April 20, 2024, 1:17 pm

Một tư thế, một hành xử, một khát vọng tự do

Nhà văn Nguyễn Thế Quang tác giả tiểu thuyết Nguyễn Du chỉ bắt đầu viết văn sau khi nghỉ hưu; Ông viết và thành danh bằng tiểu thuyết lịch sử với 4 cuốn chỉ trong thời gian khoảng 10 năm và đoạt giải thưởng Hội Nhà văn cùng giải thưởng Văn học ASEAN.

Ông viết về bốn con người ở ba vùng đất sát nhau đó là Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ ở Hà Tĩnh; bà Hoàng Thị Loan ở Nghệ An và mới đây nhất là đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình. Cái giải đất miền Trung gió Lào cát bỏng này, cái eo thắt lưng của đất nước lại là nơi sinh ra các vĩ nhân, những con người làm rạng danh non sông đất nước. Ông nói vui: Lần đầu tiên mình chọn Nguyễn Du (Hà Tĩnh), xong là quay ra Nghệ An quê mình rồi mới tiếp vào Hà Tĩnh, Quảng Bình. Có lẽ cái khí chất Bắc miền Trung đã ngấm vào ông kể cả ngôn ngữ, thổ nhưỡng, và mạch huyết, mạch nguồn…

Bộ tiểu thuyết “Nguyễn Du” được tái bản.

Nguyễn Thế Quang là người khiêm nhường, dáng vóc ông cao phóng khoáng nhưng giọng nói trầm ấm nhỏ nhẹ, nụ cười hiền. Ông sinh năm 1942 ở Thanh Chương (Nghệ An) đã từng mấy chục năm dạy học cấp 3 ở ngôi trường khá nổi tiếng mang tên chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Ông là giáo viên dạy văn và rất mê truyện Kiều. Ông nói: Nguyễn Du quá thân quen với mọi người dân Việt Nam và tác phẩm Truyện Kiều đã được đưa vào sách giáo khoa mà mấy chục năm ông đã đứng trên bục giảng truyền cảm hứng cho học sinh và giữ nguyên niềm cảm hứng đó cho đến ngày nghỉ hưu để viết nên những trang sách lay động lòng người. Đó cũng là một cách truyền cảm hứng cho độc giả rộng rãi và độc đáo hơn. Với ông, thi nhân không chỉ “đau” về thân phận nàng Kiều mà  còn mang nỗi đau lớn trước thời cuộc khi phải chứng kiến những bi kịch giữa Hoàng đế và kẻ sĩ, giữa quyền lực và trí thức. Vì thế, câu tựa cho cuốn tiểu thuyết này ông chọn: “Mai cốt cách tuyết tinh thần” của Nguyễn Du. Ông viết Nguyễn Du là muốn kí thác vào đó những suy ngẫm của mình trước những thăng trầm “dâu bể” của cuộc đời của lịch sử đất nước. Và cũng vì ông rất tự hào về mảnh đất núi Hồng, sông Lam đã sản sinh một con người có cốt cách và tài năng bậc ấy...

