April 20, 2024, 11:56 am

Mùa hoa chớm nụ

Khi nghe chú Bảy Dũng điện thoại bảo rằng bà con dưới Cái Mơn đang chuẩn bị mùa hoa tết, tôi lập tức xách xe chạy xuống liền. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đầu mùa hoa tôi lại về Cái Mơn một lần. Tôi thích cảm giác được lân la ở các khu vườn, nhìn bà con ươm từng chậu cúc đại đóa, tỉa vài cành mai, vun lại mấy khóm cát tường. Tôi được lắng nghe những câu chuyện vườn chuyện đời khoan nhặt cùng với từng động tác tỉ mẩn của bà con. Không hiểu sao, những ngày như thế tôi như được nạp đầy năng lượng sống, thấy cuộc đời còn quá nhiều thứ để yêu thương.

Nhưng năm nay khác. Suốt đoạn đường hơn trăm cây số từ An Giang xuống làng hoa Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), tôi hồi hộp nhiều hơn hân hoan như mấy năm trước. Bởi lẽ, mới mùa hè đây thôi, bà con Bến Tre đã chịu một đợt hạn mặn quá khốc liệt. Hồi tháng sáu, tôi cũng về Chợ Lách và chứng kiến nhiều chủ vườn gạt nước mắt chặt bỏ những cây nhãn đang rụng trái non. Những cây sầu riêng cũng bị đốn hạ khi sắp đến kỳ thu hoạch. Nước mặn làm vườn cây héo lá, bông và trái rụng tả tơi. Nước mặn bò đến đâu bà con làm vườn kêu trời đến đó. Nhưng kêu trời trời không thấu, kêu đất đất không nghe. Bà con chỉ biết lặng nhìn vườn tược của mình chết dần chết mòn dưới sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Có những khu vườn đầu tư vốn liếng mấy tỉ đồng, vậy mà hạn mặn quét qua một đợt không còn thứ gì trụ nổi. Chủ vườn cầm dao đốn từng gốc cây do chính tay mình đã từng vun trồng, chăm sóc mấy năm trời, như tự chặt vào thân thể chính mình. Nhựa cây ứa ra sau từng nhát dao giáng xuống, như máu tươm ra cùng những giọt mồ hôi, nước mắt của bà con. Những người làm vườn đứng như trời trồng giữa trưa nắng gắt, nhìn hàng ngàn cây ăn trái vừa bị đốn hạ, nằm rạp như chiến trường đầy rẫy tử thi. Cảnh tượng đó đã ám ảnh tôi suốt mấy tháng trời.

Tôi nhớ mấy năm trước, tôi cũng đi xuống Chợ Lách vào tháng sáu dương lịch, tức là tháng năm âm lịch. Đợt đó trùng với tết Đoan Ngọ. Bà con Chợ Lách năm nào cũng tổ chức lễ hội trái cây nhân dịp này. Tôi theo chân chú Bảy Dũng, một người làm vườn kỳ cựu ở Chợ Lách, đi tham quan chợ trái cây ở trung tâm huyện. Chú Bảy nói, hầu hết các giống cây ăn trái xứ Chợ Lách trước đây được Trương Vĩnh Ký mang về từ một số nước bạn. Rồi ông dạy cho người dân cách gieo trồng, chăm bón, truyền lại cho đến hôm nay. Tôi từng nghe nói nhiều về cụ Trương Vĩnh Ký với những đóng góp thiết thực về phương diện nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, văn chương; về công – tội của ông trong giai đoạn lịch sử đầy biến động ở nước ta thời thuộc Pháp. Nhưng công trạng của ông với dân làm vườn thì lần đầu tiên tôi được nghe. Thật không ngờ bậc tài danh như cụ Trương Vĩnh Ký lại có đóng góp quan trọng cho vùng Cái Mơn – Chợ Lách trở thành “nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước”, được sách Guinness Việt Nam công nhận mấy năm qua… Từ nhiều năm nay, cứ vào dịp mùng năm tháng năm âm lịch, bà con nơi đây lại tổ chức lễ hội trái cây, như một sự tri ân cho vùng đất và con người quanh năm cần mẫn. Vào hội, người làm vườn từ khắp nơi mang đến những sản vật quý hiếm nhất mà họ thu hoạch được trong một năm, trưng bày cho bà con thưởng lãm. Những giống cây chuẩn, những trái cây ngon còn được tổ chức đấu xảo để phong tặng các danh hiệu tương xứng. Lễ hội trái cây đúng nghĩa là một ngày hội với người dân làm vườn nói riêng và cư dân Chợ Lách cũng như miền Tây Nam bộ nói chung. Sau những năm tháng lao động âm thầm, miệt mài, bà con có dịp quảng bá thành quả mỹ mãn của mình. Đồng thời, đó còn là nơi gặp gỡ đổi trao kinh nghiệm giữa các nhà vườn, chỉ với một mong ước giản đơn là mùa vụ nào cũng bội thu, hoa trái nào cũng thơm ngon.

