April 20, 2024, 8:23 am

Một vài suy nghĩ về hiện thực đất nước và văn học nghệ thuật sau 1975

 

1. Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước kết thúc đã hơn bốn mươi năm. Một quãng thời gian có thể gọi là dài đối với một dân tộc phải chịu đằng đẵng ba mươi năm chiến tranh chống lại hai cường quốc là Pháp và Mĩ, hàng chục năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc. Thế hệ những người lính giải phóng ở tuổi hai mươi, hai nhăm ngày ấy, khi đặt chân tới Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn ngày 30/4/1975, đến nay cũng đã già. Nhiều người không còn nữa. Song nỗi ám ảnh, những kỉ niệm xưa cũ về chiến tranh dường như vẫn chưa phai mờ, nguôi quên trong kí ức. Còn đối với các nhà văn chung thủy với đề tài chiến tranh cách mạng, trên mỗi trang viết của họ, bóng dáng của cuộc chiến tranh luôn hiện về.

Năm 2013, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi sáng tác, sưu tầm các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài cách mạng và hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, giai đoạn 1930 - 1975. Khi thu nhận các tác phẩm dự thi, Ban tổ chức đã bất ngờ về số lượng tác phẩm. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn tác phẩm đã được gửi đến. Chỉ riêng Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được 97 tiểu thuyết, trường ca, hồi kí, trong đó có những cuốn dày cả ngàn trang. Hội Mĩ thuật Việt Nam đã nhận được trên 350 tác phẩm điêu khắc, tranh sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ… Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhận được gần 1000 tác phẩm ảnh sưu tầm của tác giả, phóng viên đã từng đi qua hai cuộc kháng chiến. Hội Điện ảnh Việt Nam nhận được 120 kịch bản phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, phim truyện dài tập… Các Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam do đặc thù thể loại cũng nhận được cả trăm tác phẩm bao gồm kịch bản sân khấu, kịch bản múa, ca khúc, giao hưởng. Có nhiều tác giả đầu tư tác phẩm rất công phu và kĩ lưỡng. Có tác giả viết những cuốn hồi kí về hai cuộc kháng chiến đã mười năm, nhân có cuộc thi họ mới mang ra sửa chữa và ra mắt bạn đọc như Y Điêng, Anh Động, Nông Viết Toại…

Bốn mươi năm qua đất nước có nhiều đổi thay biến động, nhưng trên thị trường sách văn học hầu như năm nào cũng xuất hiện một số tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh cách mạng tạo được sự chú ý của bạn đọc. Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiều năm nay thường xuyên duy trì cuộc thi viết tiểu thuyết. Một số tác phẩm của các nhà văn như Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Lê Minh Khuê, Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi... từng được trao giải và để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Báo chí và các nhà phê bình đã có nhiều kiến giải sâu sắc chỉ ra những cái hay và cả những cái chưa hay trong từng tác phẩm. Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng: Văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975 đã có biến chuyển rõ nét về nội dung tư tưởng và tư duy nghệ thuật, khác với những tác phẩm văn xuôi viết trước 1975 về cách mạng và kháng chiến. Song nhìn chung, dư luận xã hội vẫn mong mỏi có những tác phẩm tiếp tục viết về chiến tranh cách mạng dày dặn, bề thế và giàu sức sáng tạo hơn nữa, với một tư duy mới của người viết. Vì rằng: bốn mươi năm qua là một độ lùi lớn về thời gian, môi trường làm việc của nhà văn, tư liệu mới được bổ sung cả về phía người thắng cuộc và người thua cuộc, đủ cho nhà văn có một cái nhìn toàn diện, để suy ngẫm, trải nghiệm nhiều vấn đề của chiến tranh, về con người và thời đại… Đã có nhiều cuộc hội thảo công phu do Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Viện Văn học, Hội đồng Lí luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức để đánh giá chất lượng của văn xuôi viết về đề tài chiến tranh cách mạng, khẳng định những giá trị đồng thời cũng truy tìm nguyên nhân của sự thiếu vắng các tác phẩm có giá trị, nhưng dường như chưa có lời giải xác đáng.

