April 20, 2024, 4:52 am

Một trường lực văn chương

ANH CHI, NHÀ THƠ

Tôi “gặp” nhà thơ Anh Chi lần đầu vào mùa thu năm 1977, trên trang nhất báo Văn nghệ với hai bài thơ Thuyền than lại đậu bến than và Sưởi bếp lửa người Dao. Có thể nói, những câu thơ lục bát mới lạ, đầy biến ảo của Thuyền than lại đậu bến than không chỉ gây ấn tượng mạnh với riêng tôi mà còn tạo nên một không khí văn chương náo nức trong phòng làm việc của chúng tôi vào buổi sáng mùa thu đẹp trời ấy. Người đầu tiên lên tiếng xuýt xoa là nhà thơ Vân Long với tờ báo Văn nghệ vừa nhận.

Ông vốn là người điềm đạm, không thích sự ồn ào, mà hôm ấy, sau khi thốt lên: “Giỏi quá!”, ông gõ gõ ngón tay vào trang báo Văn nghệ, hào hứng đọc to: “Ai hò một câu ấy thôi/ một triền sông Mã một tôi lúc này…/ May chưa câu ấy như đèn/ cho tôi thầm thấy mắt đen ai cười/ đâu đó còn một chàng trai/ con thuyền đâu đó còn ngoài bến sông/ con sào cảm động cong cong/ cũng vít vổng và cũng mong lên bờ/… Chắc chàng trai đã lên bờ/ bởi vì cô gái còn hò nữa đâu/ một câu, dư âm một câu/ dường như làm óng ả màu ban đêm…”. Tờ Văn nghệ được chuyền qua tay nhà thơ Trần Lê Văn, nhà văn Phượng Vũ, nhà thơ Bế Kiến Quốc, đến tôi. Tôi đã nhìn và ghi những câu thơ lục bát vào bộ nhớ, rồi nhìn lên đầu bài thơ…

“Gặp” Anh Chi lần đầu như vậy, những câu thơ lục bát truyền thống có một vẻ đẹp lạ lùng trong cách gieo vần, ngôn ngữ và hình ảnh thơ mới mẻ đến bất ngờ của ông đã neo ngay vào tâm trí tôi. Ít lâu sau, qua câu chuyện với một nhà thơ trẻ, tôi càng thấy những ghi nhận của các nhà thơ Hà Sơn Bình và của bản thân tôi là chuẩn xác. Nhà thơ trẻ kể rằng, chính nhà thơ danh tiếng Chế Lan Viên cũng đã chép Thuyền than lại đậu bến than vào sổ tay của ông, kèm theo một câu hỏi dưới câu thơ cuối của Anh Chi: “Một đời thơ viết được mấy bài thế này?”.

Lần thứ hai tôi “gặp” Anh Chi, cũng với một ấn tượng mạnh không kém lần gặp đầu, khi tôi được đọc bài Đời cây Kim cang của ông, trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài thơ có 4 khổ, mỗi khổ 6 câu, cuối khổ là một cặp thơ lục bát. Cả bài thơ không có những câu chữ lấp lánh, nhưng cái hồn thơ giữa các khe chữ đã khiến tôi ngồi lặng người. Đôi dòng thơ lục bát mềm mại khép lại từng khổ thơ là một lời giải về sự tồn tại của loài cây có tên là Kim cang, cũng là lời kiến giải về sự sinh tồn của các chiến sĩ bám trụ trên đảo Hòn Mê, trong bom đạn bời bời. Ngôn ngữ thơ thật bình dị mà lay động người đọc lạ thường; cả bài thơ tạo nên một triết luận sâu sắc về sự sống, một sự sống vững bền bởi những căn nguyên sâu xa vô cùng và cũng cao cả vô cùng:

Mùa hạ xưa có anh lính bị thương

anh tựa gốc cây, máu anh chảy xuống

nay mùa thu về, lá cây đỏ lấp lánh

đỏ thấm mây xanh – chao ôi, đúng rồi

đưa máu yêu nước lên trời

làm hoa nở - ấy là đời Kim cang!

