March 29, 2024, 9:31 pm

Mùa này hoa bìm bìm đang nở. Truyện ngắn của Hoàng Lệ Thủy

Lín nằm giữa chồng và con trai. Cả chồng và con trai Lín đều ngủ say sưa mà không hề hay biết ngoài trời gió đã bắt đầu nổi lên, quặn từng cơn, gầm gào giận dữ. Ngôi nhà của Lín rung lên bần bật sau mỗi tiếng gầm của gió. Không có tiếng sấm, chỉ thấy những tia chớp lóe lên loằng ngoằng chui cả vào tận trong nhà. Lín thấy sợ, quay sang ôm chặt chồng. Chồng Lín giật mình, bàn tay thô ráp choàng qua lưng vợ vỗ vỗ như dỗ dành rồi lại thèm thuồng ngủ tiếp. Lín thở dài, dụi mặt vào ngực chồng, hít thật sâu mùi mồ hôi nồng nồng của những mùa nương rẫy nhọc nhằn như vẫn bám chặt, ăn sâu vào da vào thịt, dù đã được gột rửa dưới dòng nước trong veo chảy ra từ trong lòng những dãy núi đá.

Trời bắt đầu mưa. Lúc đầu tiếng mưa rơi cứ ngập ngừng, bất chợt ào ào rồi lại tắt, ào ào rồi lại tắt. Vài lần như thế rồi mưa dồn dập, mưa xối xả, mưa như bị nén đã lâu ngày nay không thể nén lại được nữa. Tiếng mưa trên mái nhà cứ roàn roạt như cào vào lòng Lín làm Lín rối bời khó chịu trong người. Biết là không thể ngủ được, Lín gỡ tay chồng ngồi dậy, vén màn chui ra ngoài. Lín đến bên bếp, kéo chiếc ghế mây ngồi xuống, khúc củi được vùi trong gio từ đầu hôm đến giờ vẫn còn âm ỉ cháy, mùi khói bốc lên làm Lín thấy cay cả mũi.

Dạo này Lín thường mất ngủ, không phải chỉ những đêm trời có trăng mà cả những đêm vạn vật tưởng chừng như đều bất động trong bóng tối. Trong đầu Lín toàn nghĩ những việc mà Lín không muốn. Lín hay nghĩ đến người đàn ông không phải là chồng của Lín mặc dù Lín đã cố xua nó đi. Nhưng nó như bóng ma, Lín càng đuổi nó càng theo sát, càng bám chặt. Nó xuất hiện trong lúc Lín ngủ, lúc Lín thức, lúc Lín ở nhà và cả lúc Lín ở trên nương. Lín nhớ lắm ánh mắt buồn da diết người ấy nhìn Lín lúc người ấy bước chân lên chiếc xe tô bóng loáng để về Hà Nội. Ai gặp cũng bảo, Lín dạo này gầy đi nhưng lại xinh hơn. Lín lấy gương ra soi những lúc chồng đi vắng. Lín thấy Lín xinh hơn thật nhưng Lín không dám nhìn mình lâu trong gương. Mắt Lín trong gương buồn lắm mà lại như có điều gì lo lắng cất giấu trong đấy nữa, nó cứ xa xăm như mắt của người bị ma bắt mất hồn mất vía vậy.

Lín lấy chồng lúc tròn 16 tuổi. Khi ấy bà nội Lín còn khỏe lắm, tay chân lanh lẹ, thoăn thoắt như con sóc trên rừng, vậy mà bà cứ sợ chết. Bà bảo: “Cái chết đến không ai biết trước được, ông trời cho sống thì sống, bắt chết thì phải chết thôi. Lín phải có nơi để dựa thì có chết bà mới nhắm được mắt!”.

