April 20, 2024, 3:19 am

Một thời má đỏ

 

Em một thời má đỏ

Ta một thời long đong

 (Chỉ lửa là rất thật-NCN)

Anh lên Châu Mộc, theo lời mời của Quân, người bạn thân, cán bộ quản lý Văn phòng khu vực Tây Bắc của một cơ quan báo chí lớn. Quân sắp đến tuổi nghỉ hưu, vốn yêu mến miền đất thơ mộng này, muốn tìm một mảnh đất rộng để làm nhà vườn, đặng an nhàn tuổi già. Quân bảo: “Tôi biết ông cũng yêu quý vùng đất này chẳng kém gì tôi, cuối tuần ông lên đây chơi với tôi, cùng tôi tìm đất, biết đâu, ông cũng động lòng, kiếm một mảnh đất… Đồng bệnh tương lân mà, tôi và ông đều tương tư vùng đất này, bởi cả hai ta, cùng để lại nơi đây một mối tình dang dở, một thời… nhỉ”. Nghe vậy, anh cười: “Mối tình dang dở ư? Có thể với ông là đúng, song với tôi, thì chưa hẳn… Nhưng thật tình, tôi yếu mến miền đất thơ mộng này, có khi còn hơn ông!”. Cả hai cười vang.

Quân đưa xe về Hà Nội đón anh lên. Chiều cuối tuần, xe ngược lên châu Mộc. Qua Thung Khe, cơn giông kéo lên đầy trời, may là đầu hè nên không bị sương mù. Trời đổ mưa nặng hạt.  Quân lặng nhìn quang cảnh đồi núi gội mưa, cảm thán:”Tôi rất thích ngồi xe ngắm trời mưa, ông ạ”. Cậu lái xe nghe vậy hài hước: “ Ôi, sếp thích, nhưng em khổ sếp ơi. Lái xe đường núi trong mưa thế này, cực lắm, sếp à”. Chúng tôi phá lên cười, rồi lặng đi nhìn mưa rơi hồi lâu, hình như mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Anh chợt nhớ, động lòng thốt lên mấy câu thơ:” Ơi một thời khao khát/ Em thì còn trẻ măng/ Ngước cái nhìn ngơ ngác/ Ta vờ ngó vầng trăng/ Chỉ lửa là rất thật/ Bừng lên cháy hết lòng/ Em một thời má đỏ/ Ta một thời long đong”… Quân nghe, nói mơ màng như đẩu đâu ấy” Ừ,… đúng là em một thời má đỏ, … ông nhỉ?’. Anh cùng ờ như mơ hồ…

          Mưa dứt từ lúc nào, xe lên tới cao nguyên Châu Mộc. Cao nguyên sau cơn mưa gột rửa, tươi mát yên lành trong màu xanh  mướt của ngô và chè. Những năm rồi, anh qua lại vùng đất này nhiều lần, nhưng mỗi lần mỗi ngỡ ngàng. Lần này, là sự ngỡ ngàng về vẻ tươi mới và có gì đó khang khác của cao nguyên mà anh chưa nhận ra.

          Đêm về, tưởng là ngủ được ngay, nhưng không ngờ, anh lại khó ngủ làm sao…

*

          Ngày ấy, cách đây gần bốn mươi năm rồi, anh đang học năm cuối đại học Nông nghiệp. Lớp của anh lên đây thực tập, đồng thời học nốt mấy môn học phù hợp với điều kiện thực tế của Nông trường Bộ ở đây.

          Thời gian cả lớp ở lại đây chừng mươi ngày để học nội quy chung, học nốt vài môn học, rồi sau đó chia ra từng nhóm nhỏ, về thực tập tại các đội sản xuất cụ thể. Dạo ấy, Nông trường Mộc Châu được chính phủ Cuba giúp đỡ xây dựng nên khang trang và quy củ lắm. Các đội sản xuất được phân chia theo các loại hình công việc chuyện biệt hoặc kết hợp, chẳng hạn chuyên trồng chè, chuyên trồng cỏ và nuôi bò sữa, hoặc kết hợp cả trồng chè và nuôi bò sữa…

Anh được phân về một đội sản xuất cách xa trung tâm Nông trường Bộ chừng dăm cây số, chuyên về đồng cỏ và bò sữa. Từ trung tâm phải ngược dốc vào sâu tít nơi rải rác có những bản người Mường, người Thái, người Mông Hoa. Đội sản xuất này, có khoảng gần trăm công nhân, phần lớn chưa lập gia đình, ở tập thể tại khu lán trại đơn giản kiểu nhà cấp 4, giường tầng. Để nhường chỗ cho cánh sinh viên thực tập ở, các công nhân phải dồn lại, nhường riêng một khu nhà cho khách.

