March 29, 2024, 9:53 pm

Mưa cổ thành

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Truyện ngắn dự thi

 

Sự vô lý là cánh cửa mở ra những bí ẩn

Mưa rồi. Ngân nghe rõ tiếng mưa “điều binh” từ phía núi. Ở mỗi vùng đất mưa khác nhau. Nơi nơi đều có linh khí, có nhân kiệt, hà cớ gì không có những binh đội mưa oai phong. Nếu là mưa đêm, Ngân có thể nhắm mắt lại là thấy được rõ mồn một hình ảnh binh giáp, gươm giáo, sắc diện của họ. Mưa chiều lại bí ẩn hơn, giọt rơi trước mặt, giọt vọng vào tim. Có giọt như mê cung làm người ta bị mê hoặc, bị lạc lối đến muôn kiếp.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú 

Toà thành này được xây khá lâu, những cơn mưa mài đá bị sắc lẻm. Trên đá xưa, rêu mọc lên, lan ra như những huyền sử của vùng đất. Lạ nỗi, càng xưa cũ thì nó càng hiện lên rõ mồn một bởi sự gai góc, ẩm ướt. Ngón tay của Ngân chạm vào rêu lạnh, một cảm giác chạy dọc các mạch máu và thấm và trái tim thiếu nữ. Thời gian đã mang theo tất cả, máu, nước mắt, lòng hận thù, sự nhẫn nhục, vàng, lửa… chỉ đá và rêu còn ở lại. Cổ thành giờ không còn quan bế mà vẫn trụ vững trong kí ức của con người…

Ngân nghe thấy tiếng “tách” rất nhẹ. Âm thanh hiếm hoi của thời đại cô đang hít thở xuyên thấu qua những tầng tầng kí ức lọt vào đây. Theo phản xạ, cô xoay bàn chân như người xưa né tránh mũi tên của kẻ bắn trộm trước khi ngoái lại nhìn cho rõ diện mạo. Đó là một người mặc áo choàng kín, thản nhiên rời khỏi chỗ đứng, đi lướt qua phía sau lưng cô như gió. Bóng của người đó nhẹ như thể được thếp lên tường thành.

Ngân có cảm nhận rờn rợn như mình đã từng đến toà thành này. Còn nhớ, trong một giờ giảng, vị giáo sự đã nhắc nhở: “Những gì các bạn thấy hôm nay có thể không nói thật với chúng ta về quá khứ. Những toà thành hay phế tích của nó đôi khi chỉ mới vài trăm năm. Trong khi, dưới cái bóng của nó là những cọc gỗ, cọc tre vùi mình trong bùn nhão mới nhà “nhân chứng” cho sự thịnh suy của triều đại. Sự vô lý là cánh cửa để mở ra những bí ẩn…”. Lời của giáo sự còn quanh quất bên tai, thân xác ông hôm nay chỉ còn là tro cốt. Có lẽ cuộc đời là những hoán đổi. Sau trăm năm người trở về lại vô tri, lắng nghe cây cỏ, gió mưa tạo tác và thổi bản ngã phiêu bạt theo gió đi khắp núi sông này.

Hình như cô từng có mặt ở đây, ít nhất là giống một viên sỏi bị đãi ra từ đống cát được lấy từ Lô Giang. Phải, sáng hôm ấy người thợ hồ đã đãi bằng cái xảo to, vừa đãi anh ta vừa hát:

Quan quân thời, kiêu binh

Đắp gò nên núi, đăp lũy nên thành

Mẹ còn dệt vải, cha còn

 quăng chài

Sách đèn hề, hư vinh

Giáo gươm thời phú quý

Ta đãi ngân hà…

Viên sỏi được ném ra gốc cây trước khi cát được trộn với mật mía để gắn những hòn đá lên chỗ tường thành kia. Một lần khác, con ngựa chiến của quân Chùa Bầu vì phải đứng quá lâu nó đã nóng ruột tung cái vó hậu. Cú đá làm “cô” bị văng vào góc tưởng khô lạnh. Cú đá đó khiến sỏi trầy xước tạo ra những vết chàm phía dưới sau lưng cô. Có những vật gió, bão, mưa, năng và ngay cả binh lửa cũng bỏ quên sẽ mòn mỏi một nơi như thế. Thể nào, từ nhỏ mỗi khi nghe thấy tiếng ngựa hí, cô lại hoảng sợ muốn bỏ chạy. Mẹ thường phải ôm chặt lấy cô và nựng: “Ngựa ông đấy, đừng sợ…”.