Một ngày đàu tháng 8, tôi cùng Nhà báo – Thi sĩ Nguyễn Ngọc Vượng theo hẹn tìm đến gặp ông ở thành phố Vinh. Trong nhà ông, điều đặc biệt là bức chân dung gò đồng của ông do nhà thơ Phạm Xuân Trường tặng treo trang trọng. Tôi biết Phạm Xuân Trường, nghệ nhân tài năng này là tác giả nhiều bức tranh gò đồng về các nhân vật nổi tiếng. Ông chỉ gò tặng những ai ông quý mến không chỉ tài năng văn chương mà còn ở phẩm chất cốt cách của con người văn ấy. Thật lạ, trong vài chục văn sĩ cả nước lại có duy nhất Nguyễn Thế Quang ở tỉnh lẻ Bắc miền Trung... Nhà văn Nguyễn Thế Quang đôn hậu và vồn vã tiếp chuyện một cách hào hứng cởi mở thân tình. Ông kể cho chúng tôi nghe hành trình đi tìm tư liệu để viết tiểu thuyết Nguyễn Du. Ngoài đọc hàng nghìn trang sách, đặc biệt là các pho sách đồ sộ có tính chính xác tin cậy như: Đại Nam chính biên liệt truyện, hay Đại Nam thực lục, ông còn bỏ công, bỏ sức, bỏ tiền tự đi điền dã lần theo bước chân thăng trầm của Nguyễn Du để khơi ra mạch truyện cho mình. Ngoài vùng đất Nghi Xuân quen thuộc mà ông đã đến hàng chục lần, ông ra Thái Bình quê vợ Nguyễn Du. Tại đây, ông đã được một người bạn thơ thân thiết, Nguyễn Long, tác giả bài thơ lục bát nổi tiếng Thường dân đưa đi thực tế suốt cả một ngày. Có một chút duyên trùng hợp nào đó giữa Nguyễn Du với “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” đến Nguyễn Long: “Quanh năm chân đất đầu trần/ Tác tao sau những vũ vần bão giông” (Thường dân) chăng?... nên cuộc gặp gỡ đó đã giúp Nguyễn Thế Quang đồng cảm giữ nguyên cảm xúc tươi nồng của mình khi gặp lại bao người xưa, cảnh cũ và bồi hồi nhớ về bậc thi hào đã về ở ẩn nơi đây cách hơn 200 năm trước. Nhà văn tiếp tục hành trình vào Quảng Bình và lại may mắn gặp được kết thân với cụ Nguyễn Tú, một người chuyên nghiên cứu văn học dân gian khá sâu ở Đồng Hới. Ở đây Nguyễn Du có thời kì làm quan cai bạ như vị quan đứng đầu các tỉnh nhỏ. Có lẽ câu thơ “Buồn trông cửa bề chiều hôm...” phát xuất từ đây khi nhìn ra cửa bể Nhật Lệ (?)... Sau đó để hình dung ra cảnh sinh hoạt của vua quan triều đình Gia Long, nhà văn đã vào Huế và được các nhà nghiên cứu Huế học cung cấp nhiều tư liệu quý. Đó là các ông Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An đã dồn hết bao tâm huyết thời gian dành cho Nguyễn Thế Quang những buổi đàm đạo không chỉ về học thuật mà còn gợi lên thật sinh động không khí triều đình nơi đây một thời. Ông cũng có may mắn được hai nhà văn Nguyễn Khắc Phê và Hồng Nhu động viên kịp thời và sát cánh cùng ông chia sẽ những trang viết. Nhà văn Hồng Nhu hồi đó là tổng biên tập tạp chí Sông Hương, có một thời sống và viết ở Nghệ An nên có quen biết với Nguyễn Thế Quang đã nhiều lần tâm sự thân tình: “Nguyễn Du quá lớn, quá quen nên quá khó đối với bất kỳ người cầm bút nào nên em thấy không thể không viết thì nên tiếp tục viết...” khi mà Nguyễn Thế Quang có lúc chán nản định bỏ cuộc. Và chính nhà văn gốc Huế này đã chấp bút viết lời giới thiệu Nguyễn Du những dòng cô đọng mà chí lý: “Công lao sưu tầm, xử lý tài liệu trong nhiều sách vở xưa nay, những khoảng thời gian đi điền dã đó đây tại những nơi Nguyễn Du từng ở, từng qua và sự sáng tạo văn chương cần mẫn, Nguyễn Thế Quang đã vượt qua trăm ngàn gian khổ khó khăn – Kể cả sức khỏe bệnh tật để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này”.