Ở đội sản xuất này, chỉ có chừng gần chục nam giới, trong đó có vị Đội trưởng. Còn lại là nữ, chủ yếu độ tuổi trên đôi mươi, đều quê ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ như Hà Tây, Hải Hưng, Hà Bắc, Nam Hà, Thái Bình… Tay đội trưởng, tên Thiết, tuổi ngoài ba chục, đã có vợ con, và thật hợp với cái tên của mình, người y còi đen xắt lại, thêm hiếng một mắt, nhìn khá gớm ghiếc. Nghe đám công nhân nữ xì xào với nhau, y rất tinh ranh, ghê gớm và là một sát thủ tình trường. Cánh sinh viên thì bảo nhau, chẳng qua, thời chiến tranh vừa rồi, con trai mạnh khỏe ra trận hết, chỉ còn lại ít đàn ông đui què mẻ sứt ở nhà, nên của hiếm mà thành tinh thôi. Chuyện làng quê thời chiến thiếu đàn ông, không lạ, nhưng không thể sánh với chuyện nông trường thiếu đàn ông. Cái tỷ lệ, một đàn ông với mười đàn bà đang độ tuổi thanh xuân bị dồn vào một chỗ thì mới ghê gớm làm sao.

Mang tiếng nhiều phụ nữ như thế, nhưng ở đội sản xuất này anh cũng chỉ để ý và nhớ tên được mấy người mà thôi. Người đầu tiên, để anh lưu tâm, ấy là Duyên, một kỹ thuật viên, cỡ tuổi anh, quê dưới xuôi, vóc dáng tầm thước, da nâu, gương mặt không hẳn xinh nhưng ưa nhìn và khá lạnh. Người thứ hai, là Hương, vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt khá xinh, hay cười nói, nhí nhảnh kiểu trẻ mới lớn. Người thứ ba, ấy là Lan, tạng người có da có thịt, gương mặt tròn trịa, hàm răng trắng đều, tính tình xởi lởi, dễ chịu. Và cuối cùng là Tẻo, tên xấu, người thấp lùn, gương mặt có gì đó dị dạng, lại mắc chứng điên tình. Ngày làm việc, rồi các bữa cơm tập thể, anh hay gặp họ, nhưng thi thoảng hỏi chơi mấy câu tầm phào, theo kiểu mà người ta hay nói cửa miệng là ”trai sinh viên, gái nông trường”, tán tỉnh chút cho vui . Với Duyên, cô gái này luôn giữ ý đúng mực giữa đám đông, không chủ động chuyện bao giờ, chỉ trả lời khi bị hỏi, và luôn có ý phòng thủ. Cánh nam sinh viên bảo nhau “con bé này kiêu lắm”, nhưng nghe đâu, cô đã từng yêu sâu nặng và rồi thất tình với một chàng sinh viên Hà Nội hào hoa nào đó, dạng về đây thực tập từ vài năm trước đó, nên tính tình sinh ra vậy.

Với Hương, anh đã vài lần nói chuyện, thậm chí, đã có lần, anh cùng cô bé này ra đồng cỏ chăn bò. Buổi sáng, lùa bò ra đồng cỏ, thả rông để chúng gặm cỏ và vận động cho thoải mái. Nhũng con bò sữa lang trắng đen, giống của nước ngoài, điểm xuyết trên nền cỏ xanh, giữa quang cảnh núi non, trông thật thơ mộng. Hương thả bò rồi tìm một gốc cây có bóng mát ngồi, canh chừng. Có anh bên cạnh, cô hát véo von, hết bài này sang bài khác. Anh cũng dở bài tán, đọc lên mấy câu thơ tình của mình, khiến cô bé thich lắm. Cô khen thơ hay rồi bắt đọc thơ nữa, nhưng anh thì lại chán. Anh vờ chiều nhưng cũng không thích cái tính trẻ con của cô bé. Tuổi đôi mươi, học hết cấp hai rồi lên đây, tính trẻ con là phải thôi. Riêng cô bé này có biệt tài, dăm chục con bò cô chăn thả, cô thuộc dáng hình của từng con, đến mức ở rất xa, hễ chỉ đến con nào, cô cũng đoán trúng phóc tên số của con ấy. Anh đã thử tài cô mầy bận và cô chưa bao giờ sai.

