April 19, 2024, 6:03 pm

Múa Lân xưa ở Sài Gòn, Chợ Lớn

 

Một thời ở miền Nam nói chung và Sài Gòn, Chợ Lớn nói riêng, khi cơn gió cuối đông về mơn man cái lạnh của buổi sớm mai, phố phường tấp nập người xe, ngược xuôi đi lại. Lúc mà trên những hè phố, quán tiệm và các quầy tạp hóa ở khắp các chợ, bày bán những câu đối, cặp liễn đỏ, cùng những phong pháo, khoanh pháo, cuộn tròn, màu hồng tươi hay đỏ rực, bên cạnh những phong bao lì xì nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, những người lớn và cả đám trẻ con lau nhau khắp hang cùng ngõ hẻm đã nghĩ ngay đến cái Tết cận kề, đặc biệt là những chiếc xích lô ba gác, chất đầy những cái đầu lân, ông Địa, cùng cái trống to đùng, và cặp thanh la, vừa đẩy bán dạo, vừa gõ, kéo theo rống rắn một đoàn con nít mê mẩn hò reo...

 

Ảnh internet

Pháo và lân là những món không thể thiếu của người miền Nam thời bấy giờ trong những ngày Tết, thậm chí là trong những dịp lễ trọng đại của quốc gia hay cá nhân, gia đình như khánh thành hay khai trương mua bán, sinh nhật, thượng thọ v.v... Trong quan niệm Tứ linh của người xưa, Lân đứng hàng thứ 2, sau Long và trước Qui, Phụng. Nhưng trên thực tế, chỉ có 2 con là Rùa - Quy và chim Phượng - Phụng, còn LongLân đều là “vật tưởng tượng” của người xưa. Riêng con Lân, thì theo một giai thoại vào thời Trung Hoa cổ đại, có một con vật tên gọi là con Niên, hình dung cổ quái và rất hung dữ, thường xuất hiện vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân, và hay tìm xuống những làng mạc quanh đó, tàn phá mùa màng, gia súc, thậm chí ăn cả thịt người, không có cách nào trừ khử.

Con Niên tuy hung dữ nhưng lại rất sợ nhìn thấy màu đỏ và tiếng ồn. Chính vì nắm được yếu điểm này của con Niên, nên người dân cứ mỗi khi tết về sẽ dán nhiều giấy đỏ trước cửa nhà và đánh trống đánh chiêng cũng như đốt pháo để con Niên không dám vào nhà quấy phá dân làng… Chuyện đến tai Đức Phật Tổ nên ngài sai ông Đại Đầu Phật (còn gọi là Ông Địa) xuống trần thu phục con Niên, trừ hại cho người dân bằng cách cho con niên ăn một loại thảo dược tên là Linh Chi Thảo. Con niên sau khi ăn xong ngủ 1 giấc tỉnh dậy trở nên hiền lành và trở thành thú cưỡi của Ông Địa. Do đó, trong các đoàn múa Lân, ông Địa là người gần gũi, thân thiện nhất với con Lân, là vậy. Và cũng để quên đi những tai họa của con Niên, người ta mới nói trại ra là con Lân.

Theo nhà văn Sơn Nam, múa Lân do người Hoa du nhập vào Việt Nam khoảng những năm cuối thập niên 20, thế kỷ 19. Lúc đó, một đoàn lân chỉ gồm có một con Lân, một ông Địa, một tay trống, một tay đánh thanh la hay chập chõa, cùng dăm người theo hỗ trợ, thay đổi hay giúp những việc lặt vặt khác, thường một đoàn lân, hay còn gọi là “lò Lân”, gồm những người trong một gia đình, hay một lò luyện võ. Thường, người cầm đầu Lân múa, thường là những võ sinh “cao đồ” hoặc “trưởng tràng” của lò võ, có võ nghệ cao cường, để khi có sự cố xảy ra, như tranh chấp, hay tranh tài cùng các lò lân khác, có thể giữ nguyên vẹn cho đầu lân của lò. Bên cạnh là người đánh trống, hoặc do người phụ tá, hoặc do đích thân sư phụ của võ đường, đứng ra đảm nhiệm, và cũng là người có tránh nhiệm giữ vững vàng tiếng trống, không cho trống bị đâm thủng hay đập vỡ lúc tranh chấp. Vì qui định của các lò lân, khi đầu lân, hay trống cái của lò bị vỡ, thủng do đối phương gây ra, thì coi như lò bị “thua”, hoặc xuống cấp, mất giá, so với lò khác là vì vậy.

