March 29, 2024, 8:19 pm

Một số gương mặt văn xuôi Xứ Lạng

 

Cuộc sống các dân tộc thiểu số trong những thập kỷ qua có những đổi thay lớn lao, làm nên nét đặc sắc trong phát triển của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại trong đó có văn xuôi Xứ Lạng.

*

 Nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã dành nhiều tâm lực cho văn học nghệ thuật Lạng Sơn. Tác phẩm của Nguyễn Trường Thanh không chỉ làm nên tên tuổi của nhà văn mà còn góp phần quan trọng trong việc tạo nên diện mạo của văn học nghệ thuật Lạng Sơn và văn học nghệ thuật nước nhà. Với gần hai mươi đầu sách, trong đó chủ yếu là tiểu thuyết lịch sử là điều mà cả những nhà văn tên tuổi, những cây bút viết khỏe cũng phải kính nể. Ở tác phẩm của nhà văn Nguyễn Trường Thanh, đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử, hiện thực lịch sử, hiện thực cách mạng Việt Nam được tái hiện sống động.

Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Trường Thanh là không gian lịch sử cách mạng, kháng chiến, danh nhân lịch sử văn hóa dân tộc qua cái nhìn và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn. Một không gian lịch sử, cách mạng Lạng Sơn và cả nước trải rộng trên những trang sách của nhà văn, từ Hoa trong bão viết về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã được dựng thành phim; Tướng không phong hàm viết về người chiến sĩ cách mạng Lương Văn Tri chỉ huy cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn; Nữ điệp báo Lạng Thành là người chiến sĩ tình báo Ngô Thị Mão dân tộc Tày trong kháng chiến chống Pháp; Một thời biên ải viết về phong trào cách mạng ở Lạng Sơn giai đoạn trước trong và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945; Ngôi nhà của cha viết về danh nhân văn hóa - kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người thiết kế ngôi nhà sàn Bác Hồ tại thủ đô Hà Nội; Hương ngàn viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà cách mạng Hoàng Đình Giong; Hoa bất tử viết về người con ưu tú của Xứ Lạng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người lãnh tụ cách mạng Hoàng Văn Thụ; Phò mã Đông Giáp viết về những bài học gìn giữ, bảo vệ biên giới Tổ quốc của các triều đại phong kiến; Dặm dài Ải Bắc viết về người chiến sĩ công an nhân dân, người lãnh đạo “mặt trận thầm lặng” Đào Đình Bảng; Mạch nguồn viết về Phùng Chí Kiên và cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn - tiền đề - chiến thắng và ảnh hưởng của nó đối với phong trào cách mạng cả nước. Lịch sử trở nên sống động, đi vào lòng người qua những trang viết này. Một miền biên viễn địa linh hiện lên trong tác phẩm của nhà văn theo suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những bài học về giữ nước, bảo vệ lãnh thổ biên giới quốc gia; những bài học về tập hợp lòng dân, thu phục lòng dân làm cách mạng; những kinh nghiệm về chiến tranh du kích; những cách tổ chức gắn bó cách mạng với dân, dân với cách mạng được nhà văn phản ánh trực tiếp hoặc hàm ý gửi gắm qua hình tượng nhân vật của tác phẩm.

*

      Nhà văn Vi Thị Kim Bình, người phụ nữ dân tộc Tày đầu tiên là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Chị cầm bút viết văn cách nay gần nửa thế kỷ, khi đó tuổi đời chỉ khoảng hai mươi. Tôi tự ngẫm khi những người phụ nữ Tày còn cam chịu, chấp nhận cuộc đời quẩn quanh với những hủ tục “còn nhỏ ở với cha mẹ, lớn lên dựng vợ gả chồng, lấy chồng rồi sinh con cái, làm nương làm rẫy đến hết đời thì thôi”, thì Vi Thị Kim Bình đã thoát ly làm công tác nhà nước, có nghề nghiệp phục vụ xã hội phục vụ nhân dân và… cầm bút viết văn. Truyện ngắn đầu tiên của chị có tên là Đặt tên được giải thưởng báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Từ đó chị thầm lặng sáng tác, thầm lặng cho ra đời nhiều tác phẩm. Truyện ngắn của nhà văn Vi Thị Kim Bình dung dị, không quá mới lạ hoặc phá cách mà chứa đựng lý tưởng thẩm mĩ sâu xa. Nhân vật trong tác phẩm của chị chủ yếu là người phụ nữ với những phẩm chất tốt đẹp. Những con người đó càng trong hoàn cảnh éo le thách thức càng tỏa sáng lung linh. Bông huệ trắng là tập truyện ngắn tiêu biểu của chị, là cảm xúc, tâm hồn, trí tuệ, tài năng của chị, là món quà văn chương tươi tắn mà chị Vi Thị Kim Bình dâng cho đời, cho văn học. Bông huệ trắng đã trở thành biểu tượng cuộc đời chị, luôn trắng trong, thanh khiết, dịu dàng tỏa hương thơm. Nhà văn Cao Duy Sơn nhận xét: “Hơn nửa thế kỷ cầm bút viết văn với tâm thế như một nhu cầu sống, bên cạnh nghề y cao quý và cũng không kém phần vất vả, Vi Thị Kim Bình đã làm nên tên tuổi của mình ngay từ tác phẩm đầu tay với nhan đề “Đặt tên”. Cái tên truyện ngắn ấy đã vận vào cuộc đời tác giả. Chị đã ghi danh vào dòng văn học Việt Nam hiện đại như một lẽ tự nhiên, và là cây bút nữ đầu tiên của dân tộc thiểu số đặt tên mình bên cạnh những nhà văn chuyên nghiệp cả nước”.

