April 25, 2024, 12:15 pm

Một thoáng Long Xuyên trong mưa cuối hạ

“Long Xuyên nước ngọt gió hiền

Tàu xuôi Nam Hải ngược miền Nam Vang.

Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang,

Tiếng rao lảnh lót nhịp nhàng chèo khua...”

Câu vọng cổ vẳng ra từ đâu đó trong nhà hàng- café vườn ngay giữa trung tâm thành phố, hình như từ một chiếc máy hát chạy đĩa than, đã gây ấn tượng trong tôi trong một sáng hong hong nắng. Thoáng ngỡ ngàng cảm giác lạc thần ngược thời gian, rơi vào không gian bàng bạc của một thời xa xưa từ thế kỷ 18, khi miền đất này còn mang tên Đông Xuyên đầy thần tích huyền ảo và mê hoặc lưu dấu ấn vương quốc cổ Phù Nam huyền bí.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Có tới 38 giờ, tính từ khi chạm vào đến khi tạm biệt, mà sao trong tôi lại bâng khuâng nao nao luyến tiếc, như đã bỏ quên chút gì đó mơ hồ không thề gọi tên ở Long Xuyên, thành phố bên sông Hậu, thủ phủ của An Giang. Mà đâu phải lần đầu tới đây, mà cũng không hẳn có luyến ái neo tình xứ này để mà vương vấn. Kỳ lạ.

Không biết có phải chuyến đi mang hơi hướng văn chương với những người văn toàn gốc gác miền sông nước Tây Nam bộ, mà ngay từ lúc nhìn biển chỉ dấu ranh giới vào thành phố, không như nhiều lần khác ngang qua không để ý,  tôi đã thú vị cố ghi nhớ tên những chiếc cầu bắc ngang các con rạch và hình như vẫn còn bỏ sót vì quá nhiều: Rạch Cái Sắn, rạch Cái Dung, rạch Cái Sao, cống Bà Thứ, rạch Gòi Bé, rạch Gòi Lớn, rạch Tầm Bót, rạch Cái Sơn…

Ờ, mà sao lần đi này, cứ như có một hấp lực vô hình níu kéo, để mỗi bước chân, mỗi ánh nhìn đều chậm hơn một nhịp. Để nghe được tiếng gió lướt lơ thơ mượt mà trên mặt hồ Nguyễn Du - một nhánh nhỏ của sông Hậu, có lẽ ngày xưa đã tinh nghịch tách dòng, đậu lại phố. Để thấy nắng tha thẩn từng giọt mật vàng rong chơi trên cây cầu May Mắn bắc ngang hồ. Để phóng mắt xa xa tăm tia những chiếc ghe làng chài còn vơ vẩn bịn rịn bên cồn Phó Ba, thả nụ cười dịu dàng vướng vít sắc xanh vườn trái bên cù lao Ông Hổ…

Bạn đồng hành của tôi quê gốc miệt An Giang, rành ngang dọc thành phố, nhã ý hào phóng đãi một vòng “Long Xuyên City Tour”. Chỉ là một thoáng thôi, mỗi nơi dừng lại ngó nghiêng xíu xiu, mà gợi cả một miền đầy ắp những đoạn xưa, những khúc nay, những ràng buộc thắt mở, nào tình, nào nghĩa, nào thương, nào nhớ, đến thắt thẻo, dan díu, dùng dằng…

Khi lật mở trên google map, hỏi bạn, sao tên các phường của thành phố đều có chữ “mỹ” - đẹp, ở đầu? Nè, trừ tên “Đông Xuyên” - là tên cổ giữ lại, tên Bình Đức, Bình Khánh thì 11 phường xã còn lại đều đặt “mỹ” lên đầu: Mỹ Bình, Mỹ Hòa, Mỹ Long, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Xuyên, xã Mỹ Khánh và Mỹ Hòa Hưng. Bạn “ờ há”, rồi cũng ngẩn ngơ, “sao mà toàn tên đẹp đến thế”. Ờ, hay đây là miền gái đẹp, xưa có câu: “Trai Nhân Ái, gái Long Xuyên”… Chắc thế.

