April 26, 2024, 5:30 am

Múa đương đại: Sự phá cách của những “ Khuôn vàng thước ngọc”?

 

Vượt qua ranh giới của múa cổ điển, múa dân tộc để hướng đến một thứ ngôn ngữ mới diễn tả sự đa dạng, phong phú và đầy mới mẻ của xã hội đương đại qua ngôn ngữ hình thể, múa đương đại được xem là loại hình nghệ thuật đang thu hút khán giả hiện nay. Nhưng dù là vậy, những hiểu biết cụ thể về loại hình nghệ thuật này vẫn còn là ẩn số, thậm chí giới phê bình  đã có ý kiến cho rằng,múa đương đại đang phá vỡ những “ khuôn vàng thước ngọc” của nghệ thuật múa.

 

Ảnh internet

Chuyển động của múa đương đại

Múa đương đại là loại hình nghệ thuật múa kết hợp giữa các yếu tố khiêu vũ hiện đại và ballet cổ điển. Trong nghệ thuật múa đương đại, các vấn đề xã hội và đời sống tinh thần của con người được phản ánh thông qua vũ đạo. Và vì vậy, múa đương đại cũng được xem là một hình thức thể hiện cơ thể phóng khoáng do các biên đạo múa dùng cảm xúc để tạo ra những điểm nhấn nghệ thuật, từ đó tác động đến thị giác của công chúng.

Xuất hiện lần đầu trên thế giới từ những năm 1900, Múa Hiện đại (tiếng Anh gọi là “Modern dance”) như một phản ứng đối chọi lại với kỹ thuật, quy tắc cứng nhắc của múa Ba-lê cổ điển. Biên đạo Isadora Duncan (1877-1927) và Martha Graham (1894-1991) được biết đến là những người tiên phong tìm kiếm sự di chuyển bằng cách sử dụng những đường nét tự nhiên của cơ thể và năng lượng bên trong cơ thể mở ra một loại hình múa mới hay còn gọi là múa Hiện đại. Với loại hình múa mới này, các vũ công đã vượt ra ngoài sự thống trị của sân khấu múa Ba-lê cổ điển, đem đến nhiều màu sắc hơn, như Francois Delsarte (1811-1871, người Pháp) đã mang tới cảm hứng sáng tạo ra hệ thống các luật động, cử chỉ biểu cảm tự nhiên phát triển theo ngẫu hứng của vũ công, hay với cảm hứng sáng tạo của Emile Jacques – Dalcroze (1865-1950,  người Thụy Sĩ) với hệ thống thông qua các nhịp điệu âm nhạc để chuyển động cơ thể.  Xuất phát từ những đặc điểm của múa đương đại nói trên, ở mỗi vở diễn, cả diễn viên, biên đạo múa đều cố gắng trở thành một khối thống nhất để có thể diễn tả và chuyển tải thông điệp của vở diễn đến công chúng. Nhưng không phải vở diễn nào cũng có thể đạt được kết quả này, bởi trong thực tế, khi xem múa đương đại khán giả luôn có một câu hỏi, tác phẩm nói gì, phản ánh ý tưởng gì, thông điệp gì?. Cho dù đó là những vở diễn được phát triển dựa trên chất liệu dân gian đã từng là niềm tự hào của múa đương đại như: Chú Tễu, Hồn đất, Từ nơi gió ngàn, Những con người huyền thoại… cũng không là ngoại lệ. Vô hình chung, tiếp nhận múa đương đại trong đời sống nghệ thuật, trong một chừng mực nhất định đã trở thành một kênh khó giải mã đối với không ít khán giả yêu nghệ thuật hiện nay. Theo biên đạo múa Trần Ly Ly, Múa Việt Nam chưa thành một xu hướng lớn, trong thời gian gần đây đang bị mai một. Cách đây 10 năm nó như một làn gió mới, nhưng 10 năm nay chưa phát triển nhiều về mặt sáng tác. Thành công của một, hai tác phẩm chưa thể phản ánh được xu hướng về múa đương đại”.

