April 19, 2024, 6:04 am

Mùa biển gọi

(Tiếp theo kỳ trước)

BUÔNG NEO TRÊN THỀM LỤC ĐỊA

Bước sang ngày thứ 10 trên hải trình đến với các nhà giàn DK1/11, DK1/12, DK1/14 cụm Phúc Nguyên, cụm Tư Chính và các tàu trực... tàu KN263 đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển quân cùng hàng tấn hàng hóa, quà tết, nhu yếu phẩm... tới tay anh em trên từng nhà giàn. Vậy nhưng, do thời tiết khắc nghiệt, nên dù đã cập sát các nhà giàn mà chúng tôi vẫn không thể lên được với anh em mình. Thấu hiểu nỗi mong ngóng ấy, trên đường đến bãi cạn Cà Mau, đồng chí trưởng đoàn công tác và chỉ huy tàu hạ quyết tâm đưa đoàn lên nhà giàn DK1/10 ngay khi có thể.

 

Công ước Luật Biển 1982 đã xác định vùng DK1 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, mấy ngày liền sau đó, biển vẫn nổi sóng lớn. KN263 buông neo, tiếp cận DK1/10 để chuyển quân, chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, nhiên liệu và đặc biệt là tiếp nước ngọt lên nhà giàn. Sóng có lúc vẫn dâng cao hàng mét, vẫn xô ầm ầm vào thân tàu, vào chân nhà giàn. Bám vào lan can tàu, chúng tôi hết ngóng lên nhà giàn, lại nhìn xuống biển cồn cào sóng. Trong ràn rạt gió biển nháp mặn, thi thoảng, tôi chợt nhận thấy chút gì tươi mát từ những cơn gió mang hơi hướm đất liền. Thảng hoặc, có một đôi cánh hải âu chao ngang qua tàu. Tìm hiểu ra, được biết: bãi cạn Cà Mau nằm về phía Tây Nam, cách đất liền (mũi Cà Mau) khoảng trên dưới 100 hải lý, có độ sâu từ 14,5m - 18m. So với các bãi Phúc Tần, Huyền Trân, Ba Kè, Tư Chính, Phúc Nguyên, Quế Đường... cách đất liền từ 250-350 hải lý, thì bãi cạn Cà Mau gần với đất liền hơn cả. Như vậy, về tới bãi cạn Cà Mau - nơi nhà giàn DK1/10 cắm chốt, cũng có nghĩa chúng tôi đã gần thêm đất liền.

Cũng xin được nói thêm là, cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nước ta còn có một thềm lục địa phía Nam Biển Đông rất rộng lớn (có diện tích khoảng 80.000km2) với các bãi đá ngầm san hô có đỉnh nhô cao dưới mặt nước biển từ 9 -50m, gồm Phúc Tần, Huyền Trân, Ba Kè, Tư Chính, Phúc Nguyên, Quế Đường, bãi cạn Cà Mau...) vẫn được nhiều người quen gọi giản dị, thân thiết là “biển nhà giàn” hay “vùng biển DK1”. Vùng biển này có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng; là rào chắn phía ngoài vùng khai thác dầu khí, khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển của nước ta; có giá trị to lớn trong hàng hải quốc tế qua biển Đông; là tiền đồn phía Nam của Tổ quốc. Trên thềm lục địa rộng lớn ấy, đang có 15 nhà giàn DK1, tạo thành hệ thống “lá chắn thép” bảo vệ chủ quyền biển, thềm lục địa phía Nam, Tây Nam thiêng liêng của Tổ quốc.

