April 24, 2024, 5:27 am

Một “thái độ mạnh” trên lĩnh vực ngoại giao

Vào dịp đúng 4 năm sau ngày Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (PCA) ra phán quyết phủ nhận tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò” Trung Quốc trên Biển Đông, ngày 13/7/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách hàng hải tại Biển Đông”  (U.S. Position on Maritime Claims in the South China Sea). Đây là một động thái được giới phân tích đồng loạt đánh giá là thể hiện một chuyển biến có ý nghĩa quan trọng trong cách mà Mỹ chống lại các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo hãng tin Mỹ AP ngày 14/7, chính quyền của tổng thống Trump đã tiến một bước đáng kể trong các hành động chống lại Trung Quốc bằng cách xoáy thẳng vào một trong những vấn đề khu vực nhạy cảm nhất đang chia rẽ hai bên và bác bỏ hầu như là toàn bộ các yêu sách chủ quyền quan trọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tuyên bố ngày 13/7/2020 của Ngoại trưởng Mỹ nói rõ ràng rằng, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông từ trước đến nay là phi pháp, chứ không chỉ là gây bất ổn định hay không hữu ích, mà là trái với luật quốc tế. Tuyên bố này sẽ thuận lợi cho các đối tác của Mỹ như Việt Nam và Philippines và cũng sẽ gây sức ép lên các quốc gia khác, như các nước châu Âu chẳng hạn, để họ sẽ phải lên tiếng phản đối Trung Quốc.

Thay đổi luật chơi

Đối với AP, Hoa Kỳ đã trình bày quyết định của mình như là một nỗ lực dùng luật pháp quốc tế để kềm chế các hành động ngày càng lấn lướt của Trung Quốc trong khu vực. Vào cùng ngày 14/7, đài truyền hình Mỹ CNN cũng nhận định rằng đây là “diễn tiến mới nhất” trong cuộc đọ sức giữa Washington và Bắc Kinh và tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ là một động thái “bác bỏ chính thức hầu hết các đòi hỏi chủ quyền về hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông”.

Các nhà phân tích tình hình Biển Đông đều cho rằng, so với trước đây, lập trường được tuyên bố của Mỹ về Biển Đông đã thay đổi rất đáng kể theo chiều hướng cứng rắn hơn và rõ ràng hơn. Theo AP, nếu trước đây, chính sách của Mỹ là nhấn mạnh chung chung rằng tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Biển Đông cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở phán quyết của cơ chế trọng tài được Liên Hiệp Quốc bảo trợ, thì trong bản tuyên bố hôm 13/7, Ngoại trưởng Pompeo xác định rằng Mỹ xem tất cả các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển bên ngoài hải phận được quốc tế công nhận đều bất hợp pháp.

Mỹ chống việc Bắc Kinh áp đặt luật của kẻ mạnh. AP nêu bật lời khẳng định của ngoại trưởng Mỹ: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh xem Biển Đông như đế chế hàng hải của họ”, kèm theo lời cam kết: “Nước Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á để bảo vệ các quyền chủ quyền của các nước này đối với các nguồn tài nguyên trên biển, phù hợp với các quyền và các nghĩa vụ của họ chiếu theo luật quốc tế”. Trong thông điệp cứng rắn hơn xưa nay đối với Trung Quốc, ông Pompeo còn nhấn mạnh rằng Mỹ luôn “sát cánh bên cạnh cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do hàng hải và tôn trong chủ quyền, bác bỏ mọi nỗ lực áp đặt ‘luật kẻ mạnh’, ở Biển Đông hay vùng rộng lớn hơn ở bên ngoài.” Đối với AP, dù Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giữ thế trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng thông báo của ngoại trưởng Pompeo có nghĩa là trên thực tế chính quyền Mỹ sẽ ủng hộ Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, cùng với các nước đang bị Trung Quốc lấn át về chủ quyền trên Biển Đông. Hãng tin Mỹ đã nêu bật một số đòi hỏi cụ thể của Trung Quốc bị Hoa Kỳ coi là không thể chấp nhận được vì hoàn toàn phi pháp, như các yêu sách về nguồn cá và nguồn năng lượng tiềm tàng ở vùng Bãi Scarborough, Vành Khăn (Mischief Reef) hay Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) thuộc chủ quyền Philippines.

