April 26, 2024, 3:36 am

Mùa thương nhớ

Đôi khi chỉ một mùi hương, mùi vị quen thuộc có thể đánh thức cả năm tháng lãng quên. Tôi gọi tháng Chạp là mùa thương nhớ. Những ngày cuối năm, rét luồn trong da, mùi Tết trong tâm, lòng ngược về ngày tháng cũ...

Nhớ nhất cái quán nhỏ bán hương đèn đường bột gần Lầu Chuông trong chợ Đông Ba - Huế mạ ngồi mấy chục năm. Gần Tết, từ trường Đồng Khánh tôi đón xe bus Từ Đàm về chợ phụ mạ. Mạ ngồi giữa ngổn ngang hàng hóa, trong chiếc áo dài cũ sờn, đẹp nền nã tần tảo kiểu phụ nữ Huế. Tôi giúp mạ xúc đường, cân bột, thối tiền rồi xách túi me, gừng ra bến xe lam. Mạ dặn với: Có mấy con mắm chuồn trong đó. Thế là biết tối nay có món tuyệt hảo mùa đông. Cơm trắng, mắm đỏ au, miếng ba chỉ trong veo, rưới chút nước kho nồng nàn tiêu ớt, rắc chút lạnh mùa đông, ăn đến đâu thấm đến đó. Tháng Chạp, đất trời trắng xoá màu mưa, dầm dề, lướt thướt. Gió mưa khó kiếm ra cái ăn lại khiến con người mau đói. Chỉ cần thẩu mỡ, thẩu ruốc, ngó quanh vườn là có cái ăn. Vài quả chuối xanh, trái mít non, nắm lá lốt, mấy chột nưa, nắm rau tập tàng đủ có món canh thơm lừng nóng hổi, kèm đĩa muối sả ngon tái tê dù thịt thay bằng đậu phộng.

Mùa mứt Tết

Tháng Chạp, căn bếp mồ hóng của mạ giăng đầy thau chậu, ngổn ngang vật liệu làm mứt. Mạ chỉ huy các cô con gái làm mứt Tết. Chị tôi gọt me, gọt quất giỏi nhất nhà. Những ngón tay thon đẹp như bạch ngọc luồn lách mũi dao nhọn không để lại một vệt xước trên lớp thịt me nõn nường. Cũng điệu nghệ như vậy, chiếc đũa tre chẻ hai kẹp lưỡi dao lam ở giữa trở thành chiếc đũa thần lướt dịu êm trên làn da quất vàng óng mỏng tang, lia những đường vỏ mỏng mảnh thơm ngát. Gian bếp đen sì ám khói của mạ ngát hương. Đêm sực nức hương gừng, ấm cả ngọn gió. Đêm ngào ngạt hương sen, không khí cũng đài các. Đêm ngan ngát hương quất. Đêm béo ngậy hương dừa. Đêm rối lòng rối dạ với mứt mót từ vỏ quất, vụn gừng, vụn dừa, vụn thơm... rim với đường vét từ của các thứ mứt đã làm thành một thứ thập cẩm ăn nhớ suốt đời.

Giờ mấy ai làm mứt. Cần thì mua ở chợ, siêu thị. Mua về chẳng có người ăn. Người lớn sợ đường. Con nít thích thứ khác. Gió không còn đưa hương. Bếp không còn rộn ràng vui ấm. Mùi mứt Tết chỉ còn trong ký ức...  

Giữa hoàng mai, nhớ hoàng mai...

Chậu nối chậu. Hàng nối hàng. Bonsai uốn thế đủ kiểu gò bó trong chậu. Mai vài chục cánh gối lên nhau. Có chậu ghép nhiều loại, nhiều sắc, nhiều hương. Tìm mai trời sinh 5 cánh đẹp tự nhiên chưa bị biến tấu thấy hiếm bởi cách thưởng mai mỗi thời mỗi khác. Nhớ nhành mai mua của người đàn bà tất tả chạy về thành phố chiều cuối năm nào. Hoa tươi rói. Người bán như nhánh củi gầy, nón lật ngược đằng sau.