2. Có một thực tế là bốn mươi năm đất nước thống nhất, hiện thực cuộc sống của nhân dân và đất nước ta đã đổi thay rất nhiều. Dù có là một nhà văn giàu trí tưởng tượng đến mấy thì cũng không ai có thể hình dung ra có nhiều  sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra như vậy. Bốn mươi năm trước, ở thời bao cấp, hàng trăm người rồng rắn xếp hàng mua gạo, thịt bằng những ô phiếu, ít ai dám nghĩ tới và đặt cược có một ngày, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới! Nhưng đó lại là hiện thực có thật hôm nay.

Ngày mới giải phóng Huế, tôi có quen một người trí thức tên K. Anh làm việc ở Đại học Huế. Trong một lần trò chuyện, anh bảo với tôi rằng: “Chú ạ! Ngày mới giải phóng biết bao nhiêu sự chờ đợi và hi vọng… Nhưng cái mối mặc cảm, kì thị giữa người Nam - người Bắc tôi e phải mười, hai mươi năm sau mới san lấp được”. K. nói điều ấy với tôi vì sau những ngày giải phóng, người miền Nam sống trong vùng Mĩ - Ngụy còn mặc cảm với bộ đội, với người miền Bắc. Họ còn ngấm ngầm mang nỗi sợ hãi những gì xảy ra sau Tết Mậu Thân 1968 khi bộ đội, lực lượng cách mạng rút khỏi thành phố lên rừng. Những cuộc bắt bớ, càn rừng của Mĩ - Ngụy khiến người dân e ngại… Tôi thông cảm và chia sẻ với K. Vậy mà chỉ vài năm sau tôi gặp lại K. trong một lần đi xếp hàng mua gạo ở cửa hàng lương thực, tuyệt nhiên anh không nhắc gì tới câu nói cũ. Anh còn hỏi tôi tình hình chiến sự đang diễn ra ở biên giới phía Bắc, phía Tây Nam. Sau tôi mới biết, K. có một người con trai mới nhập ngũ, đóng quân ở biên giới phía Bắc tham gia vào trận chiến chốt giữ vùng biên giới Cao Lộc - Lạng Sơn.

Những người lính giải phóng luôn biết ơn sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc trong những năm chống Mĩ. Nhưng không có một trí tưởng tượng nào của nhà văn dám nghĩ chỉ mười năm sau đó cũng những người lính Trung Quốc đã nã đạn pháo, đạn AK, B40, B41, đi trên những chiếc xe tăng xâm phạm vào các làng bản, phố phường, thiêu rụi những ngọn đồi, cánh rừng, vùng biên ải phía Bắc của đất nước ta!

Mỗi lần đi qua dải đất miền Trung tôi luôn ám ảnh với những con phà thời chống Mĩ và cả những năm sau giải phóng. Mùa nước lụt mưa bão đi qua phà Ròn, sông Gianh có khi mất cả vài ngày. Bây giờ một dải đất suốt từ Bắc vào Nam thay thế cho những con phà, vươn mình trên những dòng sông là những con đường hiện đại, những cây cầu hiện đại, những con đường cao tốc trải nhựa. Dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh không còn dấu tích của bom đạn. Người ta không còn nhận ra đâu là Làng Ho, Dốc Mèo, A Vao, A Sầu, A Lưới, Đồi 700, Bốt Đỏ… những trọng điểm bom Mĩ cày nát một thời.

Bốn mươi năm, những mái nhà tranh, những khu gia binh, những ấp chiến lược được thay thế bằng những ngôi nhà ngói, nhà tầng. Có những ngôi nhà cao tầng ngút tầm mắt ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Nhưng cũng bốn mươi năm ấy nhiều vấn đề của xã hội Việt Nam đang đặt ra cho mỗi gia đình, cho từng con người và trở thành nỗi ám ảnh, mối lo chung của xã hội. Đấy là sự băng hoại về tư tưởng, đạo đức, lối sống cùng với những tệ nạn xã hội. Những người từng sống qua chiến tranh nhận ra rất rõ điều này: Một xã hội Việt Nam trong chiến tranh đói nghèo, gian khổ, chết chóc, suốt ngày ầm ì tiếng máy bay Mĩ đến ném bom nhưng luôn tìm được điểm tựa của sự bình an, của lòng tin, của tình yêu để hàng triệu người lính ra trận sẵn sàng hi sinh thân mình vì nhân dân, đất nước. Ngày nay có cuộc sống hòa bình, no ấm nhưng điểm tựa ấy đang bị thử thách dữ dội, mong manh trước cuộc xâm lăng văn hóa cũng như những thách thức, khó khăn trong quá trình hội nhập và phát triển.