Còn với Lan, anh chuyện trò nhiều hơn cả, bởi tính cô xởi lởi, tự nhiên, không né tránh kiểu Duyên và cũng không làm ra vẻ trẻ trung hồn nhiên như Hương. Lan quê Thái Bình, kém anh  vài tuổi và đã có thâm niên tại nông trường dăm năm rồi. Một sáng chủ nhật, khi anh vẩn vơ bên đường, có ý quan sát quang cảnh, thì bắt gặp Lan. Cô rủ anh cùng đi hái nấm với cô, anh vui lắm. Lan bảo, mùa hè, sau những ngày có mưa, nấm sẽ mọc nhiều. Điều này thì anh hiểu, vì hồi còn ở quê, những ngày mưa nhiều, khi đi thả trâu cùng đám trẻ làng, anh cũng đã từng lấy được nhiều nấm, loại nấm cỏ, từng cái to nhỏ như trứng gà, như củ khoai tây nảy nhan nhản ở sườn bờ mương. Hái về, thái thành lát xào lên, hoặc xắt đôi kho kỹ với tương, ăn rất ngon. Anh và Lan tha thẩn trên đồng cỏ, vừa dõi mắt trên mặt đồng cỏ tìm nấm, vừa hỏi chuyện nhau. Cô kể, hồi ở quê, thỉnh thoảng được đi xem chiếu phim, thấy cảnh nông trường ở Liên Xô, có những cánh đồng lúa mì bát ngát, những đàn bò sữa cao lớn gặm cỏ nhởn nhơ trên thảm cỏ xanh bao la, thì cô thích lắm, ước ao một ngày kia thoát ly khỏi làng que nghèo, trở thành công nhân nông trường. Vậy khi có người làng sống ở trên này, về thăm quê, bảo ở đây đang tuyển công nhân nông trường, giống như cảnh phim cô đã xem thì cô háo hức muốn đi ngay. Và cô đã trở thành công nhân nông trường Châu Mộc. Tuy không đẹp mơ mộng như phim ảnh thì công việc cô đang làm cũng tạm ổn. Chỉ mỗi tội, ở đây ít nam giới, mà chị em thì quá đông. Lan bảo, ông giám đốc nông trường thương các cô lắm. Có lần ông nói vui rằng, nếu pháp luật cho phép đàn ông được lấy nhiều vợ, thì ông sẽ lấy mười vợ để giúp một số cô có gia đình. Lại có lần, ông giám đốc bảo, cứ tình cảnh này thì các nữ công nhân bỏ nông trường về quê lấy chồng hết, rồi ông lại ước ao, ở gần đây, có vài đơn vị bộ đội thì tốt quá. Ông giám đốc, còn kêu gọi các chàng sinh viên hãy lưu tâm giúp ông điều đó, tuy nhiên, không phải là cái cách, mỗi đợt sinh viên về thực tập, kết thúc mỗi đợt, để lại vài ba cô công nhân bụng mang dạ chửa và sau đó là những đứa trẻ không cha… mà phải thực sự gắn bó với nông trường, lấy vợ và ở lại đây.  Đấy là những gì Lan nói cùng anh khi hai người đi hái nấm với nhau. Chốc lát, chiếc làn cô mang theo đã đầy ắp những trái nấm trắng ngà nhìn thật ngon mắt. Trời đang nắng đẹp chợt mây đen kéo lên rất nhanh, và cơn mưa bóng mây đổ xuống, hai người vừa chạy vừa cười đùa, khi trú được vào một lán trại thì quần áo cả hai gần như ướt hết. Lan tỏ ra ái ngại khi quần áo ướt bết vào thân hình cô. Biết cô ngượng, anh vờ nhìn lảng ra đồng cỏ, song thế cũng đủ để cảm nhận được sự hấp dẫn toát ra từ dáng vè thanh xuân đầy sức sống nơi cô.

*

Và một lần, nhóm sinh viên của anh trực kỹ thuật đêm. Đêm ấy, Lan là công nhân trực kỹ thuật chính. Chập tối, Lan thông báo, rất có thể đêm nay, sẽ có bò đẻ, bởi theo bảng theo dõi kỹ thuật và thăm khám thực tế, khả năng sẽ có vài con bò mẹ sinh nở nay mai. Thế nhưng, anh bạn cùng ca trực với an bảo là thấy người ơn ớn như sốt, xin về trước vì ngại sương đêm sẽ ốm. Vậy là, chi còn lại có anh và Lan, nên anh có chút gì đó hồi hộp... 

Lan luôn chân luôn tay, nhóm bếp củi rồi bắc lên một nồi nước to, nói là để có nước sôi sát trùng dụng cụ, chuẩn bị cho bò đẻ. Anh ngồi canh chừng bếp lửa, thêm củi, gạt tàn. Đêm mùa hè mà sương dày đặc. Anh hỏi bâng quơ:

- Này em, mùa hè ở đây lạnh vậy sao?

- Khí hậu cao nguyên mà anh… Thế mới nuôi được bò sữa chứ, anh  - cô cười – Ôi, em quên mất, anh là kỹ sư đến nơi rồi mà em lại đi giải thích cho anh. Em xin lỗi nhé.

Cô cất miệng hát một đoạn chèo, hình như điệu Đường trường thu không thì phải, nghe man mát buồn...