Về tên gọi “Nhà giàn DK1” và khu vực thềm lục địa của Tổ quốc. Đó là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 mà Việt Nam và các nước trong khu vực đều là thành viên. Về vấn đề này, trên trang cá nhân, và trả lời phỏng vấn báo chí, Đại tá Nguyễn Quý - Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật (Bộ Tư lệnh Công binh), nguyên Trưởng ban Xây dựng công trình DK1 đầu tiên giai đoạn 1990-1996 đã chỉ rõ: Phải hiểu rạch ròi rằng Trường Sa không liên quan đến khu vực nhà giàn DK1... Hai khu vực này hoàn toàn khác nhau, không thể, không được nhầm lẫn. Đại tá Nguyễn Quý khẳng định: “Nếu Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa thì khu vực DK1 lại hoàn toàn thuộc một địa phương khác là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khánh Hòa cách rất xa Vũng Tàu, giữa Trường Sa và DK1 có một hõm biển nên Công ước Luật Biển 1982 đã xác định vùng DK1 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Ngày nay, trên vùng đặc quyền kinh tế ấy của Tổ quốc, Việt Nam đã xây dựng cụm 7 khu vực nhà giàn trên các bãi Phúc Tần, Huyền Trân, Ba Kè, Tư Chính, Phúc Nguyên, Quế Đường, bãi cạn Cà Mau. Mỗi nhà giàn là một Trạm Dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật, do Lữ đoàn 171 thuộc Vùng 2 Hải quân quản lý; gồm 6 cụm ở thềm lục địa phía Nam, một cụm tại bãi cạn Cà Mau. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ “Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật”, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Về con số định danh các nhà giàn DK1, trong một bài viết, Đại tá Nguyễn Quý kể lại: “Áp dụng kinh nghiệm làm nhà cao chân Trường Sa là phải lắp dựng thử, chỉnh sửa, tháo ra, đánh dấu, bó lại từng cấu kiện chở ra tàu hoả chuyển vào Sài Gòn và Vũng Tàu... Vậy đánh dấu thế nào để khỏi lẫn lộn và giữ được bí mật? Một thoáng suy nghĩ, tôi quyết định: Ở Tư Chính là DK1/1, Phúc Nguyên là DK1/2, Phúc Tần là DK1/3 và Ba Kè là DK1/4... Không ngờ phiên hiệu DK1/1, DK1/2... nối nhau nay đến DK1/20, DK1/21 đã được khai sinh từ ngày ấy, trở thành tên gọi đến bây giờ và mãi mãi sau này…”.

Vào ngày thứ 12 trên hải trình của đoàn công tác số 2, sau những lần phải gặp gỡ rồi chia tay DK1/11, DK1/12, DK1/14 qua bộ đàm mà chưa được lên nhà vì sóng cả gió to; hy vọng được lên nhà giàn của chúng tôi dồn cả về DK1/10 - điểm đến nhà giàn sau cuối trên hải trình công tác lần này.

Hôm ấy, biển dường như nguôi bớt sóng gió. Bởi trong đêm trước, đã ít nghe những tiếng ầm ầm của khối nước dằn nơi hầm tàu bị chao lắc mạnh xô qua quật lại đập vào thành hầm chứa trong tàu tạo nên.

Thông tin “được lên nhà giàn” vừa đưa ra, đã như liều “thần dược” khiến toàn tàu nhộn nhịp hẳn lên. Tinh mơ, dứt tiếng chuông cùng khẩu lệnh “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”, nhiều người đã chạy lên boong. Đường chân trời ửng hồng. Mặt biển sáng hơn. Sợi chão nối từ tàu KN263 vào nhà giàn DK1/10 cũng ít bị kéo căng ra rồi lại thả chùng nhũn xuống nước biển... Biển êm rồi! Chắc chắn được lên nhà đấy... Vừa giơ máy ảnh chớp cảnh bình minh, chúng tôi vừa hào hứng bảo nhau như vậy. Nhưng “lên nhà” bằng cách nào để “tuyệt đối an toàn” thì lại là cả một vấn đề, bởi tuy biển có êm hơn mọi ngày, nhưng những con sóng chốc chốc lại gầm gừ duềnh cuộn. Cách “lên nhà” bằng xuồng CQ chở người từ tàu cập vào chân thang nhà giàn không khả thi vì nếu có sóng lớn bất chợt, xuồng có thể sẽ bị xô vào gầm thang nhà giàn, gây nguy hiểm. Vậy là, sau khi cân nhắc, phương án lên nhà giàn bằng “đu dây” được chọn. Thêm thông tin: không chỉ được “lên nhà”, đoàn sẽ ăn trưa trên nhà giàn cùng anh em mình càng khiến chúng tôi thêm háo hức. Nỗi háo hức khiến những ai bị say sóng nhiều nhất, bỗng chốc như bay biến cơn say, khẩn trương chỉnh tề quân tư trang, thiết bị làm việc, rồi mũ cối trên đầu, dép râu dưới chân, có mặt ở vị trí quy định để “lên nhà”. Vẫn là hệ thống ròng rọc tời chuyển hàng mọi bữa. Một thanh gỗ nhỏ được buộc chắc chắn vào đầu dây phía tàu, tạo thành một cái “đu”. Một thùng gỗ được tận dụng làm “bệ” đỡ. Phía nhà giàn, Đại úy Nguyễn Văn Thanh - Chỉ huy trưởng DK1/10 với bộ đàm trên tay cùng một số chiến sĩ ra đầu cầu thang đón đoàn. Chúng tôi, theo hướng dẫn của các chiến sĩ trên tàu, lần lượt từng người một, bước “lên” bệ, vào “đu”... Kiểm tra mọi thứ thật chắc chắn, Phó Thuyền trưởng tàu KN263 Nguyễn Đình Đức phát hiệu lệnh để trên nhà kéo “đu” lên. Những khẩu lệnh ngắn gọn liên tiếp vang lên trên mặt sóng: Vào vị trí! Chuẩn bị! Bắt chéo chân! Xong! Kéo!... Càng về trưa sóng càng lắc mạnh. Tàu lại chòng chành. Nhưng đã quyết tâm, thì sợ gì gian khó. Mặc sóng gió, chúng tôi lần lượt vào vị trí. Và rồi tất cả đã “lên nhà” an toàn. Thú vị nhất là mấy nữ phóng viên trẻ vốn sợ sóng, sợ độ cao... nhưng đến lượt, đều mạnh dạn bám đu, “bay” lên nhà khá gọn gàng. Rõ ràng, trong mỗi con người đều sẵn sự dũng cảm, gặp dịp, thêm ý chí, quyết tâm, là sẽ nảy nở.