Năm 2012, Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn cựu chiến binh Mĩ đã tổ chức trọng thể kỉ niệm hai mươi năm thiết lập quan hệ hợp tác. Đây là một hiện tượng hiếm có trong đời sống văn học thế giới. Mối quan hệ giữa các nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội các nhà văn cựu chiến binh Mĩ đã diễn ra chân tình, cởi mở. Nhà văn của hai nước Việt - Mĩ sau nhiều lần gặp gỡ đã chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong chiến tranh.

Một lần tôi và nhà thơ Võ Quê có dịp đưa nhà văn Kevin Bowen cùng một số nhà văn đi đò trên sông Hương, nghe ca Huế. Trong lúc trò chuyện, ông Kevin biết tôi và Võ Quê đều là lính giải phóng, từng nhiều năm ở rừng. Chúng tôi đã nhắc lại cho ông những địa danh như Dốc Chè 1078, Côcava, điểm cao 360, địa đạo 310, bên bờ sông Bồ, căn cứ Mĩ ở Động Tranh - Bình Điền, Rào Trăng, Rào Lu... Đây là nơi từng diễn ra những trận đánh Mĩ của lính giải phóng thuộc Công trường V, VI, lính của sư đoàn 324 đụng đầu với lính Mĩ thuộc sư đoàn kị binh bay số 1. Kevin nói với chúng tôi rằng ông vốn là một sĩ quan của sư đoàn lính Mĩ ấy. Ông chợt đặt câu hỏi: “Nếu bom đạn chiến tranh ngày ấy cướp đi những con người đang ngồi trên chiếc thuyền này thì sao nhỉ?”. Tôi thưa với ông rằng: “Người dân Mĩ cũng như người dân Việt Nam chẳng ai muốn chiến tranh. Nhưng chiến tranh vẫn cứ đến. Bom đạn dội xuống quê hương tôi, cái chết chả trừ một ai. Sự mất mát hi sinh của bên này hay của bên kia đều đau thương cho các bà mẹ, người vợ, người con… Tránh sao khỏi. Nhưng có điều này là sự thật: cả Việt Nam và Hoa Kì sẽ mất đi những người con ưu tú, trong đó có những nhà văn, những người làm nghệ thuật tương lai cho đất nước”.

Vui chuyện tôi kể cho ông Kevin nghe có lần tôi đã gặp một người lính thám báo Mĩ chết ở bên bờ Khe Trái, một con suối nhỏ đổ ra sông Bồ. Người lính Mĩ ấy đã chết không rõ vì bom pháo Mĩ hay bị trúng đạn. Chỉ biết thân xác không còn vẹn nguyên. Cạnh đấy những gốc cây to bằng cả người ôm bị bom pháo chém nát. Trong đám rác rều cành cây lá mục tấp ven suối, tôi lượm được vài trang nhật kí bị ngấm nước cùng với chiếc áo rách nát của người lính Mĩ. Nhật kí viết bằng tiếng Anh, nét bút bi nguệch ngoạc, hoen nước. Tôi chả hiểu người lính Mĩ viết gì. Cạnh đấy anh ta vẽ căn hầm chữ A của Việt cộng, có những cành cây chĩa lên trời. Tôi bảo với Kevin, biết đâu người lính thám báo Mĩ này không chết trận thì ngày nay cũng có thể trở thành một nhà văn, một họa sĩ...

Có một thực tế là hiện thực cuộc sống đã đổi thay, nhiều giá trị chuẩn mực của tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán, quan hệ xã hội… đã biến động. Một không khí dân chủ, cởi mở hơn trong tranh luận đã xuất hiện. Quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật đổi mới nhiều hơn so với trước. Các chính sách của Nhà nước dành cho văn nghệ và văn nghệ sĩ được cải thiện. Vị thế của văn học nghệ thuật được xác lập là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tạo thành một hệ thống, nhưng dường như nhận thức trong một số lãnh đạo, quản lí văn hóa, văn nghệ và cả trong người viết chưa bắt kịp với cuộc sống đương đại.

