April 26, 2024, 12:31 am

Mùa đợi mưa

Tây Nguyên mùa khô dãi dề dưới cái nắng 34, 35 độ. Giàn hoa giấy thiếu nước như quắt queo, cằn cỗi hơn. Những con bò, con ngựa vẫn cần mẫn cắm cúi nhặt những mẩu cỏ khô cong queo sát mặt đất. Những vạt cỏ bông hôi, nhưng đồng cỏ đã chết khô mang màu xám nâu trải dài ngút ngát cứ hừng hực lên dưới nắng. Cảm giác như chỉ có một tia lửa thôi cũng làm bùng cháy cả đồng cỏ mênh mông đến tận chân trời.

Đến Buôn Đôn vào đỉnh điểm của mùa khô. Ờ, thì mấy khi ở Tây Nguyên mà được hưởng cái nắng 38, 39 độ kèm tí gió Lào thì cũng coi như đang ở nhà mình Tây Bắc vậy. Bỏ qua đàn voi dũng mãnh và nhân vật A Ma Công huyền thoại từ ngày xưa, chúng tôi tới thăm cộng đồng người Dao Đỏ.

Thôn Thống Nhất là cái tên của bản người Dao Đỏ ở Buôn Đôn gần như nằm ngay trong tâm xã Kroong Na, cách ủy ban nhân dân xã Kroong Na  khoảng 1 ki lô mét. Con đường vào buôn đều được trải bê tông rộng rãi. Những ngôi nhà gỗ nhỏ nhìn ra phía cánh đồng cỏ mênh mông chìm dưới nắng. Phía xa tít là hồ chứa nước nằm im lìm dưới nắng gay gắt, dường như chứa cả sức nóng hầm hập của mùa khô. Anh Y Phương Niê, bí thư đoàn xã cho chúng tôi biết, người Dao Đỏ bắt đầu tới Buôn Đôn từ những năm 1990, họ đến từ Bắc Cạn và Cao Bằng, ban đầu với khoảng 20 hộ, cư trú thành một cộng đồng khá riêng biệt. Cho đến khoảng 2005, xã đã gom cộng đồng người Dao Đỏ thành lập nên làng Dao Thống Nhất.

Việc quản lý cộng đồng người Dao Đỏ khá khó khăn, vì phần lớn họ không biết chữ, không có chứng minh thư, không biết ký. Thêm nữa, tập quán sinh hoạt làm ăn của họ khá biệt lập, việc giao tiếp văn hóa xã hội gần như chỉ diễn ra trong nội bộ cộng đồng. Ngay cả văn hóa của người Dao cũng có những vấn đề cần phải xem xét lại. Ví dụ như người Dao Đỏ có tục lệ ở rể, và chuyển sang họ vợ. Việc chuyển đổi họ tên liên quan đến giấy tờ hành chính hộ khẩu và nhiều thứ khác nữa, làm cho nhiều khi rất phức tạp, mà giải thích kiểu hành chính thì bà con không chịu hiểu. Đặc biệt là tục lệ đổi vợ của người Dao cũng gây đau đầu cho các nhà quản lí văn hóa cấp xã. Để làm thay đổi những điều nói trên, chính quyền xã đã phải nhờ già làng đứng ra vận động trong thời gian khá dài. Hiện nay, thì tục lệ này hầu như đã không còn tồn tại trong cộng đồng người Dao Đỏ ở Buôn Đôn nữa.

Vì thuộc thành phần di cư tự do, người Dao Đỏ đã có “đóng góp” rất nhiều vào công cuộc phá rừng ở khu vực rừng quốc gia Buôn Đôn. Việc di dân tự do và phá rừng phòng hộ của cộng đồng người Dao Đỏ thực sự là vấn đề rất nan giải đối với chính quyền xã Buôn Đôn. Anh Y Thoong Khăm Niê KDăm, hiện đang là Chủ tịch xã Kroong Na, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cười ra nước mắt. Khi mới vào, họ có đưa tiền mua đất rẫy đã khai phá. Nhưng do tập quán du canh du cư thì họ lặng lẽ “di dân” vào giữa rừng phòng hộ, và bắt đầu công cuộc phá rừng làm rẫy từ trong ra phía ngoài. Đến khi chính quyền biết thì coi như “ván đã đóng thuyền”. Chính quyền xã đưa ra giải pháp thành lập làng Dao mới, đồng thời đối với khu vực rừng phòng hộ đã bị phá làm rẫy thì cho chuyển đổi sang mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Với những biện pháp tích cực và hiệu quả như vậy, cuộc sống cộng đồng người Dao Đỏ ở xã Kroong Na có nhiều thay đổi tích cực. Họ đã bắt đầu cư trú ổn định, họ làm ruộng nước trồng lúa, nhưng hộ khá giả hơn thì mạnh dạn vay vốn trồng cây điều và cà phê, bước đầu cũng có thu nhập ổn định. Người Dao ở Buôn Đôn đã bắt đầu tin vào cuộc sống định canh định cư.

