April 20, 2024, 3:11 pm

Một số nhận định sai lầm về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và Nam Cao (Tiếp theo kỳ trước)

Nhà phê bình Thụy Khuê tóm tắt sự việc bằng cách xem Bá Kiến chỉ như “ân nhân” của Chí Phèo, bỏ qua hàng loạt sự việc cho thấy vai trò lý trưởng, chánh tổng của Bá Kiến; các cuộc gặp giữa Chí Phèo với Bá Kiến thì được Thụy Khuê sơ đồ hóa thành một ít hành động kiểu phim hoạt hình; nói cho nghiêm cách ra, Thụy Khuê đã cố tình xuyên tạc nội dung truyện Chí Phèo để hạ bệ nó...

(Tiếp theo kỳ trước)

Thụy Khuê khuyên người ta phải đọc kỹ, thế nhưng chính nhà phê bình lại đọc rất không kỹ truyện Chí Phèo. Chỉ ở chữ người nhặt được đứa con hoang này mà nhà phê bình viết là “một kẻ thả lươn”, - đã thấy cái lỗi đọc lớt phớt! “Thả lươn” là thả cái gì (thả lươn giống như nông nghiệp đầu thế kỷ XXI chăng?), làm sao cái người đi “thả lươn” ấy lại bắt gặp cái hài nhi bị vứt bên lò gạch hoang? Xin thưa phải là “một anh đi thả ống lươn” “một sớm tinh sương”, như trong truyện viết! Rất gọn, nhưng sai một chữ là đã sai chuyện!

(Ống lươn thường là ống nứa to, một đầu bịt kín, đầu kia hở, lắp hom /hom là thứ nắp đậy một chiều của người nhà quê Việt xưa/ và có mồi giun bên trong; thợ thả ống lươn đem những ống ấy cắm ngập nước gần hết ống ở các sườn bờ ao bờ đầm chiều tối hôm trước, dụ bầy lươn ban đêm đi kiếm ăn sẽ dại dột chui vào, sáng sớm hôm sau người ta đi thu ống bắt lươn đem chợ bán).

Nhà văn Nam Cao (1915-1951)

Tất nhiên không cần biết nghề thả ống lươn vẫn đọc và hiểu được truyện Chí Phèo! Nhưng bảo rằng không có bằng chứng nào cho thấy Chí Phèo bị bóc lột, không có bằng chứng nào cho thấy Bá Kiến đáng bị Chí Phèo giết hại, thì có lẽ nhà phê bình đã bỏ qua không chịu đọc khá nhiều đoạn truyện. Như sau đoạn Chí ăn vạ trước cổng nhà Bá Kiến lúc mới ra tù về làng, có đến hai chương khá dài, lấy điểm nhìn Bá Kiến để kể về cục diện đẳng cấp của làng Vũ Đại theo cả hai chiều lịch đại và đồng đại: bên cạnh nhóm đông nhất là những người vô danh trong làng, nổi bật lên hai nhóm: nhóm cường hào, vai vế bề trên gồm những Bá Kiến, Lý Cường, Đội Tảo… và nhóm cùng đinh lưu manh hóa gồm những Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ… Nhóm cường hào cai trị, bòn rút đám đông dân quê, lại cũng cạnh tranh, sát phạt nhau…, chính vì vậy, nhóm cùng đinh lưu manh hóa đã được bọn cường hào sử dụng làm tay chân, công cụ để áp chế dân làng và trừng trị lẫn nhau.

Chí Phèo thuở chưa đi tù là anh canh điền trong nhà Bá Kiến. Hắn có nhà riêng không? Có tài sản riêng không? Chắc chắn không! Sự trả công cho anh canh điền này có tương xứng với công sức anh ta hay không -- là chuyện rất mù mờ! Ở nông thôn Việt Nam trước và sau 1945 vẫn có loại hình tá điền sinh sống trong nhà chủ như Chí Phèo; dân Việt gọi đó là “người ở” nói chung. Không phải loại người ở làm việc nhà, Chí là loại người ở làm việc đồng áng (đôi khi cũng bị sai vặt việc nhà, có vậy mới dính líu vợ bé cụ Lý!). Đó thực chất là vị trí người nông nô xưa kia còn lưu lại ở xã thôn người Việt thời thực dân. Tác giả Nam Cao đã kể rõ chỗ đứng của Chí tại một làng quê Bắc Kỳ thời ấy. Vậy thì còn cần gì phải chứng minh anh ta thuộc giới bị bóc lột? Ai cần biết kỹ xin cứ hỏi giới xã hội học, kinh tế học!