3. Gần ba mươi năm trước, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra khẩu hiệu “Đổi mới tư duy”. Nhờ có sự đổi mới mạnh mẽ nhận thức, tư duy mà đường lối chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước ta trong quá trình hội nhập suốt mấy chục năm qua giữ được sự ổn định, tạo ra những động lực mới để phát triển đất nước. Để văn học nghệ thuật có được những thành tựu mới cần có nhiều yếu tố nhưng một trong những điều quan trọng là cần phải có sự đổi mới nhận thức của những người lãnh đạo, những nhà quản lí và của chính bản thân văn nghệ sĩ. Đấy cũng là tinh thần cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng về chiến lược phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật cho thời kì mới. Chính sự nhận thức chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, bất cập ở một số cấp, ngành, ở các nhà quản lí đã làm cho các hoạt động văn học nghệ thuật còn bị hạn chế. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn thiếu sự quan tâm, coi trọng văn học nghệ thuật. Bản thân một số nhà văn cũng xa rời thực tế đời sống. Nếu nhà văn không dám đối diện với thực tại thì không thể cắt nghĩa, lí giải nhiều vấn đề của cuộc sống để sáng tạo...

Hàng năm các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đều tổ chức trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc. Riêng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam mỗi năm cũng nhận được vài trăm tác phẩm dự thi. Ở một số tác phẩm đoạt giải đã có sự khám phá mới về nội dung và nghệ thuật nhưng chưa có những tác phẩm nổi trội, đột phá gây ấn tượng mạnh mẽ như những tác phẩm xuất hiện vào thập niên 90 của thế kỉ trước. Một số tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng mới chỉ dừng lại ở mức phản ánh cái sự thật khốc liệt của chiến trường, của người dân, người lính. Ở những tác phẩm ấy tác giả đề cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng nhưng cũng không ngần ngại chỉ ra những thất bại, hi sinh. Người đọc có cảm giác bức tranh chiến trận được mô tả trần trụi, chân thật hơn, người hơn, không tô vẽ lên gân lên cốt. Sự đối đầu giữa con người với hoàn cảnh sống quyết liệt và dữ dội…

Một số tác giả, tác phẩm đi vào mảng đề tài công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trí thức cũng đã mạnh dạn phơi bày hiện thực xã hội hiện nay. Cái tốt và cái xấu xen lẫn, đan cài. Tâm lí, tình cảm con người bị bóc trần, đi vào những điều sâu kín. Cuộc đấu tranh chống cái xấu, cái ác diễn ra quyết liệt. Nhưng người ta có cảm giác rất rõ, mảng hiện thực xã hội với những nét chấm phá, phản ánh sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong các tác phẩm văn học còn thua xa sự thật được phản ánh trên báo chí. Tác phẩm chưa tạo dựng được những điển hình con người của thời đại. Chưa kể một số tác phẩm, do nhận thức của nhà văn, cũng có thể do chịu ảnh hưởng của các khuynh hướng văn học nước ngoài, yếu tố bạo lực, tình dục được nhấn mạnh. Đạo lí xã hội, các giá trị truyền thống của dân tộc bị chà đạp, xúc phạm biến cái hiện tượng cá biệt, đơn lẻ thành điển hình xã hội. Điều này từng được thể hiện qua tác phẩm của một vài tác giả viết về lịch sử và chiến tranh cách mạng.

Có lẽ đến bây giờ trong suy nghĩ của người viết văn xuôi chẳng mấy ai còn bận tâm nên viết theo phương pháp sáng tác nào. Cũng chẳng mấy ai còn nghĩ đâu là nhân vật trung tâm của thời đại, giai cấp. Điều người viết quan tâm chính là viết sao cho chân thực, sâu sắc, xúc động, phản ánh hiện thực về con người và đất nước Việt Nam như nó vốn có, dù là viết về quá khứ, hiện tại hay tương lai, hướng tác phẩm tới các giá trị chân - thiện - mĩ. Nói cho cùng, văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung chỉ tồn tại khi có tác phẩm hay, đẹp hướng tới các giá trị nhân văn, đồng cảm, chia sẻ, nâng đỡ tâm hồn con người. Cách nhìn mới về hiện thực, ở hiện tại hay quá khứ, trong ngọn nguồn nhân văn, thẩm mĩ của nó, vẫn là cái đích cho mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật.


Nguồn VNQĐ

 


Có thể bạn quan tâm