Cuộc hẹn của Ngân là một sự ngớ ngẩn của cô gái ngoài hai mươi tuổi ngu ngơ. Một tối, Ngân bất giác muốn xem lại các tin nhắn chờ trong trang facebook của mình. Đã ba năm nay, cô không lướt đến đó. Cô gần như lãnh cảm trước mọi sự tán tỉnh, nịnh nọt hay đơn giản chỉ là kết bạn để tán gẫu của mọi người. Nhưng đêm ấy, cô thấy có tin nhắn của một người rất ngắn gọn: “Em đến Tam Kỳ chưa? Phải đến vì ở đây mưa không bao giờ ngớt…”. Đúng là lời nhắn đó chạm đến sự mong mỏi của một người viết tiểu thuyết. Một người gánh trên đôi vai là món nợ hư vô với kí ức chứ không hề có tham vọng lập thân bằng văn chương.

*

Thực ra, Ngân vốn vô lo vô nghĩ cho đến khi những giấc mơ kéo đến và đè nặng lên tâm hồn cô. Ngân đã gặp một hòn sỏi nhỏ trên phố. Cô tò mò. Hình như bọn trẻ con đem từ đâu về nghịch rồi vứt ra giữa đường.  Phố mới mở nên được quy hoạch ngăn nắp, toàn những ngôi nhà tráng lệ, đường xá sạch sẽ. Thay vì đưa chân đá nó vào một gốc cây, Ngân cầm nó lên ngắm nghía và phát hiện ra nó mang hình một mũi tên với cái đầu tam giác. Phần cuối viên sỏi với vết cắt như mũi tên đồng bị bẻ gãy. Ngân bỏ nó vào chiếc túi sách đeo bên hông và đem về đặt lên bàn cùng với những thứ tạp pí lù khác như cây hoa đá, nghiên mực, bình gốm…

Cái tin được đi làm sau gần một năm nằm khểnh thất nghiệp khiến cô vội vã thu xếp đồ đạc. Cả “miền cổ tích” của cô vốn bao thứ lỉnh kỉnh chỉ kịp dồn vào cái ba lô nhỏ. Ba tháng sau khi có kì nghỉ cô trở về thăm nhà thì nghe nói chiếc bình đã vỡ toang sau một lần ở khu vực này có động đất. Cái nghiên mực được một đứa em họ mang về tập viết chữ Hán còn viên sỏi hình mũi tên thì chẳng ai rõ đã ném nó đi đâu.

Nhưng đêm sau đó, Ngân bắt đầu rời vào trạng thái như bị bóng đè và bị dẫn dụ đến những nơi lạ hoắc. Ở chốn đó, lúc nào trời cũng ướt sũng mưa, đường dấp dính và vắng bóng người. Sáng ra, một cảm giác mệt nhọc lan khắp thân thể cô và rồi chuyển thành một thứ năng lượng thăng hoa, giúp cô hình dung ra tất cả để viết. Nếu không viết, cô sẽ thấy như máu sẽ trào ra ở bất kì một lỗ chân lông nào trên da thịt. Nếu không viết, cô sẽ thấy như có một con rắn sẽ dâng lên trong cổ họng và đặc biệt là gáy luôn lạnh toát như có gió mùa thổi. Những nắm lá bưởi, lá sả, lá hương nhu trong vườn bà ngoại đem đun lên thành nồi nước xông cũng không thể giúp cô thoát ra khỏi sự cương toả của những xung lực ấy. Ngân đeo vòng trầm, thiền định nhưng có vẻ tâm của cô không thể tĩnh tại trở lại như xưa. Có một lực hút như nam châm buộc tay cô phải cầm bút lên. Cô phải viết những câu chữ ấy bằng cây bút chì dù máy tính luôn đặt trên bàn làm việc và ipad luôn đặt bên gối.