 

mua duong dai dung co hieu hay cam nhan

Vở múa Con thiêu thân của vũ đoàn Arabesque Việt Nam

 

Trên thực tế, múa đương đại hay múa truyền thống đều đang có sự chững lại do sức ép của nhiều loại hình nghệ thuật và thị hiếu của người xem đang có những thay đổi theo chiều hướng đơn giản hoá thuần giải trí, rất ít khán giả muốn giải mã tận cùng những bí ẩn của nghệ thuật ( loại trừ những người hoạt động trong giới phê bình, nghiên cứu). Chính vì vậy, múa đương đại trong thời gian gần đây đã có những ngả rẽ để tồn tại, trở thành những vở diễn ngắn trong các chương trình nghệ thuật, thậm chí phụ hoạ cho các tiết mục ca nhạc trong các gameshow truyền hình thực tế.

 

Nghệ thuật đỉnh cao hay sự phá cách những chuẩn mực truyền thống

 

Múa Hiện đại mang yếu tố mở, đó là sự diễn tả tất cả cuộc sống hiện đại của con người trong sự giao thoa giữa các nền văn hoá trong nước, quốc tế. Do đó, ngôn ngữ của múa hiện đại không phụ thuộc vào ngôn ngữ giao tiếp, mà chỉ duy nhất ngôn ngữ hình thể kết hợp với nhiều thể loại âm nhạc  khác nhau mang đến một ý niệm, một xúc cảm khơi gợi rung động cho người xem. Chính vì vậy, múa hiện đại không bị bó buộc trong không gian sân khấu nhà hát, mà có thể bắt đầu gây sự chú ý tại  cứ nơi nào, yếu tố nào, chỉ cần đưa lại cảm hứng cho người nghệ sĩ, ở đó có thể là nơi trình diễn. Hanoi Dance Fest 2019, sự kiện được cho là đặc biệt của những nghệ sĩ, biên đạo múa đương đại  cũng là một sự kiện được khởi nguồn từ những cảm hứng  của người nghệ sĩ. Sự kiện vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 6 vừa qua đã đánh dấu sự trở lại của múa đương đại trong dòng chảy của đời sống nghệ thuật. Ngay tại thời điểm Dance Fest 2019,  dư luận trong giới làm nghề đã hy vọng liên hoan sẽ cho ra đời những biên đạo múa, những diễn viên múa hiện đại có nghề. Và quả thực  Dance Fest 2019, đã không làm người ta thất vọng, múa đương đại Việt Nam đã có thêm những gương mặt mới, những vở diễn mới được thế giới ghi nhận. Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam – NSND Ứng Duy Thịnh đã nhận định: “Tác phẩm múa Việt Nam trên con đường phát triển cần được bổ sung những công cụ mới và phương tiện biểu đạt mới. Một trong những công cụ được bổ sung vào nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ múa dân tộc là múa đương đại. Những gì khán giả được chứng kiến trong những năm qua cho thấy, ngôn ngữ múa đương đại phù hợp và đáp ứng được đòi hỏi đó”. 

Mang hơi thở cuộc sống vào múa đương đại là một trong những xu hướng mới góp phần tăng tính đa dạng cho nghệ thuật múa. Đồng thời, tạo sự tương tác với khán giả đã đem lại nhiều thành tựu cho múa đương đại. Đó là sự kết hợp giữa tinh túy của nghệ thuật múa dân tộc với nghệ thuật múa thế giới. Theo NSND Lê Ngọc Canh, trong cuộc cạnh tranh tồn tại hay bị lãng quên, múa rõ ràng đã mất dần vị trí, trở thành môn nghệ thuật phụ họa cho các loại hình nghệ thuật khác. Gần 20 năm qua, mảng múa dân tộc và múa hiện đại chưa phát triển đồng đều, múa vẫn thiếu những tác phẩm xuất sắc trong đó mảng kịch múa, đỉnh cao nhất của nghệ thuật múa vẫn chưa có được tác phẩm nào mang tầm vóc thời đại để tạo nên một dấu ấn cho ngành múa