Nhưng để có cuộc sống giàu có ở đất này thì thực sự còn là hành trình nan giải, vì thiên nhiên không ưu ái con người. Công bằng mà nói thì ở dải đất cao nguyên đầy nắng gió này, chất đất ba zan màu mỡ như thuộc vùng khác. Còn khu vực Buôn Đôn, nơi có đường biên giới chung với Lào, thì đất đai cằn cỗi và cũng chịu ảnh hưởng khí hậu khô và nắng nóng. Tận mắt nhìn thấy cánh đồng và thảo nguyên khô khát trong mùa chờ nước, cây cối như héo hon trong cái nắng hầm hập gió Lào.

Dừng chân dưới bóng mát hiếm hoi của cây điều có tán lá như xơ xác hơn vì nắng. Con chó vện có bộ lông đen trắng loang lổ cứ quẩn quanh bên chân người lớn. Bà mẹ chồng Hoàng Thị Rét đã hơn tám mươi tuổi, cứ lui cui quét lá rơi trên mảnh sân nhỏ loang lổ nắng. Khi xong việc rồi, bà cụ lại ngồi bó gối bên con chó mực cứ thè lưỡi ra vì nóng. Bà cụ chỉ vào đứa cháu gái gầy gò, “con này già rồi mà không biết lớn”. Cháu gái nhỏ Hoàng Thị Hiền 8 tuổi, ngồi kề bên chân mẹ với cuốn Đạo Đức lớp Hai trên tay, mà  nom bé nhỏ xíu như trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Người mẹ thì đang cắm cúi thêu thùa, không ngẩng mặt lên. Những bông hoa trên mảnh vải thêu dở cứ đỏ rực lên trong lưỡi lửa nắng gắt buổi ban trưa. Kệ cho cái nóng gay gắt, chúng tôi cứ rủ rỉ trò chuyện trong dãi dề nắng gió cao nguyên.

Em tên là Phùng Thị Lưu, quê Ngân Sơn, Bắc Cạn. Theo gia đình nhà chồng di cư vào Buôn Đôn. Đến năm 2001 thì chồng mất. Lấy chồng lần thứ hai, khi con gái Hoàng Thị Hiền được 9 tháng thì chồng bỏ đi. Hỏi lí do thì em nói, chăc là vì làm lụng vất vả quá mà, nhà mình không có vườn rẫy, đến mùa thì đi làm rẫy mướn. Hết mùa thì đi phụ hồ. Sống khổ  sở quá thì chồng nó bỏ mình mà đi thôi. Nó bảo với mình là không có tiền thì phải đi kiếm, nhưng không thấy nó về đâu, nó cũng cờ bạc đấy. Nhưng mình không cần chồng, cứ một mình nuôi con là được rồi. Nó không chịu làm ăn thì mình tránh xa nó ra, nuôi con một mình cũng được mà. Mình chỉ làm ruộng, ít thôi, chỉ đủ gạo ăn. Mình không làm rẫy, vì phải vay vốn nhiều tiền lắm. Mà làm rẫy cũng không đủ tiền trả nợ ngân hàng, trả tiền mua phân. Những lúc không đi làm thì ở nhà thêu thùa thế này thôi. Đồ dân tộc được mình thêu hết đấy, để mặc ở nhà, để tham gia các hội vui của làng. Dừng tay xâu kim, em âu yếm phủi bụi đất trên đầu con gái nhỏ, trẻ con không biết chơi gì nên lấy chó mèo làm bạn thôi. Ra khỏi thôn Thống Nhất, đã quên luôn cái nắng kinh khủng của mùa khô Tây Nguyên. Chỉ nhớ em cứ  rủ rỉ nói đi nói lại rằng nuôi con một mình cũng được mà, với vẻ hồn nhiên sao mà thấy xót xa. Chỉ nhớ em ngồi thêu hoa vẽ vòng xoay tròn những bông hoa nắng nhiều màu rực rỡ. Chỉ nhớ nhiều về ánh mắt em lấp lánh niềm vui “mình thêu như thế này để sau này con mình, cháu mình nó xem và bảo cái này là của mẹ mình, bà mình làm ra đấy”.