Ngân cũng không ngờ những dòng vu vơ mà cô chép lại vào trang cá nhân lại gây ra bắt đầu cho những rắc rối. Ban đầu, không ai like hay bình luận cho những chuyện lẩn thẩn ấy. Cho đến một ngày, cô nhận được deadline ngắn ngủi của một người phụ nữ có danh tiếng trong làng văn: “Gửi cho chị những trang viết của em, hạn cuối ngày…”. “Em chỉ là một kế toán, thật sự những gì em viết nó chỉ vu vơ…”. “Không, nó rất sâu về lịch sử, đúng hơn nó có cái “cốt” mà chị rất cần để dựng bộ phim”. Ngân vã mồ hôi, thật sự mình đã “nghịch dại” nhưng thêm một lần nữa, sự tò mò dẫn dụ cô vào cái deadline này. Ngân mail cho chị ta tất cả những gì đã viết. Ngân nhận được lời động viên và yêu cầu, cô lại hì hụi “cày” bút chì trên giấy và chuyển nó sang bản word. Cứ thế, thời gian bị thắt lại, sổ sách, giấy tờ nằm trên bàn “đòi nợ” cô cao như quả núi. Bất chấp công việc dồn nén, Ngân vẫn viết.

Viết là một sự dại dột- Ngân nghĩ thế. Cô nằm bẹp trên đệm sau khi thoát ra khỏi sự đeo bám của những con chữ. Ngày bé, cô từng thấy đàn kiến khiêng một con chuồn kim qua đường. Nhìn chúng khiêng không giống người ta chung vai khuân gỗ mà như đang đoàn người khiêng một… thây ma. Ngân từng tưởng tượng ra đàn kiến hát một bài nửa như ai oán, nửa như chế nhạo với cái giọng đa thanh hoang dại. Lần này cũng thế, đám chữ mà cô viết ra cũng đang đồng ca một bài đồng dao man rợ quanh cô. Cho đến khi cô gục xuống mệt mỏi.

Chuyện mà Ngân ám ảnh nhất là một “lần” cô “đầu thai” vào một nhà thuyền chài. Từ nhà cô nhìn sang luỹ Tam Kì chỉ chừng một tầm phóng lao. Bên đó, thường có một người con trai chèo thuyền sang đây mua tôm cá. Người đó chẳng có vẻ gì đặc biệt ngoại trừ một vết sẹo chéo phía dưới quai hàm. Vết sẹo làm khuôn măt anh ta dữ dằn hơn lâu ngày lại người ta lại thấy đáng thương. Từ khi Chúa Bầu nổi lên ở vùng này, trai tráng đa phần là theo họ Vũ để mưu đồ bá nghiệp. Chuyện lính chết trận hay tàn phế sau những trận đụng độ với quân nhà Mạc chẳng có gì lạ. Ai bảo đất tốt, lúa đầy đồng, cá tôm đầy dưới sông, no ấm nuôi giấc mộng bá quyền.

Dũng rút cây sào, nước sông trong và lạnh. Dũng ngoái lại:

- Có con chép lớn nào mắc lưới đêm qua không ông Hàn?

- Từ hôm cậu hỏi, lại chẳng có con chép nào vướng lưới. À - ông Hàn chợt nghĩ ra - nhưng có cái này lạ lắm. Tôi nghĩ nên đưa đúng người như cậu.

Dũng cười gằn. Anh chống sào đứng xem lão gàn này tìm được thứ gì. Thực ra cha con lão hẩm hiu lắm. Cá tôm không kiếm được mấy mà lắm khi vẫn cho không đám lính, thợ thuyền. Có đứa cợt, trừ mỗi con gái lão là giữ khư khư, mọi thứ lão Hàn đều xông xênh.