Nhưng năm 2020 này, lễ hội trái cây Chợ Lách không tổ chức được do cây trái thất thu vì hạn mặn. Cụ Trương Vĩnh Ký và bà con Chợ Lách chắc không thể ngờ rằng, có một ngày cây trái xứ mình lại bị hạn mặn hành tả tơi như năm nay. Chú Bảy Dũng có lẽ đã bất lực với hiện thực nghiệt ngã đó, nên bám víu vào chút niềm tin tâm linh còn sót lại. Chú dẫn tôi đến Nhà bia lưu niệm cụ Trương Vĩnh Ký nằm bên dòng kênh Cái Mơn. Nhà bia không tường, mười sáu cột trụ uy nghiêm đội mái chóp hình tháp tứ giác, bên trong chỉ có bia bằng đá xanh cao khoảng 2,5m, đỉnh là chiếc thánh giá. Trên mặt bia ghi “Đây là nơi sanh của P. Trương Vĩnh Ký Sĩ Tải tiên sanh” bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Hán. Chú Bảy đứng trang nghiêm trước tấm bia đá, khấn mấy câu nguyện cầu cho thiên tai sớm qua mau, cho những cơn mưa sớm mang nước về hồi sinh hoa trái. Dáng chú vạm vỡ nhưng khắc khổ, trán đầy những vết hằn của thời gian. Hai bàn tay chú gân guốc, sần sùi như gốc cây cổ thụ. Mái đầu điểm bạc cúi xuống thấp, thành kính trước bậc tiền nhân. Nếu không có một hồi chuông dài vọng lên từ nhà thờ Cái Mơn gần đó, tôi chẳng biết con người rắn rỏi như chú Bảy có thể kiềm lòng để không rơi ra vài giọt nước mắt đắng cay? Tôi là người ngoại đạo, nhưng cũng thành tâm nguyện cầu cho sớm chấm dứt đợt hạn mặn ở miền Tây, cho những người như chú Bảy sớm lấy lại nụ cười lạc quan hào sảng.

Nụ cười ấy tôi đã bắt gặp cách đây gần tròn chục năm rồi. Lần đó, tôi đang mải mê chụp ảnh mấy chậu hoa tết đặt hai bên con đường mòn gần nhà thờ Cái Mơn thì chú Bảy xuất hiện. Chú hỏi tôi ở đâu mà đến chụp hình đây. Tôi trả lời mình ở tuốt trên An Giang lận, nhưng nghe đồn là làng hoa Cái Mơn dịp tết đẹp lắm nên xuống xem thực hư thế nào. Chú cười ha ha, biểu tôi chụp hình cho đã đi, rồi ghé nhà chú chơi, nhà chú gần đó. Tôi chụp thêm vài tấm nữa rồi cất máy ảnh, dắt xe vào đậu trong sân nhà chú. Chú đã châm sẵn bình trà nóng, ngồi ở hàng ba căn nhà gỗ đợi tôi. Uống được vài ly trà, chú nói cháu ở xa vậy mà tới đây được là quý lắm, ở lại ăn cơm với chú, làm xị đế nghen. Cách chú nói rất ư bình thản, không khách sáo như lời mời mà chân thành khó cưỡng. Tôi nhớ cậu Hai tôi ở nhà cũng hay nói như vậy, mầy đi rửa mặt đi để cậu sai sắp nhỏ dọn cơm, nhậu nghen mậy. Mấy lần sau xuống Chợ Lách, tôi biết thêm chị Tiệp bán dừa gần ủy ban xã Vĩnh Bình. Mỗi khi ghé, vừa dừng xe lại chưa mở nón bảo hiểm ra là chị đã nói, mới xuống hả cưng, ngồi nghỉ đi chị chặt dừa cho uống. Nghe nhiêu đó, chưa cần uống miếng nước dừa nào hết mà cái vị mát ngọt đã thấm tận huyết quản rồi. Chị hỏi công việc trên đó cũng thuận lợi hết he? Cả nhà khỏe hả cưng? Chị đưa trái dừa cho tôi rồi cười một cái sáng bừng. Nghĩ bụng, chị này mà biểu uống chút đi rồi vô ăn cơm, chị dọn, má nhắc mày hoài đó... chắc hổng khác chút xíu nào với chị Hai chị Ba nhà tôi.