Ngẫm ra thấy con người ta, dù hoàn cảnh sống có khó khăn vất vả thế nào cũng tự vượt qua được, chỉ cần tìm lấy niềm tin để tựa vào. Còn khi đã không có, thì hãy tìm cách tự tạo ra niềm tin cho chính mình. Sự ứng xử kiểu tự thân đơn giản mà quyết liệt của em gái Dao Đỏ cũng đã mang rất nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống.

Những cuộc di cư thường gắn liền với các sự kiện lịch sử, như trước năm 1975 là sự kiện hiệp định Giơ ne vơ, sau 1975 là phong trào xây dựng vùng kinh tế mới. Ngoài ra còn những cuộc di cư tự do khi nhận thấy cơ hội phát triển kinh tế và thay đổi cuộc sống tại Đăk Lăk. Trong những năm gần đây, dân số của Đắk Lắk có biến động do tăng cơ học, chủ yếu là di dân tự do. Điều này đã gây nên sức ép về việc giải quyết đất ở, đất sản xuất và các vấn đề đời sống xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái.

Mặc dù chỉ chiếm 0.9% dân số toàn tỉnh (15.510 người) và cư trú rải rác ở các huyện của tỉnh Đắk Lắk nhưng dân tộc Mường đã góp phần không nhỏ tạo nên nền văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Tại thành phố Buôn Ma Thuột, người Mường tập trung chủ yếu ở xã Hòa Thắng và xã Eakao, cư trú đan xen với các dân tộc bản địa và các dân tộc khác. Khi di cư, người Mường thường di cư với số lượng lớn các gia đình, thậm chí là cả một vùng Mường, vì vậy họ đã duy trì được các phong tục tập quán và bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Riêng ở Buôn Đôn, cộng đồng người Mường Thanh Hóa có 16 hộ,  cộng đồng người Mường Hòa Bình thì đông hơn với 58 hộ, cư trú rải rác xen cùng với các dân tộc khác trên địa bàn của huyện. Cậu thanh niên rất trẻ Y Đoại Mlô là cán bộ văn hóa xã Kroong Na, đèo tôi trên chiếc xe máy đã hơi cũ, vượt hơn 10 ki lô mét, đến buôn Emar thăm gia đình ông Đinh Hồng Quảng, người Mường Thanh Sơn, Phú Thọ. Tôi ngạc nhiên đến sững sờ vì kề cận bên dòng suối lớn là cơ ngơi nhà vườn trang trại rộng mênh mông với hơn 2 héc ta cây cam và bưởi đang chuẩn bị vào mùa bói quả. Ngoài ra còn vườn rau, vườn điều và ao cá, những cây trái tốt bời bời. Ngôi nhà xây khang trang đẹp đẽ vững chãi nằm giữa vườn cây trái xanh tươi ngút ngát là niềm mơ ước của bất cứ người nông dân nào. Ông Quảng kể, gia đình ông thuộc diện di dân tự do, ra đi vì ở quê nghèo quá, làm ruộng không đủ sống. Bắt đầu lập nghiệp ở buôn Emar từ năm 1990. Khi vào đây, ông được chính quyền buôn giúp đỡ, tạo điều kiện ổn định cuộc sống. Ban đầu thì ông làm thuê, sau đó tích cóp và mua được mảnh đất ven suối E Minh, khai phá đất rừng trồng điều và cà phê. Được chính quyền cấp bìa đỏ sở hữu đất từ 1998.

