April 23, 2024, 9:28 pm

Mùa cà phê ngát hương

 

Điểm kinh tế mới cheo leo giữa lưng đồi. Bao quanh là những miền hoang hắt hiu, mọc đầy cúc quì, cỏ tranh, cỏ Mỹ. Thời ấy, mỗi vùng kinh tế mới được lập nên bởi một dự án, gọi là một điểm. Đó là tập hợp dân từ nhiều làng xã cùng huyện từ Bắc vào. Đến đất mới không gọi làng, mà gọi là điểm. Điểm Năm. Trong Nam Bộ gọi khu dân cư là Ấp. Tây Nguyên gọi cụm dân di cư là thôn. Vì vậy điểm kinh tế mới này được gọi luôn thôn Điểm Năm.

 

Duyên đi theo đợt kinh tế mới, được chia một lô đất ngàn mét vuông làm  cái nhà tạm và trồng vườn. Chỉ thời gian sau lại được tuyển làm nhân viên phòng lương thực huyện, cô đi về hai nơi. Điểm Năm cách trung tâm huyện gần hai chục cây số mà trông hun hút lắc lơ. Mùa mưa, hễ bão gió bất kể xứ nào trên mọi miền Tổ quốc, Tây Nguyên đã ồi ồi giội nước. Trời sa sầm quần quật. Những con đường đất đỏ nhầy nhụa, bùn tươi dính trết chặt bánh xe đạp. Đi trăm mét đã mắc kẹt, phải xuống bẻ cành cây thục chọt cạy cục bã mồ hôi. Lên dốc ì ạch. Xuống dốc oành oạch. Té sấp té ngửa. Trơn trượt xìa lia. Một lần về điểm, ngã xe ngất xỉu giữa quãng hoang, Duyên tình cờ gặp anh. Ba Tâm có nghề sơ cứu, học từ thời lính Cộng hòa. Dịp may ấy, Duyên như được sinh ra lần thứ hai. 

truyen du thi: mua ca phe ngat huong hinh anh 1

Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú.

Sau kỳ Nhân hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên, Duyên khóc nhiều, buồn nhiều, vẩn vơ mất hồn nhiều sinh chứng ngất tim. Hễ xúc động, tác động bất thường là bị ngất.

 

Ngày đi Nam, cưới nhau chưa đầy tháng. Tiễn mà biệt.

- Anh đi chẳng biết đến bao giờ. Khổ em phận gái. Nếu hy sinh, ngày hòa bình thống nhất, gắng đưa anh về. Xong việc thì thanh thản lấy chồng. Là cố đi bước  nữa!

- Đừng anh. Gở mồm!

- Là nói cho hết nhẽ! Giả sử như vậy thì cứ vậy... Đừng ở thế khổ thân!

Một ngày mưa. Duyên gục vào vai Nhân khóc nức.

* * *

Ở tập thể lụp xụp tuềnh toàng mà vui. Có cái gì bọn con gái cũng gọi nhau ăn chung. Ai có việc, mọi người đều biết. Về Điểm lên, thi thoảng Duyên có củ khoai củ sắn cả nhà cùng luộc ăn. Có lúc bắp ngô xúm nhau nướng, rang rí rắc thơm cả dãy.

- Cho ăn bắp nướng với. Không giấu được đâu nha. Thơm quá trời.

Anh Bể. Bốn Bể Phó chủ tịch huyện đến thăm khu tập thể cuối giờ. Chẳng thiếu đói gì, chào vui vậy, anh bổ bã nhai ngô nướng như bầu bạn thân quen.

- Chết. Lại thất lễ với lãnh đạo.

- Không, không. Ngon đáo để đấy chứ!

Khu tập thể biết tỏng ra rồi. Là anh Bốn Bể này vừa bị vợ bỏ. Người kiêu mạn thế mà cũng đến nông nỗi ấy. Đang cố tăm cô Duyên, lại giả thèm bắp.