Điều rất đáng lưu ý là, một thời gian dài trước và cả sau khi Đời cây Kim cang của Anh Chi xuất hiện, thơ chống Mỹ mang đặc tính chung là thơ miêu tả để thể hiện nội dung anh hùng ca, tính triết lý, nhất là phẩm chất triết luận nhân sinh của thơ rất hiếm, nếu không muốn nói là hầu như không có. Điều đó cho thấy một phẩm chất rất mới nữa của thơ Anh Chi. Và vì thế, với tôi, chỉ bằng hai bài thơ Thuyền than lại đậu bến than Đời cây Kim cang, Anh Chi đã là một – nhà – thơ – chính – danh rồi, không phải đợi đến Giải thưởng cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ năm 1982 và hai Giải thưởng Thơ chính thức, lần thứ II và lần thứ IV, do Tổng Liên đoàn Lao động và Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng.

Tôi có cực đoan không khi cả quyết như thế? Thưa không! Bạn hãy tìm đọc các tập thơ Tôi yêu (1972), Điệu lý riêng riêng (in chung, 1979), Cây xương rồng khô khan (1995) và đặc biệt là tập Tự bạch (2016) sẽ thấy tôi có lý. Đọc các tập thơ trên sẽ thấy hai phẩm chất đặc biệt của thơ Anh Chi là mới cả về ngôn ngữ và mới cả về tư tưởng thơ, cùng với thời gian, luôn được nhà thơ chăm chút, nâng cao. Sự mới lạ trong lục bát trữ tình có từ Thuyền than lại đậu bến than hiển hiện trong các bài Tô Lịch dịu dàng, Cây buồm, Anh hay thức trọn những đêm… Những câu thơ kết của bài Tô Lịch dịu dàng khiến người ta miên man nghĩ ngợi: “Một vốc nước cũng mênh mang/ bao nhiêu suy, thịnh tuôn tràn kẽ tay/ cùng với Tô Lịch lúc này/ tôi hữu hạn bỗng thấm đầy vô biên!”. Không chỉ mới mẻ, tài hoa, những câu lục bát như vậy còn chất chứa nhiều suy tư về lẽ đời, cõi người. Phẩm chất phát hiện cái mới về nội dung tư tưởng trong Đời cây Kim cang, tôi còn đọc thấy trong Những điều nhặt ở cát, Anh Chi viết từ 1973, và còn được ông nâng cao hơn về tầm mức qua loạt bài khác trong tập thơ Cây xương rồng khô khan và tập Tự bạch. Đó là các bài Một chấm buồn nhỏ xíu giữa rừng, Giấc mơ, Cây xương rồng khô khan, Tưởng nhớ Đào Ngọc Vĩnh, Sông Chu, Chiều mưa như khói, Văn thơ, Tự bạch… Chính nhờ giữ gìn và luôn có ý thức chăm chút phẩm chất thơ mình mà suốt mấy chục năm qua, dù đến nay, số thơ công bố không nhiều (mới in ba tập thơ riêng và hai tập in chung), Anh Chi vẫn là một nhà thơ được lưu giữ lâu bền trong tâm trí bạn đọc và bạn viết!

ANH CHI, NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC

Trong mười lăm năm trở lại đây, dõi theo hành trình văn học qua những gì ông công bố trên báo chí, đặc biệt là qua những cuốn sách ông xuất bản, ta thấy có một Anh Chi khác - một nhà nghiên cứu văn học Anh Chi đúng với nghĩa đó.

