March 29, 2024, 10:14 pm

Mùa cổ tích

Khi những chiếc lá vàng cuối cùng lìa cành, mùa thu gói ghém hương sắc chìm vào giấc ngủ đông, chính là lúc thành phố bước sang tháng mười hai, tháng của những giấc mơ cổ tích. Thành phố ấy, nơi những người yêu cái đẹp thường tìm đến có tên Besançon 

Những tưởng khi sắc màu phai nhạt, nỗi buồn sẽ xâm chiếm, thành phố chìm vào những nỗi trầm mặc bỏ rơi những tâm hồn bơ vơ tìm nơi đậu lại. Đó chỉ là suy nghĩ của những kẻ lạc đường, lần đầu bước chân vào miền cổ tích Besançon. Bởi như một mê cung, những ai đã đặt chân lên thành phố sẽ khó mà bước ra khi chưa đi hết những con phố cổ kính cất trong lòng những bí mật đẹp đẽ. 

Trung tâm của thành phố nằm trọn trong lòng của dòng Doubs hiền hòa, dòng sông yên bình vắt ngang qua miền đông nước Pháp. Thoạt nghe đã rất dịu dàng, vì Doubs trong tiếng Pháp, nếu xét về mặt ngữ âm, có nghĩa là dịu dàng, êm ả. Và dòng Doubs là hiện thân rất đẹp của ngôn từ. Bắt nguồn từ biên giới Thụy Sĩ và đổ vào dòng Rhône, dòng sông uốn khúc như một dải lụa mềm mại ôm vào lòng những khoảng rừng xanh mướt và những khu phố trù phú. Điều đặc biệt của Besançon chính là ở đó. Nhìn từ trên cao, dòng Doubs bao quanh thành phố như hình một chiếc móng ngựa, vừa khỏe khoắn, vừa mềm mại tạo nên những nét yêu kiều cho thành nội.  

Đến Besançon vào tháng mười hai, dù là người có tâm hồn cẵn cỗi hay là người không ưa cái lạnh cắt da thịt đều phải cúi đầu trước vẻ đẹp diễm lệ của thành phố. Và nếu may mắn được nếm những bông tuyết đầu mùa vẫn còn nguyên mùi âm ẩm của luồng khí chưa đủ lạnh quyện vào mùi nhựa cây chưa kịp hong khô, thì đó sẽ là một dấu ấn khó phai. Vào những ngày như thế, không gì hạnh phúc bằng việc thả lỏng tâm hồn, mặc cho bước chân lang thang vô định. Những bước chân của tôi cứ mặc nhiên bước theo nhịp của âm thanh trầm bổng, mặc kệ cho thời gian trôi, với tôi đó là những giây phút yên bình nhất mà cuộc sống tặng cho mình.  

Mặc cho cái lạnh, thành phố vẫn tấp nập những nụ cười ấm áp phả vào buổi tối mùa đông đánh thức không khí của mùa lễ hội Noël. Những dãy phố thăm thẳm cổ kính nghìn năm bừng sáng dưới ánh đèn màu lấp lánh. Tiếng chuông nhà thờ Saint Jean dội xuống lòng thành phố, đung đưa bóng những đôi trai gái tay trong tay tìm một góc quán nhỏ nhâm nhi một cốc cà phê nóng. Tiếng leng keng của các chuyến bus chạy ngang qua trung tâm hòa vào tiếng nhõng nhẽo của lũ nhỏ đòi cha mẹ mua cho một cốc hạt dẻ nóng từ những chiếc xe nướng ven đường. Tiếng xuýt xoa của ai đó vừa chạm môi vào cốc vang nóng thơm phức mùi cam trộn cùng vị quế và hồi… Một khoảng thời gian chỉ có trong những câu chuyện cổ tích. 