Không ồn ào như các loại hình nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật Múa giống như một dòng chảy âm thầm góp tiếng nói vào vào đời sống nghệ thuật đương đại. Song cũng chính bởi sự mở rộng không giới hạn đó đã thách thức lại tư duy truyền thống mà bất tuân một định nghĩa hay quan điểm dễ dãi nào về nó. Chính bởi sự vô hạn, đa dạng trong phương pháp tiếp cận và sáng tạo mà múa đương đại thường bị coi là thiếu nguyên tắc, thiếu thống nhất đến nỗi nhiều lúc công chúng cảm thấy hụt hẫng như bị bỏ rơi vậy.Chưa kể nhiều vở múa hiện đại xa rời tinh thần dân tộc, phá cách những tạo hình, tư thế động tác thiếu thẩm mỹ nghệ thuật khiến cho múa đương đại trở thành món ăn kén người thưởng thức.

Để múa đương đại có được một vj trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật, một cơ chế “mở” trong sáng tạo và thưởng thức múa đương đại đã được mở ra. Trong nhiều năm liền, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã tổ chức các kỳ liên hoan, hội diễn múa quy mô trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội để múa đương đại Việt Nam có cơ hội dung nạp sự kết hợp các chất liệu, ngôn ngữ phương tây và  thuần Việt để tạo nên những tác phẩm múa đương đại có giá trị nghệ thuật cao. Và qua các kỳ liên hoan, hội diễn, cái đích chung hướng đến là những tác phẩm múa dân tộc hiện đại thể hiện được thông điệp nghệ thuật mà biên đạo, nghệ sĩ múa gửi đến khán giả.

Giống như múa cổ điển châu Âu và múa dân gian dân tộc, múa đương đại cần tiếp tục được Nhà nước quan tâm, đầu tư thông qua xã hội hoá nghệ thuật múa. Đây cũng là một kênh để múa đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định, xã hội hoá cũng có tính hai mặt. Trong đó, việc đáp ứng những yêu cầu của nhà tài trợ ( đơn vị chủ đầu tư) đã biến múa trở thành những tiết mục ít giá trị nghệ thuật nhưng lại giàu giá trị giải trí. Từ thực tế trên cho thấy chất lượng nghệ thuật múa đang có nhiều vấn đề cần xem xét. Muốn thay đổi, cần có những giải pháp cụ thể nhầm nâng cao hơn nữa khâu đào tạo, thẩm định các tác phẩm múa nghệ thuật. Bên cạnh yếu tố giải trí phục vụ thị hiếu công chúng, cần tìm đến những sáng tạo nghệ thuật mang ý nghĩa trường tồn. Đặc biệt, cần tạo ra nhiều sân chơi và có sự đầu tư thích đáng cho những tác giả, tác phẩm. Nghệ sĩ Lê Vũ Long đã từng trăn trở:  “Liệu nghệ thuật của chúng ta đã đủ mạnh và phát triển rực rỡ để xây dựng nên một ngôn ngữ nghệ thuật múa mới? Hay chúng ta đang tự làm khó mình trên con đường hội nhập với thế giới?”. Không tự làm khó, nhưng phải biết tự quảng bá để nâng cao nhận thức của nhân dân về múa, trong đó có múa đương đại. Và việc cần làm lúc này, chính là đầu tư, hỗ trợ về kinh phí cho các chương trình liên hoan về múa đương đại tiếp tục được triển khai. Bên cạnh đó, là xây dựng chiến lược phát triển cụ thể để múa đương đại thực sự trở thành một kênh nghệ thuật quan trọng trong đời dống nghệ thuật hiện nay. Và sau cùng, đã đến lúc nghĩ đến việc thành lập một đoàn múa đương đại như rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã thực hiện.


Có thể bạn quan tâm