April 25, 2024, 2:48 pm

Mưa lộc trời - lộc tiên tổ, tưới tắm và gột rửa

Mưa rửa đền

 

Mưa rửa đền, mưa thanh tân

ngàn năm Nghĩa Lĩnh còn vần vũ mưa

áo tơi nón lá ngày xưa

vua cùng dân, dân cùng vua cấy cày

 

Mưa rửa đền, mưa bay bay

giọt rơi giếng Ngọc, giọt lầy bến sông

bước chân theo nhịp Trống Đồng

nắm tay nhau múa mừng bông lúa vàng

 

Mưa rửa đền, mưa lan lan

người đi khuất bóng đại ngàn nhớ không

bao dâu bể vẫn chung lòng

“Nhiễu điều...” từ buổi long đong đã thề

 

Mưa rửa đền, mưa tái tê

làng lên phố, phố thành quê nhập nhòa

nước non giờ ngớt can qua

giật mình, toàn chuyện trong nhà... mới lo!

 

Xin trời một trận mưa to

xong rồi nắng, xong rồi mơ... rõ ràng

soi vào giọt nước lang thang

thấy cha ông thuở hồng hoang dõi về.

Khúc Hồng Thiện

(Rút trong tập thơ Cùng nhau nhân từ,

Nxb Văn học, 2018)

 

Lời bình của Phạm Đình Ân

Mặt trời cùng ánh nắng, Mặt trăng cùng ánh trăng; giông gió, bão… là những hiện tượng thiên nhiên - vũ trụ (dạng động) quen thuộc trải qua nghìn triệu năm đối với nhân gian. Mặt trời, Mặt trăng cùng ánh sáng của cả hai từ lâu không chỉ là hình ảnh thông thường mà là biểu tượng văn hóa - nghệ thuật. Riêng về mưa, ở nước ta, một đất nước nông nghiệp lúa nước và cây đồi rừng, số bài thơ hay về mưa có thể gom in được một tập sách dày. Khi hình ảnh mưa trở nên một biểu tượng văn hóa - nghệ thuật, thì mưa còn là một tứ thơ, hình tượng thơ nhuần thấm ý nghĩa tâm linh. Mưa đền cây, Mưa rửa đền,là vậy (Trước đây, có tập thơ nhiều tác giả mang tên chung là Mưa đền cây do Nhà xuất bản Phụ nữ công bố. Tên gọi là vậy nhưng đấy lại không phải là tập thơ chủ yếu nói về mưa).

Nhà thơ Khúc Hồng Thiện không nói đến cơn mưa thông thường. Tác giả mời độc giả trở về với cơn mưa cội nguồn, thời cộng đồng nguyên thủy hoặc thời “Nghiêu - Thuấn”, thời các đời vua Hùng để rồi liên hệ đến hiện tại. “Mưa rửa đền” hôm nay phần nhiều là tưởng tượng khi mưa là chủ thể của hành động này, hoặc mọi người tưởng tượng ra cơn mưa rửa đền, khi vào vai phía hưởng cơn mưa. Đây là lộc mưa (mưa móc?) do hai đấng bậc cùng ban thưởng, một là Trời, hai là ông cha tiên tổ, trút xuống đền, chùa, đình, miếu… Đấy cũng là mưa tâm linh. Cơn mưa cụ thể là mưa ở Đền Hùng lan tỏa ra mọi nơi mà con cháu vua Hùng nối tiếp nghìn đời đang cư trú. Áo tơi nón lá ngày xưa/ vua cùng dân, dân cùng vua cấy cày. Ấy là mưa trong đời sống vật chất làm ăn. Còn đây là mưa trong đời sống tinh thần: bước chân theo nhịp Trống Đồng/ nắm tay nhau múa mừng bông lúa vàng.

Đến hai khổ thơ ba và bốn, độc giả cùng tác giả bước về hiện tại trong khi ngày xưa vẫn hòa nhập vào hôm nay. Trong Mưa rửa đền, mưa lan lan, người xưa hỏi rằng khi đã rời xa đại ngàn nguồn cội, có còn nhớ gì không cái thuở bao dâu bể vẫn chung lòng/ “Nhiễu điều…” từ buổi long đong đã thề; nhắc nhở về mọi lẽ lở bồi, cay đắng và ngọt ngào của kiếp người, trên hết là sự mất còn của giang sơn Tổ quốc, vẻ đậm phai về bản sắc dân tộc.

Cùng cơn mưa, có thể tầm tã hoặc lưa thưa khi này khi khác đằng đẵng cùng lịch sử dân tộc, bài thơ được đẩy dâng đợt mới cao trào: Mưa rửa đền, mưa tái tê/ làng lên phố, phố thành quê nhập nhòa/ nước non giờ ngớt can qua/ giật mình, toàn chuyện trong nhà… mới lo!

Mưa thanh tân, mưa bay bay như vật chứng, hơn thế: là nhân chứng thời vua cùng dân, dân cùng vua cấy cày; nay cũng chính mưa ấy, nhưng đã là mưa lan lan, mưa tái tê khi làng lên phố. Chiến tranh và những năm tháng đói kém đã lùi xa thì lại ngổn ngang, bộn bề nghịch cảnh, bày ra bao nỗi niềm buồn lo, mất mát… Thời đổi mới, được rất nhiều mà mất cũng không ít, bởi văn minh, kỹ nghệ - kinh tế đi lên mà văn hóa, đạo đức xem ra lại có phần đi xuống.

Rồi đến lúc tác giả cùng độc giả phải Xin trời một trận mưa to. Nếp quen tâm lý ứng xử, người ta kêu trời, xin trời khi sa vào hoàn cảnh rất khó khăn. Cùng đồng thời là kính cẩn vái xin cha ông nguồn cội những trận mưa lộc tắm táp, gột rửa hết bụi bặm, rác rưởi, ung nhọt. Mưa rửa đền vừa là của trời (Thiên), vừa là của tổ tiên (Nhân), là mưa thiêng, mưa mầm thiện, tưới tắm nhân gian. Tác giả cho rằng nhân gian nếu soi vào giọt nước lang thang thì sẽ thấy cha ông thuở hồng hoang dõi về. Độc giả cũng có thể nhận ra hình bóng tổ tiên không chỉ từ xa xưa dõi về mà thật sự có mặt ở giọt mưa, trận mưa đang triền miên tiếp nối.

Bài thơ có 5 khổ thì bốn khổ có câu mở đầu tạo thành điệp ngữ (đều đều, nhịp nhàng như những đợt mưa) nhưng biến sắc tăng dần: mưa thanh tân -> mưa bay bay -> mưa lan lan -> mưa tái tê. Đến khổ kết, vị trí điệp ngữ phải nhường cho một câu phá cách: Xin trời một trận mưa to nhằm chốt lại thông điệp của tác phẩm. Hai giọng điệu: lời ân nghĩa và lời phản biện trầm tĩnh, bảo đảm tính khái quát cao về thế thái nhân tình được nương cậy vào thể thơ lục bát là phù hợp.

Mưa rửa đền có thể là một trong những bài thơ hay nhất về mưa thuộc nhánh biểu tượng mưa lộc trời, mưa lộc tổ tiên khi ý nghĩa đã mở sang cả phía thanh lọc, gột rửa. Thêm nữa, trong hàng trăm bài thơ về Đền Hùng được viết ở thời Đổi Mới, mong rằng Mưa rửa đền thuộc số những bài đầu tiên cần được nhắc đến.

Nguồn Văn nghệ số 17/2021


Có thể bạn quan tâm