Nhà phê bình Thụy Khuê cũng cố tình bỏ qua những gì đã xảy ra với Chí kể từ lần ăn vạ đầu tiên trở đi. Chí được “cụ Bá” vỗ về, đãi bữa rượu cơm gà, cho đồng bạc “để uống thuốc”. Lần thứ hai, Chí đến, vờ vịt xin “giết người để được đi tù”, được Bá Kiến dùng làm nặc nô sai đi đòi nợ Đội Tảo; may cho Chí, Đội Tảo ốm nặng, bà vợ đem tiền trả! Công trạng đầu tiên ấy của Chí khiến Bá Kiến sai Lý Cường cắm cho Chí năm sào vườn ở bãi sông!

Nhà xã hội học đọc truyện sẽ thấy, trước lúc đi tù, Chí là anh canh điền ở đợ, một thứ nông nô. Lúc ở tù về làng, Chí là người tự do, nhưng không tài sản, không nhà không ruộng. Chả có cách gì hơn, một cách nửa ý thức nửa vô thức, Chí đến gây sự với Bá Kiến, may là “cụ Bá” đấu dịu, rồi cho đất cho nhà! Nhưng ở đời làm gì có thứ cho không? “Ân nhân” Bá Kiến đã biến Chí thành tên nặc nô, đầu gấu tay sai. Thế là từ đấy, “[…] bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm! Những việc ấy chính là cuộc đời của hắn” (trích theo Đôi lứa xứng đôi, 1941, bản tái bản, 2015, tr.37). “Người ta” là ai nếu không là Bá Kiến? Thời gian từ đấy đến sự cố Chí nổi điên hành hung rồi giết Bá Kiến ước chừng trên dưới chục năm. Trên dưới chục năm ấy, Chí trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại để tác quái cho bao nhiêu dân làng”. - Đó, chừng ấy chi tiết, tình tiết, vốn là hết sức hệ trọng trong tầm mắt giới nghiên cứu chuyên nghiệp về thể loại văn học tự sự, khi tiếp cận truyện Chí Phèo, song có vẻ lại không là gì cả, trong cách khảo tả của nhà phê bình Thụy Khuê!

Giới nghiên cứu văn học trong nước nửa thế kỷ nay đều lý giải tấn kịch số phận mà nhà văn Nam Cao đặt vào nhân vật Chí Phèo là từ anh canh điền lơ ngơ, bị tống đi tù, học được ít trò dao búa, về làng, rồi cũng chỉ đến thành tay sai, thành công cụ của đám nhà giàu và giới chức làng xã; con đường lưu manh hóa là không thể tránh. Nhưng Nam Cao còn quan sát và gắng nhìn ra điểm sáng nhân bản sót lại ở người nông dân kia. Do nỗ lực này mới có việc Chí gặp Thị Nở, người hàng xóm mà chỉ đến một lúc nhất định y mới có dịp đụng chạm. Trong cơn say, Chí cưỡng hiếp Thị Nở, nhưng vụ cưỡng bức nửa chừng lại biến thành vụ “thông dâm”, Chí bị cảm nặng, may được Thị Nở đem cho bát cháo hành… Sự việc khiến Chí tỉnh ra, bỗng ước muốn trở lại cuộc đời bình thường: có vợ con nhà cửa, sống hòa thuận với xóm làng. Nhưng bà cô Thị Nở ngăn cản Thị Nở lấy Chí! Chí tuyệt vọng. Y làm một cuộc ăn vạ cuối cùng: giết Bá Kiến.