Thấy anh vẫn ngồi im lặng, Lan gợi chuyện:

- Em hỏi đùa nhé,... anh tên Mạnh, nhưng sao cứ nhan nhát làm sao ấy... Dáng dấp thì thư sinh ... cứ như là... con gái ấy – Cô lại cười – Hay là, anh...

Lan bỏ lửng, lại hát tiếp câu chèo đang bỏ lửng.

- Thì bố mẹ mình để mãi toàn con gái, út ít đến mình là trai, nên đặt tên vậy cho vẻ khí thế... Cha mẹ sinh con, trời sinh tính mà... Anh cũng đang cố làm cho mạnh mẽ đây – Anh chống chế, đùa lại.

- Thì cứ như em đây, tên khai sinh trong giấy tờ là Lang, khoai lang ấy. Chả là mẹ em đẻ rơi em ở ruộng khoai lang, nhà đông con nên đặt tên là Lang cho dễ nuôi, mà anh. Tên làm sao, người bao hao làm vậy, thế nên người em giờ cứ nuột nà nhẵn nhụn như củ khoai lang đấy thây – Cô cười to khiến anh cảm thấy thoải mái, dễ chuyện hơn – Bọn con gái ở đây trêu em, bảo là, ai lại tên Lang, khoai lang cơ chứ, quê mùa chết ấy. Thế rồi, chúng nó cắt của em cái chữ “g” thành ra Lan. Gọi thế hay anh nhỉ? Mà anh có thấy, ở đây, hoa phong lan rừng đẹp tuyệt vời không?... Giờ thì mọi người ở đây toàn gọi em là Lan thôi... - Cô dừng chuyện, giọng buồn buồn -  Này anh, nghe nói hôm trước, cái con bé Tẻo nó xông vào chỗ các anh quấy quả đấy à?

- Ừ, … nhưng mà… nghe nói cô ấy bị căn bệnh oái oăm gì thì phải?

- Vâng anh, chẳng rõ, nhưng người ta bảo nó điên tình... là cái bệnh phát do thiếu đàn ông ấy. Nó phát bệnh như vậy mấy lần rồi… Rõ khổ cái Tẻo, người gợm như vậy, đàn ông nào nó màng. Đến như chúng em đây, nghĩ chẳng đến nỗi nào mà cũng chẳng có ma nào thèm ngó nữa là... Lâu lâu, rồi bọn em cũng đến phát bệnh như nó mất...

- Giá cứ sống ở quê, tuổi này như em chắc con bồng con bế cả rồi.

- Người như em, kiểu gì mà chẳng lấy được chàng trung úy, mà thiếu tá cho oách, em ơi... Nhưng mà thôi, chẳng lẽ giờ bỏ về? Chịu khó ở đây săn một chàng kỹ sư nào đó, em ạ.

- Vậy à? Em chẳng tin – Cứ  hết đợt sinh viên này về, rồi đi... rồi lại đợt khác, mà có đứa nào bắt chết được ai đâu... Giọng cô buồn hẳn – Đấy, cứ như cái Duyên, anh biết rồi đấy, xinh và duyên thế, năm trước có một chàng kháu đáo để, ngỏ lời yêu nó. Những tưởng mặn nồng, cưới nhau đến nơi rồi, mà nó cũng được chàng đưa về tận thủ đô thăm nhà, giới thiệu với cha mẹ... Nhưng rồi, nàng trở lên, ỉu xìu, thất tình, nghe nói chàng vẫn thiết tha lắm, song cha mẹ thì đâu có chấp nhận cô con dâu là công nhân chăn bò nơi xó xỉnh rừng xanh núi đỏ, cơ chứ?...

Lan bỏ lơi câu chuyện, nhưng thấy anh lặng lẽ cời củi bếp, lại tiếp:

- Anh biết không, có mấy chị lơn lớn tuổi ở đội này, cũng đang nuôi con một mình đấy. Anh để ý, có vai ba ngôi nhà tranh bên rìa đường đi vào bản người Mông, là nhà của các chị ấy đấy. Nhỡ có con rồi , sinh hoạt tập thể cũng khó, nên Nông trường cám cảnh, cho mượn đất làm nhà tạm để ở...

- Thế có biết cha mấy đứa trẻ là ai không? Họ có biết và quan tâm đến chuyện này không?

- Em cũng chẳng rõ nữa ... Thà có con rơi với các chàng sinh viên, còn đáng hơn có con với con khỉ đột gớm giếc ở đây...

- Là em... muốn nói tới tay Thiết, đội trưởng phải không? Anh dò đoán vì ít nhiều nghe mọi người rì rầm về con người này.

- Đồ khỉ đột. Gớm giếc lắm...