Chính cái tình của bà con Chợ Lách dành cho một người xa lạ như tôi, khiến tôi cảm thấy mảnh đất đó giống như quê hương thứ hai của mình. Bởi vậy, mỗi lần con phà Cổ Chiên cập bến phía bờ Chợ Lách, lòng tôi lại thấy dâng lên những cung bậc thanh thản lạ thường. Đó không phải cảm xúc của một người khi đến miền đất lạ, mà là nỗi bâng khuâng cao đẹp của sự hồi hương. Cũng bởi lẽ đó, khi chứng kiến bà con nơi đây mất mùa hoa trái, tôi cũng buồn như đó là mất mát của chính mình. Tôi hồi hộp chạy xe từ bến phà dọc theo quốc lộ 57 đến Cái Mơn, cứ mong chờ bắt gặp những vườn hoa trỗi lên trong nắng sớm. Vì theo lời chú Bảy, nếu mùa hoa tết này mà bội thu, bà con Chợ Lách có thể yên tâm ăn tết và tạm quên đi đợt hạn mặn vừa qua.

Đến địa phận xã Vĩnh Thành, thấy hai người phụ nữ đang cặm cụi tỉa mấy chậu cúc ở một góc vườn, tôi lân la bắt chuyện. Chị nói chị tên là Chín Đời, còn bé gái kia là con của chị, năm nay học lớp 12. Hai mẹ con chị Chín tranh thủ tỉa cho xong mấy chậu cúc Hà Lan vì vài hôm nữa là thương lái sẽ đến mua để giao cho các đại lý hoa trong khu vực. Chị tính sơ sơ năm nay, trừ hết chi phí có lẽ khu vườn hoa của chị lời được khoảng hai trăm triệu đồng. Tôi nói vui, tiền lời nhiều như vậy thì gia đình của chị ăn tết chắc hoành tráng lắm. Thế nhưng, câu nói vô tình của tôi lại chạm vào nỗi khắc khoải của người phụ nữ trung niên. Gạt mấy giọt mồ hôi trên trán, chị thở dài chỉ tay ra phía xa xa, nơi chồng của chị đang “hồi sinh” cho khu vườn trái cây vừa bị đốn bỏ do đợt hạn mặn. Chị nói thiệt hại đợt rồi nặng quá, không biết mấy mùa hoa kiểng như thế này có thể bù nổi cho vườn trái cây hay không. Trước đây, mỗi năm dân Cái Mơn có hai mùa “hái ra tiền”, là mùa cây trái thu hoạch và mùa hoa kiểng đầu xuân. Nhưng năm nay, mùa cây trái coi như mất trắng rồi, chỉ trông chờ hoa kiểng cứu vãn. Tôi ghé thêm vài khu vườn nữa, hầu như ai cũng có cảnh ngộ y như chị Chín Đời, nghĩa là lấy mùa hoa kiểng bù lỗ cho mùa cây trái. Nụ cười của người làm vườn không còn rực rỡ như những mùa hoa trước. Những câu chuyện đời cũng chen lẫn nhiều nỗi lo toan.

Như đã hẹn, tôi ghé nhà chú Bảy Dũng. Người nhà bảo chú đang ở ngoài vườn nên tôi đi thẳng ra vườn với chú luôn. Lúc này, chú Bảy đang giâm lại mấy cây sầu riêng con. Chú bảo, làm vườn bây giờ cũng mạo hiểm như đi buôn vậy, nhưng mình không được bỏ cuộc, “thua keo này bày keo khác”. Vườn sầu riêng cũ chết hết do hạn mặn thì mình phải trồng lại vườn mới, dù có đợi năm năm hay bảy năm nữa nó mới cho vụ trái đầu tiên, nhưng mình phải mạnh dạn làm lại từ đầu. Chú còn cho biết, bà con các tỉnh khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh cũng bị thiệt hại như Bến Tre, người ta cũng bỏ hết để làm lại từ đầu, thì mình cũng phải vậy. Chú chỉ mấy công chôm chôm vừa được giâm cành xong hôm trước, nay đã bắt đất và đâm vài chồi non. Chôm chôm thì khoảng ba năm sẽ cho trái vụ đầu tiên. Sầu riêng lâu hơn một chút. Nhưng không sao, chú sẽ lấy vườn hoa kiểng và mấy loại cây ăn trái ngắn ngày để nuôi vườn chôm chôm với sầu riêng này. Chú tin là năm ba năm nữa, chú và bà con Chợ Lách sẽ lại bội thu những mùa trái ngọt. Cuộc sống sung túc sẽ sớm về lại với bà con thôi.