Nhà phê bình Thụy Khuê tóm tắt sự việc bằng cách xem Bá Kiến chỉ như “ân nhân” của Chí Phèo, bỏ qua hàng loạt sự việc cho thấy vai trò lý trưởng, chánh tổng của Bá Kiến; các cuộc gặp giữa Chí Phèo với Bá Kiến thì được Thụy Khuê sơ đồ hóa thành một ít hành động kiểu phim hoạt hình; nói cho nghiêm cách ra, Thụy Khuê đã cố tình xuyên tạc nội dung truyện Chí Phèo để hạ bệ nó. Khá ngạc nhiên là Thụy Khuê hết sức thấu cảm cảnh ngộ nữ nhân vật Tám Bính của Nguyên Hồng, nhưng lại hoàn toàn không đếm sỉa gì đến nữ nhân vật Thị Nở, một người nữ “xấu ma chê quỷ hờn” nhưng lại là người đàn bà duy nhất đánh thức được nhân tính ở gã lưu manh Chí Phèo! 

*

Bây giờ tôi trở lại điểm bên trên, Thụy Khuê nhận định: văn phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Tam Lang đều là tưởng tượng, hư cấu, tức là “bịa”! Chỉ văn phóng sự của Trọng Lang và các cây bút trong TLVĐ mới “thực”!

Tôi có giở lại kỳ 26 chuyên đề về TLVĐ xem Thụy Khuê viết ra sao về mảng văn phóng sự trên tờ Ngày nay. Không lạ là Thụy Khuê quy công sáng tác trong thể phóng sự ở làng văn làng báo Việt cho TLVĐ. Điều này để ngỏ đợi nghe ý kiến các nhà nghiên cứu phê bình! Nhưng điều tôi ngạc nhiên ở đây lại là cách nhìn bao quát sự xuất hiện và phát triển phóng sự ở Việt Nam: Ấy là Thụy Khuê chỉ lược qua các tác phẩm phóng sự cụ thể, trích dẫn ít đoạn, đưa ra ít nhận xét vụn, rồi chuyển sang cái khác! Lối viết của nhà báo, không phải lối nhìn của người nghiên cứu!

Điều hệ trọng nhất Thụy Khuê đưa ra: văn phóng sự của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng thì “giả”, còn văn phóng sự của Trọng Lang mới “thật”! Một phán đoán hoàn toàn chủ quan, tùy tiện, vô căn cứ!

Lấy gì để đoan quyết: phóng sự này “giả”, phóng sự kia “thật”?

Bằng sự đọc, đọc kỹ nữa, tác phẩm ấy ư?

Than ôi, trên mặt báo giấy chỉ có diễn ngôn, lấy đâu ra sự thật “sờ mó được” để mà phán xét?

Muốn xét đoán công hiệu, ta phải cùng kẻ điều tra kia đến tận nơi diễn ra sự vụ, nhìn thấy mọi sự mà kẻ ấy nhìn thấy, rồi ta dùng trí nhớ ấy đối chiếu với cái kẻ ấy viết ra, tức sự diễn ngôn, tức tác phẩm của kẻ đã đi điều tra kia!

Liệu có ai, có nhà phê bình nào có thể thực hiện được cách kiểm định duy nhất đảm bảo chính xác ấy không? Không ai cả!

Thế cho nên, hầu như ngay đương thời cũng không nhà phê bình nào đủ “thẩm quyền” phán xét mức độ đúng sai của các sản phẩm điều tra, tức các phóng sự đăng báo! Nếu kẻ phê bình nhận xét chung chung, “vô thưởng vô phạt” thì thôi, kẻ sáng tác chả cần cãi vã mất thì giờ! Nhưng nếu kẻ phê bình bảo diễn ngôn điều tra kia “sai sự thật”, kẻ viết phóng sự sẵn sàng nói mình bị vu cáo, bị gây hại, có thể cự lại ở nhiều mức, thậm chí đưa ra tòa án; đến đó, kẻ phê bình cầm chắc phần thua, nếu chỉ đưa ra kết luận từ cảm tưởng do mình “đọc” tác phẩm trên giấy! Bởi hắn đâu có đi cùng kẻ điều tra kia để có chứng lý trong tay mà đoan quyết?