Ông nội bị cây gỗ to đè chết khi đang chặt gỗ trong rừng. Lúc ấy bà còn đẹp như bông hoa rừng đang độ. Bà không dám soi gương. Mỗi lần soi gương, nước mắt bà cứ chảy tràn ra hai bên gò má, hai mắt lại sưng mọng lên. Bà cứ lầm lũi nuôi con mặc cho cây trên rừng hết mùa thì thay lá, ngô trên rừng già bắp thì cây lụi tàn. Bà như con suối trước nhà, vật vã qua những mùa mưa lũ. Búi tóc trên đầu bà ngày càng bé dần đi, màu tóc không còn đen bóng nữa mà cứ nhạt dần, nhạt dần rồi lốm đốm sợi bạc. Khi ấy bố Lín cũng đã đến tuổi lấy vợ.

Mẹ Lín đẻ Lín được hai tuổi thì bố Lín bỏ nhà đi rồi không trở về nữa. Bà và mẹ Lín đã khóc cạn nước mắt. Bà mang cả áo của bố sang nhà thầy cúng. Thầy cúng cho áo vào chảo rang lên để bố Lín nóng ruột nhưng bố Lín vẫn không về. Nhà chỉ còn ba người đàn bà, đến bữa cơm dọn ra không ai muốn ăn. Có người trong bản mách là đã nhìn thấy bố Lín ở thị trấn cách xa bản đến mấy ngày đi ngựa. Họ xì xầm với nhau, bố Lín bị nghiện thuốc phiện nên mới bỏ nhà ra đi, vì không muốn cho mẹ và vợ biết. Bà bán đàn lợn cả mẹ cả con vừa mới đẻ được mươi ngày cùng vài bao ngô, bảo mẹ Lín giắt tiền vào cạp váy đi tìm bố Lín. Mấy ngày rồi, chiều nào bà cũng địu Lín trên lưng, leo lên cái dốc đầu bản ngóng mẹ Lín trở về. Rồi mẹ Lín cũng về nhưng vẫn chỉ một mình. Vừa bước vào nhà mẹ nằm vật ra khóc ào ào như cơn lũ. Từ đó không ai nhắc đến bố nữa, coi như không có bố trên đời này, nhưng trong bụng bà và mẹ thì vẫn mong ngóng tiếng bước chân đàn ông dừng ngoài cửa liếp.

Một đêm Lín tỉnh giấc vì tiếng khóc của mẹ. Mọi đêm mẹ vẫn hay ôm Lín mà khóc rấm rứt nhưng hôm nay mẹ khóc to, cả bà cũng khóc. Tiếng khóc của hai người đàn bà trong đêm khuya lẫn trong tiếng gió mùa đông đang rít lên ràn rạt trên mái nhà nghe buồn và sợ quá. Lín bịt chặt hai tai lại…

Lín bây giờ đã biết cầm que đuổi gà vào bới ngô đang phơi ngoài sàn, biết ở nhà một mình khi cả bà và mẹ lên nương. Một sáng, Lín thức dậy chỉ thấy bà mà không thấy mẹ. Mấy ngày qua đi rồi mấy đêm nữa vẫn không được gặp mẹ. Lín nhớ mẹ quá. Lín khóc đòi mẹ. Bà dỗ dành Lín bằng một bắp ngô nếp nướng thơm phức nhưng Lín vẫn khóc. Lín khóc nhiều, giọng khàn đặc lại như tiếng mèo gào làm bà cũng khóc theo. Đêm đến, bà lấy cái áo của mẹ gối đầu cho Lín để Lín ngửi mùi mồ hôi của mẹ cho đỡ nhớ. Bà bảo Lín ngoan rồi hôm sau mẹ sẽ về. Lín hỏi bà: “Mẹ Lín đi đâu?”. Bà mếu máo: “Mẹ Lín đi làm, Lín có thương bà thương mẹ thì đừng khóc nữa!”. Lín gật đầu, mắt ầng ậng nước nhưng trong lòng Lín giận mẹ lắm. Sao mẹ đi mà không bảo Lín một lời.