- Cái lão ấy gia trưởng khó chơi lắm mày ạ! Không phải ngẫu nhiên mà vợ người ta phải bỏ đi.

Khi vắng khách, tụi con gái tìm đề tài giải tỏa.

- Đừng có mà thánh tướng. Họ làm quan, mã tốt, địa vị cao. Chê vào đâu nữa.

Nghe vậy Duyên cũng sinh lưỡng lự. Là thân gái chưa con, bạn bè bảo còn duyên chán. Lấy chồng cũng thường tình thôi. Dáng người đầy đặn, nước da mịn màng trắng như trứng bóc. Duyên lại có khuôn mặt tươi ngời ngợi, đôi mắt dao cau, nhìn ai cứ lúng liếng ngả nghiêng. Nếu không có sự cố bi hài một đêm tối trời thì chắc cũng đã là vợ chồng. Cái đêm lạ. Bốn Bể chơi tới khuya. Bọn bạn tâm lý rút sạch. Chuyện mãi, đủ thứ trên đời chừng như càng lúc càng mặn mà đằm thắm. Đang lúc say sưa thì có tiếng anh công vụ gọi xếp ời ời. Là Chủ tịch Năm Châu cho tìm. Chết hoảng. Gọi vào giờ này chỉ có tai nạn hoặc Phun rô tập kích. Bốn Bể luống cuống cáo từ. Lại rút cửa sau cho êm, tránh mắt săm soi của mọi người. Rầm! Soạp! Tủm! Bốn Bể rớt xuống hầm rút nước phân heo. Sự cố bất ngờ, lại vô cùng khó xử, nhưng Bể vẫn cố vẫy tay ra hiệu nín thinh. Anh lóp ngóp leo lên, chạy bộ về nhà mang theo một bầu không khí xú uế tanh tưởi.

Sau vụ ấy, Bốn Bể không sang khu tập thể nữa. Những đứa con gái phe “chủ chiến” được thể bảo thôi, dứt.

- Ông Nhân xô đấy mày ạ. Là ông ấy cản.

- Tào lao. Không đâu hưa mồm nói bậy! – Mấy đứa phe “chủ hòa” choảng lại.

Duyên ngậm ngùi. Cô chợt nhớ lời Nhân hồi chia tay (cố đưa anh về!). Mà mình đã cố gắng vẫn chẳng có tin tức gì về anh ấy. Đúng cái mảnh đất Gia Lai này, nhưng thời cuộc đổi thay, trời đất chuyển dời. Người ta lại ùn ùn cày xới trồng tỉa thế. Dễ mà vô vọng.

* * *

Một ngày nhận được tin báo về Nhân. Đó là chuyện ly kỳ như giấc mơ, như cổ tích. Một chị nọ ở gần một ngã tư ven ô Pleiku trong lần cơi nới sửa nhà, đào hầm rút tự dưng trong đêm thấy người báo. Đó là một chú bộ đội trẻ, đầm đìa máu. Kể rành rọt hoàn cảnh, nơi chốn... Chị khắc nhớ, sau đó ghi lại tất cả, báo về địa phương. Đúng số điện thoại ấy, đúng cái xã ấy, đúng tên người ấy. Quá bất ngờ. Kỳ lạ, nhưng hoàn toàn vững tin.

Ngày đi lấy hài cốt Nhân, Ba Tâm đề nghị đi cùng. Cũng tốt, dẫu sao đó cũng là người biết xử lý những tình huống bất ngờ về các sự cố sức khỏe.

Đến nơi, Ba Tâm đã nhận ra ngay cái vùng đất xa xưa ấy.

- Đây là cơ sở giam quân báo. Phía sau nguyên là một con đường đất khá lớn, ôtô vào ra được.

- Đúng vậy. Sao anh rõ thế. Tôi đến đây rất sớm. Trước có con đường phía sau. Nó như là một lối ngầm âm u. Mặc dù trước mặt là quốc lộ rầm rập người xe.