Tôi cầm mai còn chị cầm tiền quay về. Vẫn chạy. Chạy được mấy bước còn quay lại tặng tôi nụ cười. Dường như chị mừng vì không phải xuống phố. Nụ cười ấy không tàn trong lòng tôi.

Tháng Chạp nhớ cội hoàng mai đứng kề bể nước mưa trong vườn ông. Ngày trảy lá cũng là ngày xanh đất. Cây to cao nên bầy cháu được huy động. Mỗi đứa một cành, bắc ghế hoặc leo cây. Ông vừa trảy lá vừa xuýt xoa: “Huynh chịu khó để đệ vặt lá cho huynh ra hoa”. Ông thấu hiểu nỗi đau mà loài cây ấy phải trải để khai hoa nở nhụy vẻ đẹp. Trút lá xong, cội mai già kiêu hãnh đứng trơ bộ xương kiều diễm, vươn cái dáng do đất trời và thời gian chạm khắc, gầy guộc mà vững chãi, thách thức và đón đợi…

Lũ cháu nôn nao đợi Tết để được ăn bánh mứt, mặc đồ mới và được những đồng tiền mừng tuổi. Còn ông đợi ngắm hoàng mai. Những tờ lịch cuối cùng của năm càng vợi thì “cụ mai” càng trẻ lại, toàn thân như toả ánh xanh bởi nghìn nghịt nụ căng mẩy, ngời ngợi màu ngọc bích. Khi cả nhà bận rộn gói bánh tét thì ông bắc ghế đợi “cụ” hé nụ cười đầu tiên, nụ cười ấm áp màu nắng tháng chạp. Rồi nụ nối nụ, hoa nối hoa, mảnh sân con rực rỡ lạ thường bởi cây mai vàng trước ngõ thả những chùm nắng rơi. Ba ngày Tết, ngoại trừ hoa trên bàn thờ tổ tiên, nhà không cắm bình hoa nào cả. Cội mai đã là một bình hoa vĩ đại cắm từ lòng mẹ đất. Có bình hoa ấy, xuân về trước ngõ.

Tháng chạp áo guốc mới

Mỗi đứa được may một bộ áo dài vừa mặc Tết vừa đi học. Năm đệ nhị, tôi được may áo dài mới bằng vải kate mỏng nhẹ thay cho poplin dày cộm sột soạt các năm trước. Áo có dây ngang eo. Mạ còn mua cho áo ngực, guốc Đakao. Đấy là kiểu guốc thời trang thời đó cô gái nào cũng mơ ước vì đi vào tôn dáng. Guốc phủ sơn mài, thân guốc có hình hoa lá, quai nhung thêu cườm, gót sắt nhọn hoắt đóng đợn nhựa, cao từ năm phân đến một tấc. Nhưng tôi nhường guốc Đakao cho chị vì chị mang vào yểu điệu thục nữ. Còn tôi, chân gầy, vẫn guốc Hương Bình quai nhựa trắng trong.

Mạ cúng giao thừa trong tiếng pháo xen tiếng súng. Hương trầm bảng lảng, ánh nến lung linh gọi hồn thiên cổ. Mạ bắt chúng tôi mặc áo dài lạy. Đó là giây phút giao hòa thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, con cháu gặp tổ tiên phải tinh tươm, thành kính. Mặc áo dài mới lúc giao thừa thấy mình là lạ, e ấp như khoảnh khắc nụ thành hoa, trẻ con thành thiếu nữ. Con em sực nhớ nó để quên quần trong tủ. Nhưng sau giao thừa, đặt chân lên thềm năm mới, mạ cấm không được mở tủ sợ tiền ra cả năm nên trong ba chị em, nó vẫn là đứa con nít ôm áo không quần mếu máo.

Nỗi lòng hoa...