Vậy mà lịch sử báo chí, lịch sử văn chương chữ Việt những năm 1930-1945 lại hầu như chưa xảy ra vụ việc cãi vã nào như thế! Vì sao? Có thể là hầu hết những phán đoán phê bình đều “chung chung”, hoặc nhận xét điều này điều kia, như Vũ Ngọc Phan, thường chỉ khen phóng sự Trọng Lang, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang… là “linh hoạt”, vậy thôi, không hề bàn các phóng sự ấy “thật” hay “giả”! Các nhà phê bình có phạm lỗi né tránh không? Vừa có vừa không! Bởi các phóng sự được bàn đến ở đây là phóng sự văn chương, không phải phóng sự thuần báo chí! Thế nên, dù Trọng Lang đi điều tra rồi về viết “thật” những điều mình thấy, hay Vũ Trọng Phụng hóa trang như một gã “anh chị” để đi vào giới “cơm thầy cơm cô” rồi về viết những trang nửa ký nửa truyện, – thì trước công chúng, cả cái Trọng Lang viết lẫn cái Trọng Phụng viết đó đều là những “sự thật” như nhau! Chỉ có điều, đó không phải những sự thật “xác chỉ”, đúng thật đến tận tên người tên việc, mà là những sự thật “phiếm chỉ”, nói chung về một tình trạng xã hội, tình trạng con người! Những sự đổi họ thay tên, hư cấu thêm bớt sự việc hay tính nết nhân vật, trong thao tác viết mà kẻ đi điều tra kia “thông diễn” lên trang văn, không hề làm tăng hay giảm giá trị phản ánh đời sống hiện thực của tác phẩm!

Lý lẽ vu vơ rằng “không ai tố cáo cái điều mình bịa ra”, ta sẽ ăn nói ra sao, chẳng hạn, với tác giả Những người khốn khổ, người đã tin rằng khi trên đời này còn tồn tại khốn khổ và bất công, thì những cuốn sách như cuốn (hư cấu) này vẫn còn có ích?

Vậy, phán xét phóng sự Vũ Trọng Phụng, Tam Lang là “bịa”, phóng sự Trọng Lang mới “thật”, – là xét đoán vô nghĩa lý, bởi trước mắt ta đó đều là các phóng sự văn chương, đăng trên các tờ báo văn chương, ở đó những “sự thật” được “tố cáo” đều là (hoặc được coi như là) những “sự thật phiếm chỉ”, tố cáo một vài tình trạng xã hội và con người, chứ không nhằm tố cáo đích xác một số con người và sự việc cụ thể nào! Đối với loại phóng sự ký sự văn chương này, có khi viết “quá thật” lại bị bắt lỗi, ví dụ xâm phạm bí mật riêng tư của người ta, có khi bị kiện!

Nhưng đối với tác phẩm thuần báo chí thì khác! Tin tức đưa lên báo phải là sự thật chính xác, sự thật “xác chỉ”. Phóng sự, ký sự thuần báo chí cũng vậy. Tỷ như Phan Khôi năm 1935 làm chủ bút báo Tràng An, viết (và phái phóng viên đi điều tra để viết) về “người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai”: một việc có thật ở Huế lúc ấy, người ở Huế đọc báo xong có thể đến xem, nghe, hỏi về trường hợp một phụ nữ lang thang nọ bị một gã đàn ông hư nào đó gạ gẫm không được, bèn gắp đỉa bỏ vào tai, khiến sức khỏe sa sút nghiêm trọng. Đề tài được tờ báo đề cập trở đi trở lại trong thời gian dài, các thông tin của báo tác động đến công chúng và giới chức hữu quan, người đàn bà nọ được đưa vô nhà thương, rồi báo đưa ý kiến giới thầy thuốc, tin tức kết quả chữa trị, rồi báo liên lạc được cả với viên quan nhỏ nào đó ở mạn trong là chồng người đàn bà nọ, đã ruồng bỏ mụ do áp lực của người vợ cả. (xem Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1935, H.: Tri thức, 2013). Một phóng sự đích thực báo chí như vậy, không thể “bịa” gì thêm nếu không muốn bị công chúng lên án!