- Một lối vào bí mật. Là nơi nhốt quân báo để khai thác tin tức. Nhiều người bị tra tấn ác liệt mà chết tại chỗ. Họ lấp luôn ở những bãi hoang bên cạnh, không dám đưa đi xa... - Ba  Tâm như sống lại một thời kỳ máu lửa tang thương khốc liệt.

* * *

Ở quê, đến tuổi sắp thành niên, Ba Tâm đã phải đưa lên Kon Tum đi làm ăn phát vãng. Đó là cách trốn lính dễ nhất. Rừng mù mịt. Ngỡ yên thân. Được mấy năm, Kon Tum không ổn, người nhà tìm đường dây xuống Gia Lai để bố trí cho về xuôi. Cuộc trở lại ấy ly kỳ như chuyện trinh thám. Đầu tiên phải nhờ người liên hệ tiếp cận được một viên sĩ quan Cộng hòa. Rồi đóng một màn kịch thật nhuyễn. Ôm mặt nhăn nhó, dãi dớt ròng ròng. Ông sĩ quan người Việt xì xồ một thôi một hồi với ông sĩ quan Mỹ. Thế là ô kê. Lên máy bay trực thăng về Pleiku. Cái thời ấy hai tỉnh lị cách nhau năm mươi cây số mà không thể xuyên đường bộ được. Rừng rú quanh co sợ phục kích. Chi phí cho chuyến đi ngắn ngủi ấy là một lượng vàng. Đến Pleiku lại phải nhờ đường dây liên hệ với xe tải gỗ. Đây là phương tiện dễ tránh sự kiểm soát của quân cảnh. Chủ xe bố trí cho một chỗ trống trong các lóng gỗ. Nằm vào, ngủ và quên tất. Như kẻ uống thuốc mê. Mọi chuyện phó thác cho nhà xe.

Đến quê trót lọt. Cưới vợ xong thì lại bị bắt. Ba Tâm nhờ cái bằng tú tài một, được vào học lớp quân y, không phải cầm súng. Ra trường tiếp cận ngay cái trại giam tù binh quân báo.

- Mẹ ơi! Duyên ơi!

- Huỵch.

- Hự.

- Má mày. Ngoan cố!...

Không khí bí hiểm, căng thẳng.

Cửa phòng tra tấn mở. Một thân xác mềm èo được lôi ra. Máu me bê bết. Cái xác vẫn còn thoi thóp. Đó là một thanh niên trẻ nhưng xanh nhớt. Sau một lúc lau rửa, sơ cứu, người thanh niên mở mắt.

- Anh là bác sĩ? Để cho tôi chết đi! – Những tiếng nói yếu ớt phều phào.

- Tôi làm nghề y, chẳng muốn ai chết! Khổ thân anh.

- Tiếc là không gặp được mẹ, được vợ nữa! – Mắt lịm đi trong đớn đau.

- Chinh chiến mà anh. Biết làm sao được! Vợ tôi cũng vừa bị trúng bom tử nạn dưới quê - Tâm thủ thỉ như tự nói với lòng mình. Dẫu sao cũng có người để mà chia sẻ  -  Mà anh tên gì? - Ba Tâm như kẻ lỡ miệng. Thấy mình không phải.

- Tôi tên Nhân - Thanh niên thoáng mở mắt - Trông anh nhân hậu lắm. Chẳng giống chút gì với bọn người kia – Cái giọng nói đứt hơi, khó khăn lắm mới hắt ra được từng tiếng mệt nhọc.

Cuộc đối thoại kỳ lạ và ngắn ngủi ấy là lần duy nhất với con người tên Nhân. Những khoảnh khắc ấy cứ ám ảnh mãi trong Ba Tâm. Không ngờ lại có ngày trở lại.