 

DK1/10 - PHÁO ĐÀI THÉP NƠI TUYẾN ĐẦU TỔ QUỐC

Sau nghi thức đón thủ trưởng và đoàn công tác nhanh gọn và ấm áp cũng như hoàn thành các thủ tục giao nhận quân, giao nhận hàng hóa, thiết bị, trao tặng quà tết, chúng tôi đi thăm nơi ăn, ở, làm việc của cán bộ, chiến sĩ DK1/10. So với 14 nhà giàn trên các bãi Tư Chính, Phúc Tần, Huyền Trân, Phúc Nguyên, Quế Đường, Ba Kè gồm nhà giàn cũ được xây dựng từ khoảng những năm 90 thế kỷ trước và nhà giàn mới được nâng cấp cách nay khoảng dăm, bảy năm với diện tích lớn hơn, rộng rãi hơn; giữa hai nhà được kết nối với nhau bởi hệ thống cầu thép vững chãi, chịu được sóng gió cấp 13-15 thì DK1/10 (được xây dựng vào năm 1994) hiện chỉ có một nhà thế hệ cũ, trấn giữ vùng biển và thềm lục địa phía Tây Nam Tổ quốc nơi bãi cạn Cà Mau. Tuy chưa nâng cấp nhưng DK1/10 thường xuyên được gia cố, cải tiến, sửa chữa nên khá vững chắc, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, làm việc cho cán bộ, chiến sĩ ta. Như các nhà giàn khác, DK1/10 có sân bay trực thăng, được lắp đặt hải đăng, thiết bị thu phát sóng truyền hình vệ tinh, kết nối mạng điện thoại di động, điện năng lượng mặt trời... Sau giờ công tác, anh em câu cá, trồng rau, chăn nuôi... cải thiện bữa ăn hằng ngày. Trong ngôi nhà nhỏ ấy, cán bộ, chiến sĩ DK10 đã tạo cho mình một không gian sống quy củ, ngăn nắp, khoa học với nơi làm việc, nghỉ ngơi, bếp ăn, tủ sách...

Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn như đã nói ở trên, lại ở vào khu vực luôn phải chịu sự tác động của thời tiết. Mùa khô thì ngày nắng rát đêm lạnh se, thiếu nước ngọt sinh hoạt, mùa mưa thì chịu tác động của giông bão, áp thấp nhiệt đới, sóng to gió lớn nhưng cán bộ, chiến sĩ DK1/10 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không chỉ là pháo đài thép - tiền đồn Tổ quốc, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển. Vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hàng năm, DK1/10 vừa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, giúp đỡ ngư dân đánh bắt hải sản trong khu vực, chấp hành nghiêm pháp luật, quy định của Nhà nước. Năm 2019, đơn vị đã khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho 8 lượt ngư dân, 5 lượt quân nhân. Nơi trùng khơi, rau xanh và nước ngọt đều quý như máu; nhưng cán bộ, chiến sĩ DK1/10 vẫn thường xuyên chia sẻ, cung cấp hàng chục khối nước ngọt, gạo, nhu yếu phẩm cho ngư dân ta khi bà con cần giúp đỡ... Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2020, DK1/10 đã cấp cứu, khám, chữa bệnh cho 4 lượt ngư dân bị nạn trên biển... Những việc làm ý nghĩa ấy khiến tình quân dân ngày càng bền chặt, gắn bó.

 

DK1/10 - PHÁO ĐÀI XANH GIỮA TRÙNG KHƠI XANH

Như đã nói ở trên, khó khăn lớn nhất ở DK10 là nước ngọt. Nước ngọt ở đây chủ yếu được đưa ra từ đất liền và nước mưa. Tuy nhiên, bể chứa của DK10 nhỏ nên năm nào ít mưa, tàu tiếp tế chưa kịp đến, thì việc khan hiếm nước ngọt là khó tránh khỏi. Vậy nhưng, trên cái “tổ chim” bằng sắt thép ấy, luôn xanh tươi sức sống. Hầu như chỗ nào có thể trồng được rau xanh, đều được anh em tận dụng. Trên sóng mặn, là hàng chục chiếc khay, thùng xốp xếp ken khít nhau tạo thành một “vườn treo” với rau dền, rau muống, mùng tơi, lá lốt... xanh mơn mởn. Dăm khóm ớt đang trổ hoa trắng muốt gần mấy bụi đinh lăng dày kín lá. Nương theo một góc lan can nhà giàn, tạo thành một “mái xanh” tự nhiên là một giàn lá mơ xanh tốt. Lẫn trong vạt rau dền đỏ, là một dây dưa lê mảnh dẻ nhưng đã mang trên thân dăm vài quả non... Trên cửa sổ, đung đưa giò lan tím... Rau tốt thật, không khác gì trồng ở đất liền! Không chỉ trồng rau, câu cá, anh em mình còn chăn nuôi được vịt, gà, lợn... tạo thêm nguồn thực phẩm tươi giúp đảm bảo sức khỏe công tác, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống - Thiếu tá Vũ Văn Tưởng - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1 - cho tôi biết thêm. Chợt thoảng nghe có tiếng cu cườm gù, hỏi ra mới được biết trên nhà giàn còn có một chú chim cu đất được Thiếu tá Trần Văn Du - quân y sĩ DK1/10 - trực tiếp chăm sóc. Thấy thú vị, tôi tìm anh Du hỏi chuyện. Anh cho biết anh mang chú chim này theo ra nhà giàn được gần một năm nay. Vậy “em nó” ăn uống như nào ạ? Chỉ chút hạt kê và đỗ xanh là đã đủ bữa cho “em nó” rồi em! - Anh Du đáp. Thấy chúng tôi, chú cu cườm hiền lành gật gật cái đầu nhỏ xinh như một lời chào. Ở đây quanh năm chỉ sóng gió, có tiếng chim gù, cũng đỡ nhớ nhà em ạ! - Anh Du nói. Còn tôi, đứng ngẩn, bâng khuâng ngắm chú chim – con vật thân thiết bao đời của quê Việt, lòng dào lên cảm xúc. Dưới chân chúng tôi, xung quanh chúng tôi, ngoài xa kia nữa, là biển, thẳm xanh, bất tận. Khoảnh khắc ấy, tôi như thấy quê nhà thân thương hiển hiện, với hương cơm gạo mới tỏa thơm, với văng vẳng tiếng chim gù gọi mùa gặt tháng Mười rung rúc nếp vàng uốn câu trong nắng thu hanh heo ngòn ngọt mùi quả chín!

Chưa hết bất ngờ khi được gặp chú chim cu đất, thì tôi lại được Trung úy Nguyễn Văn Dậu khoe: Ở đây, chúng em còn nuôi được cả gà tre, cả thỏ nữa chị nhé! Ô vậy sao? Thỏ là loài vật không dễ nuôi, làm sao các em nuôi được? Kiếm đâu thức ăn cho chúng? Tôi ngạc nhiên, hỏi dồn. Bọn em cho thỏ ăn cơm, ăn rau, ăn cả... cám cò. Có gì cho chúng ăn nấy. Chúng cũng ăn chị ạ! Ở với lính nhà giàn nên chúng cũng dần thích nghi! Nghe Dậu kể mà càng thêm thương và khâm phục anh em, thương cả những con vật. Nơi trùng khơi, chúng chính là những người bạn đặc biệt của chiến sĩ mình.

Biển nhà giàn lúc này xanh ngời, bất tận! Giữa bao la trời nước ấy, là nhà giàn DK1/10 - pháo đài thép, pháo đài xanh - đang trụ vững. Nơi ấy, có anh Toán, anh Du, Thanh và Kiên và Nhật, Tiến và Hưng, rồi Diện, Huy, Lộc, Tuyến, Hoài Phúc... những người anh, người em tôi mới được gặp, được quen mà đã thấy thân thiết, gắn bó tự khi nào... Họ - và bao người lính hải quân nhân dân Việt Nam khác - đã tự nguyện nhận về mình gian khó, thiếu thốn, hiểm nguy cả những hi sinh, thiệt thòi khó nói thành lời, ngày đêm trụ vững giữa trùng khơi, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sự bình yên cùng chủ quyền thiêng liêng của biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Kể từ đây, trong nỗi nhớ của đời mình, tôi có thêm một nỗi nhớ mang tên DK1/10! Vâng, là DK1/10 thân yêu!

Nguồn Văn nghệ số 24/2020


Có thể bạn quan tâm