Ban đầu, ông Quảng đầu tư trồng cà phê và cây điều. Từ vài năm trước, ông Quảng chuyển dần sang trồng cây có múi như cam, bưởi. Ông khẳng định rằng loại cây có múi rất phù hợp thổ nhưỡng nơi đây. Vườn cam của ông Quảng vừa bói lứa hoa đầu, nhưng ông tin chắc từ sang năm sẽ có thu nhập ổn định từ cam, bưởi. Các con của ông Quảng được tạo điều kiện đến trường học hành chu đáo. Đến nay các cháu đã có nghề ổn định, con gái Đinh Thu Huyền là cô giáo mầm non, con gái Đinh Thị Hồng Long làm ở ngân hàng Bảo Việt. Ông chỉ không may mắn khi có đứa con trai út sinh 1985 bị dị tật bẩm sinh, chỉ nằm một chỗ, không biết nói. Nhưng người đàn ông 61 tuổi không hề buồn phiền, mà tỏ ra mãn nguyện khi bày tỏ tình yêu với quê mới. Ông nói đất ở đây rộng rãi và tốt lắm, cứ chăm chỉ cắm cây gieo hạt xuống đất là có ăn, và có thể làm giàu. Nghe ông Quảng nói, tôi biết ông tự hào lắm vì cơ ngơi làm ra được bằng sức lao động của cả gia đình. Ông Quảng nhiệt tình mời tôi ở lại ăn cơm uống chén rượu nhạt như phong tục hiếu khách của người Mường “trâu ra đồng gặm cỏ, người đến nhà ăn cơm”. Nhưng tôi đành hẹn ông lần sau, nếu có dịp, nhất định tôi sẽ muốn thưởng thức trái cam ngọt ngào từ vườn nhà.

Mãi muộn hơn 10h trưa, người vợ của ông Quảng mới đi chợ về. Nhìn người đàn bà cao ráo nhưng gầy gò, khuôn mặt sạm đen màu nắng gió, già trước tuổi. Chị chỉ chào tôi một câu, rồi tất tả mang túi thực phẩm vào bếp, dặn dò chồng nấu nướng cơm nướng bữa trưa  cho mẹ chồng và đến ôm đứa con út bị tàn tật, bón cho con miếng bánh cuốn, đợi con ăn, xong chị lại tất tả đi. Chị nói, phải mang hàng lên buôn xa hơn, cách đây 15 ki lô mét để bán. Cũng kịp nghe chị kể buôn đó chưa có đường bê tông, chỉ có đường đất lại dốc cao, cũng khó đi lắm, nhất là những hôm trời mưa. Nhưng chị quen đi lại như thế rồi, cũng vất vả nhưng chẳng biết làm nghề gì khác. Sáng sớm ra chợ ngoài phố huyện, cũng cách xa khoảng 15 ki lô mét, mua rau cỏ và thực phẩm, sau đó mang vào buôn xa hơn để bán. Mà buôn bán thế này mới có tiền nuôi con ăn học chứ. Hồi cả nhà mới vào đây vất vả vô cùng. Tôi vẫn đi chợ thế này mà đi bằng xe đạp cơ. Bây giờ có xe máy là sướng rồi. Trong tiếng xe máy nổ gầm gào vì cái máy cũ rích, chắc phải già hơn cái tuổi 50 của chị, chị ngoái lại với nói tôi, “cô ở lại chơi ăn cơm nhé” rồi chị nổ máy và ngồi lên  cái  cái xe gắn máy, có hai cái sọt to tướng đằng sau, chất lên đầy ụ cả đằng trước và đằng sau, những rau cỏ, trứng, thịt lợn, thịt bò, cá tươi, cá khô, tôm khô, hành, tỏi, cà chua, nước mắm, xì dầu, mì tôm, đường sữa. Nom chị Quảng lọt thỏm bé nhỏ trong đống hàng cao ngất ngưởng, tôi chợt liên tưởng đến con cò lăn lội bờ ao.

Người đàn ông Mường khi chọn vợ thường chọn những cô gái chịu khó, chăm chỉ làm ăn, nói năng nhẹ nhàng, biết làm các công việc đồng áng, biết thêu thùa dệt vải, thành thạo các công việc nội trợ và ứng xử lễ phép với bố mẹ, anh chị, họ hàng, làng xóm. Người Mường quan niệm sắc đẹp chỉ là một trong những tiêu chuẩn, người vợ lý tưởng la phải nết na, chăm làm. Vì thế người Mường có câu: “Đừng tham nón rẻ mà đội trời mưa, đừng tham người đẹp mà thưa việc làm”. Người vợ của ông Quảng là một mẫu người như thế. Trong câu chuyện, ông Quảng cũng không dấu niềm tự hào về người vợ nết na chăm chỉ của mình, nhờ bà ấy mà gia đình chúng tôi mới có cơ ngơi này đấy.

Trên đời này mỗi người mang một số phận khác nhau, và dường như không biết trước được nơi họ sẽ sống. Nhưng miền đất đỏ đậm phù sa núi lửa miền cao nguyên này đã thực sự mang ấm no cho người Mường di cư từ Tây Bắc. Khi tôi đến nhà anh bạn trẻ Hoàng Quang Khải ở buôn Kroong Na, huyện Buôn Đôn thì Khải đang ở trên rẫy. Lại phải đi ra tận rẫy cam bưởi để tìm Khải về.

