April 25, 2024, 4:18 pm

Mưa là nước mắt của trời, của bể dâu nhân thế

1.

Nhà thơ Hà Phạm Phú là người đa tài, lão luyện cả trong nghề báo lẫn văn chương, vừa làm thơ, vừa viết truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch thuật, làm phim truyền hình... Việc nào cũng gặt hái được thành công.

Kể từ tập thơ đầu Hát về nguồn in chung với nhà thơ Lâm Quý năm 1981, đến nay ông đã xuất bản 12 tập truyện ngắn, tiểu thuyết và tản văn; 5 tác phẩm văn học dịch (chủ yếu là của các tác giả Trung Quốc), viết kịch bản văn học cho 5 bộ phim truyền hình, trong đó có kịch bản phim Bác Hồ ở Vân Nam, đồng tác giả với nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Ông cũng là tác giả của 5 tập thơ ấn tượng, đó là các tập Hát về nguồn, Hương nắng tiếng chim, Cỏ yêu, Trăng khuyếtNghe mưa

Nghe mưa là tập thơ mới nhất của ông, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2020. Có thể coi tập thơ này là độc thoại của ông với chính mình về những tháng năm tuổi trẻ, về mẹ và những người thân yêu ruột thịt, về miền quê Đất Tổ Vua Hùng, về những tháng năm ông ở lính, những tháng ngày ông ra nước ngoài công tác, về em và những mộng mơ...

Mưa là nước mắt của Trời. Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đã rất đúng trong nhận định này: Nghe mưa là tập hợp lắng nghe tiếng kêu đau đa thanh. Nghe mình. Nghe thời thế. Nghe cuộc đời. Nghe thân phận. Nghe nỗi bất lực nhưng không tuyệt vọng. Nhưng nếu chỉ nghe thôi, thì cùng lắm cũng chỉ là để biết. Cái cần của một nhà thơ là khi nghe được từ những nỗi niềm ấy thì phải biết làm gì cho cuộc đời này nắng lên, dù chỉ là góp vào đó một đốm nắng. Và, nhà thơ Hà Phạm Phú đã làm được hơn cả thế vì ông đã lắng lọc lại qua Nghe.

2.

Mưa những hạt muối - nước mắt; mặn đắng kiếp nhân sinh, thấm đẫm tình người, tình đời trong dâu bể trầm luân của kiếp người. Thiên nhiên, trời đất trong thơ ông cũng mang đầy tâm trạng nỗi niềm như là sự luân hồi của kiếp trần ai vậy. Thành công nhất của ông ở đây là đã mượn thiên nhiên, vũ trụ để gửi gắm được thông điệp vĩnh hằng về cái đẹp mà ông từng đeo đuổi mê đắm.

Mưa có mưa rào, mưa bụi, mưa ngâu. Mưa không sấm chớp, mưa trong đen trời sấm sét bão giông. Lẫn trong tiếng mưa là tiếng núi, tiếng sông, tiếng biển, tiếng cây đổ, lá rơi, tiếng gà kêu, tiếng người gào thét kêu cứu... Trong những cơn mưa và tiếng mưa như thế, Hà Phạm Phú đã tầm tã một đời mang lửa nắng từ những câu thơ đến muôn nơi… Trong mưa, Hà Phạm Phú như đang đưa tơi nón cho mọi người, đang cùng mọi người cắm cọc tre, đổ từng sọt đất, sọt đá xuống đoạn đê sắp vỡ. Ông đang đỡ cho từng ngọn cỏ, lá cây bị gió mưa làm rạp đổ, làm trầy xước. Và ông đã nghe được trong mưa tiếng của thập loại chúng sinh, để rồi chính ông đã cất lên tiếng lòng mình những mong bớt đi nhiều oi ả, thúc giục cho cây trổ hoa, chồi non mở mắt, đất đai bớt cằn khô, sông biển thêm đầy, bụi lầm lắng xuống, rác rưởi trôi đi.