Với hơn ba ngàn năm trăm trang in trong 8 đầu sách chuyên về khảo luận, giới thiệu, nghiên cứu, phê bình văn chương ông xuất bản trong từng ấy năm tháng, có thể nói rằng, hiếm có, nếu không muốn nói rằng chưa có một nhà văn chuyên làm nghiên cứu, phê bình nào đạt được hiệu quả như Anh Chi. Điều đáng nói hơn là, trong số hơn ba ngàn rưỡi trang sách đáng ngạc nhiên đã công bố đó, ông mang lại cho người đọc nhiều điều mới mẻ của Văn học Việt Nam suốt nhiều chục năm trong thế kỷ XX.

Trước hết phải kể đến bộ sách lớn Tiêu thuyết thứ Năm – tác giả và tác phẩm. Bạn đọc quan tâm đến Văn học từng biết, trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, bên cạnh tờ tuần báo Văn nghệ tiếng tăm là Tiểu thuyết thứ Bảy xuất bản từ năm 1934, còn có tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm xuất bản từ năm 1937. Thông tin về tờ tuần báo quan trọng thứ hai này chỉ vẻn vẹn vài dòng: Tiểu thuyết thứ Năm hoạt động qua hai giai đoạn, từ năm 1937 đến đầu năm 1938 và từ cuối năm 1938 đến đầu năm 1940, với hơn 150 số báo 24 trang khổ 24 x 32 cm, những số đặc biệt lên đến 32 trang. Hết! Sau này, hai công trình nghiên cứu về lịch sử báo chí Hà Nội trước năm 1945 có đề cập đến tờ Tiểu thuyết thứ Năm, nhưng với lượng thông tin vừa sơ sài vừa không chuẩn xác. Song, thông tin quan trọng nhất về Tiểu thuyết thứ Năm, tên tuổi những người giữ cương vị chủ chốt của tờ báo, và điều người đọc quan tâm là Tiểu thuyết thứ Năm đã chuyển tải nội dung gì, đã tập hợp đội ngũ cộng tác viên, đặc biệt là các văn nghệ sĩ như thế nào? Tất cả những điều này đều có trong bộ sách Tiểu thuyết thứ Năm – tác giả và tác phẩm của Anh Chi. Qua 1650 trang sách, nhà sưu tầm - nghiên cứu văn học Anh Chi đã tuyển chọn, giới thiệu 283 tác phẩm (tính theo đơn vị bài) của 44 tác giả, bao gồm các thể loại: Thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, kịch, tản văn, tiểu luận…, như Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Phạm Huy Thông, Yến Lan, Anh Thơ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Mộng Tuyết, Bích Khê… Đồng thời còn biết đến những tác phẩm, tác giả chưa từng được nghe được đọc, như  Phạm Huy Thái (em trai Phạm Huy Thông), Quỳnh Dao, Vũ Trọng Can, Phạm Văn Kỳ, Lê Thanh Xuyên, Phạm Cao Củng… Cùng với việc phát hiện, khảo cứu, rồi công bố số lượng lớn tác phẩm và tác giả in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm trong bộ sách, Anh Chi còn viết một tiểu luận quan trọng mang tên Tiểu thuyết thứ Năm và những văn phẩm của một thời, giới thiệu khái quát về tờ báo, về các nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, hoạ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, điện ảnh; đặc biệt là phần nghiên cứu và bình luận, đánh giá về tờ tuần báo này cùng những đóng góp của nó trong đời sống văn học Việt Nam nửa cuối những năm ba mươi, thế kỷ XX. Có thể nói, thiên tiểu luận của ông là một tác phẩm tâm huyết, mang tính khai phá đối với việc nghiên cứu tờ tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm, như đánh giá đúng đắn của Nhà nghiên cứu Văn hoá Tạ Ngọc Liễn.