Đến một ngày Lín đã thôi không khóc đòi mẹ nữa thì mẹ về. Khi ấy Lín đang chơi ở gầm sàn với con mèo khoang. Thấy mẹ đẩy cánh cổng tre bước vào, Lín sững lại nhìn mẹ. Lín định gọi mẹ ơi nhưng không gọi được. Mẹ cũng đã nhìn thấy Lín. Mẹ chạy đến bên Lín, giơ tay ra định ôm lấy Lín nhưng Lín đã co chân chạy đi. Bà gọi theo nhưng Lín vẫn chạy mà không quay đầu lại. Ra đến ngoài bờ rào, Lín dừng lại ghé mắt nhìn vào nhà. Mẹ đang đưa tay quệt nước mắt. Mẹ hơi gầy nhưng xinh hơn ngày ở nhà. Gương mặt mẹ như bừng sáng dù nước mắt mẹ đang chảy tràn hai bên gò má. Bây giờ thì bà đã nói hết với Lín rồi. Mẹ đã đến nhà người khác ở. Bà bảo: “Lín nhìn mẹ mà xem, mẹ Lín còn trẻ còn đẹp như thế, nếu cứ giữ mẹ không cho mẹ đi lấy chồng là có tội với mẹ đấy. Mà mẹ có đi đâu thì mẹ vẫn yêu thương Lín. Lín là máu là thịt của mẹ, không bao giờ mẹ lại quên máu thịt của mình. Đúng không Lín!

Dưới gầm sàn, tiếng con gà mẹ lục tục gọi đàn con dậy, đàn gà con nháo nhác kêu “khiếp khiếp”. Trời sắp sáng rồi, mưa đã tạnh từ khi nào mà Lín không biết. Lín đưa tay quệt nước mắt, đứng lên vo gạo cho vào chõ. Cả cái chõ này cũng như còn in dấu bàn tay của ông, của bà. Ông đã tự tay đẽo cái chõ này cho bà, bà đã dùng nó mấy chục năm nay, bây giờ màu gỗ đã trở nên láng bóng.

Lín gọi chồng mấy tiếng rồi mà chồng Lín vẫn không dậy. Chồng Lín vẫn muốn ngủ nên quay mặt vào vách. Lín phải lay, gọi mãi chồng Lín mới mở mắt ra nhìn vợ, ngáp một cái thật to rồi đưa tay cho Lín kéo.

*

Những mảnh nương nhà Lín nằm cheo leo giữa lưng chừng núi. Để đến được nương Lín phải còng lưng qua ba con dốc. Những con dốc dựng đứng, lởm chởm đá sắc như dao, cứa nát bàn chân ai lỡ chạm vào. Người đi sau đầu chạm vào gót chân người đi trước. Bà đã đổ gập người để leo hàng nghìn lần qua những con dốc đó, đã mòn vẹt cả gót chân vì đá tai mèo. Bây giờ Lín lại gập người trên con đường mòn đó, lại dẫm vào những vết chân của bà. Vừa thở Lín vừa nghĩ đến vẻ mặt rầu rầu của bà lúc bà dặn Lín. Bà bảo những mảnh nương đó là do công sức của ông và bà khai phá. Nó đã thấm nhiều mồ hôi và nước mắt của ông bà, nhờ nó mà cả nhà đã sống được mấy chục năm nay. Bà mong Lín sau này sẽ giữ gìn nó như giữ gìn thứ tài sản quý báu ông bà để lại. Bà thương Lín vất vả nhưng không thể đỡ đần cho Lín được nữa rồi. Tuổi già đến, bà như cây bon bị vắt kiệt nước, bây giờ bà chỉ ngồi thôi mà vẫn thấy mệt. Bà ăn ngày càng ít, thở ngày càng nhiều. Lín đã cố gắng phần bà những gì ngon nhất có được nhưng bà vẫn không muốn ăn. Người bà ngày càng quắt lại, da nhăn nheo như quả sơn tra đem phơi nắng. Lưng bà còng gập xuống như đang mải mê tra hạt ngô vào lỗ, như đang nhổ cỏ cho lúa cho ngô. Có lần Lín bảo bà thử đứng thẳng lên, bà ưỡn ngực, hai tay chống vào hông, đau đến ứa nước mắt nhưng mà vẫn chẳng duỗi ra được là bao. Bà bảo Lín: “Nó đã thành như vậy rồi Lín à!”. Lín xoa tay vào lưng bà, những cục xương gồ lên dưới bàn tay của Lín. Nhiều lúc Lín cứ đứng nhìn bà không chớp mắt, không hiểu sao Lín cứ nghĩ, bà là hình ảnh của Lín khi Lín về già. Lín không muốn nhưng tiếng thở dài cứ bung ra…