Rút ra từ khoang thuyền một vật gì cuộn trong tấm lưới rách, lão Hàn thậm thụt.

- Cất kĩ, về nhà vào đêm tối trời cậu mới nên mở ra xem…

Dũng về, quẳng nó vào xó bếp và quên luôn. Ở lũy này, cuộc sống như cái cây khô sẽ mục ra vì chẳng có trận đánh nào. Đám lính không lơ là việc binh, cũng không rượu chè, hút sách nhưng nguội dần sĩ khí. Thế trận giằng co đã khiến Đại Việt năm bè, bẩy phái không còn châu tuần về triều đình nhà Lê như trước nữa. Nghe ra, trong rừng lá mỗi khi gió thổi đã có tiếng mách bảo máu sẽ còn đổ nếu có người muốn đoạt quyền xưng vương. Một tiểu tốt như Dũng đã ra trận cũng chỉ biết chém và giết. Ở thành thì vác giáo canh đồn, biết làm sao thoát ra khỏi gầm trời này. Vết sẹo cứ nhức lên mỗi đêm trăng.

Đêm ấy, khi đang nằm ngủ, Dũng nghe một tiếng sét nổ inh tai. Tỉnh dậy, anh thấy chớp loang loáng mặt sông. Cơn mưa từ chiều tối nay quái gở, gằn từng đợt xuống mái nhà. Anh lần tìm mà không thấy gươm, giáo của mình ở đâu, nhớ ra, đêm qua sau khi uống quá chén, Dũng đã không về chỗ ngủ mà nằm vật vạ ngay gian bếp. Cảm thấy bất an, Dũng lần tìm một vật gì đó để phòng thân. Trong gian bếp toàn rơm rạ đã ướt nhèm bởi nước mưa ngấm vào. Đã từ lâu, cái lũy nhỏ này không được vun đắp nên mưa xuống, nước ngập khắp nơi. Dũng ngửi thấy trong mưa có mùi tanh của máu. Anh đứng dậy, dù thế nào cũng phải di chuyển, không thể để cái chết tìm đến. Nhưng khi vừa bước đi, chân anh vấp phải vật gì nằng nặng. Một đám lưới rách tanh lòm mùi cá. Mùi của cha con lão Hàn - ý nghĩ lóe trong đầu cùng với ánh chớp hắt vào từ mặt sông.

Tấm lưới rối rắm và lẩn quẩn như ý nghĩ của kẻ tâm thần. Nó tuy sơ xác những cũng đủ khiến người ta phải vắt óc suy nghĩ vẫn không ra được tại sao phải cần lâu la, rườm ra đến thế. Cho đến khi thật sự thất vọng, tay Dũng chạm phải vật gì sắc lạnh. Một cây đao, đúng thế, chỉ cái cán là còn chút hơi ấm. Cây đao không dài nhưng cầm lên đủ biết là người rèn rất có nghề. Nó có thể đoạt mạng kẻ khác trong vài thế võ. Dũng cầm thanh đao lao lên mặt lũy, chòi canh không anh đèn đuốc, không thấy bóng người. Thứ nước đang ướt nhép dưới chân Dũng là máu. Máu hoang lạnh. Một tiếng sét vụt qua, Dũng chỉ còn cảm thấy mình nhẹ như một chiếc lông gà, từ từ bay lên theo gió. Dưới chân anh mưa và nước mắt vẫn tầm tã…

*

Ngày bé, nàng đã nghe người già kể về một nấm đất hình ngôi mộ kì lạ ở bên kia sông. Bọn trẻ con nói rằng trên nấm đất đó mọc lên một cái cây cụt ngọn. Phần ngọn còn lại của cây nhọn như mũi đao, mỗi năm nó mọc ra một thứ hoa rất đẹp rồi chóng tàn. Ngay dưới cái cây đó có một viên sỏi nhỏ. Hễ đứa trẻ nào tinh nghịch ném viên sỏi xuống dòng sông thì hôm sau lại thấy nó nằm nguyên chỗ đó. Viên sỏi không dơ dáy, ướt át hay chầy xước gì. Người lớn sợ hãi không dám cho bọn trẻ đến quấy quả mô đất đó nữa. “Giờ thì nó đã nằm gọn trong thành cổ”- cha nàng nói như thế với nàng.

