April 25, 2024, 9:36 pm

Một thế giới khác

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Truyện ngắn dự thi

 

Ông Toẹt dậy khỏi giường lúc bảy giờ sáng. Ở quê, chẳng ai còn nằm trên giường đến giờ ấy cả. Nhất là vào mùa hè, năm giờ trời đã sáng choang. Lũ gà đã ra vườn bới giun, đàn bà đã ra đến chợ. Đàn ông thì tranh thủ ra vườn vặng, đồng ruộng làm sớm, tí nữa nắng dồn tận đỉnh đầu chạy nhanh còn kịp. Bảy giờ ông lững thững mò dậy đi ra giếng thể nào cũng bắt gặp cái bĩu môi của bà.

- Người ta đi làm đồng về đến nơi mà giờ ông mới dậy.

- Kệ tôi. Người ta có ruộng thì người ta dậy sớm làm. Tôi dậy sớm cũng chẳng có việc gì vậy tại sao phải dậy?

- Thì dậy tập thể dục cho khỏe mạnh. Cứ nằm mãi đó ườn người.

- Kệ tôi. Tôi muốn được yên thân.

Cái câu “tôi muốn được yên thân” trở thành câu cửa miệng, câu thần chú của một ông lão đã về hưu. Cả đời đã vì dân vì nước thì đến lúc cuối đời cũng phải để cho ông được sống cho chính mình.

- Cái chính mình của ông là không gặp gỡ ai? Tóc không muốn cắt? Lười tắm? Và ngại cả nói chuyện đấy ư?

Minh họa: Ngô Xuân Khôi 

Ông không buồn trả lời. Đã mấy năm nay ông cho mình cái quyền không cần phải giải trình cuộc đời mình với bất cứ ai. Không cần phải để ý thái độ người ta mà sống. Ông muốn được trở về như một đứa trẻ. Muốn ngủ nướng bao nhiêu tùy thích. Muốn gặp gỡ ai tùy thích. Muốn ăn cái gì cũng tùy thích. Nên việc đầu tiên khi ngủ dậy ông ra ngoài khóa cổng. Dù bây giờ ông không còn là Chủ tịch xã hay Trưởng thôn như trước nữa, cũng ít người qua lại hỏi han. Nhưng ngay cả hàng xóm ông cũng không muốn gặp. Vợ con ông thường bảo nhau:

- Bố mày về già trái tính trái nết. Cả năm nay chẳng chịu ra gặp gỡ ai cả. Người ta đến hỏi thăm toàn cáo bệnh nằm trong giường như gái cấm cung.

- Hình như mấy năm nay bố cũng không đi giỗ họ? - Anh Cả hỏi.

- Mẹ chịu chẳng làm sao nói nổi. Chúng mày xem túm vào mà nói.

- Kệ bố. Bố muốn được yên thân thì có gì sai?

- Mày giống bố lại chẳng bênh nhau. Mày soi gương xem có giống con vẹt bảy màu không Nhã? Mày đi ra ngoài thế nào mẹ không biết. Nhưng đã về cái làng này thì đầu tóc, quần áo phải ra hồn người.

Nhã cười. Nhã đã mệt nhoài về thứ “hồn người” mà mẹ nói ràn rạt mỗi ngày từ khi chị còn là một đứa trẻ. Lúc ấy Nhã cũng lười tắm như bố vào những ngày đông. Nhã thích chui vào một xó xỉnh nào đó chơi với các con vật trong nhà. Thỉnh thoảng mẹ lôi Nhã từ trong gậm giường ra cùng bầy gà con đang lăn quay ra ngủ. Có khi mẹ lôi Nhã từ đống rơm ra, tay còn ôm chú mèo mướp và củ khoai lang nướng cháy đen nhẻm, trong khi cả nhà đang háo hức chuẩn bị đi chơi Tết. Có khi mẹ tìm thấy Nhã nằm trên rừng cây bạch đàn đang ngủ ngon lành trong khi những đứa trẻ khác rủ nhau đi xem hội ở đình làng. Mẹ thường rít lên: “Mày như đứa tự kỉ ấy. Chỗ đông vui không thấy mặt cứ chui rúc ở xó xỉnh một mình là thế nào. Mặt mũi nhem nhuốc, đầu tóc bù xù, quần áo nhặm nhượi. Phải sống cho ra cái hồn người chứ?”. Những lúc ấy bố thường hiền từ cười bao dung với Nhã. Bố vẫn nói với mẹ: “Một đứa trẻ muốn sống theo cách của nó thì có gì sai chứ?”. Mẹ nhìn bố, muôn phần tức giận. “Uốn cây từ thuở còn non. Ông đừng dung túng cho con điều xấu”. Sau này Nhã bỏ thi vào trường đại học mà mẹ muốn để trở thành một nhà văn. Dù có cố gắng thế nào, dù xã hội có công nhận ra sao thì trong mắt mẹ Nhã vẫn luôn là phiên bản lỗi của bố. Tại sao lại là phiên bản lỗi? “À… thì ít ra bố mày đến cuối đời mới dở chứng”.


Có thể bạn quan tâm