Để có tư liệu làm nên số trang lớn như vậy, Anh Chi đã kỳ công sưu tập mới có được những số báo Tiểu thuyết thứ Năm đang lưu giữ tận nước Pháp xa xôi. Ông đã lần tìm được nhà văn cao niên Phạm Văn Kỳ sống ẩn khuất tại Hà Nội. Lại cất công liên hệ, trao đổi thư từ với nhà thơ lão thành Nguyễn Viết Lãm đang sống tại Nha Trang rất am tường về tờ Tiểu thuyết thứ Năm, bởi ngày xưa, với bút danh là Nguyễn Hạnh Đàn, ông là cộng tác viên thân thiết của báo ấy. Anh Chi còn tìm được nữ sĩ Mộng Tuyết ở Hà Tiên, người vô cùng gắn bó với báo Tiểu thuyết thứ Năm thời còn trẻ trung, để được bà gửi cho thư và những hồi ức liên quan đến tờ báo. Kỳ công hơn, qua ông Phạm Văn Kỳ, Anh Chi liên hệ được với hoạ sĩ Hoàng Quỳ, một Việt kiều sống và làm việc hơn nửa thế kỷ tại Pháp, và được ông ấy giúp sưu tập các số báo Tiểu thuyết thứ Năm. Nhờ nhiệt tình của hoạ sĩ Hoàng Quỳ, Anh Chi đã có được gần 50 số báo, cộng với 12 số báo in đầu năm 1937 ông Phạm Văn Kỳ đã trao cho, nên đã có trong tay non nửa số báo Tiểu thuyết thứ Năm đã ấn hành.

Có được lượng tư liệu lớn như vậy để khảo cứu, bình giá, giới thiệu và làm ra bộ sách lớn, ngoài công sức, Anh Chi còn tốn kém không ít kinh phí bằng tiền và bằng vàng… Những gì Anh Chi đã làm cho sự sống lại tờ tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm thật đáng trân trọng.

Như đã giới thiệu, trong vòng mười năm, kể từ 1998, Anh Chi đã lần lượt xuất bản 8 đầu sách chuyên về khảo cứu, phê bình văn học. Văn phẩm Quỳnh Dao là cuốn sách mở đầu. Đây là một nhà thơ người Hà Tĩnh, sinh năm 1917, năm 22 tuổi đã có tập thơ Tơ trăng mà tài thơ của ông cuốn hút cả đôi mắt xanh của Hoài Thanh, Hoài Chân. Do vậy, trong tác phẩm nổi tiếng Thi nhân Việt Nam, hai ông đã không chỉ nhắc tên mà còn trích khen ngợi thơ Quỳnh Dao: Một hàng tôn nữ cười trong nón/ Sông mở lòng ra đón bóng yêu… Đương thời, nữ sĩ Mộng Tuyết đã viết tặng những câu lục bát chúc mừng, còn lưu đến ngày nay: Văn chương mây nước tao phùng/ Tiếng “Tơ trăng” đọng lưng chừng nước mây… Quỳnh Dao còn được coi là nhà thơ Việt Nam đầu tiên có thơ chống chủ nghĩa phát xít, đó là trường ca hơn 600 câu mang tên Dưới cầu Giang Tô. Và, nhà thơ, người chiến sĩ cách mạng tài hoa ấy từng bị giặc Pháp giam tại Hoả Lò, rồi vượt ngục thoát cùng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. Sau, ông đã hy sinh trong Kháng chiến chống Pháp. Nhà thơ Quỳnh Dao đã hồi sinh sau nửa thế kỷ bị quên lãng, khi cuốn sách Văn phẩm Quỳnh Dao đến với bạn đọc. Xem thế đủ thấy giá trị tâm sức của Anh Chi đến độ nào!