*

Nhà văn Vũ Ngọc Chương, nhà chính trị viết tiểu thuyết, ít xuất hiện trên văn đàn, khi xuất hiện đã có tác phẩm tầm cỡ, đáng chú ý. Ba tiểu thuyết của ông là Khau Slin hùng vĩ, Rừng vàng”, Cơn lốc bạc đều lấy cảm xúc, không gian miền quê Lạng Sơn - biên giới để phản ánh. Ba tiểu thuyết gắn với ba thời kỳ của quê hương xứ sở đủ thấy sự trải nghiệm và những trăn trở của một nhà chính trị làm văn chương. Có lẽ ngay trong thời kỳ làm lãnh đạo tỉnh, ông đã chuẩn bị từ cảm xúc đến tư liệu cho ba tiểu thuyết tầm cỡ này ra đời. Tác phẩm Khau Slin hùng vĩ gắn với không gian, cuộc sống một vùng quê biên giới Bản Kìa, Hội Hoan, Văn Lãng (Lạng Sơn). Ở đó có ngọn núi Khau Slin sừng sững, nên thơ. Ngọn núi còn là biểu tượng của niềm tin và sức sống người dân nơi đây. “Mỗi khi gặp tai ương, tinh thần xao động, họ thường hướng về Thần Khau Slin khẩn cầu Người che chở”. Chính bởi vậy nên ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp gian nan, người dân Bản Kìa đã dũng mãnh, tự tin, hướng về Khau Slin như hướng về niềm tin chiến thắng. Bản Kìa có gần hai chục nóc nhà “năm nay có thêm ông Đường Mỹ Tân dựng thêm ngôi nhà nữa”, “Rặng núi Khau Slin tầng tầng lớp lớp”, “Dân làng đến dự đông đủ, tưng bừng”… Không gian cuộc sống và cách mạng không dừng ở một cá nhân hay một gia đình, một Bản Kìa mà lan rộng trên toàn châu Thoát Lãng, sang Bắc Sơn và cả ngoại quốc. Không gian đó được khắc họa trong một thời điểm tiêu biểu khi cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của đồng bào đang chuyển biến, sục sôi. Bản Kìa, Hội Hoan là tiêu điểm mà tiểu thuyết phản ánh. Không gian ấy sống động thông qua các mối quan hệ nhiều chiều của hàng trăm nhân vật với hành trình chung và riêng làm nên sức cuốn hút và sức thuyết phục người đọc. Những nhân vật sát thực với cuộc sống, thậm chí hiện nay vẫn còn những hình mẫu nhân vật vẫn đang sống - nhân chứng của lịch sử và cách mạng. Với Vũ Ngọc Chương, thực sự giữa cuộc đời và văn chương không có khoảng cách quá lớn, trái lại luôn có sự gắn bó tương tác lẫn nhau. Có thể nói, nếu không có sự am hiểu, trân trọng thì làm sao người viết có thể có những tác phẩm không chỉ lớn về dung lượng mà lớn cả về đề tài nội dung và tư tưởng thẩm mỹ.