Trong những tiếng kêu đa thanh ấy, nghe mưa, Hà Phạm Phú đã nghe được từ chính mình tiếng độc thoại của nỗi đau, của niềm tin bị đánh cắp, bị đổ vỡ: Tôi nghe cay lá trầu không/ Khô trên tay mẹ cầu mong đợi gì.../.... Tôi nghe vật vã bờ tre/ Ước mơ cuốn chảy con đê vỡ òa/ Tôi nghe những phố không nhà/ Đồng tiền dựng đứng bao tòa nghiệt oan/ Tôi nghe biển cả uất tràn/ Sóng ngầm tận đáy sấm ra thấu trời/ Giang sơn dựng tự bao đời/ Người nay hèn kém vua tôi điếm đáng...

Còn đau đớn nào hơn thế và hơn cả thế là nỗi dày vò của lương tâm khi biết trước, biết rất rõ về những căn bệnh trầm kha mà không có cách gì chữa chạy: Kẻ cắp nhỏ/ Có thể bẻ khóa/ Khuân đi những đồ vật vãnh cái quạt, cái bàn là/ Kẻ cắp vừa/ Có thể bê đi cả cây cổ thụ/ Trước mắt bàn dân thiên hạ/ kẻ cắp lớn/ Nhiều chước quỷ mưu ma/ Có thể ăn cắp cả một quốc gia/ Nhưng tất cả/ Trên mặt đều loang vết nhọ/ Siêu kẻ cắp/ Mặt lúc nào cũng sạch/ Mượn màu sử sách làm khăn…

3.

Mượn màu sử sách làm khăn…

Phát hiện mang tính cảnh báo này cũng là hồi chuông báo động về sự xuống cấp và tha hóa về đạo đức văn hóa ở đâu đó hôm nay. Lương tâm không day dứt giày vò sao được khi mà cái giả như đã thật; hơn cả cái thật: Anh lầm lụi độc hành dọc theo con phố/ Gặp toàn những hình nhân/ Gác thú đuổi chim/ Vắng lặng tiếng người rợn như hoang mạc/ Anh thèm nghe u ơ trẻ khóc/ Để tin vào tương lai...

Hiện tại như không còn biết bấu víu vào đâu, trong chấp chới của cây đổ, đá lăn, lũ ống tràn về, sóng thần ập đến, Hà Phạm Phú đã không trốn chạy mà với phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, và ý thức công dân đầy trách nhiệm của một nhà thơ tên tuổi, ông đã chỉ ra đúng cái chỗ mà đâu đó biết đấy nhưng có thể vì sợ mà không dám nói ra: Quá mù nên mới mù mưa/ Quá trưa chưa nắng vẫn chưa thấy đường/ Muốn đi lại sợ mù sương/ Đường thì vẫn đấy mà đường thấy đâu.

Mưa đã cuốn trôi đi tất cả, mà dù có còn đấy con đường thì vì sợ trơn trượt, sợ mù sương, mù mưa nên cứ phải luôn giả vờ như không nhìn thấy… Cật vấn và độc thoại để soi chiếu, tự thức, để nghe được những tiếng xung quanh, ý thức này đã giúp cho Hà Phạm Phú tránh được những cú ra đòn của lòng đố kỵ nhỏ nhen và ông đã chiến thắng được chính mình để còn lại chính mình một thanh liêm chính trực, luôn biết vì người khác mà tự nguyện: Thôi/ Đừng làm ngọc trai/ Rồi lo sợ bị lấp vùi trong cát/ Xin cho làm bùn đất/ Để mọi người giẫm lên/ Thành con đường không tên...

Sự trực cảm lý tính này khiến ông luôn, băn khoăn, ngờ vực nhưng chính nó đã giúp ông vượt thoát được rất nhiều rào cản để trở thành một trong những con chim sơn ca bách thanh trong đội ngũ những nhà thơ chống Mỹ của thi đàn nước Việt. Ông đã nghe được tiếng khóc cười của nhân thế, của cuộc đời, của kiếp người, nghe được cả thời thế. Không chỉ nghe được mà ông đã cất lên tiếng lòng thao thiết và trầm lắng như những tiếng chuông chùa trong bão mưa để mọi người cùng sẻ chia, đồng cảm, cùng nhóm nhen lên lửa nắng: Ta nghe máu đổ quê cha/ Cánh đồng mất tích mái nhà tha hương/ Ta nghe trẻ nhỏ đứng đường/ Đồng tiền quỷ ám cương thường đảo điên/ Thiên hạ ai biết hố đen/ Những hành tinh lạc bởi quên lối về/ Ta ngồi ngóng mặt trời quê/ Sương tan mà nắng bến mê lẫn rồi.