Mỗi khi dong thuyền đi thả lưới, hai cha con lại nhìn sang bên kia sông, nơi đám lính Pháp đang lố nhố phía cổng thành phía Tây. Người ta nghe ngóng tiếng súng để đi chợ, thuyền bè chẳng mấy lại tiếp tục xuôi ngược giao thương bởi ho dù bên nào giành phần thắng thì vẫn cần cái ăn hàng ngày. Nhưng có một điều, sự xuất hiện của đội quân mũi lõ, có thứ lông đen dày dưới cằm và cả phía mang tai và đôi mắt sâu hoắm làm người ta khó có thể chấp nhận được. Khác với các cuộc nội chiến trước đây, lần này chúng đến từ biển và xem ra không bằng lòng với những khoan nhượng của triều đình. Những họng súng kia không chỉ biết khạc ra lửa mà còn huỷ hoại linh khí ở đất này.

Dưới bầu trời mây vẫn bay, trong rừng tre vẫn mọc thẳng. Cha nàng bảo như thế là cõi Nam này vẫn còn dư sức đánh Tây. Chỉ có điều là cần người tài xâu chuỗi những gióng tre ấy lại thành bè, thành mảng mới hanh thông được. Không biết bao giờ người vùng thừa tuyên này mới được vào thành như trước.

- Chẳng lẽ không ai đuổi được giặc Tây. Con có cảm giác, mình phải vào đó, đó là giấc mơ của con từ nhỏ. 

- Ngày cha sinh ra là ngày quân Pháp nhập thành. Chúng có súng và được tổ chức chặt chẽ. Hùm thiêng trong rừng núi cũng từng bị chúng vây bắt và bóp nghẹt.

Nàng nhẩm tính:

- Cha năm nay đã sấp sỉ lục tuần, vậy là đã gần một hoa giáp quân Pháp chiếm giữ thành.

- Con gái ạ, vận nước như mây cuốn trên trời, như nước chảy dưới sông, cha vẫn luôn đợi ngày đó đến…

-Cha đợi gì…

Đúng lúc đó, có hai người từ con thuyền nhỏ bước lên. Họ lướt nhìn nàng rất nhanh rồi đi vào nhà. Nàng đã quá quen với các thuyền nhân từ mạn dưới xuôi lên đây đổi hàng hóa. Nhưng hai người này có vẻ gì đó rất cẩn trọng, tuy họ ăn vận kiểu Kẻ Chợ nhưng lại rắn rỏi như lính tráng. Cha nàng dắt họ ra khoang thuyền, bàn bạc gì đó khá lâu rồi lấy cá chiên bỏ vào chiếc túi lớn hai người mang theo. Khi họ xách xuống thuyền, cha nàng còn nói với theo:

- Chừng nào quăng chài được, tôi sẽ nhắn các cậu. Cá sông Lô dữ dằn nhưng hợp sức thì quăng lưới bắt gọn.

Một người bỏ chiếc mũ ra, cười, vẫy tay chào cha nàng:

- Dù có khó đến mấy, được người bản địa như lão giúp sức, “nó” sẽ không thoát được…

Nàng đứng nhìn khuôn mặt người con trai đó như lóe lên một thứ ánh sáng lạ. Những đường nét hiện lên rõ mồn một như trong giấc mơ nhất là vết sẹo. Đã có lúc nàng nghĩ người đó sẽ là người mở cánh cổng, dắt tay nàng đi lên mặt thành, đến với mô đất kì lạ có viên sỏi và cái cây kì diệu kia. Người tuấn tú họ thường giống nhau chăng? Hay nàng đã đọc quá nhiều sách tân học mà thành ra mơ mộng chăng?