- May mà, năm nào cũng có những đợt sinh viên về đây thực tập. Có các đoàn khách, lão ta đành bớt đi, giả bộ xởi lởi, là sợ mang tiếng này nọ đấy thôi. Còn không, chỉ có người ở đây với nhau, lão ấy dữ lắm, như quỷ ám ấy, anh ạ. Các anh về đây bao lâu, bọn em được dễ thở và thoải mái bấy nhiêu... Ngay như tối nay, vì lão ấy nghĩ em trực cùng một nhóm vài ba người, chứ mà biết chỉ còn em và anh thôi thì thế nào lão ấy cũng mò ra... Mà cũng chả biết đâu, lão ấy lại lù lù xuất hiện ngay bây giờ, cứ như ma xó ấy - Cô nói giọng ớn lạnh, anh nghe cũng gai người.

- Chắc là... lão ấy thích em?...

- Cũng chẳng rõ ... Em ghê sợ lão ta – Em chẳng được cứng cõi như cái Duyên, nó đã thẳng thừng cự tuyệt lão ấy. Lão ấy thích nó lắm. Không xơ múi gì, nên lão ấy căm nó...

- Sợ gì lão ấy, còn có ... mọi người

Lan chuẩn bị xong công việc, cô lấy đâu ra mấy bắp ngô, củ sắn, ra bếp lửa ngồi bên anh, lặng lẽ cho ngô và sắp vào bếp than hồng nướng.

- Thức đêm là hay đói lắm anh à. Anh em mình chịu khó nướng, lát nữa ăn – À, nếu có bò đẻ, mai kia em sẽ chiêu đãi anh món sữa đầu. Anh đã ăn sữa đầu bao giờ chưa? – Rồi không đợi anh trả lời –cô liến thoắng – Sữa đầu không lấy làm thương phẩm được vì nó quá nhiều chất béo, dễ sinh men làm hỏng sữa, nên mọi người được lấy ăn thoải mái. Chỉ cần nấu chừng khoảng bảy, tám mươi độ là nó đóng bánh đặc sệt lại, bổ và ngon tuyệt.

Anh và cô, lặng lẽ nướng ngô sắn. Anh liếc trộm, má cô đỏ hồng lên, gương mặt tròn xinh có phần quyến rũ, mắt to đen nhìn vào ngọn lửa đầy xa xôi. Lòng anh dâng lên một mối thương cảm. Bản thân, anh đã trải qua mối tình đầu, từng thất tình và thất vọng, anh hiểu được sự trống vắng, cô lẻ. Cứ mãi nơi này, tìm đâu ra một bóng đàn ông cho ra hồn? Rồi anh lại tự hỏi mình, với Lan, tình cảm của anh ra sao? Anh có thích cô không? Rõ ràng là có. Nhưng anh cũng thích và còn để ý đến Duyên, đến Hương. Vậy tức là anh chơi trò phiêu lưu theo kiểu tìm cảm hứng tình cảm thoáng qua rồi. Thực lòng, anh có bị cuốn hút bởi vẻ đẹp lành  lạnh, xa cách và bí ẩn của Duyên, song anh cũng thích sự thân thiện, xởi lởi, chân thành và sự khỏe mạnh đầy nữ tính của Lan. Còn về tương quan, rõ ràng, anh và Lan hay chuyện trò và gần gũi, thân tình với nhau hơn. Giờ đây, anh được ngồi sát bên cô, cảm nhận được sức hút, mùi vị đàn bà từ nơi cô, trong một phong cảnh nên thơ huyền bí như ảo, đồng cỏ mênh mông chìm trong sương đêm, se lạnh, trăng muộn cuối tháng mờ tỏ đầu núi, bếp lửa bập bùng... Ban nãy, cô đã đùa trêu anh, tên là Mạnh nhưng lại đầy thư sình và nhát quá đấy thôi... Cô cũng nói chuyện, nhiều chàng sinh viên về đây, khi về xuôi đã để lại giọt máu rơi của mình,... rồi cả chuyện, các nữ công nhân chủ động kiếm đứa con phòng nương tựa sau này... lại cả chuyện tay Thiết quỷ ám, luôn rình rập, gạ gẫm các nữ công nhân, trong đó có cả cô... Hẳn là, cô có ý bóng gió, xa xôi? Chắc là, cô đang muốn điều gì đó ở anh?

Lan lấy ra ngô và sắn  đã chín – Anh ăn đi, nóng mới ngon – Giục anh ăn, cô thừ người, rồi như nén tiếng thở dài, cất giọng hát một đoạn chèo điệu sử rầu buồn thảm, trong vở Quan âm Thị Kính, Cô bỏ lửng câu hát, nín thinh, rồi nghe như có tiếng nức nở. Anh se sắt thương cảm, lại có gì đó bừng dậy sức nóng đàn ông...