Mà đâu chỉ có thế. Tôi lan man nhớ, mấy năm trước, khi kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương Việt Nam, đã chú ý cái tên Long Xuyên, là nơi “thể nghiệm” đầu tiên kịch hát mới - cải lương. Từ tháng 7/1917, do sáng kiến của nhà văn Hồ Biểu Chánh, lúc bấy giờ ông ở trong “Hội Khuyến học Long Xuyên” đã có buổi hát cải lương, cùng thời điểm với Gò Công và sớm hơn buổi ra mắt “Cải lương kịch xã” thể nghiệm tại rạp Eden Sài Gòn đến 2 tháng. Trong quyển “Nghệ thuật sân khấu Việt Nam”- Trần Văn Khải có ghi chép, đoàn hát Sĩ Đồng Ban cũng được thành lập ở Long Xuyên… Và đất Long Xuyên thời xưa hơn trăm năm ấy, ngoài sân khấu cải lương tiên phong, từ tháng 1/1918, tờ Đại Việt tạp chí ra hàng tháng, tờ báo chính thức của Long Xuyên - Hội Khuyến học Long Xuyên do Hồ Biểu Chánh, Đặng Thúc Liêng, Lê Thường Tiên phụ trách, ra số đầu tiên. Chưa hết, môn thể thao đua xe đạp – môn thể thào thời thượng lúc đó, phát triển rất sớm ở Long Xuyên, tháng 7/1925, đã có cuộc đua xe Long Xuyên - Châu Đốc và ngược lại.

Bạn đồng hành không giấu vẻ tự hào. Đấy, Long Xuyên, không chỉ đẹp bởi thiên nhiên Trời cho sông nước hữu tình, cảnh đẹp thơ mộng, mà người Long Xuyên còn tô điểm cho thành phố trẻ của mình bằng những kiến văn, tri thức, tạo nên một vùng quê vừa mang văn minh sông nước truyền thống, vừa kế thừa học hỏi những tinh hoa văn minh thế gian, cho thành phố luôn không ngừng đổi mới và phát triển.

Có một chớp mắt xuyên không về trăm năm trước, khi vào thành phố Long Xuyên, cái tên bùng binh “Đèn Bốn Ngọn” nghe như mơ màng đang lật giở từng trang sách của nhà văn Sơn Nam, của nhà cổ học Vương Hồng Sển… Để rồi bối rối giữa ngã tư, mình sẽ chọn đông – tây – nam - bắc? Mỗi ngọn dèn kia có phải sẽ là một hướng sáng rỡ cho từng bước chân? Là một hướng đi đúng cuộc đời? Hay là những thể nghiệm để dấn thân khám phá? Những liên tưởng thú vị đầy phấn khích.

Ờ mà cũng lạ thiệt, thành phố gì kỳ ghê. Hai bờ bắc - nam sông Long Xuyên là hai thế giới khác biệt. Phía bờ Bắc, nơi tập trung các công sở nhà nước của tình, không khí thâm nghiêm tĩnh lặng, thưa thớt người, tới cây cối trong công viên cũng mang vẻ trầm tư… Phía bờ Nam thì ngược lại, ồn ào, náo nhiệt, sôi động với các trung tâm hương mại, dịch vụ, cơ sở sản xuất, cửa hiệu, cửa tiệm, hàng quán buôn bán lớn nhỏ, lúc nào cũng tấp nập người xe…

Trước khi đi Long Xuyên, cậu Út ở nhà nhắn nhe, Hai về đó nhớ ăn dùm Út cái lẩu mắm với bông súng, kèo nèo, đọt lục bình…, lẩu cháo cua đồng với mướp bí mùng tơi…, ăn bông điên điển xào tép, ăn cá ngát nấu mẳn, ăn cá linh chiên giòn…. Mới nghe nhắn, mà toàn thân đã bủn rủn vì mọi tế bào khứu giác, vị giác động đậy, ngọ nguậy làm reo… Và bữa tối đầu tiên, chủ nhà đãi khách Sài Gòn toàn mỹ vị sông nước roi rói tươi nguyên, đẫm đà hương vườn. Không chỉ là ngon ngọt tôm cá rau trái, mà là thưởng thức cả vị hào sảng, phóng khoáng, thân thiện, hiếu khách, lịm ngọt từng câu chuyện, rộn ràng từng tiếng cười….

Có một lúc câu chuyện miên man sang hột cơm nhành lúa. Người văn, không nói chuyện văn chương, mà nặng tình với lúa với gạo đến thương. Có lẽ, khi nhẩn nha nhai từng hột cơm, cảm giác cái dẻo quyện đọng hương phù sa, cảm giác vị thơm ngọt tan chảy đầu lưỡi, mới thấm cái “sang chảnh” của lúa gạo miệt này. Lúa gạo Long Xuyên đã thành danh, thành thương hiệu giá trị cao. Lại nhớ khi nghe câu vọng cổ ở nhà hàng - café: “Chèo vô núi Sập lựa con khô sặc cho thiệt ngon, lựa trái xoài cho thiệt dòn, đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm. Em về em dọn một bữa cơm, để người quân tử, hò ơ… Để người quân tử ăn còn nhớ quê..”.