Tôi nhìn chú Bảy chăm chút giâm những cây sầu riêng con, tỉ mẩn như người ta chăm sóc cho đứa trẻ sơ sinh. Tôi biết, mỗi cây non gởi vào với đất là một niềm hi vọng mà người làm vườn ký thác. Niềm hi vọng ấy sẽ bắt rễ, sẽ lớn lên từng ngày trong nỗi hân hoan của bà con. Nhưng có khi, nó sẽ tắt lịm cùng với những lo toan và tuyệt vọng. Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, chú Bảy bỗng thở dài than, dù năm nay đã trữ nước ngọt bằng mọi phương án rồi, nhưng vẫn lo. Nếu nắng nóng kéo dài như năm 2020, thì bấy nhiêu nước ngọt dự trữ cũng không thể cứu được khu vườn của chú. Nghĩa là từ bây giờ đến khi thu hoạch vườn cây trái, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày người làm vườn hồi hộp, không biết khu vườn sẽ chết bất cứ lúc nào. Tôi nhìn chú Bảy với gương mặt khắc khổ lấm tấm mồ hôi, trán chú dường như đã điểm thêm nhiều nếp nhăn, mái đầu bạc trắng. Đôi mắt chú buồn như điệu lý Cái Mơn.

Tôi nhớ có một triết gia nào đó từng nói, dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu, thì cũng không thể khuất phục được con người. Bởi con người có sức sống và bản năng sinh tồn bất diệt. Và tôi tin rằng, dù chú Bảy cũng như bao nhiêu người dân miền Tây đang chịu nhiều nỗi mất mát do thiên tai, vẫn có thể trụ vững để gây dựng lại cơ nghiệp. Mọi thứ đang bắt đầu với mùa hoa năm nay, một mùa hoa hứa hẹn bội thu của dân Cái Mơn, Chợ Lách. Chú Bảy dẫn tôi đi thăm khu vườn hoa và mấy trăm gốc mai kiểng của chú. Chú ước tính năm nay có thể thu được khoảng ba bốn trăm triệu từ khu vườn này. Kệ đợt hạn mặn đi, tết nhất gần tới rồi thì phải phấn khởi lên để đón năm mới chớ, chú Bảy nói thế. Chú còn bảo, xưa kia chiến tranh và nghèo đói khổ sở gần chết còn chịu được, bây giờ chỉ mới thất mùa có một năm mà nhằm nhò gì. Tin chú đi, rồi dân mình sẽ vượt qua được hết, chú nói chắc nịch.

Đang trò chuyện, bỗng chú Bảy đưa tay lên miệng ra dấu cho tôi giữ im lặng. Rồi chú rón rén bước lại dưới tán cây mai già. Chú dòm lên đó một lát, nói với tôi là có hai con chim sâu đang kết cỏ làm tổ trên cây mai. Chú bảo, cây mai đó đã có người trả giá chục triệu rồi, chú cũng định bán, nhưng giờ đôi chim làm tổ trên ấy chắc chú không bán nữa. Chú cũng sẽ không lặt lá cây mai đó, cứ để cho đôi chim đẻ trứng xong, chim non cứng cáp rồi tính sau. Tổ chim cũng như căn nhà của mình vậy, đang ở mà bị người ta bứng đi thì biết phải làm sao, chú Bảy lý giải như thế. Tôi xin phép chú để bước vào nhìn đôi chim sâu đang làm tổ. Những cọng cỏ nhỏ xíu được xếp cẩn thận để chuẩn bị đón chào những chú chim non. Thấy tôi, hai chú chim nghiêng nghiêng đầu nhìn, rồi cùng bay đi, nhưng chỉ một lúc sau thì bay trở lại, trên mỏ là cọng cỏ khô. Tôi nghĩ, đôi chim này đúng là may mắn thật khi đã chọn mảnh đất này để làm tổ. Và tôi cũng thật may mắn khi được gắn bó với vùng đất mà người dân luôn ăm ắp ân tình.

Chiều hôm ấy, tôi và chú Bảy cũng ngồi trước hàng ba nhà của chú làm vài li rượu đế. Ngà ngà say, chú Bảy cất lên mấy câu vọng cổ. Rằng, “Nhị Ca ơi, chén rượu đoan thề hơi men còn phảng phất đầu môi, trên lối hoạn đồ muôn nẻo ngược xuôi, anh mang chí cả mong đạp thành phá lũy. Nhưng trời không tựa lòng người dũng sĩ, nên giữa trận tiền anh phải chịu sa cơ...”. Giọng chú trầm ấm và da diết. Hát xong, chú bưng li uống cạn. Ánh mắt chú chứa đựng nhiều nỗi tâm tư. Ngoài sân, mùa hoa xuân đã bắt đầu chớm nụ.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm