April 24, 2024, 3:26 pm

Mùa biển gọi

Trên hải trình gần 20 ngày cùng tàu KN263 đưa quà, hàng tết ra với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, tàu trực và quân dân huyện Côn Đảo vào cuối tháng 12 năm 2019 đến trung tuần tháng 1 năm 2020; được sống, làm việc, gắn bó chia sẻ với nhau trong tình đồng chí đồng nghiệp, đoàn công tác chúng tôi đã xem con tàu là ngôi nhà thứ hai. Ở đó, chúng tôi được nghe, được biết nhiều câu chuyện bình dị mà xúc động, cho thấy một cách chân thực cuộc sống, chiến đấu, sự chịu đựng, hy sinh thầm lặng mà cũng rất đáng trân quý của những người lính đang ngày đêm canh giữ sự bình yên cùng vẹn toàn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu ngọn sóng.

Nhà giàn DK1 tại thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc

 

“KHI NÀO SU BÔNG BIẾT BÒ THÌ BỐ VỀ!”

Đó là lời chào, lời hẹn của một người lính trẻ qua điện thoại với người thân mà tôi tình cờ nghe được khi tàu KN263 - vào 15h ngày 29/12/2019 - đang kéo những hồi còi dài, đầy lưu luyến, chào tạm biệt đất liền để bắt đầu hải trình vượt gần 1.000 hải lý đưa hàng hóa, quà tết ra với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, các tàu trực và quân dân Côn Đảo dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trên cầu cảng Căn cứ Quân sự Long Sơn - những cánh tay giơ cao bịn rịn. Dưới tàu, các thành viên đoàn công tác chúng tôi đứng trên hành lang bên mạn tàu, xúc động vẫy chào lại đất liền. Ai đó, giọng bỗng khan nghẹn, kêu to: Tạm biệt nhé! Chào nhé! Chúng tôi ra với anh em mình đây!...

Tàu vừa rời cảng, sóng đã nổi. Gió rít ào ào. KN263 hướng mũi về phía biển xa, tăng tốc, lướt tới. Trước đó ít phút, tàu KN261 và Đoàn công tác số 1 cũng vừa rời cảng. Bị thu hút bởi lời hẹn ấy, tôi bước về phía người lính. Em và mấy đồng đội đang đứng cạnh nhau. Tất cả đều rất trẻ. Chào các em! Em tên gì? Dạ! Em tên Nhật ạ! Còn em? Dạ, em tên Phúc! Em là Dậu ạ! Các em là lính tàu hay…? Dạ, chúng em là lính nhà giàn, đợt này cùng ra nhà giàn chị ạ. Ôi vậy sao! Các em tới nhà giàn nào? Em lên DK12 - Nhật nói. Còn hai đứa em thì lên DK10 – Phúc, chàng thiếu úy trẻ nhất nhóm, cho biết. Phúc đã đi nhà giàn mấy lần rồi? Dạ lần đầu chị ạ! Em vừa tốt nghiệp, ra trường là ra luôn nhà giàn DK10 chuyến này đó chị! Thảo nào, nhìn em trẻ thế. Má hắn còn bụ sữa đó chị ơi! Dậu trêu bạn. Chúng tôi cùng cười. Cặp má căng tròn của Phúc thoáng chút hồng, như là bối rối, một vẻ bối rối rất thơ trẻ. Phúc thì lần đầu ra nhà giàn, vậy còn Nhật thì sao? - Tôi hỏi. Dạ, em đi nhà giàn lần này là lần thứ ba. Hai lần trước một lần 8 tháng, một lần là 12 tháng. Nhật đáp. Ôi chà! Nhìn em trẻ thế mà “thâm niên” nhà giàn cũng ra gì rồi nhỉ. - Tôi nói vui. Dạ chị, “thâm niên” như em chưa đáng kể gì chị ơi! - Nhật bẽn lẽn - Em mới về hồi tháng 11 năm nay (2019), giờ ra tiếp ạ. Vậy ư! Vậy hai lần trước em công tác ở nhà giàn nào? Dạ, đều là DK12 ạ. Lần này ra, em vẫn công tác tại DK12. Khi nãy chị nghe em chào và hẹn “khi nào Su Bông biết bò thì bố về”. Su Bông là em bé thứ mấy của em vậy. Dạ, là bé đầu lòng chị à. Cháu được mấy tháng rồi? Dạ cháu được ba tháng. Bé trai hay gái vậy em? Dạ, cháu là con gái ạ. Ái chà, “ruộng sâu trâu nái…”, sau này bố Nhật tha hồ kê cao ghế ngồi kén rể nhé! - Các bạn xúm vào trêu Nhật. Chúng tôi lại cười. Con còn nhỏ quá vậy, bố lại đi công tác xa dài ngày, sẽ nhớ bé lắm đây. Mẹ sẽ vất vả vì không có bố đỡ đần. Tôi băn khoăn. Nhật cười hiền: Vâng, nhớ thật chị ạ. Vợ em làm việc ở đâu? Dạ, vợ em là công nhân, nhưng đợt này đang nghỉ sinh chị ạ. Con của bạn ấy nhỏ nên chưa “dính chân dính tay” mấy, chứ cún nhà em biết bi bô rồi, đi công tác xa nhớ lắm chị ạ! - Dậu (sinh năm 1992, quê Thanh Hóa) nói. Có lần, tranh thủ giờ nghỉ, sóng ổn định, em gọi về hỏi thăm hai mẹ con. Hình như cháu biết bố gọi nên cũng bi bô đòi điện thoại. Vợ em vừa đưa điện thoại cho con vừa nhắc: Con alo bố đi… nhưng cháu còn bé quá nên chưa biết nói chuyện, chỉ u ơ rồi lại bỏ điện thoại xuống. Những lúc ấy, nhớ con ghê gớm luôn ạ. Dậu nói đến đây thì lảng ánh nhìn ra mặt biển lúc này đang cồn cào sóng cấp 6. Tôi kịp nhận thấy, mắt Dậu, Nhật và cả Phúc nữa, đều loáng nước. Vậy gia đình em đang sống ở đâu? Tôi hỏi Dậu. Em đáp: Chúng em đã chuyển về Vũng Tàu rồi chị! Cháu nhà em mấy tuổi rồi? Dạ cháu gần hai tuổi ạ. Chúng em cưới nhau gần ba năm, nhưng thời gian vợ chồng bên nhau cộng dồn lại khoảng ba tháng. Buồn cười nhất là khi cún nhà em tập nói, vợ em hay chỉ vào ảnh bố treo trên tường rồi bảo con: Bố đấy! Thế là bây giờ, hễ cứ ai hỏi bố đâu, là cháu lại chỉ lên ảnh em treo trên tường! Dậu kể đến đây thì chợt ngừng bặt. Tôi nhận thấy, mắt em chợt loáng nước. Chúng tôi cùng im lặng. Lát sau, Nhật lên tiếng: Em cũng vậy. Cưới xong thì em ra nhà giàn. Tháng 11 năm nay (2019 - TG) con gái được 2 tháng tuổi em mới có dịp về thăm đó chị. Nhưng chúng em còn may mắn, thuận lợi, chứ có đồng đội của em phải hoãn cưới vì nhiệm vụ đấy chị ơi. Nhiều lúc rất nhớ vợ con, cũng chỉ biết tranh thủ giờ nghỉ điện thoại về nhà hỏi han động viên. Vợ em cũng rất hiểu và chia sẻ với em, nên em cũng yên tâm chị ạ! Chỉ thương cô ấy một mình sẽ phải vất vả nhiều hơn… Nhưng chúng em luôn xác định: đã là người lính, chúng em phải gác lại riêng tư, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.

Ôi những người lính - những đứa con của mẹ đất nước - các em đã thêm một lần nữa, giúp tôi hiểu thấu những hy sinh thầm lặng, không dễ nói thành lời của những người lính; vì bình yên, vì vẹn toàn chủ quyền, cõi bờ thiêng liêng của Tổ quốc.

CHIẾN SĨ ANH, CHIẾN SĨ EM, CÙNG LÀ ĐỒNG CHÍ, “CHUNG CÂU QUÂN HÀNH”…

Rút cái “tít” nhỏ cho câu chuyện dưới đây, là sau khi tôi được biết hai người lính trên chuyến tàu KN263 ấy là hai anh em ruột. Chứ trước đó, dù nhiều ngày đồng hành trên hải trình sóng gió, vì nhiệm vụ nên người anh - với cương vị phó thuyền trưởng tàu KN263 - luôn tất bật trên boong, cùng đồng đội bốc dỡ, cấp phát, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, quà tết… cho cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn, tàu trực. Còn người em theo tàu ra nhận nhiệm vụ trên nhà giàn. Vì người anh luôn bận rộn như vậy, nên có lẽ, dù có nhiều ngày cùng trên một con tàu ra nhà giàn, nhưng hầu như hai anh em chẳng có mấy dịp được ngồi bên nhau. Và vì thế mà nhiều người trong chúng tôi cũng bất ngờ, xúc động khi được biết đó là hai anh em ruột. Với tôi, sự bất ngờ còn xen lẫn niềm thú vị, bởi người em, không ai khác, chính là Trung úy Nguyễn Đình Nhật - Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/12 cụm Tư Chính - là người lính trong câu chuyện kể ở phần đầu bài viết. Anh trai của Nhật, là Thượng úy Nguyễn Đình Đức - Phó Thuyền trưởng tàu KN263.

Phải nói thêm là, suốt hải trình làm nhiệm vụ lần này của đoàn công tác và tàu KN263, biển động triền miên với sóng gió cấp 5 cấp 6. Những con sóng cao hàng mét liên tục chồm lên bủa xuống, vật vã quanh thân tàu, xô ầm ầm vào chân nhà giàn. Mong muốn được lên nhà giàn thăm anh em mình của đoàn công tác phải gác lại. Nhưng việc đưa hàng lên tàu vẫn phải hoàn thành dù rất khó khăn, vất vả. Mọi hàng hóa, quà tết, cả những cây quất - là món quà của tuổi trẻ huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - gửi tặng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đón tết vui xuân Canh Tý 2020 đều được anh em tàu KN263 bao gói kín, chằng buộc rất kỹ càng, phần tránh để nước mặn táp ướt sẽ hư hỏng, phần nữa là nếu không chằng buộc chắc chắn, sóng biển sẽ đánh trôi mất. Mới 5h sáng, Thuyền trưởng Phạm Văn Vị đã chỉ đạo anh em chiến sĩ tập trung ra phía mũi, mạn tàu chuẩn bị phương án tối ưu nhất để đưa hàng lên nhà giàn đúng kế hoạch, nhằm động viên kịp thời tinh thần cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đây khi tết đến xuân về. Sau đó, KN263 còn thực thi nhiệm vụ quan trọng hơn nữa, đó là đưa cán bộ, chiến sĩ lên nhà giàn nhận nhiệm vụ. Tất cả, đều phải tuyệt đối an toàn. Để chuyển hàng lên nhà, do sóng gió lớn nên anh em trên tàu và nhà giàn phải sử dụng ròng rọc với những sợi dây chão to cỡ cổ tay người lớn, trên có gắn phao kèm một chiếc túi bố cỡ lớn, một đầu dây được neo chắc trên nhà giàn, đầu kia thả xuống tàu, anh em trên tàu đón sợi dây, chằng buộc hàng hóa đặt vào trong túi để anh em phía nhà giàn kéo lên. Nhìn các chiến sĩ làm việc rất vất vả trong sóng mặn, nắng rát, tàu chao lắc nghiêng ngả, chúng tôi không giấu nổi âu lo. Nhiệm vụ đã đặt ra, nên dù gian khó đến đâu, chúng em cũng có phương án khắc phục để hoàn thành - Thuyền trưởng Phạm Văn Vị nói với tôi như vậy, khi thấy tôi bày tỏ băn khoăn trước cảnh sóng gió rát rạt. Trở lại câu chuyện hai người lính. Khi tôi biết Đức và Nhật là anh em ruột, cũng là khi hai anh em chuẩn bị chia tay nhau để Nhật lên nhận nhiệm vụ trên nhà giàn DK1/12. Khi các chiến sĩ tàu KN263 chuyển những chuyến hàng cuối cùng trong đợt chuyển hàng lần này lên nhà giàn, Đức tạm nghỉ tay, đến bên em trai. Nhật lúc này đã sẵn sàng để rời tàu. Hai anh em - hai người lính đứng sát bên nhau. Đức vòng tay sang, khoác vai em trai trìu mến. Không rõ khi ấy, họ nói gì với nhau, bởi sóng đổ ầm ầm, chỉ thấy sau đó, Đức tháo đôi găng tay bảo hộ lao động đang mang, đưa cho em trai. Nhìn động tác ấy của Đức, tôi đoán hẳn em đang nhắc em trai mang vào để lát nữa bám vào dây tời cho chắc chắn hơn và cũng đỡ trầy rát lòng bàn tay. Nhật đón đôi găng tay, mỉm cười nhìn anh trai, rồi vươn người bám lấy mép mạn tàu. Đức đứng kề sát phía sau, vòng tay lên như muốn che chở, nâng đỡ lấy Nhật. Cứ như thế, hai anh em bám vào mạn tàu, mắt cùng hướng ra mặt biển đang cuộn sóng. Có cảm giác Đức đang muốn truyền cho đứa em - người đồng đội của mình chút hơi ấm trước khi em đi nhận nhiệm vụ. Nhìn cảnh đó, chúng tôi đều xúc động. Thế rồi, khi một con sóng lớn kéo nghiêng mạn tàu sát xuống mặt biển, chớp cơ hội đó, được Đức và các đồng đội hỗ trợ, Nhật nắm chắc sợi dây, nhún người lao xuống biển. Sóng duềnh cao, như đón đỡ người lính quả cảm. Phía nhà giàn, các chiến sĩ người kéo dây, người xuống sát mép sóng để có thể tiếp sức giúp Nhật lên nhà nhanh và an toàn nhất. Tất cả cùng như nín thở dõi theo lưng áo màu đỏ sẫm của Nhật nhấp nhô trên sóng biển thăm thẳm. Chỉ đến khi thấy em được đồng đội đón lên nhà an toàn, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Trò chuyện với Đức, tôi được biết, hai anh em sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An, hơn kém nhau 5 tuổi. Đức sinh năm 1990 còn Nhật sinh năm 1995. Hỏi vì sao hai anh em cùng là lính biển, Đức bộc bạch: 7 năm về trước, em ra trường là về Vùng 2 nhận nhiệm vụ. Ở quê bố mẹ em đã có tuổi, lại hay đau yếu, em định hướng cho em trai chọn trường và nghề để sau này có cơ hội ở gần nhà, thay em đỡ đần bố mẹ. Thế nhưng - nói đến đây Đức bật cười - cơ duyên thế nào, mà khi ra trường em trai em cũng về Vùng 2 công tác. Hai anh em, tiếng là gần nhau (Vùng 2) nhưng hiếm hoi mới có lần gặp mặt. Em về chi đội kiểm ngư, theo tàu. Còn em trai ra nhà giàn, xa nhau hàng trăm hải lý. Có khi cả năm mới thấy mặt nhau một hai lần ngắn ngủi. Lần này được đi cùng tàu ra nhà giàn là lần bọn em gặp nhau lâu nhất kể từ khi em ấy ra trường đi nhận nhiệm vụ. - Nói đến đây, giọng Đức chợt bùi ngùi. - Nhanh quá chị ạ, mới hôm nào, mà giờ cũng gần ba năm em ấy là lính nhà giàn rồi đó chị. Lòng dâng niềm cảm phục, tôi nói với Đức: Em ấy còn rất trẻ, mới 25 tuổi, mà đã giữ cương vị Phó Chỉ huy trưởng một nhà giàn DK1. Còn em, 29 tuổi đời, mà đã là Phó Thuyền trưởng một con tàu kiểm ngư. Hai anh em đều là những chiến sĩ ưu tú của hải quân mình đấy! Đáp lời tôi, Đức cười rất hiền: Cảm ơn chị! Chúng em luôn xác định đã là người lính, thì dù hoàn cảnh nào, cũng phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ! Khi nãy, anh em chia tay nhau, chúng em cũng dặn nhau như vậy!

Nói rồi, Đức hướng ánh mắt ra phía biển xa. Lúc này, nhà giàn DK1/12 đã khuất sau trùng trùng sóng nước, còn tàu KN263 đang rẽ sóng, tiếp tục hải trình. Theo ánh nhìn của Đức, tôi biết, trái tim em đang hướng về phía khơi xa, nơi quanh năm cồn cào sóng gió, nơi có người em trai ruột thịt của em đang cùng các đồng chí, đồng đội thực thi nhiệm vụ cao cả: bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Và tôi thêm hiểu, tình yêu dành cho biển, đảo quê hương, với những người như Đức, như Nhật, với tất cả chúng tôi, không thể khác, đó chính là một tình yêu ruột rà, máu thịt, rất gần gũi, cụ thể mà vô cùng thiêng liêng. Vì sao ư? Tôi tin, dù tôi không trả lời, thì hẳn bạn đã hiểu!

(Còn nữa)

Nguồn Văn nghệ số 23/2020


Có thể bạn quan tâm