Đó đó, không phải ngẫu nhiên mà ở bùng binh trung tâm thành phố bông lúa được dựng thành tượng đài biểu tượng “vựa lúa Thạch Sanh” của cả nước. Ngắm nhìn hình bông lúa cách điệu, trong tôi bỗng chốc vùn vụt như chớp ảnh những cánh đồng lớn, xanh mướt lúa non thì con gái, thơm mát mùa lúa kết đòng đòng, trải dài theo sải cánh cò bay mươn mải… Từ những giống lúa cao sản mang ký hiệu OM, IR những năm xưa, nay là những giống lúa gạo chất lượng cao về giá trị dinh dưỡng mang những cái tên mỹ miều đẹp như những nàng tiên: Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ, Bắc Đẩu, Thiên Long, Phượng Hoàng, Bạch Dương…, tạo nên một miền ruộng đồng Long Xuyên trù phú, giàu có.

Đêm Long Xuyên mưa. Cơn mưa mùa hạ. Ngó từ trên cửa sổ tầng cao thứ 7 tòa nhà khách của tỉnh, hướng vào quảng trường Bông Lúa, nhìn những làn mưa đêm xiên chéo từ đâu lơ lửng không trung dệt sợi xuống phố, một vẻ đẹp khá kỳ ảo, có chút ma mị mê hoặc. Không hẳn mưa làm cho những ánh đèn màu bỗng trở thành châu ngọc long lanh. Không hẳn mưa làm cho mặt phố loang loáng nước, lung linh như một sàn catwalk lộng lẫy. Không hẳn mưa tạo thành một tấm voan nước cho cảnh vật hư ảo siêu thực, nửa động nửa tĩnh nghiêng mờ trong đêm…

Bạn đồng hành thường ríu ran kể chuyện này kia, bỗng lặng im ngó mông ra ngoài,  hình như bạn cũng nhận ra vẻ đẹp bất đối của cơn mưa đêm thành phố bên sông Hậu này, nếu ồn ào chuyện trò sẽ tan mất những rung động đang khe khẽ phả ngôn từ vào một thi phẩm… Ừ, mà ngôn từ lúc này có lẽ cũng khó quá bởi khoảnh khắc phiêu diệu giống như vẻ đẹp của một tiếng tơ ngân rung, chỉ cảm nhận theo từng nhịp thở, thời gian trôi đi trong thinh lặng trầm tư, dư vị đọng lại như hoa hàm tiếu trong tim.

Đêm cuối trước khi về lại Sài Gòn, như một kỷ niệm đầy đủ hương vị của đất và người Long Xuyên, một bữa ăn khuya tổng hòa đủ văn hóa ẩm thực của người Việt - KhMer - Hoa - Chăm trong một món cháo. Câu chuyện kéo dài từ cuộc trò chuyện văn chương nhiều ấm áp chia sẻ nghề nghiệp thầy trò bạn bè nhiều thế hệ, thì đến lúc này là những câu chuyện nồng ấm đầy tính cách của người Long Xuyên, nào là “trung- hiếu- tiết - nghĩa”; là “lá lành đùm lá rách”, “một cây làm chẳng nên non”; là “ơn đền nghĩa trả”, “ân oán phân minh”, “căm ghét kẻ bội phản”, là “rộng rãi, phóng khoáng, bao dung”, là “trọng nhân nghĩa”…

Điều thú vị sau cùng như một khám phá gây ấn tượng, người bạn đồng hành trong chuyến “Long Xuyên City Tour” đưa tôi vào nghỉ chân ở nhà hàng – café vườn mang tên Hòa Bình, thú vị bên cạnh đó là cơ quan Quân sự tỉnh. Thật yên bình. Và ở đây, tôi được nghe câu vọng cổ từ chiếc máy hát chạy đĩa than, nghe thương nhớ sao quên được xứ này…

“Long Xuyên nước ngọt gió hiền

Tàu xuôi Nam Hải ngược miền Nam Vang.

Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang,

Tiếng rao lảnh lót nhịp nhàng chèo khua...”.

Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022


Có thể bạn quan tâm