- Thương Thị Kính, anh nhỉ ... nhưng Thị Màu còn tội nghiệp, đáng thương hơn... nàng ta có lỗi gì đâu...

Anh bừng tỉnh, choàng tay qua người cô, kéo riết về phía mình – Không sao mà – Anh chỉ nói được có thế - Cô ngả hẳn đầu vào bờ vai anh. Anh vuốt tóc, chạm vào má cô, cảm nhận được những giọt nước mắt. Bàn tay cô dẫn dắt bàn tay anh tìm kiếm... Anh mụ mị đi và hai người xoay lại ập vào nhau, nụ hôn dính chặt, những cánh tay xoắn xuýt, cái ghì xiết lại...

- Ôi thôi chết,... – Cô bừng tỉnh, gỡ môi khỏi cái hôn nghẹt thở, ngơ ngác, thất thần... – Anh ơi, con bò sắp sinh rồi !...

Cô vùng khỏi vòng tay ôm của anh, cuống quýt, chân tay luýnh quýnh như thừa, không biết phải làm gì. Anh choáng váng, vẫn u minh chưa hiểu ra sao. Cô giục anh:

- Anh vào đây, giúp em với, bò mẹ đang sinh. Em vừa thoáng nghe tiếng bò mẹ, em biết...

Ca sinh suôn sẻ, chú bê ra ngoài, lóng ngóng một chút cũng đứng lên được khi cô nâng đỡ. Bò mẹ liếm láp cho con vẻ an lành, trìu mến, và bê con đã biết rụi đầu vào bụng, tìm vú mẹ.  Cô dọn dẹp cho sạch sẽ. Anh quay lại bếp lửa thì khẽ giật mình khi thấy tay Thiết đội trưởng đã lù lù ngồi đấy rồi. Anh khẽ chào. Hắn nhìn anh bằng con mắt rưỡi, đầy vẻ dò la, nghi ngờ, mặt lạnh như tiền bảo:

- Tôi đến đây từ nãy, không đánh tiếng, thử xem anh chị làm ăn thế nào. Được đấy, cô Lang ơi...

Hắn nói to, gọi cô bằng tên tục. Lúc ấy, cô mới biết sự có mặt của hắn, và vâng dạ cho qua chuyện. Hắn nhìn anh chằm chằm, ỡm ờ:

- Này cậu, ca trực của sinh viên các cậu tối nay, tưởng có mấy người cơ mà, sao lại chỉ mỗi mình cậu vậy?

Anh giải thích sơ qua lý do sao lại có mình anh trực, hắn ngúc ngắc cái đầu nhỏ như chim sẻ, nhìn cô, dò trống không:

- Chắc không có chuyện gì chứ? Cô, cậu?

- Chuyện gì là chuyện gì ạ? Em không hiểu – cô bình thản, và hình như cô cố giấu đi cái cười mỉa.

Anh không sợ gì hắn, nhưng trong lòng cũng sinh ái ngại. Hồi nãy, nếu bò mẹ không sinh con đúng lúc ấy, thì không biết, trong vòng ôm của nhau, anh và cô sẽ ra sao? Rồi hắn xuất hiện, bắt quả tang hai người... và làm toáng lên... rồi nữa, chuyện này sẽ đi đến đâu? Anh nhìn cô, nhìn hắn, cố làm như vô sự. Hắn bảo:

- Thôi khuya rồi, công việc cũng xong rồi... Cậu về đi, không phải trực nữa. Tôi đợi cô Lang dọn dẹp xong rồi về sau – Hắn đuổi khéo anh.

Điều anh lo ngại, là anh về rồi, chỉ còn hắn với cô, hắn sẽ làm gì cô? Cưỡng bức chăng, khi rõ ràng hẳn tỏ ra ghen tức với anh, và thái độ của hắn có gì đó đầy mưu mô, thủ đoạn? Anh nhìn cô dò hỏi. Cô vẫn bình thản, lấy mảnh giấy báo, gói mấy bắp ngô và củ sắn đã chín, đưa cho anh, nhìn thẳng vào mắt anh cái nhìn như ra hiệu rằng hãy yên tâm:

- Xong cả rồi, anh Mạnh về đi, anh cầm cả gói ngô sắn nướng này về cho mấy anh chị sinh viên cùng ăn. Em cũng xong ca trực rồi, về luôn đây. Anh yên tâm, em không sợ ma đâu... mà có anh Thiết đây… ma nó cũng sợ mất vía. Anh Thiết nhỉ?

- Vâng... hắn xẵng giọng.

