March 29, 2024, 6:38 pm

Một số hiểu lầm khi sử dụng tiếng Việt

Tác giả Bùi Bắc, tức Bùi Việt Bắc, tức Bùi Việt, nguyên là biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng. Trước đây ông đã từng cộng tác với báo Văn nghệ qua một số bài viết đề cập đến việc sử dụng ngôn ngữ, như: Nạn dịch sai đang phá hỏng tiếng Việt (Văn nghệ số 1+2 năm 2005), Tìm lại những từ tiếng Việt bị thất truyền (Văn nghệ số 28 năm 2014)… Mới đây tác giả Bùi Bắc vừa gửi đến Văn nghệ bài viết mới nhan đề là Một số hiểu lầm trong sử dụng tiếng Việt. Gọi bài mới vì đây là những vấn đề chưa đăng ở đâu, song thực ra các ý tưởng trong bài đã xuất hiện trong ông suốt cả cuộc đời làm biên tập, từ đầu hơn 50 năm qua. Nay tác giả diễn đạt lại dưới dạng bài viết để trao đổi cùng bạn đọc

Văn nghệ xin trích giới thiệu một số ý kiến trong nội dung bài viết trên.

VN

Trên truyền thông ngày nay, ta rất dễ bắt gặp những trường hợp sử dụng từ, cụm từ, thuật ngữ không đúng với nghĩa cần diễn đạt. Tuy nhiên ở đây không bàn đến những lỗi của từng cá nhân hoặc những lỗi quá hiển nhiên, nhiều người có thể nhận ra là sai. Bài viết này chỉ nêu lên những lỗi khó nhận ra hơn, đang được sử dụng rộng rãi, rất nhiều người mắc, thậm chí có những từ qua mắt hầu như tất cả chúng ta. Những từ nêu ra dưới đây chưa thấy ai nói đến.

1. Đa dạng sinh học

Thuật ngữ này trong tiếng Anh là biodiversity mà định nghĩa của Từ điển Oxford là “the existence of a ladge number of different kinds of animals and plants which make balanced environment” (Sự có mặt của một số lượng lớn các động vật và thực vật mà tạo nên môi trường cân bằng). Theo định nghĩa này thì đa dạng ở đây là đa dạng của sinh vật (cây, con) nên phải gọi là đa dạng sinh vật chứ không phải đa dạng sinh học (khoa học về các sinh vật).

Tương tự, Wikipedia tiếng Anh viêt: “Biodiversity is the variety and variability of life on Earth. Biodiversity is typically a measure of variation at the genetic, spesies and ecosystem level” nghĩa là: “Đa dạng sinh vật là sự đa dạng và tính biến đổi của sự sống trên trái đất”. Định nghĩa chỉ đơn giản thế thôi nhưng cũng đủ nói rằng, đây là sự đa dạng, biến đổi của sự sống trên Trái Đất như: động vật, thực vật, nấm, vi sinh vật. Câu tiếp theo: “Đa dạng sinh vật thường là số đo (được đánh giá bởi) các cấp độ đa dạng di truyền, loài và hệ sinh thái” là nói về các cách đánh giá đa dạng sinh vật.

Tôi còn đọc thêm cả chục định nghĩa biodiversity bằng tiếng Anh từ nhiều nguồn khác nhau kể cả của Đại bách khoa toàn thư Britanica, từ điển Cambridge… và tất cả đều rõ như ban ngày rằng sự đa dạng ở đây là đa dạng của các sinh vật.

Thuật ngữ Đa dạng sinh vật cũng như khái niệm về nó, cũng như các định nghĩa về biodiversity là hết sức rõ ràng, cụ thể, hình dung được ngay còn đa dạng sinh học là một cụm từ trừu tượng, khó hình dung nếu ta không biết trước khái niệm này.

Tôi cũng xem nhiều định nghĩa trong các tài liệu Việt Nam thì đa số cũng đều có ý nghĩa tương tự. Tuy nhiên, cũng có những định nghĩa nghe khang khác, trừu tượng hơn, có vẻ như đẽo chân cho vừa giày. Thí dụ định nghĩa của Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ (2005): “Đa dạng sinh học là tính phong phú, đa dạng về nguồn gen, về giống loài trong tự nhiên”. Định nghĩa này vừa thừa, vừa thiếu. Đa dạng sinh vật là sự nhiều dạng của các con vật và các cây cỏ. Đó là cách diễn đạt dễ hiểu nhất của định nghĩa biodiversity.  Mỗi sinh vật sở hữu một bộ gen khác biệt với các sinh vật khác. Đó là một đặc tính của sinh vật, cũng như các đặc tính khác của sinh vật là chúng khác nhau về ngoại hình, kích cỡ, tập tính, môi trường sống… Như vậy sinh vật đã đa dạng thì nguồn gen hay các đặc tính khác của chúng dĩ nhiên cũng đa dạng theo. Rõ ràng định nghĩa của Từ điển tiếng Việt thừa cái nguồn gen. Mặt khác, biodiversity không chỉ nói về đa dạng loài mà về sự đa dạng của tất cả các sinh vật nói chung. Theo đó, sinh vật khác loài như con sư tử và con bạch tuộc khác nhau là dĩ nhiên rồi, nhưng các cá thể sinh vật dù cùng loài, thậm chí cùng cha mẹ, đều không hoàn toàn giống nhau, nghĩa là có khác nhau. Định nghĩa của Từ điển tiếng Việt chỉ nói về sự khác biệt của các loài là sai. Một quyển sách giáo dục môi trường định nghĩa: “đa dạng sinh vật là sự phong phú, đa dạng của các loài sinh vật và của cả các cá thể trong cùng một loài”. Tôi cho đây là một định nghĩa đúng và dễ hiểu.

Như vậy khi nói “Đa dạng sinh học của đảo Cát Bà”, hay “Đa dạng sinh học của núi Bà Đen”… rõ ràng là không ổn. Trên rừng thì chỉ có sinh vật (cây và con) thôi chứ, sinh học cái gì!

Có lẽ người đầu tiên đề xuất sử dụng hoặc dịch thành thuật ngữ đa dạng sinh học đã căn cứ vào thuật ngữ tiếng Anh biological diversity (viết tắt là biodiversity) và đinh ninh rằng biological chỉ có thể dịch là sinh học. Không phải vậy, biological powder là bột giặt làm từ thực vật nên vẫn phải dịch là bột giặt thực vật, chứ không phải bột giặt sinh học! Theo tôi thì khi đặt ra, hoặc dịch một thuật ngữ, nên căn cứ vào định nghĩa của chính thuật ngữ đó thay vì suy nghĩ về ý nghĩa của từ đó trong tiếng nước ngoài vì một từ có thể có nhiều nghĩa.

Dẫn chứng:

1.https://www.britannica.com/science/biodiversity

2.https://www.nationalgeographic.org/encyclopedia/biodiversity/

3.https://en.wikipedia.org/wiki/Biodiversity

4.http://www.environment.gov.au/biodiversity v.v…                  

 (Còn nữa)

Nguồn Văn nghệ số 24/2021


Có thể bạn quan tâm