Mọi hành vi sách nhiễu của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính của Việt Nam cũng được xếp vào các địa danh nói trên. Dư luận thậm chí còn coi là Mỹ đã vạch một làn ranh đỏ từ nay sẽ được Mỹ chú ý bảo vệ. Ngoài ra, đối với Mỹ, trên mặt pháp lý, Trung Quốc cũng không có quyền đòi chủ quyền tại các khu vực như bãi ngầm James Shoal gần Malaysia, vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ngoài khơi Việt Nam, cụm bãi cạn Luconia Shoals ngoài khơi Malaysia, vùng EEZ của Brunei và vùng biển Natuna Besar ngoài khơi Indonesia. Mỹ sẽ xem mọi hành vi của Trung Quốc nhằm sách nhiễu tàu cá hay cản trở việc khai thác dầu khí của nước khác ở các vùng này là hành động phi pháp. Trả lời CNN, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington đã đánh giá rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rất có ý nghĩa. Theo ông: “Cho dù điều cơ bản mà Mỹ xác định là vẫn tiếp tục đứng trung lập trên vấn đề ai có đảo, đá nào ở Biển Đông, nhưng Mỹ sẽ không còn im lặng trước các đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc trên các vùng biển”, trái với thái độ khá “kín đáo” trên vấn đề này trước đây. Đối với chuyên gia Poling: “Mỹ đã nói rõ ràng rằng hành động của Trung Quốc là phi pháp, chứ không chỉ là gây bất ổn định hay không hữu ích, mà là phi pháp. Điều này sẽ tốt cho các đối tác của Mỹ như Việt Nam và Philippines và cũng sẽ gây sức ép lên các quốc gia khác, như các nước Châu Âu chẳng hạn, để họ phải lên tiếng”. Đối với chuyên gia tên tuổi về Biển Đông này thì dĩ nhiên “nhiều điều còn tùy thuộc” vào việc chính quyền Mỹ sẽ hành động như thế nào tiếp theo thông báo của ngoại trưởng Pompeo, nhưng rõ ràng là tuyên bố lập trường của Mỹ về Biển Đông ngày 13/7 là một “thái độ mạnh” trên lĩnh vực ngoại giao.

 

Tổng lực tấn công

Biển Đông, Hồng Kông, Nhân quyền, Hoa Vi… Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ tấn công trên mọi mặt. Tham vọng vươn lên của Bắc Kinh “đụng chan chát” với quyết tâm bảo vệ vị trí cường quốc số một của Mỹ. Trung Quốc giờ trở thành “mối đe dọa chiến lược” trong chính sách của Hoa Kỳ. Cho dù Trung Quốc tuyên bố công khai, tàu sân bay của Mỹ tuần tra ở Biển Đông bị Bắc Kinh coi là “những con hổ giấy” mà “hỏa lực” của Trung Quốc có thể thiêu rụi. Nhưng đằng sau những lời lẽ hùng hồn, cứng rắn này là sự lo lắng ngày càng gia tăng trong chính quyền Trung Quốc, theo nhận định của Ken Moritsugu trên trang AP, ngày 16/7/2020. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, những đòn tấn công dồn dập của Washington nhắm vào Trung Quốc được cho là phục vụ cho mục đích tái tranh cử của đương kim tổng thống và đánh lạc hướng công luận Mỹ về cách xử lý dịch Covid-19 và những hệ quả kinh tế-xã hội.

Liệu tình hình có khả quan hơn sau cuộc bầu cử tháng 11/2020 ở Mỹ? Giáo sư quan hệ đối ngoại Shi Yinhong, trường đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định với AP rằng cơ hội “đối thoại nghiêm túc” có khả năng mở ra, nhưng “tình hình chung sẽ không thay đổi”. Còn hiện tại ông vẫn chưa thấy được một chiến lược khả quan nào mà hai nước có thể chấp nhận để xoa dịu căng thẳng. Thực vậy, mối quan hệ Trung – Mỹ đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao song phương năm 1979, mà nguyên nhân là giữa hai nước tồn tại sự khác biệt sâu sắc về tư tưởng. Hoa Kỳ luôn hy vọng Trung Quốc trở nên dân chủ hơn khi mở rộng hợp tác với thế giới. Thế nhưng, Bắc Kinh, thông qua phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị, nhắc lại rằng hai bên cần tôn trọng những sự khác biệt về chính trị, không tìm cách điều chỉnh đặc thù của mỗi bên, mà nên tìm ra những biện pháp chung sống hòa bình.

Luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt tại Hồng Kông, đặc khu hành chính được hưởng quy chế “một quốc gia, hai chế độ” đến năm 2047 có lẽ đặt dấu chấm hết cho mong muốn “Trung Quốc dân chủ hơn” mà Mỹ từng kỳ vọng. Trong khi đó, hồ sơ nhân quyền ở Tân Cương cũng gần như bế tắc: Bất chấp thế giới phản đối và trừng phạt, trấn áp vẫn diễn ra và trại cải tạo vẫn được duy trì. Đối với Bắc Kinh, mọi phản đối hay trừng phạt của nước ngoài đều là “can thiệp vào chuyện nội bộ Trung Quốc”. Dưới thời ông Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh muốn đẩy mạnh “xuất khẩu” mô hình lãnh đạo đất nước, quản lý xã hội của đảng Cộng Sản Trung Quốc ra khắp thế giới, mở rộng mạng lưới đồng minh đối tác, áp đặt luật riêng trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, y tế đến cơ sở hạ tầng, phát triển thành một cường quốc quân sự. Có lẽ chiến lược trỗi dậy được chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện một cách quyết đoán hơn khiến nhiều nước lo ngại. Liên minh châu Âu “thức tỉnh”, vẫn coi Trung Quốc là một đối tác, nhưng đồng thời cũng là một đối thủ. Còn Mỹ luôn luôn khẳng định, không dễ dàng để Trung Quốc trở thành “mối đe dọa chiến lược” và vươn lên vị trí cường quốc số một. Bao giờ cho đến tháng 11/2020? Có lẽ Bắc Kinh còn phải “nếm mật nằm gai” từ giờ cho đến ngày bầu cử Mỹ. Biện pháp trừng phạt mới nhất đang được Washington cân nhắc: Cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ đối với toàn bộ đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc và các thành viên trong gia đình họ.

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Có thể bạn quan tâm