Bà xa Lín đã hai mùa rẫy rồi. Những ngày cuối cùng, bà nằm mắt nhắm chặt, nhưng mặt quay ra ngoài cửa như có ý mong đợi ai. Lín biết là bà ngóng bố nhưng biết tìm bố ở đâu cho bà bây giờ? Lín biết hỏi ai đây. Lín hỏi ông Giời nhưng ông Giời đâu có nói gì với Lín.

Vợ chồng Lín lên đến nương thì mặt trời cũng vừa thập thò ở rặng núi phía xa. Trời không một gợn mây, cứ như đêm qua chưa hề có cơn gào thét giận dữ của trời đất. Những giọt mưa tối qua vẫn còn vương vãi trên lá cây ngọn cỏ chưa kịp rơi mà Lín đã thấy nóng quá. Áo của Lín và của chồng thấm đẫm mồ hôi, dính bết vào người. Lín quấn lại chiếc khăn che nắng trên mặt rồi bắt đầu cúi xuống…

Những cây ngô thiếu nước thân còi cọc, lá ngô cằn cỗi màu vàng úa vì thiếu phân khẽ rung lên khi Lín chạm tay vào. Lín nghĩ đến cái hòm gỗ đặt ở góc nhà, trong đó số ngô và thóc dự trữ đến mùa sau đã vơi đi quá nửa. Đã mấy vụ ngô rồi, Giời làm nắng lâu ngày, bắp ngô thu về chỉ to bằng con chuột nhắt, bông lúa hái về chẳng chịu cong, đầu cứ chổng ngược lên. Vợ chồng Lín ngày nắng cũng như ngày mưa, mặt thì cúi xuống đất, lưng thì phơi lên trời vậy mà cái đói cái nghèo vẫn không chịu buông tha. Lín nghĩ đến người đàn ông sang trọng với ánh mắt rực lửa mỗi lần nhìn Lín cùng những chiếc xe tô bóng loáng sang trọng lướt êm trên đường làm xôn xao cả bản làng. Bỗng Lín kêu lên, Lín thấy đau nhói ở đầu ngón tay. Lín đưa tay lên nhìn, một giọt máu ứa ra đỏ như màu thỏi son Lín vừa mua ở chợ hôm qua. Một cành cây có gai lẫn trong đám cỏ, Lín không nhìn thấy đã đâm vào tay Lín. Chồng Lín vứt cuốc, chạy đến bên Lín, vội vàng nắm chặt ngón tay của vợ đưa vào mồm mút, mồ hôi túa ra, chảy thành giọt trên gương mặt đen sạm vì nắng và gió

*

Từ ngày bản Lín có điện, đêm đến không ai đi ngủ sớm như trước kia nữa. Người lớn thì đến nhà nhau trò chuyện mãi đến khi lửa trong bếp tàn mới chào nhau ra về. Người trẻ đang ở tuổi tìm chồng tìm vợ thì tụ tập thành từng nhóm đứng ngoài đường, tiếng cười tiếng nói cứ dội vào vách núi. Giữa bản người ta dựng một nhà văn hóa mới vừa đẹp vừa to. Nghe nói bản nào cũng có một nhà văn hóa như thế. Ngày lễ ngày tết, cả bản của Lín tập trung nhau ở đấy. Những chum rượu cần được khiêng ra, người già người trẻ thay nhau vít cần rượu mà uống. Mắt ai cũng long lanh niềm vui, má ai cũng ửng đỏ vì men rượu. Những bàn tay thô ráp đen trũi khéo léo đan chặt vào nhau. Vòng xòe cứ rộng dần, tay trong tay nhịp nhàng theo điệu khèn tiếng trống, tạm quên đi những nhọc nhằn, những lo toan cơm áo muôn thuở, cùng nhau đắm chìm trong niềm vui mà lẽ ra tạo hóa nên ban thưởng thật nhiều cho con người.