Anh ôm bọc ngô sắn trong tay, bước thấp bước cao. Quãng đường từ trại trực về chỗ anh ở chỉ già trăm mét mà anh đi mãi, bởi chốc chốc, lại ngoái đầu nhìn về hướng trại, nghe ngóng, xem có động tĩnh gì không. Về đến khu nhà ở, anh nép vào đầu hồi ngầm quan sát, cho đến khi nhác thấy bóng hai người đi về gần đấy, và anh nghe tiếng cô nói chuyện khá to, cứ như là thầm báo với anh, rằng cô không sao, chằng có chuyện gì xảy ra…

Đêm ấy, anh mất ngủ, đầu óc cứ ong ong những gì vừa xảy ra ...

            Cũng như đêm năm nào, anh khó ngủ, cứ miên man trôi dạt trong dòng ký ức. Đêm năm nao mất ngủ, khi ấy, anh chộn rộn bởi sự bột phát tình cảm và lo lắng cho cô bị tay đội trưởng ma quỷ xâm hại. Giờ đây, là sự thức dậy của tiềm thức và sự chiêm nghiệm cuộc đời. Anh đã trải qua những mối tình, được mất, cuộc sống cũng thành bại, đây đó. Cao nguyên châu Mộc không còn sự tinh khiết, trinh nguyên và hoang sơ của ngày xưa, mang vẻ đẹp mộc mạc của cô gái quê pha chút rung núi, còn bây giờ có vẻ đẹp của sự kiến tạo, kiểu vẻ đẹp của thiếu phụ biết son phấn ăn diện và làm dáng. Non sông thay đổi là thường tình, nhưng lòng anh thì đã đằm một châu Mộc xưa cũ rồi.

            Mươi năm gần đây, do tính chất công việc, năm nào anh cũng ngang qua vùng đất thảo nguyên này vài ba lần. Cũng có đêm ngủ lại, cùng đó là các cuộc rượu say nghiêng ngả. Nhớ có lần, trong một tiệc vui, anh có khoe, mình đã từng thực tập ở đây, rằng này nọ. .. Chuyện sinh ra chuyện, có một cậu thanh niên điển trao nhận vui, bảo: “Này bố… có khi bố là bố đẻ của con đấy… Ngày xưa, bố thực tập ở đội ấy chứ gì, mẹ con cũng là công nhân ở đội ấy đấy… Tính thời gian bố ở đấy, so với tuổi con hiện nay, rất có thể, con là con rơi của bố, bố ơi !...”. Rồi cứ một lần gọi “Bố”, cu cậu lại chuốc anh một chén rượu. Hăng lên, anh cũng gọi cậu ta là “con”, rồi cả tiệc cụng ly, reo hò rôm rả, bảo chúc mừng cho bố con nhận nhau. Lúc say, cu cậu rụi đầu vào vai anh lè nhè: “Bố ơi, bố còn miếng đất nào ở Hà Nội không? Bố cho con nhé… Con sẽ đưa mẹ con về dưới ấy… sống cả đời trên này,…chán lắm rồi, bố ạ… Cho bõ cái công, bố bỏ rơi hai mẹ con ngần ấy năm trời…”. Anh say, cứ ầm à cho qua chuyện. Cu cậu nhè nhè: “Hay là…Bố sợ con đòi đất à?... Thôi, đất cát, chuyện ấy tính sau…”. Miệng nói, tay cu cậu giằng giằng chiếc máy ảnh đeo lủng lẳng trước ngực anh. Chuyện vui là vậy, nhưng anh cũng đã ngầm hỏi đây đó, xem còn dấu tích gì của Lan không. Nghe đâu, cô lấy chồng vài năm sau đó, giờ nhà cửa con cái ở đấy, cũng gần nơi đội sản xuất cũ. Giờ đây, nông trường sản xuất tập trung xưa cũ không còn, thay vào đó là công ty cổ phần, đât đai, nương chè, đồng cỏ, bò sữa đều giao khoán hộ. Chuyện về cô nghe vậy, song chẳng rõ thực hư, nhưng thời gian quá lâu, nên giờ đây nghĩ lại, chỉ chút xao lòng, nhẹ như một tiếng thở dài…

            Khó ngủ lại hay dậy sớm. Sáng ra, anh tỉnh ngủ, kéo của kính phòng nơi tầng cao khách sạn, nhìn ra xa. Vẫn còn đó những cánh đồng chè, nhưng nhà cửa đã san sát. Cứ tốc độ này, nếu không gìn giữ, thì chẳng mấy Châu Mộc sẽ mất đi thứ quý nhất, ấy là khí hậu cao nguyên đặc trưng, sương mù và se lạnh ngay giữa mù hè. Anh nhìn quanh quất, thử tìm hướng đi vào đội sản xuất năm xưa anh thực tập. Anh mất phương hướng bởi giờ đây chẳng còn gì dấu vết xưa. Cảnh thay thì người cũng đổi là thế.

