xua đi chút se lạnh của mưa rừng, gió núi. Trong bữa cơm ngày bão nổi được bày ra, chúng tôi nhâm nhi hơi rượu ngô men lá cay nồng, thưởng thức sản phẩm cá đặc sản nuôi trồng trên lòng hồ thủy điện. Những câu chuyện theo hơi ấm men lá cứ rộn ràng không dứt. Em ngồi trầm ngâm rót rượu, đôi mắt nhìn xa xăm. Chỉ lát nữa thôi, chúng tôi sẽ phải dời xa mảnh đất nơi non cao này, với những huyền thoại còn lưu giữ trong từng trầm tích đất đá và trong cái mênh mông màu nước lòng hồ. Tôi cũng đã uống thứ cay nồng ấy để cảm nhận cho riêng mình về cuộc sống giản dị mà đôn hậu của người xứ núi, để trong lòng chợt ngân lên: “Khi phố xá và em và tôi thấy, mảnh đất này trong ký ức ta mang”.

Nguồn Văn nghệ số 38/2020

 


Có thể bạn quan tâm