April 26, 2024, 1:54 am

Mùa cá Vàng Anh

 

1.

Kỳ phép, tôi có viết một bài giới thiệu tập thơ Cá vàng anh của thi sĩ Long Tre đăng trên tờ tạp chí văn nghệ quê nhà. Tôi làm việc này hoàn toàn do cảm xúc về những bài thơ viết về biển của nhà thơ Long Tre, trong đó có những câu thật ấn tượng: “Dẫu làm mặn đắng mưa rào / Biển không mặn thì ở đâu mặn mòi?”. Đặc biệt có một bài thơ không vần được lấy làm tựa đề cho cả tập Cá vàng anh, theo tôi, đó là bài thơ đỉnh trong đời thơ của thi sĩ Long Tre.

Đã vài lần được cùng nhà thơ Long Tre cho đi biển vào mùa cá vàng anh nhưng tôi phải bái phục những phát hiện ý tứ và chữ nghĩa về loài cá này của ông. Vùng tôi, mùa cá vàng anh là mùa thu, hay như cách dùng chữ nghĩa của nhà thơ Long Tre là mùa: Tiễn sen, đón cúc giao thoa bời bời.

Ở biển, cá vàng anh đi theo đàn hình vồng uốn lượn chập chờn và nổi nhiều lên mặt nước vào lúc rạng đông. Màu sáng lấp lánh từ những đuôi, những vây của cá vàng anh khi tụ đàn bắt gặp ánh lê minh đầu ngày trông hệt như những tấm lụa nõn bay vờn trong màn nước vàng tươi xao động.

 Khi kéo lưới, các ngư phủ phải đều tay, nếu chỉ cần mếch một góc, cả đàn cá đông cả trăm con sẽ vụt qua chỗ mếch đó bay ra biển thành một vạt sáng loáng, biến mất tăm vào màu xanh mênh mông.

Vàng anh là loại cá cao cấp, béo đậm và có vị thơm sang trọng. Ở quê tôi người ta hấp cá với lá vung vang hoặc rán, hoặc kho lan lát với cà chua, với sả đều được những món ngon, bổ, và cực kỳ khoái khẩu…

2.

Thay vì nhận nhuận bút, tôi bắn Binh sang Hộ thành mười lăm bản sách tặng người bạn văn chương đàn anh, nhân ông sang tuổi tám mốt. Tôi đoán món quà nhỏ này sẽ làm nhà thơ vui, vì thế, vừa ra khỏi cổng tạp chí, tôi bấm máy gọi: “Chào nhà thơ Long Tre, em Đô xin đến thăm  ông anh  trong ít phút nữa, được không ạ?”. Nhà thơ Long Tre hồ hởi trả lời: “Cảm ơn! Hân hạnh quá! Đến đi nhưng đừng đến nhà mà đến chỗ điều dưỡng nha!”. “ Vâng, em  đến đó càng gần!”.

Tôi tắt máy, phóng xe ào đi. Tại khu điều dưỡng, tìm mãi không thấy tên cúng cơm Trần Văn Tre và bút danh Long Tre của nhà thơ trong cuốn sổ trực ban. Ông giữ sổ đã luống tuổi thấy tôi quá sốt sắng bèn gợi ý: “Hay chú sang bên trung tâm Bảo trợ xã hội xem, may ra...”. Tôi khẽ lắc đầu, nói hơi xẵng: “Ông ấy là nhà thơ có hạng của tỉnh ta, sao lại có thể ở trại tế bần được?”. Ông trực ban liền chỉnh tôi: “Trông chú cũng có vẻ cán bộ lắm, sao lại gọi trung tâm Bảo trợ là trại tế bần; ngày trước mà chú phát ngôn kiểu đó là ăn đòn quan điểm đấy nhá!”. Tôi vội xin lỗi và rút nhanh để không bị cái vạ miệng mà người trực ban vừa phê phán.

 


Có thể bạn quan tâm