20 Tết. Trước quảng trường và quanh đó được phân lô cho người tham dự hội hoa xuân thành phố. Hoa tứ phương theo xe tải đổ về Đà Nẵng vẻ đẹp muôn hồng nghìn tía. Đào Nhật Tân ủ rét phương Bắc. Mai Phú Yên gửi nắng phương Nam. Tulip Đà Lạt trang đài với những sắc hoa kỳ diệu… và nghìn nghịt hoa đủ màu, đủ loại chen chân, nối hàng bên cây cảnh lên ngôi. Bonsai đủ thế dồn nén trong khuôn phép sức sống mãnh liệt và bao điều muốn nói. Hoa nối hoa, đẹp kề đẹp, bãi cỏ, ven đường bừng lên sắc xuân rực rỡ. Hoa xa có vẻ lấn lướt hoa gần bởi giống mới lạ và thời tiết ổn định. Mai Huế, mai Hội An thất thường mưa gió lưa thưa hoa trên cành gầy. Thương những nhánh mai quê 5 cánh lẻ loi cắm trong bàn tay dãi dầu đen sạm. Những chậu thược dược, mào gà, vạn thọ bình dị của những làng hoa đang biến mất dần trong quá trình đô thị hóa, cũng về góp mặt chen chân…

Hoa nghìn nghịt mà người mua lác đác. Hồng nở đến sốt ruột. Cúc đại đóa vàng cháy lòng. Quất lúc lỉu quả như bầy con chờ mẹ. Tháng cuối trời lắm nỗi niềm, gió mưa dùng dằng đi ở. Mới hé nắng đã òa mưa. Người bán co ro trong các lều tạm hun hút gió lùa, chảy dài theo hoa ế. Lạnh có thấm gì với nỗi lo. Nắng lo hoa nở sớm. Mưa lo hoa bầm dập. Một năm chăm chút cái đẹp, dồn hy vọng trong mươi ngày.

Rồi trời cũng hửng. Thứ nắng ốm mỏng tang, lọt từng tia, nhỏ từng giọt cũng đủ cho hoa ửng sắc, người bớt nhợt. Chợ hoa nóng lên từng ngày. Năm cạn đáy, dù nhiều hay ít tiền ai cũng muốn có sắc xuân trong nhà. Cuộc mua bán cái đẹp diễn ra khốc liệt từng giờ và cũng lắm nỗi niềm. Người phương Bắc chọn cành đào gợi nhớ Tết xa. Cơ quan, doanh nghiệp chọn thế quất, thế mai biểu tượng phát đạt, viên mãn. Nhiều tiền mua cái rẹt. Ít tiền ngần ngại đắn đo.

Đợi cúng giao thừa, tôi đi chợ hoa tàn ngắm niềm vui đắng đót. Đó là thời khắc người nghèo mua hoa vét. Hoa loại ba loại bốn. Người loại năm, loại sáu. Giá nào cũng bán. Bán đổ bán tháo để về nhà kịp đón năm mới. Người mua hể hả vì chỉ cần mấy chục bạc là rước xuân về trước ngõ. Người bán nhẹ lòng vì không mang tội quẳng hoa đem chậu về.

Hội tàn. Đoàn xe lại nối đuôi nhau hối hả băng qua đêm bỏ lại đám hoa tàn lá rụng cho công nhân vệ sinh mướt mồ hôi dọn kịp đón giao thừa. Chỏng chơ trên bãi cỏ nhàu nát chậu bể, cành gãy, hoa úa. Cô công nhân vệ sinh trước khi lùa quét nhặt nhạnh những bông hoa quẳng lại, những bông hoa sẽ được đẹp lần cuối trong cái bình nào đó đón xuân sang.

Đến hẹn lại lên...

Dù vui hay buồn, đến hẹn lại lên... Phố chợ rục rịch đón Tết, một cái Tết không còn 5 K! Người đã khuất đằng sau khung ảnh. Người còn lại biết giá trị khoảnh khắc được sống, được thường. Thấy quý một Tết bình yên, ngõ xóm không giăng dây, dòng người cuồn cuộn hối hả sống.

 Năm cạn đáy. Nến đã thắp, trầm đã xông, mẹ cha sì sụp lạy trong nhà vắng bởi các con đã đặt tour ăn Tết xa nhà. Tết mỗi thời mỗi khác.

Năm cạn đáy. Dọn lòng đón năm mới. Giọt cuối cùng của năm gửi tro bụi. Người đã khuất ngày một đông.

Giọt cuối cùng của năm gửi mùa xuân mới. Trời nói gì đâu? Bốn mùa đổi thay. Buồn vui đến đi...

Tạp bút của Quế Hương

Nguồn Văn nghệ số 1/2023


Có thể bạn quan tâm