Người ta nói rằng cha nàng là một đứa con của sông.

Dân chài nhặt được ông trên một chiếc bè chuối trôi lững lờ vào đầu mùa thu. Đứa trẻ trên bè nhoẻn miệng cười, không chút sợ hãi, lớp da căng bóng như một con dái cá. Ở vùng này, nghe nói thời nào cũng có một đứa trẻ trôi dạt như thế.

Lớn lên, cha nàng bơi thoăn thoắt, chạy nhanh và rất khéo léo. Cứ đêm đến, dân chài lại thấy ông lặn mất tăm. Khi trở về đôi mắt ông ánh lên những tia sáng như sao trong đáy nước. Nàng từng hỏi. Cha im lặng. Cho đến khi nàng đủ lớn để nói:

- Con là đứa con duy nhất của cha. Nếu giấu con, cha sẽ có được gì?

Cha nàng chỉ sang bên kia sông:

- Cha thường đi khắp thành mà không ai biết. Họ không thấy cha vì cha không có ý định tìm họ.

- Cha muốn sau này sẽ giúp nghĩa quân đánh Pháp?

- Không chỉ có một nghĩa quân, một mồi lửa, một đống lửa, lòng người dân nước Nam ai cũng như lửa vùi trong tro, trong trấu chỉ chờ ngọn gió lớn thổi bùng lên.

Tiếng súng nổ vang mặt sông. Cha nàng vội chạy ra thuyền, ông lấy ra từ trong tấm lưới cũ một thanh gươm. Ông đẩy thuyền lướt đi. Đấy là lần cuối cùng nàng còn nhìn thấy cha. Giờ thì người dân làng chài mới nhận ra mấy hôm nay không thấy đám trai tráng đâu cả. Cùng với gươm giáo cũ, súng ống mới kiếm được, họ hợp lực với vệ quốc quân công đồn. Những tiếng súng nối nhau, mưa bắt đầu lan ra mặt sông, gió từ đâu về thổi mạnh. Đã lâu lắm rồi mới mưa, mưa như đội quân ẩn mình sâu trong núi giờ mới đổ ra ùn ùn. Nàng thấy từng giọt mưa ấm nóng như giọt đồng nung làm tan chảy tất cả thời gian.

*

Ngân khép lại tập bản thảo vừa lướt qua. Vài giọt mưa lấm tấm trên trang giấy. Cô không biết mình là người viết ra những câu chuyện này hay cô chính là một nhân vật trong đó. Cuộc hẹn với người chưa quen, người đang giấu mặt vừa bí ẩn vừa hứng thú. Đi tới một góc thành, bất chợt điện thoại trong túi cô rung lên, báo hiệu có tin nhắn. Ngân mở ra, trong cửa sổ chat messenger hiện ra hình ảnh cô với vẻ mặt thảng thốt bên thành cổ. Mưa bết vào tóc, nhoà trên mi như xoá nhoà những đường nét thanh xuân của thực tại. Ngân ngẩng lên, vội vã nhìn xung quanh rồi hốt hoảng chạy khắp thành tìm kiếm. Ai vừa chụp và gửi cho mình thế? Anh ta chắc chỉ đâu đây?

Chỉ có mưa, mưa vẫn rơi mải miết. Cô thấy từng giọt mưa thấm lạnh trên vai như thể cô chính là thiếu nữ đã từng qua sông chôn xác Dũng và đặt trên nấm mồ của anh một viên sỏi của bản mệnh. Như thể chính cô là bà cụ bên kia sông nằm nào còn kể mãi trận công thành đánh đuổi giặc Pháp. Những người chiến binh đã xung trận, lịch sử từng lớp từng lớp dày dặn dưới chân, còn mưa cứ thế hư ảo trong chiều xứ Tuyên…

Nguồn Văn nghệ số 42/2022


Có thể bạn quan tâm