March 28, 2024, 8:58 pm

Một số hiểu lầm khi sử dụng tiếng Việt (Tiếp theo)

2. Đặc vụ

Ngày nay, trên truyền thông người ta rất hay dùng từ Đặc vụ để chỉ người của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng như công an mật nói chung. Thí dụ “Đặc vụ của Việt Nam đã bắt Trịnh Xuân Thanh tại Đức”.

Trong tiếng Việt, đặc có nghĩa là đặc biệt, có một không hai, những nghĩa khác không liên quan đến việc ta đang bàn. Còn vụ chỉ có hai nghĩa liên quan; 1) vụ việc, 2) Vụ là đơn vị công tác thấp hơn Bộ kiểu như Vụ lễ tân Bộ ngoại giao. Như vậy, từ ghép đặc vụ chỉ có thể mang 2 nghĩa là vụ việc đặc biệt, hoặc cơ quan, tổ chức đặc biệt. Rõ ràng từ đặc vụ chẳng dính dáng gì đến nhân viên của Cục điều tra liên bang Mỹ cũng như công an mật nói chung. Công an mật nước nào chẳng có, có gì là đặc biệt! Trong trường hợp này phải gọi là mật vụ, hàm ý là người của cơ quan (điều tra) bí mật. Đánh đồng chữ mật với chữ đặc quả là buồn cười, thậm chí phản cảm.

Tôi còn nhớ là từ những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước, ở ta chiếu nhiều phim Trung Quốc và bán nhiều truyện tranh liên hoàn do Trung Quốc xuất bản. Trong các phim, sách đó, thí dụ Bức thư lông gà chẳng hạn, có một bọn người bên phe chống Cộng của chính quyền Tưởng Giới Thạch được gọi là đặc vụ. Và tôi cũng đọc ở đâu đó lời chú thích rằng, Đặc vụ là cơ quan do chính quyền Tưởng Giới Thạch thành lập, có nghĩa là Vụ công tác đặc biệt, ám chỉ công tác chống phá Cộng sản. Từ đặc vụ bắt nguồn từ đó nhưng nhiều chục năm trôi qua, các thế hệ quên dần nguồn gốc đó, hiểu đại khái đặc vụ là mật vụ và hiểu nhầm rằng đặc và mật nghĩa cũng như nhau.

Dấu vết ý nghĩa gốc của từ đặc vụ ta có thể tìm thấy trong các Từ điển tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ xuất bản năm 2005 định nghĩa mục từ đặc vụ như sau: “1. Cơ quan đặc biệt chuyên làm nhiệm vụ do thám phá hoại các lực lượng cách mạng. 2. Nhân viên đặc vụ, mạng lưới đặc vụ”.

Theo cách trình bày Từ điển tiếng Việt ghi là có hai nghĩa nhưng thực ra nghĩa thứ hai chỉ là thí dụ của nghĩa thứ nhất chứ không có thêm nghĩa nào khác. Như vậy đặc vụ chỉ có một nghĩa duy nhất. Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt thì không phải tất cả các cơ quan mật vụ là đặc vụ mà chỉ một bộ phận của mật vụ chuyên chống phá cách mạng mới gọi là đặc vụ.

Tại sao Từ điển tiếng Việt lại có thiếu sót không làm rõ ý này? Tôi cho rằng, tiếng Việt ta có rất nhiều từ Hán Việt, cho nên những người soạn từ điển Việt Nam thường tra từ điển Trung Quốc để tìm ý nghĩa. Mà từ điển Trung Quốc thì dĩ nhiên chỉ cần định nghĩa từ đặc vụ như vậy là đủ, người Trung Quốc ai chẳng biết cơ quan nào và của ai là lập ra để chống phá cách mạng, ai là cách mạng!

Ngày nay, có lẽ một số tác giả trẻ quá hăng hái tìm tòi cách dùng từ mới mẻ trong khi chưa nắm vững ý nghĩa, nguồn gốc từng từ tiếng Việt nên đã “sáng tạo” ra cách dùng từ đặc vụ để thay cho mật vụ.

(Còn nữa)

Nguồn Văn nghệ số 25/2021


Có thể bạn quan tâm