Đưa chúng tôi về thăm nhà, Khải kể chuyện đi theo bố mẹ vào Buôn Đôn năm 1996, khi đã 17 tuổi. Gia đình Khải là thành phần di dân tự do, cũng vì ở quê Yên Lập làm ăn khó khăn vất vả mới tìm đường ra đi. Được 3 năm, Khải về quê cưới vợ, và đưa vợ vào Tây Nguyên. Hồi mới vào cũng phải làm thuê làm mướn vì vốn liếng không có. Sau ít năm thì mua được 4.000 m2 rẫy bằng hình thức trả góp với số tiên 1,7 cây vàng. Trước đây trồng cà phê và điều, nhưng hiện giờ Khải chuyển sang trồng cam, quýt, bưởi, vì anh nói cây có múi cho thu hoạch tốt hơn. Trong khi chờ vườn cam cho thu hoạch thì Khải trồng xen cây ngắn ngày.

            Ở Tây Nguyên được 3 năm, Khải về quê cưới vợ, và đưa vợ vào Buôn Đôn sinh sống cùng cha mẹ. Hiện giờ, cha mẹ đã mất, hai vợ chồng và hai con nhỏ sống ở căn nhà cha mẹ xây dựng nên, giữa khu vườn rộng rãi trồng cam và bưởi. Khải còn có chuồng bò và chuồng dê với hàng chục con lớn nhỏ. Theo truyền thống người Mường, tiêu chuẩn của một người chồng lý tưởng là có sức khỏe, cày bừa thành thạo và biết đan lát các công cụ gia đình, biết chăm lo cho gia đình. Người Mường có câu: “Con trai để rào hỏng, dậu nát là con trai hư”. Với cơ ngơi này, chưa thể nói là giàu có, và còn nhiều vất vả nhưng chắc chắn cha mẹ Khải dưới suối vàng sẽ yên tâm vô cùng về cậu con trai của mình, vì Khải còn có tuổi trẻ.

            Khải kể là công việc làm ăn sinh sống được chính quyền xã và huyện Buôn Đôn hỗ trợ rất tốt. Nhưng vay tiền ngân hàng để hỗ trợ đầu tư sản xuất thì cũng khó khăn. Vì thời gian ngắn, tôi không có điều kiện để tìm hiểu chuyện này. Nhưng theo hiểu biết cá nhân, thì ngân hàng chỉ cho vay tiền khi người vay đảm bảo nguồn vốn vay và trả nợ. Đôi khi những đòi hỏi giấy tờ khắt khe từ ngân hàng cũng khiến người nông dân nản chí, không muốn vay vốn từ ngân hàng.

Khải kể tuy người Mường ở đây không sống riêng thành cộng đồng nhưng mọi gia đình người Mường trong buôn vẫn giữ mối quan hệ tình cảm khăng khít. Hàng ngày, quan tâm đến nhau trong mọi việc ma chay cưới hỏi, đau ốm. Đặc biệt, họ giúp đỡ tiền bạc hỗ trợ cho nhau khi khó khăn trong việc trồng cấy và chăn nuôi. Chính vì vậy mà kinh tế gia đình của người Mường ở Buôn Đôn này rất vững chắc. Có thể chưa hẳn là giàu có, nhưng chắc chắn có của ăn của để.

Chỉ đáng tiếc là người Mường Buôn Đôn thiếu hẳn các hoạt động văn hóa truyền thống theo phong tục Mường. Người Mường ở Buôn Đôn chưa có các hoạt động bảo tồn đời sống văn hóa dân tộc Mường, chưa có những sinh hoạt lễ nghi truyền thống. Người Mường ở Buôn Đôn sống rải rác xen lẫn với đồng bào dân tộc Ê Đê, Mnoong. Cho đến nay, hầu hết dân Mường di cư vào Buôn Đôn đều yên tâm làm ăn và chăm chỉ lao động, cuộc sống no ấm hơn hẳn ngoài quê.