Các nhà văn, với tư cách những con người cụ thể, tính tình, suy nghĩ có thể khác nhau, người này thực thà, người kia ranh mãnh…. Có bằng chứng cho thấy, lương tri trung thực luôn hiện hữu trong tâm trí Vũ Trọng Phụng, người đàn ông chỉ sống đến 27 tuổi (1912-1939). Đáp lại tòa soạn tờ Chuyện đời (1938) của Phạm Cao Củng: “chúng tôi xin ông kể lại cho độc giả của báo tôi cái kỷ niệm sâu xa nhất, hoặc đau đớn hoặc buồn cười trong đời văn ông”, Vũ Trọng Phụng đã kể về cái việc “bất lương nhất tất cả trong cái đời làm báo của tôi, kể từ bữa nay về xưa”, ấy là chuyện đã đổ vấy cho nhà báo khác cái lỗi của chính mình trước mặt viên Đốc lý Hà Nội, chỉ để được cấp phép vào điều tra nhà Lục-sì! Chuyện “không khảo mà xưng” ấy cho thấy sự trung thực, tinh thần tự phê sòng phẳng của Vũ Trọng Phụng. Ít thấy một tác gia TLVĐ nào có sự tự thú, tự phê rành rõ như thế!

Người ta biết, ngay đương thời những năm 1930s, danh hiệu “ông vua phóng sự đất Bắc”, – có lẽ xuất xứ từ miền Nam, một danh hiệu không đi kèm bất cứ mảnh giấy chứng nhận hay đồng tiền thưởng nào – đã được gắn với tên tuổi Vũ Trọng Phụng chứ không phải Trọng Lang hay bất cứ tác gia phóng sự nào của TLVĐ. Liệu người đương thời hay kẻ hậu thế đã tỏ ra hiểu biết hơn hay ít hiểu biết hơn, đã khoác trúng hay khoác trật một mệnh danh có thể cũng là hão huyền?

*

Để kết thúc bài viết, xin trở lại tinh thần chung của chuyên đề Tự Lực văn đoàn, văn học & cách mạng, tác giả Thụy Khuê định phác vẽ chi tiết hoạt động văn học, báo chí của TLVĐ, nhấn mạnh vị trí hàng đầu của văn đoàn này trong tiến trình văn học hiện đại tiếng Việt nửa đầu thế kỷ XX.

Thiết nghĩ, vai trò ấy là rõ ràng, tuy mỗi nhà nghiên cứu phê bình hay nhà báo cụ thể lại nhìn nhận vai trò ấy theo mỗi cách khác nhau.

Tôi chỉ đề cập đến chừng dăm bảy trang trong chuyên đề có lẽ rất dài của tác giả Thụy Khuê, chủ yếu cũng chỉ để làm rõ những nhận định của Thụy Khuê về văn chương Vũ Trọng Phụng và Nam Cao mà tôi cho là sai lầm cần được làm rõ, không chỉ với tác giả, mà chủ yếu nói với giới đồng nghiệp trẻ tuổi hơn mình.

Thế nhưng có thể các bạn trẻ ấy còn tinh tường hơn tôi! Đôi khi nghe được một vài bạn trong giới ấy nhận xét rằng, dường như do không được đào tạo trong chuyên ngành nghiên cứu văn học, nhà báo Thụy Khuê chỉ thành công ở việc tập hợp tài liệu trên khá nhiều đề tài văn học sử, lịch sử Việt Nam. Còn khi phải bắt tay dựng thành những chuyên đề lớn, thậm chí khi viết thành những bài phê bình nghiên cứu dài, thì lại thường chỉ dùng lối viết của nhà báo, tóm tắt tác phẩm, trích dẫn thật nhiều đoạn văn, nhân thể nhận xét ngang ý này ý kia, có lúc lại như nhảy vô bên trong tác phẩm, cãi vã với nhân vật, có lúc bỏ ngang vấn đề đang bàn! Tóm lại, dường như vẫn sa vào xã hội học dung tục mà không tự biết!

Không biết nhận xét như thế có lý hay vô lý? Xin ghi lại để tiếp tục suy nghĩ!

Hà Nội, trong mùa dịch Covid-19, tháng Chín 2021

Nguồn Văn nghệ số 51/2021


Có thể bạn quan tâm