4.

Bến mê đâu chỉ ở trời quê, nhưng trời quê bao yếm thế, nhiều cả tin; nơi ấy Hà Phạm Phú có một tuổi thơ lam lũ, có cả một trời thương nhớ với bao nhiêu khóc cười, hạnh phúc và đau đớn. Mỗi lần trở về quê với ông không chỉ là tìm lại mình mà để tiếp thêm năng lượng cho những chuyến chu du; lúc nào cũng như nhà thám hiểm vậy. Có lẽ chính vì vậy mà trong Nghe mưa có rất nhiều cung bậc cảm xúc và ý tưởng được đẩy lên thành cao trào, sâu chuỗi thành tư tưởng mang thông điệp thời đại: Tôi thấy một con vành khuyên/ Ai đó thả từ hôm trước/ Không sao bỏ đi được/ Loanh quanh bên chiếc lồng còn sót thức ăn/ Như là có dây buộc.

Ám ảnh của thế sự này vượt ra ngoài câu chữ ngay cả khi Vầng trán nhà thơ cô đơn/ Mươi sợi tóc mỏi mòn/ Sự chung thủy cuối cùng phơ phất.

Gặp rất nhiều thân phận, thế phận trong Nghe mưa, nhưng dường như những câu thơ hay nhất, cảm động nhất vẫn là những câu thơ Hà Phạm Phú viết về cha mẹ, về những kỷ niệm buồn và đẹp của ông nơi cội nguồn dân tộc.

Trung du Phú Thọ hiện lên trong thơ ông thật sống động và chân thực: Quả đồi nhà con nhớ/ Dưa chín giữa vòm gai/ Hoa quýt trắng, hoa cam cũng trắng/ Những trái mơ xanh giữa lòng tay/ Mùa sinh sôi mùa rụng/ Đồi nhà ta quả chín mỗi ngày/ Ngôi nhà ta con nhớ/ Cột cái gỗ xoan, cột con gỗ mỡ/ Mái cọ gầy cơ nhỡ tháng năm/ Nền đất giấc trưa con nằm / Chênh vênh đỉnh dốc/ Gánh lúa về phanh ngực gió nam.

Cũng như viết về trung du, những bài thơ ông viết về cha mẹ thật cảm động: Con đường nhà ta ngày xưa hoang rậm/ Rắn rết đi chung/ Cầy cáo rình gà ban sáng/ Khỉ bầy vặt lúa ven rừng/ Mẹ bấm ngón chân bật móng/ Ăn củ sắn nương/ Áo cha phơi trăng phơi sương/... Ngày con đi lính chưa đầy mười tám/ Cha không tiễn đưa chỉ dặn/ Sao cho đáng mặt trai/ Mẹ nước mắt ngắn dài/ Lập cập mo cơm nếp/ Con bao giờ trở lại/ Ngôi nhà ta đỉnh đồi.

5.

Ngôi nhà ấy còn nguyên vẹn trong ông những kỷ niệm và ông lúc nào cũng mong trở về để được tiếp thêm năng lượng: Hôm nay con về đứng dưới mái hiên/ Bên chiếc ghế mẹ ngồi để trống/ Máu mẹ trong tim con ấm nóng/ Cánh đồng mẹ trải trước mắt con/ Vạt lúa hoe vàng, bờ cỏ xanh non/ Con ngỡ mẹ vừa đi qua cánh đồng/ Hướng về chân trời mùa hạ/ Mẹ vừa đi qua chân trời chớp lóa/ Hướng tới chính mẹ chân trời/ Cánh đồng sinh ra để mẹ trải cuộc đời/ Gửi lại cho con chút hương tóc gió...

Những câu thơ thăm thẳm nỗi đời, nỗi người như thế cứ neo vào lòng bạn đọc không chỉ ở miền quê đất Tổ. Mưa hay là nước mắt của Trời, của bể dâu nhân thế. Thông điệp này của nhà thơ Hà Phạm Phú trong muôn cơn mưa phận số; mang nhiều dự báo, cảnh tỉnh vì đó là tiếng của những thân phận, của kiếp người trong sự va đập khôn lường của trời đất, của thời thế và nhân thế.

Nguồn Văn nghệ số 41/2020


Có thể bạn quan tâm