            Sau bữa ăn sáng, anh cán bộ địa chính đến khách sạn, đón đoàn của anh đi thăm khu di tích Trung đoàn Tây Tiến mới được xây dựng vài năm nay. Rồi nữa, ghé thăm thác Giải yếm, một thác nước rất đẹp đang được khai thác thành khu vui chơi giải trí. Gần trưa, cậu cán bộ địa chính mới đưa Quân đi tìm đất mua làm trang trại. Loanh quanh vài ba chỗ, Quân xem có vể không thích. Định thôi thì chợt anh cán bộ địa chính nhớ ra, dẫn mọi người loanh quanh một hồi nữa, đến một khu vườn trại, phía trước là tường cao, có cồng ra vào chắc chắn. Người chủ bán đất vưa kịp phóng xe máy đến, dẫn Quân và cậu địa chính vào xem đất vườn. Nắng lên, mệt vì đêm qua mất ngủ, anh ngồi lại trong xe, lim dim ngủ. Chợt anh nghe tiếng người nói to, choàng tỉnh. Nhìn ra, trước cổng vườn, Quân và anh địa chính đang nói chuyện với nữ chủ vườn. Nhìn kỹ, anh ngây người bởi cô chủ giống Lan quá. Lúc nãy, cô mặc áo chống nắng, kính râm và mũ bảo hiểm che kín nên anh không tường mặt. Có lẽ nào là Lan, cô công nhân anh quen biết ngày nào? Người thì giống, tính độ già đi sau từng ấy năm cũng tương đồng. Duy chỉ có tên thì không đúng. Anh nghe rõ cậu địa chính gọi chủ vườn là Linh. Còn cô, tên Lan, và gọi theo tên tục là Lang, đâu phải là Linh. Không phải chăng? Hay cô lại đổi tên? Hoặc giả, vì lý do nào khác nữa?

            Anh chộn rộn, khó tả. Chưa định thần, thì mọi người chào chia tay nhau và cô chủ đóng cổng khuất vào bên trong. Trở lại xe, Quân khen đất được, nhưng mua hết thì nhiều tiền quá. Quân phân vân, bảo sẽ rủ người chung vốn mua cả khu vườn trại, rồi vui miệng rủ anh. Hay là, anh nảy ý định, nếu Quân quyết, anh sẽ chung mua. Biết đâu, gặp lại, đúng là cô ấy?...

            Ngày ấy, anh không quên Lan. Sau đêm đó, chừng hơn nửa tháng, nhóm của anh rút về Nông trường Bộ, thị trấn Nông trường ngày nay. Có lần, trước khi về xuôi, anh và mấy đứa bạn thân rủ nhau đi thăm bản người Mông. Bọn anh đi nhờ được xe tải của quân đội. ngang qua đó, song lúc về, phải đi bộ, anh nán lại, tranh thủ ghé vào thăm. Chỉ gặp Duyên và Hương, còn Lan lại ra chơi thị trấn thăm nhà người quen từ sang, chưa về. Không gặp lại cô, anh buồn, không hẳn vì nhớ nhung tức thì, song ít nhiều, anh và cô có điều riêng với nhau để mà nhớ mãi về sau…

            Kết thúc đợt thực tập, anh cũng không gặp lại Lan. Thực lòng, anh e ngại và chưa đủ sức mạnh tình cảm để một mình trở lại đó, chia tay riêng với cô. Khi về trường, anh có viết vài bức thư gửi lên, trong đó có thư cho Lan. Và cũng chỉ riêng cô hồi đáp thư  anh. Thư ngắn gọn, nét chữ to tròn, ngồ ngộ. Nội dung, tình cảm chung chung và có gì đó xã giao, anh cố tìm nhưng không thấy chút gì riêng tư ở đó. Và câu chuyện chấm dứt, khi anh gửi cô thư nữa, nhưng không có hồi đáp. Cũng có thể, anh tốt nghiệp ra trường, nên thư cô gửi lại thất lạc chăng? Và rồi, trước khi nhận quyết định vào Nam công tác, anh gặp lại người bạn học cũ ở Hà Nội, là giáo viên đi nhận công tác ở một trường học gần quê anh. Anh đi xa, để lại sau lưng, một người mẹ già, và một mối tình với người bạn giáo viên ấy…

            Rồi anh cũng thất bại trong chuyến đi xa và mối tình để lại. Lại những cuộc kiếm tìm mới, anh lập gia đình khi đã cứng tuổi. Thi thoảng, anh vẫn nghĩ đến cô, phảng phất như một một lặng buổn xưa cũ…

            Giờ gặp lại nhau ư, rất có thể là vậy? Nhưng chẳng để làm gì, anh còn nhớ đến cô, song chắc gì cô còn nhớ đến anh.

            Hay chăng, cứ để câu chuyện cũ là một ký ức đẹp và buồn!... .

Nguồn Văn nghệ số 28/2018


Có thể bạn quan tâm