March 29, 2024, 2:02 pm

Một thực tế về khoảng cách

Nguyễn Thuỳ Anh, nữ nghệ sĩ trẻ sinh sống và làm việc tại New York, đã tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay mang tên Organon tại gallery Assembly Room (New York). Triển lãm trưng bày ba tác phẩm thuộc một chuỗi các tác phẩm của cô nghiên cứu cơ thể thông qua những thực hành điêu khắc, ý niệm và trình diễn. Bằng ngôn ngữ thị giác mạnh mẽ, Thuỳ Anh khai thác sự phân đôi của thực thể và siêu hình, đặt ở trung tâm là nỗi đau khoảng cách.
Triển lãm cá nhân của Nguyễn Thuỳ Anh tại Assembly Room

Đối tượng trong tác phẩm của Thuỳ Anh được đặt trong mối tương quan đối nghịch nội tại. Tác phẩm Meet by Touch (tạm dịch: “Gặp qua những cái Chạm”, 2017-2018) là kết quả của một dự án kéo dài. Trong khoảng thời gian một năm, Thuỳ Anh và một nghệ sĩ Hà Nội trao đổi dấu ấn cơ thể của họ trên các miếng đất sét. Dấu ấn này biểu tượng cho kí ức của thân thể - cái chạm – được chuyển giao vào vật thể gợi mối quan hệ gần gũi, ngăn cản bởi không gian địa lý trên  khoảng cách giữa hai thành phố ở hai đầu Thế giới. Trong một tác phẩm khác- “Semiotics of Distance” (tạm dịch “Giải mã khoảng cách”, 2017), khoảng cách giữa các cá nhân lại được cố định bởi khoảng cách của vật thể. Tác phẩm đặt hai mảnh vỡ của chiếc mâm truyền thống tượng trưng cho sum vầy của người Việt trên hai chân chống liên kết bằng một dây silicon hình nội tạng. Hai chân chống được luân chuyển bởi hai người đàn ông trong không gian. Cùng lúc hai người vừa gần mà vừa xa, không ngừng mưu cầu được kết nối.

Tác phẩm của Thuỳ Anh tại triển lãm
Tác phẩm “Gặp qua những cái chạm”

Liên kết giữa công cụ và cơ thể trở thành phương tiện để Thuỳ Anh truyền tải khát khao tìm kiếm sự gần gũi. Tên gọi của triển lãm “Organon” – tiếng Hy lạp của từ “Organ”, được sử dụng vừa để chỉ các dụng cụ kỹ thuật vừa có nghĩa là cơ quan nội tạng. Nó xác định một ý nghĩa hữu cơ và gợi cảm cho các bộ phận máy móc, mặt khác sự kết hợp giữa mềm mại của da thịt đặt trên chất liệu sắt cứng, lạnh lẽo của công cụ gợi cảm xúc của cơ thể trong nỗi đau.

Tác phẩm Những thứ cần thiết cho di dộng

Trong tác phẩm trung tâm của triển lãm Mobile Necessity (tạm dịch: Những thứ cần thiết cho di động, 2019), Thuỳ Anh đặt 3 tấm sắt tối màu, cao tương đương cơ thể nghệ sĩ, nặng khoảng 15kg cạnh nhau dựa vào tường. Trên mỗi tấm sắt là một bộ phận bằng sillicon và hai tay nắm, cho phép một người có thể giữ và di chuyển tấm sắt như một chiếc khiên. Ba khuôn mẫu sillicon mô phỏng lần lượt các bộ phận cơ thể - hông, vai, lưỡi – thân mật và nhạy cảm, gắn liền trên những tấm khiên có khả năng ‘di dộng’, khơi gợi nhu cầu được bảo vệ, nhân cách hoá thứ vật thể thô cứng. Chúng phản ánh nỗi đau của con người đương đại trước sự trớ trêu của cuộc sống gắn liền với những dịch chuyển và tính vô định.

 
Những chi tiết tác phẩm "Những thứ cần thiết cho di dộng"

Thuỳ Anh sử dụng ngôn ngữ hình ảnh mang tính cá nhân, thân mật nhưng không đi kèm bất cứ gợi ý, định hướng cảm thụ nào cho tác phẩm. Giữa bản thân chủ thể sáng tạo và đối tượng nghệ thuật là tồn tại của khoảng cách. Viết về triển lãm này, nhà phê bình nghệ thuật Jonathan Goodman nhận xét: “Chúng ta cảm thấy như rất gần với cô, nhưng chúng ta cũng được nhắc nhở về khoảng cách nhất định giữa nghệ thuật với người tiếp nhận nghệ thuật, mặc dù khoảng cách giữa các cơ thể là khoảng cách gần nhất khả dĩ cho thực tế hiện tồn giữa con người với con người. Trong tương lai xa, việc chúng ta có thể hiểu hay đến gần tác phẩm hay không không phải là vấn đề, mà những tác phẩm của cô minh hoạ một thực tế (về khoảng cách) mà tất cả chúng ta điều không tránh khỏi, người nghệ sĩ cũng vậy” – Jonathan Goodman, Tussle Magazine (2019)

 

 Thông tin về nghệ sĩ:

Nguyễn Thùy Anh (sinh năm 1993) là một nghệ sỹ thị giác đến từ Hà Nội, Việt Nam. Cô tốt nghiệp bằng M.F.A (thạc sỹ nghệ thuật) liên ngành nghệ thuật của Trường Nghệ thuật Thị giác (2018) và B.A (cử nhân nghệ thuật) ngành Nghệ thuật và Tiếng Anh (Chuyên ngành sáng tác) của trường DePawn University (2015). Thùy Anh đã tham gia các triển lãm nhóm tại Miyako Yoshinaga Gallery, Sotheby’s Institute of Art, BOSI Contemporary, Radiator Gallery, Chinatown Soup Gallery, The Java Project, Pfizer Factory, Trestle Gallery, Nha San Collective (Hà Nội, Việt Nam).. và triển lãm cá nhân tại Assembly Room (NY). Cô đã tham gia lưu trú tại Brooklyn Art Space, Vermont Studio Center. Thùy Anh sinh sống và  làm việc tại Brooklyn, New York, nơi cô là thành viên của Brooklyn Art Space- Trestle Project và là Giảng viên tại trường Hudson County Community College.


Có thể bạn quan tâm