Lần đầu tiên chạm vào miền cố tích ấy, tôi như một đứa trẻ vừa phấn khích tò mò vừa náo nức muốn tận hưởng hết những phút giây bình yên đó. Tôi đứng ngẩn ngơ trước những phiến đá xanh dìu dịu, những nét trạm trổ tinh tế trên mặt tiền của những dãy phố, những vòm mái cong cong tròn trịa, những tháp chuông nhà thờ với các ống khói mọc lên ngổn ngang như một bàn cờ vua đang ở nước đi giằng xé mà chỉ những cao thủ trong làng cờ mới tìm giải pháp. Bước chân của tôi cứ theo những con phố hun hút ấy mà lang thang. Để đôi khi, tôi chợt dừng bước trước những bậc cầu thang, những tuyệt tác của thành phố.  

Cầu thang ư? Đó chỉ là những bậc đá hay gỗ nối các tầng với nhau, có gì là đặc biệt để gọi là tuyệt tác. Đó là suy nghĩ của tôi khi chưa từng được bước lên những bậc thang xoáy hình trôn ốc ấy. Lần đầu khi tôi leo lên đến bậc cuối cùng, một cảm giác bất ngờ như chạm đến thiên đàng khiến tôi vỡ òa niềm kiêu hãnh. Phía dưới chân, trái đất xoay tròn, bé tí và thu gọn trong vòng tròn sâu hút. Và đôi khi, những bậc thang tưởng chừng như chẳng dẫn đến đâu lại mở ra cả một khoảng trời mênh mông đầy thi vị. 

Những ngày cuối tháng mười hai, khi Noël đang chạm ngõ, tôi thường dành ra cho mình chút ít thời gian và men theo những bậc thang rêu xanh. Những bước chân vô định đưa tôi vào một khoảng không gian đầy bất ngờ mà ngay cả những người dân Besançon lâu đời nhất cũng khó có thể định nghĩa, một thiên đàng hay một khung cảnh trong chuyện cổ tích. 

Đó là lúc bàn chân của tôi chạm vào những mảng sân nhỏ nơi có những quán cà phê dìu dịu ánh đèn của những thế kỉ trước, trong những căn nhà được xây lên từ gỗ sồi có hàng nghìn năm lịch sử. Bên ngoài, những ban nhạc đường phố mặc sức sáng tác những giai khúc trữ tình da diết. Đã có những chiều tôi ngồi hàng giờ trong những góc quán nhỏ bé ấy chỉ để một mình uống cốc cà phê nóng, lắng nghe những khúc nhạc du dương và ngắm những khối gỗ chắc khỏe với những đường cong mềm mại để tưởng tượng ra những gì đã được đọc qua lịch sử.  

Thậm chí cách đây hai năm, đại dịch Covid-19 đã buộc thành phố khép lại những cánh cửa. Có hề gì! Besançon chưa bao giờ mất đi vẻ yêu kiều vốn có. Đây đó, từ những ngóc ngách của những khu phố nằm sâu trong những trục đường chính, một khoảng xanh hiện ra. Bỏ ngoài tai những âm thanh phố phường và chọn cho mình những góc công viên tĩnh lặng, ít người qua lại, tôi ngồi lại tận hưởng không gian yên bình của thành phố.  

Từ giữa tháng mười một, những cây thông đã được dựng lên trang trí bằng những ánh đèn màu lấp lánh. Từ chỗ tôi ngồi, những cơn gió đầu đông khẽ lướt qua vuốt ve những lọn tóc và khuôn mặt lơ mơ vì cái lạnh. Những lúc đó, chỉ cần mở căng lồng ngực và hít hà mùi nhựa thông thơm nhẹ nhàng, quý phái và ấm áp. Mùi vị đặc trưng của rừng núi châu Âu, và mùi vị đặc trưng của lễ tết. Nếu như ở Việt Nam, những cánh đào rung rinh báo hiệu mùa xuân đang đến thì ở châu Âu, mùi nhựa thông chính là báo hiệu của một mùa lễ hội đang về.  

 Và tôi, hàng năm khi những chiếc lá vàng cuối cùng rớt xuống, mặc sức lang thang giữa những con phố ngoằn ngoèo của thành phố thả lỏng tâm hồn trôi về miền xa xăm và lạc vào mùa cổ tích.

Quyên Gavoye 

Nguồn Văn nghệ số 1/2023 


Có thể bạn quan tâm