Khi du nhập vào Việt Nam, múa lân được chia ra làm 2 loại: Nam sư và Bắc sư. Nam sư tức là con lân chúng ta thường hay gọi, thịnh hành ở miền Nam Trung Quốc nhất là tại Quảng Đông. Bắc sư còn gọi là múa sư tử thì được người miền Bắc Trung Quốc ưa chuộng có xuất xứ tại Bắc Kinh.

Múa lân còn được phân ra thành 2 trường phái là: Phật Sơn và Hạt Sơn. Lân múa theo phái Phật Sơn thuộc hổ báo hình, được múa mô phỏng theo cử chỉ, điệu bộ của loài hổ, loài báo động tác mạnh mẽ, oai phong thích hợp cho múa dưới đất hơn. Còn lân múa theo phái Hạt Sơn thuộc Long hình, được mô phỏng theo hình dáng và hành động của loài mèo động tác nhanh nhẹn, nhẹ nhàng thích hợp cho múa trên cao hơn ví dụ như lân múa trên “Mai hoa thung” chẳng hạn. Dần dần sau này cầu kỳ hơn, Nam sư chia thành 7 màu để phân biệt và năm loại lân sử dụng hình ảnh, màu sắc khác nhau tượng trưng cho 5 vị danh tướng thời Tam Quốc. Cụ thể, Lân tượng trưng cho Lưu Bị: nền vàng, lông mày trắng, râu dài và đen, trên đỉnh đầu có treo “Hồng anh” (thường là bông vải đỏ), sau ót vẽ 3 đồng tiền tượng trưng ý nghĩa “hòa khí hữu thiện”, đuôi có 7 màu. Lân tượng trưng Quan Vũ: nền đỏ, lông mày đen, râu dài và đen, mũi xanh lá, sừng tím, sau ót vẽ 2 đồng tiền mang ý nghĩa “trung và nghĩa”, đuôi đỏ pha xanh lá. Lân tượng trưng Trương Phi: nền đen, lông màu đen, râu ngắn và đen, mũi xanh lục, sừng sắt, mắt đỏ, lổ tai cụp vào, sau ót vẽ 1 đồng tiền, đuôi trắng đen, vằn tam giác. Lân tượng trưng Hoàng Trung: Nền vàng hoa mai, râu bạc. Cuối cùng là Triệu Vân: nền vàng, lông mày trắng, mũi xanh lá.

Theo những lò lân xưa ở vùng Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, những đầu lân được thiết kế một cách rất chắc chắn, vì lân luôn phải múa trong các dịp lễ quan trọng và dịp Tết, nên phải cùng song hành với pháo nổ, có những dây pháo dài hàng trăm mét, với những viên pháo đại, nổ lớn và mạnh, nên đầu lân phải được bồi giấy chắc chắn, tránh bị, thủng, rách, nên có đầu lân nặng đến gần 30 kí lô gam, người múa lân phải cầm múa hàng giờ, có khi còn nhảy múa trên “Mai hoa thung”, leo lên cột tre cao trên chục mét, nên người múa phải có sức khỏe, dẻo dai, mới có thể trụ nổi. Sau này khi cấm đốt pháo, đầu lân đã được cải tiến và thiết kế nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Lân múa trong dịp Tết, phải được chọn lựa kỹ càng, con lân đó phải hội đủ bốn quý tướng của tứ linh: hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa và phải do các lò Lân nổi tiếng biểu diễn, đó là một trong những Hội quán nổi tiếng ở vùng Chợ Lớn như Nhơn Nghĩa Đường, Liên Nghĩa, Thắng Nghĩa Đường... Ngoài ra, Lân còn mang nhiều màu sắc như: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Ba màu đầu lân được ưa chuộng nhất là trắng, đỏ và đen. Ba đầu lân thường múa chung với nhau, tượng trưng cho “Ðào viên kết nghĩa” là Lân mặt vàng, râu trắng (Lưu Bị), Lân mặt đỏ râu đen (Quan Vân Trường) và lân mặt đen, râu đen (Trương Phi).