Sau Văn phẩm Quỳnh Dao và bộ sách Tiểu thyết thứ Năm – tác giả và tác phẩm, Anh Chi liên tiếp đưa xuất bản những đầu sách mới: Bảy người hiền và ba việc cũ, Đường đời đường văn, 36 gương mặt văn nghệ sĩ Thăng Long – Hà Nội, 36 tác gia Thăng Long – Hà Nội (đồng tác giả với Tạ Ngọc Liễn). Và, Anh Chi cũng đổ công sức để hoàn tất bản thảo sớm đưa in đầu sách thứ bảy mà nội dung của nó là phục hồi cho một tên tuổi văn chương sáng giá sau hơn bảy mươi năm trường bị lãng quên, là Lê Tràng Kiều. Và thật mừng, quý II năm 2018 bạn đọc yêu văn học lại được biết đến cuộc đời và sự nghiệp của một nhà văn có nhiều cống hiến cho văn chương nước nhà nhưng bấy lâu bị màn sương lịch sử che khuất, qua ấn phẩm Lê Tràng Kiều - cuộc sống và văn chương. Trong lời giới thiệu của nhà thơ Hữu Thỉnh, có đoạn: “Nhà văn Lê Tràng Kiều qua đời năm 1977. Việc phục hồi tác phẩm của ông hôm nay là một nghĩa cử của chúng ta đối với người xưa, nhưng xét về bản chất, đây là chúng ta làm cho chúng ta, làm cho nền văn học Việt Nam hiện đại của chúng ta đầy đặn như nó vốn có. Định hướng mà đồng chí Trường Chinh nêu nêu ra thật sâu sắc: “Chúng ta có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển tất cả những di sản văn nghệ của dân tộc, và chỉ có chúng ta mới có thể làm nổi công việc đó”. Vâng, một trong những nhiệm vụ như vậy, là tập sách Lê Tràng Kiều, đời sống và văn chương do nhà thơ Anhh Chi sưu tầm và khảo luận; chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Cuốn sách Bảy người hiền và ba việc cũ là một công trình đạt cả ba tiêu chí: Nhân văn – Khách quan – Khoa học, “mang lại cho chúng ta cái nhìn đầy đủ về nền văn học nước nhà, cũng là mang lại cho chúng ta niềm tự hào”. Theo đánh giá của Nhà nghiên cứu Văn hoá Tạ Ngọc Liễn: Với việc dựng lại chân dung bảy nhà văn mà Anh Chi gọi là bảy người hiền (Lê Tràng Kiều, Vũ Trọng Can, Bích Khê, Lê Mộng Thu, Yến Lan, Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Nguyễn Dậu), và ba việc cũ (Tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm, Thơ của nhóm Xuân Thu nhã tập, Giải thưởng Tự Lực văn đoàn), là đầy trách nhiệm. Ta thấy Anh Chi viết về bảy nhà văn đó thật có lý, và đặc biệt, ông thật có tình với các nhà văn đó. Ông đưa ra khá nhiều tư liệu thực sự có giá trị cho việc làm Văn học sử. Những bài tiểu luận của Anh Chi về ba việc cũ, do dồi dào về tư liệu nên có sức sống vững chắc, lại thêm ngôn ngữ giàu biểu cảm của một nhà thơ, khiến người đọc tiếp nhận một cách thấm thía và tin cậy!

Và cũng không thể không nhắc tới tập Tiểu luận - Nghiên cứu văn học Theo dòng chảy thơ Việt Nam hiện đại, gồm chín tiểu luận và mười một gương mặt thơ tiêu biểu. Tác phẩm này, từ khi đang viết từng tiểu luận về thơ, hoặc từng gương mặt thơ Việt Nam hiện đại, Anh Chi đã đưa đăng ngay trên các báo, như Văn Nghệ, Tạp chí Nhà văn & tác phẩm, Tạp chí Thơ và nhiều kỳ liên tiếp trên báo Nhân Dân cuối tuần vào năm 2013, cũng đã được bạn đọc và giới quan tâm rất chú ý, trao đổi lại khá sôi nổi. Quý IV năm 2016 tác phẩm được xuất bản thành sách. Và rồi, Theo dòng chảy thơ Việt Nam hiện đại đã được Hội đồng Lý luận – Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương trao tặng thưởng hạng B (không có hạng A) cho các tác phẩm xuất bản năm 2016-2017.  

ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐỜI SỐNG, CON NGƯỜI

Anh Chi chào đời tại xóm Tân An, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hoá, được cha mẹ đặt cho cái tên là Lê Văn Sen. Ông là con thứ tư trong một gia đình thợ thủ công mỹ nghệ gồm sáu anh chị em, có tuổi thơ kéo dài đến hết tuổi vị thành niên với thật nhiều vất vả…

Sinh năm Đinh Hợi 1947, như người đời hay cho rằng, cái tuổi vừa có tài vừa được sống đủ đầy, vậy mà Anh Chi chỉ được theo học chưa hết lớp 7 phổ thông đã phải nghỉ học, đi làm thuê kiếm sống. Nỗi truân chuyên trong cuộc mưu sinh ám vào con người ông khiến da dẻ xạm nâu, người sắt lại, vống lên. Ông giời công bằng, trong hình hài thấm đẫm vất vả ấy đã bọc một cái tâm, cái chí, cái tài. Cái chí cho ông nghị lực theo học bổ túc hết cấp III, sau này học đại học và theo đuổi nghề cầm bút, một nghề cũng gian nan. Cái tâm giúp ông nhìn nhận thấu đáo để, bằng tâm sức của mình tạo nên những giá trị nhân bản trong thơ, văn của mình; và, giúp ông gạt sương mù và bụi bặm của thời gian lịch sử, làm sáng lại những tên tuổi văn chương từng bị che khuất trong nhiều thập kỷ. Bởi thế, dù học giỏi toán và các môn tự nhiên, nhưng ông quyết theo nghiệp văn chương. Hoá ra ông làm thơ, có thơ in khá sớm. Không phải đợi đến Thuyền than lại đậu bến than năm 1977, mà đầu năm 1971 Anh Chi đã in một chùm thơ trên Tạp chí Tác phẩm mới, khiến nhà thơ bậc thầy Chế Lan Viên ngạc nhiên và ghi vào sổ tay cả một đoạn thơ dài trong bài Đất:

Giường tôi nhỏ con con

nhưng ngoài trời kia gió trăn trở

qua những ngọn cây, qua những mái nhà

gió chạy trong đêm bao la

đêm bao la trong kích thước của đất!

Một người trai 24 tuổi, học hành chưa nhiều mà viết những câu thơ đầy cá tính như vậy, nên được Chế Lan Viên khen và quan tâm, vào tận Thanh Hoá tìm gặp Bí thư Thị uỷ Hồ Văn Huấn can thiệp để Anh Chi được theo học lớp Bồi dưỡng Nhà văn trẻ khoá V của Hội Nhà văn, 1972-1973… Sau nữa, Anh Chi theo học Đại học viết văn Nguyễn Du khoá I, tốt nghiệp năm 1982, và dấn bước trên con đường văn chương từ đấy.

Vậy là, cũng được học hành các trường lớp bài bản về văn chương, lại có chí tự học qua sách vở và trường đời, cặm cụi đọc và viết không biết mệt mỏi. Đến nay, Anh Chi có năm đầu sách Thơ, hai tiểu thuyết và tám đầu sách Nghiên cứu văn học, trong đó có bộ sách gần hai ngàn trang; và cũng phải kể thêm hàng trăm bài tản văn phong tục (đã dăng trên nhiều báo, chí) ông có thể xuất bản thành sách trong thời gian sắp tới. Anh Chi đã thực sự tạo cho mình một trường lực văn chương dồi dào với những bài thơ lạ và hay, tiểu thuyết có sức cuốn hút rất riêng, cùng những công trình nghiên cứu văn học đầy tâm huyết, bổ sung vào tiến trình Văn học Việt Nam hiện đại những tác gia và văn phẩm như những trầm tích quý giá còn bị khuất lấp trong dòng chảy của lịch sử!

Nguồn Văn nghệ số 15/2021


Có thể bạn quan tâm