Lín có tên trong danh sách đội văn nghệ của bản. Chồng Lín không vui. Trưởng bản động viên: “Vợ anh xinh đẹp giỏi giang nên mới được chọn vào đội văn nghệ đấy, có phải ai cũng được vào đâu. Bây giờ tỉnh ta đang khôi phục lại phong trào văn hóa văn nghệ ở các bản. Các bản khác phát triển mạnh lắm. Bản mình không thể thua họ được. Đây là vinh dự là trách nhiệm lớn của vợ chồng anh. Cố lên nhé!”.

Từ hôm đấy, ngày thì Lín cùng chồng lên nương, tối đến Lín giao việc nhà, giao con cho chồng. Lín phải đi tập múa. Lũ bạn ở đội văn nghệ í ới gọi làm Lín phải ăn vội nốt chỗ cơm trong bát. Lín gỡ tay con, ấn nó vào lòng chồng rồi vội vàng chạy đi. Tiếng khóc của con đuổi theo bước chân của Lín.

Đội văn nghệ của Lín đi thi với đội văn nghệ của các bản khác lần nào cũng đoạt giải. Mỗi lần như thế, cả bản Lín vui như ngày hội lớn, mừng như được mùa ngô. Bên bếp lửa, bây giờ ngoài chuyện nương rẫy mọi người trong bản còn nói chuyện về đội văn nghệ. Ai cũng nhắc đến Lín. Lín là người múa đẹp nhất, hát hay nhất, duyên dáng nhất.  Lín cứ đỏ hồng cả hai má khi nghe mọi người khen.

Những đoàn khách ở tận dưới xuôi khi lên thăm Sơn La đều tìm đến bản của Lín. Khách chân thành bày tỏ ý muốn được ăn cơm ở bản vì các mẹ các chị nấu những món ăn dân tộc ngon quá, lạ quá. “Chỉ là những thứ bình thường thôi mà!”, trưởng bản nói với khách như thế như thế, nhưng giọng nói của ông không giấu được niềm tự hào.

Bản Lín quý khách lắm. Đó là lòng tốt có từ bao đời nay. Vì thế mỗi lần bản có khách, đội văn nghệ lại được mời đến vì khách mong được như vậy. Khách bảo: “Đặc sản của bản Lín là món rau rừng nộm, còn những điệu múa là sợi dây vô hình níu họ lại khó mà dứt ra”. Có những vị khách đến bản của Lín nhiều lần nên trở thành thân quen. Mỗi lần gặp nhau, khách và chủ cứ như người cùng bản. Vòng xòe đã tan từ lâu, gà trên rừng đã vươn cổ gáy mấy lần rồi mà họ vẫn cùng nhau ngồi bên bếp lửa, trò chuyện mãi không muốn chia tay.

Đội văn nghệ của Lín được mời về Hà Nội biểu diễn. Cả bản vui quá, vui như được mùa ngô.Vẻ mặt người nào cũng hân hoan xen lẫn niềm tự hào. Lín bồn chồn, hết nhìn chồng rồi nhìn con, ruột gan rối bời bời. Đây là lần đầu tiên trong đời Lín được về Hà Nội và cũng là lần đầu tiên Lín xa chồng xa con. Lín gỡ đôi tay cứng như cây gỗ lim của chồng đang ôm ghì Lín vào lòng, hôn chùn chụt vào má con rồi xách túi chạy đi. Con Lín khóc thét lên. Không chịu được, Lín định quay về dỗ con nhưng đứa bạn cùng đội múa kéo tay Lín mạnh quá, Lín đành phải vừa chạy theo bạn vừa ngoái cổ lại nhìn…

*

Lín ngắm nhìn những bóng đèn rực rỡ trên sân khấu. Lín cứ ngỡ Lín đang lạc vào một giấc mơ. Đẹp quá, cái gì cũng đẹp, cũng lạ mắt, cũng muốn nhìn. Lín nhìn xuống phía dưới, những vị khán giả ngả người trên ghế, vị nào cũng to béo sang trọng khác hẳn những con người ở bản của Lín.