* * *

Việc người âm thực cũng kỳ lạ. Đưa được hài cốt Nhân về quê, Tâm thanh thoát nhẹ nhõm hẳn. Duyên cảm như toại nguyện với vong linh của anh. Cái ngày dẫn Tâm về ra mắt khu tập thể, ai cũng mừng, ai cũng một mực vun vào. Có vẻ như lời dặn thời xa lơ nào đó đang đến. Lạ. Cái ông quan huyện phương phi đạo mạo, xoắn vào thì chẳng ai ưa. Đến anh thường dân thân sơ thất sở thì mọi người lại hùa tới.

Hai người cưới nhau xong thì về ở luôn trong điểm kinh tế mới. Đợt sáp nhập giải thể cơ quan, trước tình thế căng thẳng, Duyên xin nghỉ việc theo chính sách tinh giản biên chế. Bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Nơi bàn thờ kê tựa vào vách gỗ, phía trên là hình ông bà, phía dưới là hai tấm hình của hai người trẻ. Một nam, một nữ. Đó là hình truyền thần anh Nhân và cô Thái vợ trước của Ba Tâm. Nhìn vào cứ ngồ ngộ, nhưng chẳng thể khác được.

Điểm Năm, ban đầu có một trăm hộ. Hết năm rưỡi chế độ lương thực, người vơi đi một phần ba. Thêm mấy năm sốt rét, chết chóc, phiêu tán chỉ còn phân nửa. Những ngôi nhà tranh tre thông thống. Đêm mùa khô hùn hụt, lạnh tới tim gan. Trời tối om om, nhà này tới nhà kia cả mấy trăm mét, lại người tứ chiếng cứ phải co ro một chỗ. Buồn nao lòng. Đói mà phải cố. Chiều chiều mắt ai cũng ngân ngấn. Mùa mưa, vô công rồi nghề, ngày dài lê thê. Trời ướt bầm dập. Dân kinh tế mới ủ ê theo năm trường. Đói sinh buồn. Buồn sinh bệnh. Bệnh là thứ thường trực ở Điểm Năm.

Là người biết tiêm, sau lại được cử làm công tác thú y của điểm, Ba Tâm đã xử lý được cơ man chuyện cho cả người lẫn trâu bò heo gà. Cái buổi thứ gì cũng thiếu. Kháng sinh của súc vật có vẻ dồi dào hơn. Đó là thuốc nhập khẩu từ Liên Xô. Chỉ cần đơn tiêm heo là được cấp. Nhiều người nói đùa heo ốm lo hơn người ốm. Nhờ những cái đơn thuốc heo, Ba Tâm đã cứu được bao nhiêu dân kinh tế mới.

Một đợt dân Điểm Năm mắc chứng bệnh lạ. Nhiều người bị sốt cao, đau đầu, khó thở, nổi hạch khắp cơ thể. Giữa mùa khô, giao thông không quá khó khăn, tuy nhiên phương tiện chẳng có. Đành cho người bệnh lên võng, cột vào hai chiếc xe đạp chạy. Khẩn cấp. Nhưng cứ đi được nửa đường đã phải quay lại. Chẳng có người bệnh nào kịp đến được bệnh viện huyện. Người chết phát hoảng, mà heo hút, mù tăm, chẳng biết kêu ai. Lại gấp gáp như cháy nhà. Đành vậy. Rồi đến lượt con bé gái nhà Ba Tâm cũng bị sốt triệu chứng ấy. Ông nhất quyết không đưa đi viện. Ai cũng bảo ông gàn, ông liều. Nhưng mặc. Ở nhà ông tự tiêm. Cứ streptomycine của heo mà giã. Ngày hai mũi sáng chiều. Chỉ ngày sau bệnh thuyên chuyển kỳ lạ. Hôm sau nữa bé ăn uống được, rồi khỏe hẳn. Chuyện nhà Ba Tâm lan ra trong xóm. Hễ Điểm Năm ai mắc sốt lạ đều mời Ba Tâm tiêm thuốc heo. Cái đợt ấy non nửa dân điểm kinh tế mới được cứu sống. Mọi người coi Ba Tâm như thánh sống cứu mạng. Tin đồn đến huyện, đến tỉnh. Một hôm đội phòng dịch của tỉnh xuống nghiên cứu thực địa. Họ kết luận Điểm Năm đang bị trận dịch hạch cường tính. Việc dùng thuốc của ông Tâm là kịp thời, đúng thuốc. Họ phỏng đoán, ở Liên Xô, ngành sản xuất kháng sinh của người và thú y có lẽ chung làm một. Khi về Việt Nam chia thành hai tuyến, vì do hai cơ quan nhập khẩu khác nhau.