Tôi hỏi ông: ai là người đọc thẩm định bản thảo đầu tiền cuốn Nguyễn Du?. Nguyễn Thế Quang bảo: đó là nhà văn Nguyễn Quang Thân, cũng là con người đất Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nguyễn Quang Thân đọc xong bảo: Cách viết còn tuyến tính, tuần tự mà tiểu thuyết không phải là kể chuyện, phải dựng lên nhân vật và số phận, vấn đề tư tưởng. Chủ đề tư tưởng, vâng, một ý nghĩ chớp lóe vụt đến với Nguyễn Thế Quang với câu thơ của Nguyễn Du khi viết về Từ Hải: “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Một tư thế, một hành xử, một khát vọng tự do. Sau này trong tiểu thuyết cảnh vua Gia Long đối thoại với Nguyễn Du khá hấp dẫn với sức nặng tư tưởng có thế nói có cả tính thời sự, đó là cốt cách Nguyễn Du trước quyền lực về mối quan hệ quyên lực và trí thức được thể hiện rất rõ trong cách đối thoại giữa vua Gia Long và Nguyễn Du. Khi nghe vua hỏi: “Thơ khanh viết hay lắm. Sao khanh không có bài nào ca ngợi ta nhỉ”. Nguyễn Du chậm rãi trả lời: “Xin bệ hạ cho thần được làm điều thần nghĩ”. Gia Long cười sảng khoái: “Khá lắm! Thế mới là Nguyễn Du của ta chứ. Ta có cần gì ngợi ca. Ta chỉ cần những bề tôi có tài, có cốt cách như khanh. Xung quanh ta biết bao kẻ xu nịnh nhưng nhà thơ đích thực thì không được xu nịnh bất kì ai kể cả quyền lực và mỹ nữ”. Đó cũng là những trang sách nhà văn bảo ông viết đầy cảm xúc và nhập hồn. Sau lần gặp nhà văn Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Thế Quang để lắng lại thời gian một năm, gỡ tác phẩm ra viết lại bố cục thành năm phần: Ra Bắc, bó thân vào với triều đình, đoạn trường tân thanh, sóng gió cung đình và kết.

Nhà văn Nguyễn Thế Quang chiêu một ngụm trà nóng và bất giác ông nhìn ra xa nghĩ ngợi rồi điểm tĩnh nói với chúng tôi những tâm sự gan ruột về nhân vật Nguyễn Du. Một người như Nguyễn Du xuất thân từ gia đình đại quý tộc, chứng kiến sự thăng trầm của các triệu đại Lê – Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn – Gia Long, làm sao không đau đớn, trăn trở trước bao bi kịch của kẻ sĩ. Thân thiện nhất là anh trai Nguyễn Nể, một con người tài hoa mấy triều đại đều tận tụy việc nước mà cuối cùng phải thắt cổ vì oan ức. Gần  gụi nữa là đại công thần Nguyễn Văn Thành phò Gia Long từ khi chưa có một tấc đất lại bị chính vua Gia Long ép vào tội chết do sự xúi bậy, vu oan của lũ nịnh thần vô học… Khi nghe tôi hỏi ở tiểu thuyết này phần hư cấu có nhiều không, thì ông cho biết: Cuộc đời của các nhân vật, các sự kiện, các lời nói của những nhân vật lịch sử là có thật. Mối quan hệ của Nguyễn Du và Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Vũ Trinh, quan hệ giữa Lê Chất, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Hữu Nghi với Nguyễn Văn Thành... các việc làm lời nói của vua Gia Long những việc xung quanh vụ án Nguyễn Văn Thành đều có trong cuốn Đại Nam thực  lục chính biên. Riêng các cảnh đối thoại với vua Gia Long, cảnh Nguyễn Du đi sứ bên Tàu, cảnh Nguyễn Du gặp Hồ Xuân Hương thì phải hư cấu tưởng tượng. Có một điều hay là nữ sĩ họ Hồ lại có gốc gác quê ngay ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) nên ông có thời gian tiếp cận thêm nhiều chi tiết thú vị…