Người ta vỗ tay, reo lên ầm ĩ khi đội văn nghệ của Lín xuất hiện. Giữa chốn phố phường hiện đại, sự xuất hiện của những cô gái Thái trong trang phục dân tộc như những bông hoa lạ làm cho khán giả thích thú quá. Họ vỗ tay, họ reo lên, họ há mồm im lặng, mắt dán chặt vào sân khấu. Họ không thể ngờ được rằng mới hôm qua thôi, những cô gái này đang cúi gập người trên nương vậy mà hôm nay đã hóa thành những cô tiên duyên dáng. Những thân hình chắc lẳn do quen lao động, những cặp mông căng tròn sau làn váy nhung đen mượt cứ bay cứ lượn như mơ trước mặt họ.

Hết điệu múa, Lín vội vàng thay trang phục. Bây giờ Lín phải một mình bước ra sân khấu trước rất nhiều những cặp mắt lạ lẫm mà không có các bạn bên cạnh Lín. Lín hít một hơi thật sâu rồi bước ra. “Đẹp quá!”. Có ai đó ở hàng ghế đầu không kìm được thốt lên. Lín tươi trẻ dịu dàng như đóa hoa ban trong bộ váy áo cóm của dân tộc Lín. Chiếc áo cóm màu trắng với hàng cúc bạc sáng lấp lánh, trên nền chiếc váy nhung đen nhức, bó sát vào cơ thể chắc lẳn của Lín làm nổi bật những đường cong mềm mại, duyên dáng. Chiếc khăn piêu vắt ngang vai được những ngón tay nhỏ xinh tung rộng ra như cánh của một nàng tiên đang chuẩn bị bay về trời. Không phải Lín bước đi trên sân khấu mà Lín đang bay. Lín là hiện thân của hương, của hoa, của suối ngàn nơi bản làng quê hương Lín. Người ta lắc lư người dõi theo cơ thể mềm như lụa của Lín, lúc thì như những cành cây oằn mình trong mưa bão, lúc lại lững lờ như dòng suối êm ả trôi. Mỗi lần Lín cúi xuống hái hoa rồi lại ưỡn người ra phía sau để cho hoa vào giỏ, cơ thể Lín uốn lượn như dòng suối Nậm La. Dòng Nậm La lúc cong bên này lúc ngả bên kia, hiền hòa mà dữ dội, lặng thầm mà sục sôi. Khi Lín một tay xách giỏ hoa đưa ra phía trước, một tay tung rộng chiếc khăn piêu sặc sỡ sắc màu vừa đi vừa nhảy như con chim pít thì tất cả mọi người đều đứng dậy. Tiếng vỗ tay ầm ầm như sấm đầu mùa làm Lín run cả người, cảm động mờ cả mắt.

Ăn cơm ở chốn thành phố cũng khác bản Lín. Người ta không ngồi khoanh chân trên đệm mà ngồi xung quanh chiếc bàn được trải khăn trắng muốt. Họ xếp các cô gái ngồi rải rác thành nhiều mâm. Lín cứ nhấp nhổm muốn ngồi gần bạn mà không được. Một bàn tay ấm nhưng cứng lắm đã ấn vai Lín ngồi xuống, nắm tay Lín kéo lại.