Khi tôi nói điều này với chị Cao Thị Cúc, phó trưởng ban Dân Vận huyện Buôn Đôn. Chị rất vui, đôi mắt lấp lánh cười và bảo, người Mường ở đây tuy chưa có đời sống văn hóa cộng đồng phong phú như ngoài xã Hòa Thắng, nhưng mọi người đều khá giả hơn hẳn ngoài quê và yên tâm làm ăn. Chị mong muốn khôi phục lại đời sống văn hóa người Mường, nhất là di sản cồng chiêng Mường. Vì Buôn Đôn là xã biên giới, gồm 47 dân tộc, trong đó người Lào, Ê Đê, Mnoong… chiếm số nhiều, và văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Buôn Đôn phát triển khá mạnh mẽ. Chị Cúc và các phòng ban chức năng của huyện đang tất bật chuẩn bị cho Tết truyền thống của người Lào, Tết Pun Pi May, hay còn gọi Lễ hội Té Nước. Chị mời chúng tôi ở lại dự lễ hội Pun Pi May, sẽ được tố chức hoàng tráng tại sân vận động của xã Buôn Đôn. Chị Cúc mong muốn sau này người Mường ở đây cũng sẽ tố chức được lễ hội truyền thống, để góp vào tiếng nói chung với cộng đồng dân tộc của huyện Buôn Đôn.

Chị Cúc mang lại cho tôi bất ngờ, khi nói chị cũng là người Mường, quê Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Chị Cúc lập nghiệp ở Buôn Đôn được 30 năm, đang vững vàng ở vị trí lãnh đạo. Hàng năm, Cúc vẫn thường xuyên về thăm quê. Gặp chúng tôi, chị vui và ríu rít chuyện trò về những kỷ niệm ở quê hương, và mong muốn các nhà văn hãy viết chân thực về cuộc sống của người Mường nơi quê mới. Chị còn làm thêm bằng cách mở quán cà phê. Chị cải tạo ngôi nhà ở và khuôn viên vườn cây trở thành quán cà phê khá đẹp, rộng rãi và thơ mộng. Tôi nhìn thấy ở chị Cúc sự năng động, trẻ trung và quyết đoán của một thế hệ lãnh đạo thời kỳ chuyển giao giữa bao cấp và kinh tế thị trường.

Khi đến xã Kroong Na chúng tôi được đón tiếp thân tình bởi chủ tịch xã Y Thoong Khăm Niê K Dăm, người đàn ông nhỏ thó, nước da đen sậm nắng gió này đã là bác sĩ, từng làm giám đốc bệnh viện huyện Buôn Đôn. Anh đã làm chúng tôi cười trào nước mắt khi kể về những chuyện khó khăn ở buôn làng. Nhưng tôi nghĩ, dần dà chắc chắn  các anh sẽ giải quyết hết, bởi tôi thấy những cán bộ dưới quyền của anh, đều trẻ trung và có trình độ đại học, ví dụ như Y Phương Niê, bí thư đoàn xã tốt nghiệp học viện Hành chính quốc gia, hiện đang theo học chương trình chính trị cao cấp.  Hay như Bí Thư Đảng ủy xã còn rất trẻ, vừa 36 tuổi, chánh văn phòng Nguyễn Văn Dương cũng đã tốt nghiệp đại học và trên 30 tuổi một chút. Làm việc với những người trẻ, cảm giác như mọi chuyện khó khăn chỉ là chuyện khúc mắc chút thôi. Không có thời gian để trò chuyện nhiều, nhưng vài ngày thâm nhập địa bàn tôi cũng tạm hình dung ra khối lượng công việc bề bộn phải giải quyết, vì sự phức tạp của một xã biên giới, vì cuộc sống yên ấm của Buôn Đôn, nơi có 47 dân tộc khác nhau.

Chia tay Tây Nguyên khi bầu trời đang chuyển nắng dồn mây cho mọng nước. Nhớ lời  chị chủ quán nước nói, các anh chị ngoài Bắc vô đúng vào mấy ngày nóng nhất kể từ mùa khô, chắc nóng vài hôm nữa là mưa đấy,Tây Nguyên đang chuyển sang mùa mưa rồi. Khi tôi ngồi viết những dòng này, thì facebook của cô bạn nhà báo ở Đăk Lăc chụp đăng bức ảnh cơn mưa đầu mùa. Tôi mong được nhìn thấy tận mắt những đóa hoa cà phê trăng muốt, những trái điều đỏ mọng, những trái cam vàng rực. Từ nơi xa miền Tây Bắc, tôi biết Tây Nguyên sắp bắt đầu vào một mùa hoa trái sum suê được chắt lọc từ tầng đất đỏ ba zan màu mỡ. Tự nhủ, nếu khi con người hết lòng tận hiến, thì đất sẽ trả lại cho những thơm thảo ngọt ngào.

  Buôn Đôn 6/5/2018

 

 

Nguồn Văn nghệ 34/2018


Có thể bạn quan tâm