Cùng tiếp chuyện với ông là vợ ông cô giáo Trần Kim Cúc. Nguyễn Thế Quang “bật mí”: Bà là độc giả đầu tiên của những trang bản thảo tiểu thuyết Nguyễn Du. Viết đến đâu ông đều đưa cho bà đọc trước góp ý. Đó là người phụ nữ dịu dàng truyền cảm hứng cho ông và chính bà là người động viên kiên trì viết xong để xuất bản. Khi thấy tập bản thảo dày cộp đã lấy giấy phép, ông thật sự băn khoăn khi chưa tìm ra nguồn tiền để in ấn. Bà liền tháo nhẫn, gom hết đồ nữ trang vàng cho ông bán để lấy tiền in sách. Và cũng thật may mắn, buổi sáng trước lúc ra hiệu vàng, ông sang thắp hương mộ Nguyễn Du ở Tiên Điền. Thường, lúc nào bí viết ông lại sang mộ cụ Nguyễn tâm sự với cụ và sau đó nối tiếp được sự hanh thông. Đang đứng bên mộ cụ thì nhà văn Trung Trung Đỉnh, giám đốc Nhà Xuất bản Hội nhà văn, nơi cấp giấy phép, điện vào thông báo đã có đối tác bỏ tiền ra in tập tiểu thuyết Nguyễn Du và ông được hưởng nhuận bút bằng sách. Vui quá, cụ Nguyễn linh thiêng thật. Cả hai ông bà thở phào nhẹ nhõm vì kinh tế gia đình ông hồi đó khá chật vật...

Có một điều lâu nay tôi băn khoăn là hình dáng bên ngoài của Nguyễn Du, bởi khi tiếp xúc của ông Nguyễn Ban, hậu duệ đời thứ 6, hay nghe mọi người tả ông Nguyễn Minh, cháu trực hệ của Nguyễn Du, thì cả hai ông này dáng người nhỏ bé. Nhưng theo sự khẳng định của nhà văn Nguyễn Thế Quang, dáng vóc Nguyễn Du cao lớn chững chạc, tướng quan võ. Cái buổi sáng trước khi sang Vinh gặp nhà văn, tôi ngồi uống cà phê với Vân Huyền, con gái ông Nguyễn Ban, đang làm hướng dẫn viên tại khu di tích Đại thi hào. Vân Huyền kể có lần cô nằm mơ thấy Đại thi hào nguyễn Du hiện về với dáng vóc cao lớn, quyền uy oai phong mà rất đẹp đẽ thân thiện. Thế còn tính cách Nguyễn Du điều gì hấp dẫn với nhà văn khi viết? Nguyễn Thế Quang bảo: Cụ Nguyễn lạ lắm, nếu đọc kĩ tiểu thuyết, con người Nguyễn được miêu tả trong sách Chính biên liệt truyện đã nhận xét: bề ngoại chỉ “ẩm ẩm, ừ ừ” nhưng bên trong “kiêu ngạo tự phụ” thể hiện sự cứng cỏi của một cái tôi đầy bản lĩnh. Điều quan trọng hơn là tác giả muốn sáng tạo một Nguyễn Du với khát vọng viết tiếp một “Đoạn trường tân thanh” nữa về bi kịch của người tri thức, người đương thời đó mà không thể viết được. Nguyễn Du đã từng độc thoại một cách cay đắng: “Hoàng Thượng ơi! Người ban cho thần cơm trắng, giấy thơm, bút quý nghiên báu nhưng không ban cho thần tự do thì sao thần có thơ văn hay được”...

Trước lúc chia tay, nhà văn Nguyễn Thế Quang tâm đắc: “Viết tiểu thuyết lịch sử thì tư liệu cũng chỉ là bước đầu, dù rất quan trọng nhưng đó chỉ là phần nhỏ của việc sáng tác. Điều khó khăn nhất đối với trang viết là phải đồng cảm cùng nhân vật, phải hiểu thời đại họ để miêu tả xây dựng được nội tâm phong phú, cốt cách nhân vật, cái “hồn” nhân vật…”. Vâng, với ba lần tái bản tiểu thuyết Nguyễn Du của ba nhà xuất bản khác nhau, nhà văn đã dựng được thần thái Đại thi hào một cách sống động, và Nguyễn Du cũng đang đồng hành dõi theo, nhập cuộc với chúng ta hôm nay.

Nguồn Văn nghệ số 38/2020


Có thể bạn quan tâm