Phía sau Lín những tiếng cười cứ rộ lên vui quá. Lín quay lại nhìn, cái Ban đứa bạn thân nhất của Lín đang uống rượu “khát vọng” với một người đàn ông lạ lắm. Người đàn ông cao to hơn Ban nhiều quá. Ban phải kiễng cả hai chân lên, môi Ban mới chạm được vào miệng chén. Đầu Ban ngửa ra phía sau, ngực Ban vươn ra phía trước áp sát vào vồng ngực người đàn ông. Lín thấy ngực Ban phập phồng, chiếc áo cóm chật căng như chỉ chực bung ra…

Lín nhìn sang chỗ khác, các bạn Lín cũng đang được những người đàn ông vây xung quanh. Người ta đến để uống chén rượu làm quen, uống để chúc mừng những cô sơn nữ đã mang hương núi hương rừng xuống thành phố, uống để chúc mừng chuyến đi biểu diễn đã thành công ngoài mong đợi, tương lai còn tiến xa hơn nữa… Có nhiều lý do để chúc mừng quá. Mỗi lần chúc là một chén rượu đầy sóng sánh như tình cảm của người đến chúc. Các bạn Lín dịu dàng nâng chén rượu trên tay, mắt đong đưa, miệng cười duyên như hoa pắc mạ trước khi đổ trọn cả chén rượu vào cái miệng xinh tươi chúm chím. Những người đàn ông sung sướng quá, vỗ tay reo lên: “Giỏi quá, thế mới cá tính, mới đậm đà bản sắc chứ!”. Má các bạn Lín hồng lên, mắt long lanh như người lên cơn sốt. Mỗi lần uống xong một chén rượu, người đến mời và người được mời lại chìa bàn tay ra để nắm chặt bàn tay. Có người không kìm nổi, giang rộng vòng tay ôm bạn Lín vào lòng, bàn tay vỗ vỗ vào lưng như đang ban phát phần thưởng cho người con gái đang nóng rừng rực trong tay họ.

Lín quay đi không nhìn nữa. Lín thấy các bạn Lín khác quá, ai cũng xinh hơn, cười nói nhiều hơn ở nhà. Lín cảm thấy một bên má nóng ran. Lín ngước lên nhìn, người đàn ông ấy đang nhìn Lín. Lín đứng lên định chạy đi nhưng không kịp nữa rồi. Người đàn ông đã đến bên, một tay cầm chén rượu, một tay giơ ra, lòng bàn tay để ngửa chờ Lín đặt tay vào. Không thể chối từ, Lín run run đặt bàn tay Lín vào đó, lập tức bàn tay ấy nắm chặt lại. Trước khi nắm, người đàn ông ấy liếc nhìn bàn tay Lín, bây giờ nó trắng trẻo, mềm mại với những chiếc móng tay được gọt giũa rất điệu đà, khác hẳn đôi bàn tay trước đây gần một năm, lần đầu tiên người đàn ông gặp Lín ở bản…

Bản của Lín nằm trên một sườn núi thoai thoải dốc. Những ngôi nhà sàn nhấp nhô dưới những tán cây cổ thụ, thân cây đã mọc đầy rêu xanh. Mùa này hoa bìm bìm đang nở. Những bông hoa tím dịu dàng có ở khắp mọi nơi. Khi lớn lên Lín đã thấy hoa nhiều như vậy rồi. Bà bảo thứ hoa này không biết có từ bao giờ, rễ của nó bám vào từng kẽ đá, ăn sâu vào lòng đất, theo thời gian cứ lan rộng mãi ra, lan đến tận khe núi, xuống tận bờ suối. Mùa đông đến thì lá rụng chỉ còn trơ lại thân cây cứ ngỡ đã chết khô vì khát nước. Nhưng khi những cánh hoa ban cuối cùng đã bay theo gió rời cành rơi xuống đất, những quả ban màu xanh nõn nà đã lúc lỉu trên cành thì cũng là lúc trời làm mưa xuống, sau một đêm ngủ dậy, sáng ra người ta đã thấy những lá non thi nhau mọc ra thành những dây lá. Rồi không lâu sau, cả một sườn núi rộng phủ đầy sắc tím của hoa. Hoa leo trên bờ rào xung quanh nhà. Hoa vươn lên phủ kín những mái nhà sàn có lớp gianh đã gần mục nát vì thời gian. Hoa quấn vào chân người đi lên nương lên rẫy. Lín thường cố tránh không dẫm chân lên những bông hoa. Lín rên lên khi nhìn thấy những bông hoa bị dập nát dưới bàn chân của chồng Lín đi phía trước…