Do tiền thưởng nhiều, và cả do việc thể hiện danh tiếng, thu hút nhiều đệ tử, ngoài việc múa lân, còn tham gia học tập, rèn luyện võ nghệ, nhiều lò lân mời các lão võ sư cao cường, hoặc trong gia tộc, đứng ra điều khiển võ đường, và do có lúc, cũng không tránh khỏi những va chạm “nghề nghiệp”, hay do thách đấu lẫn nhau giữa các lò, mà các lò lân đã ra những qui ước thống nhất và nghiêm ngặt, để ngăn những thách đấu không đáng có như khi có những lò lân, trong khi biểu diễn, phải đối đầu nhau thì tránh các điều bộ như: Khi lân đối diện nhau, không được đưa chân lên “Vuốt sừng”, “Vuốt râu”, “Rửa răng, mài răng”, hoặc “Mở to một bên mắt” nhấp nháy liên tục, hay quay lại “Liếm đuôi” v.v... vì đó là những động tác khiêu khích, xem thường địch thủ hoặc có ý khinh bỉ, hạ nhục đồi thủ, dù đó là vô tình hay cố ý.

Có nhiều tiết điệu múa lân, khi tiếng trống “Tùng tùng, cắc...” nổi lên, cùng tiếng thanh la, chập chõa chạm vào nhau, phấn khích, thì lân bắt đầu biễu diễn, thường là một con lân múa, được gọi là “Độc chiếm ngao đầu”, bộ pháp vững chãi, linh hoạt, thi triển các đường quyền, cước qui định cho đến hết bài, có khi dưới tiếng pháo nổ chát chúa, giấy đỏ bắn ra như mưa rơi, hoa rụng, cùng với tiếng reo hò, cổ vũ của vòng tròn người xem. Lân múa đôi “là song hỉ”, bày tỏ sự hân hoan, vui mừng, cùng chan hòa hạnh phúc, Chồng vợ giao hòa, âm dương hòa hợp... Lân múa ba là “Tam anh”, thể hiện tình bằng hữu của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, gắn bó. Bốn con lân gồm 4 màu trắng, vàng, đỏ, đen, là “Tứ quí hưng long” bốn mùa thịnh vượng, và 5 con lân là “Ngũ phúc lâm môn” Phú, quí, thọ, khang, ninh cho đất nước, gia đình... Đoàn càng lớn, càng danh tiếng, thì số người tham gia đông, nhiều tiết mục hay phong phú. Ngoài ra, người xem càng được thú vị, hồi hộp khi dõi xem lân biểu diễn múa trên “Mai hoa thung” tức gồm nhiều cọc gỗ, cao thấp cách nhau, lân phải nhảy lên và biểu diễn theo bài quyền “Mai hoa” trên đó. Hoặc ngước nhìn lân thoăn thoắt trèo lên cột cao có khi trên 10m để úp bụng xoay vòng, hay há miệng “thụ lộc” từ gia chủ treo trên lầu cao, lấy xuống. Có lẽ hình ảnh đẹp nhất của lân khi trong mịt mù khói pháo, xác pháo đỏ hồng dưới chân và bay quanh như hoa đào ngày tết bay trong gió...

Múa lân xưa, tuy mang tính hình thức giải trí, làm đẹp trong những ngày lễ quan trọng, ngày Tết... song cũng được các bậc thầy của làng võ thuật, nâng lên thành tinh hoa của môn phái, với những bài quyền gia truyền độc đáo, mỗi đoàn mỗi vẽ, mỗi màu sắc độc đáo khác nhau, đề cao lòng dũng cảm, tinh thần võ thuật, tương thân tương trợ, mang lại điều may mắn và niềm vui đến cho mọi nhà mỗi khi có đoàn lân đến “xông đất” hay đi qua, nhân dịp Tết đến, xuân về, lòng người vui vẻ, náo nức...

Trần Hoàng Vy


Có thể bạn quan tâm