Những mùa mưa sau, tới thời cây cà phê phát đạt. Dân tình đỡ chết bệnh. Cái ăn đủ đầy hơn, sức vóc tốt hơn. Đến lúc người bỏ đi lại tìm về. Xưa có người gom đến mấy héc ta đất, bỗng trở nên giàu có phát đạt. Một công trình hồ đập thủy lợi được đầu tư trên thượng nguồn, nước về chảy vòng quanh nhà, ai cũng hả hê. Bù lại cái thời khốn khó quay trăm vòng, cái giếng năm chục thước mới lấy được thùng nước. Điểm Năm có điện, đường bê tông, nhiều nhà sắm phương tiện cơ giới, xe máy. Cà phê là cây chủ lực, cho ra tiền của.

Không biết từ bao giờ dân Điểm Năm quen gọi Ba Tâm bằng Y Tá Tâm. Chẳng ai biết thời trước trong Quân lực Cộng hòa ông được học bậc nào. Bác sĩ, y sĩ, hay y tá. Nhưng cái tên Y Tá Tâm thấy rất hợp. Đã thành quen. Ông chẳng xác nhận mà cũng không cải chính. Chỉ biết với dân Điểm Năm ông là bậc thầy nghề thuốc. Có lúc ông còn đi ra ngoài cả địa hạt điểm kinh tế mới. Những lãnh địa mới ngày càng rộng. Làm ơn nhưng cũng là hành nghề.

Thời có điện thoại, rồi điện thoại di động, Ba Tâm càng nhiều khách. Có mùa đi thâu đêm suốt sáng.

Một tối cuối năm bịt bùng, chuông điện thoại réo. Nhấc máy, có người gọi tiêm thuốc. Lên cái dốc,... qua cái cầu ấy... đến cái cua nọ... Địa bàn vùng này ba Tâm biết hết. Xách túi thuốc, đề xe ông đi gấp gáp.

Dù đã quen, đêm ấy bà Duyên cũng thức trắng.

Sáng tinh mơ hôm sau thì được tin Ba Tâm tử nạn. Trên đường đi vội vã, mắt kém, phản xạ chậm, ông đã lao cả người lẫn xe xuống gầm cầu, lộn mấy vòng. Xe chỏng ngược bờ suối, người đập vào tường đá lăn chìm xuống nước. Đó là một cái chết kỳ lạ. Đau thương, tiếc nuối cho bao nhiêu con người!

Chỉ nghe tin dữ bà Duyên xỉu lơ. Rất may mọi người đã thuộc bài thuốc của Ba Tâm để sẵn.

Hôm quàn Ba Tâm, đang đỉnh điểm mùa khô, bỗng dưng trời trút mưa sầm sập. Nước mưa ràn ràn xót thương. Mưa xốn xang hoài cảm.

Ngày đưa đám ma Ba Tâm thì trời tạnh. Người xe nườm nượp, rồng rắn. Xe tang đi trong mênh mang cà phê ngút ngát. Hoa cà phê trắng trời. Hương thơm nức đất. Ngỡ như lưng đồi dâng một rừng hoa tiễn biệt con người từng sống chết, buồn vui với đất ấy. Mùa cà phê hương ngát vĩnh biệt một con người!

Nguồn Dân Việt


Có thể bạn quan tâm