Lín đưa từng chén rượu lên môi, chậm rãi và duyên dáng quá. Những chén rượu lúc Lín đưa lên môi thì đầy sóng sánh, nhưng khi Lín đặt chén xuống bàn thì không còn một giọt. Lín không thể không uống mặc dù Lín rất muốn chối từ. Mỗi khi người đàn ông ấy nâng chén rượu giơ ra trước mặt Lín thì Lín lại ngoan ngoãn nâng chén rượu của mình lên, hai cái chén chạm miệng vào nhau kêu “cách” rất vang. Ông ta vừa uống rượu với Lín vừa đưa Lín trở về với bản của mình bằng một giọng đàn ông trầm buồn và thân mật. Ông ta hỏi thăm những người quen trong bản, hỏi về những nương lúa nương ngô, cả thung lũng hoa màu tím đã giữ hồn ông ta ở lại. Gần một năm rồi nhưng ông ta không lúc nào là không nhớ đến Lín. Nhớ đôi mắt đen buồn ẩn dưới hàng lông mày rậm, nhớ cái cười dịu dàng như hương như hoa, nhớ cả những nương ngô đang mùa bồng con mà khát nước.

Lín uống từng lời người đàn ông nói. Gần một năm rồi Lín mất ăn mất ngủ, Lín thành người ngẩn ngơ, thành người vợ vùng vằng mỗi khi chồng đặt tay lên ngang bụng là do người đàn ông này. Bây giờ người ấy đang ở bên cạnh Lín, rất gần, gần đến nỗi Lín nghe thấy tiếng người ấy thở, ngửi được từ quần áo người ấy có mùi của người thành phố. Lín như người đang khát bỗng gặp dòng nước mát, như ngô trên rẫy đang chết héo bỗng gặp mưa rào. Trai ở bản Lín không ai biết nói hay như thế, chồng Lín không làm cho Lín thấy con tim nhảy loi choi trong ngực như thế. Lín cứ nhìn chằm chặp vào cái miệng rộng của người đàn ông. Người Lín ngày càng rạo rực. Lín gần như lả đi, yếu ớt như ngọn cỏ trước gió. Lín đưa mắt tìm các bạn. Cái Ban đang được một người đàn ông dìu đến chiếc xe ô tô đang mở cửa chờ sẵn. Nó xinh quá, hàng ngày Lín vẫn gặp nó lên nương, sao Lín không nhận thấy nó xinh như thế. Mắt Lín mờ đi, Lín đưa tay dụi mắt. Lín say rượu thành phố rồi. Rượu ở thành phố không giống ở bản Lín, lúc uống thì thấy ngọt nhưng khi xuống khỏi cuống họng rồi thì nó làm cho bụng Lín sôi lên, nó làm cho cái đầu Lín loáng choáng và tay chân Lín thì không làm theo đầu Lín nữa. Lín gục đầu vào ngực người đàn ông. Người đàn ông đỡ Lín trong tay, vuốt tóc cho Lín rồi dìu Lín bước đi…

Trong mơ màng Lín nghe thấy tiếng người ấy thì thầm bên tai: “Lín đẹp như loài hoa màu tím mọc ở thung lũng nơi có bản Tà Sài xa xôi của Lín!”. Tiếng người ấy ngọt ngào như mùi ngô nếp đang vào mùa ngậm sữa. Hình như Lín nghe thấy cả tiếng thì thầm của dòng suối trước nhà, tiếng con chim pí đực thì thầm gọi mái ngoài bãi sậy mỗi khi mùa hoa bìm bìm dịu dàng nở… Cũng lúc ấy Lín vùng vẫy ra khỏi vòng tay người đàn ông thành phố. Lín vùng chạy, trong đầu Lín vang lên một ý nghĩ: Lín sẽ là và mãi mãi sẽ là loài hoa bìm bìm nở ở đầu bản. Loài hoa ấy chỉ đẹp ở bản Tà Sài của Lín thôi…

Nguồn Văn nghệ số 21/2022


Có thể bạn quan tâm