*

Tác giả Vi Thị Thu Đạm với lối viết dung dị có chiều sâu, với việc xây dựng hình tượng cụ thể nhưng phổ quát, với việc bám sát vào không gian miền quê Xứ Lạng, với sự khai thác những giá trị văn hóa gửi gắm trong những sự tích… Vi Thị Thu Đạm đã tạo được lối đi và phong cách riêng trong sáng tác. Đặc điểm và giá trị căn bản trong tác phẩm ký, truyện ngắn của Vi Thị Thu Đạm là không gian - cuộc sống - con người - văn hóa Xứ Lạng. Vi Thị Thu Đạm có ưu thế về điều này, và thực tế chị đã thông minh phát huy ưu thế đó một cách bền bỉ, thầm lặng nhưng không kém mãnh liệt, dữ dội. Chị đã dày công suy ngẫm, lựa chọn, khai thác những cuộc đời, những số phận, những mối quan hệ, những trầm tích văn hóa - giai thoại… để góp phần tạo một chân dung đầy đủ, sống động của miền quê biên giới xưa và nay qua tác phẩm văn học. Từ Tô Thị, Muối mặn gừng cay đến Sương mù, Ngọt ngào sương núi… là cả một ý thức trong sự khắc họa, phản ánh của cây bút trẻ này. Trong Muối mặn gừng cay người đọc gặp một Lạng Sơn xa xưa, hoang dã nhưng cũng đầy sức cuốn hút bởi đây là vùng đất phên dậu Tổ quốc với ý thức quốc gia đã có từ xa xưa của cha ông, gửi gắm trong tư tưởng, bước chân của bao bậc triều đình đi sứ trấn ải; bởi đây là mảnh đất hứa hẹn bao điều kỳ diệu về thương phú không chỉ trong nước mà với nước ngoài, đặc biệt là với nước bạn láng giềng Trung Quốc; bởi đây là một “Xứ” với rất nhiều nét văn hóa đặc trưng của gần chục đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống từ ngàn xưa; bởi đây là miền giao lưu nhạy cảm nhất giữa người miền xuôi và miền núi, giữa bạn bè quốc tế... Tất cả các phương diện đó được chuyển tải trong truyện ngắn Muối mặn gừng cay bằng những cảm xúc và trang văn dung dị mà đằm thắm.

Cũng vẫn theo dòng cảm xúc và bút pháp ấy, truyện ngắn Tô Thị là kết quả của sự sáng tạo trên nền câu chuyện dân gian nổi tiếng của Xứ Lạng và dân tộc Việt Nam - Tô Thị vọng phu. Với truyện ngắn Tô Thị thì nhân vật Tô Thị và Tô Văn không chỉ là đối tượng khách quan của người kể, là tác giả dân gian nữa mà đã trở thành chủ thể hành trình, đối thoại, xung đột, bi kịch, chấp nhận, vượt lên… như một cuộc đời và số phận thực sự. Để rồi từ đó gợi ra cho người đọc biết bao suy ngẫm, chiêm nghiệm, dự cảm.

Ngọt ngào sương núi được viết bởi cảm xúc trân trọng, mến yêu những người con Xứ Lạng biết sống đẹp, sống ý nghĩa, như những bông hoa của núi rừng, tự tôn cao vẻ đẹp cho quê hương. Nhân vật chính là một con người ưu tú, xuất chúng của người Dao đã sớm có những nhận thức và bước đi, sự trưởng thành và đóng góp lớn lao cho nhiều mặt của đời sống xã hội và đồng bào các dân tộc Lạng Sơn. Ông như cây tùng, cây bách quen nắng quen gió, sâu rễ bền gốc, ngày đêm trụ vững, vượt lên thách thức, điềm tĩnh trước cuộc đời mà sống, mà đóng góp, mà tỏa hương. Ông là biểu tượng của người Dao trên núi Mẫu Sơn cao vời vợi… Ký Ngọt ngào sương núi thật sự là tác phẩm hay, đặc trưng cho việc khắc họa chân dung đất và người Xứ Lạng.

Truyện ngắn Sương mù gây được ấn tượng sâu sắc, độc đáo vừa khắc họa, khơi gợi không gian, vừa khắc họa, khơi gợi tính chất của một tỉnh miền núi biên giới trong thời kỳ mở cửa … Những gì thuộc về đặc điểm địa sinh thái tưởng như còn bền vững tương đối, còn những gì thuộc về văn hóa, xã hội, con người… thì tưởng chừng như quả trứng đặt gần tảng đá đang xê lệch, chút nữa là va chạm, chút nữa là cọ sát, mong manh dễ vỡ lạ thường. Sương mù khắc họa cả hai mặt của một vấn đề Xứ Lạng đẹp đẽ nên thơ, cuốn hút gọi mời nhưng Xứ Lạng cũng chứa đựng những cám dỗ nguy hiểm, thách thức lòng người. Và cuối cùng, chủ đạo hơn tất cả, trung tâm hơn tất cả, quyết định tất cả vẫn là con người. Khi nhân vật chính trong truyện là chàng trai ga lăng, lãng tử sau những gọi mời, sau những đắn đo, sau những thức tỉnh… đã ra đi khỏi ngôi nhà trong rừng… để lại cô gái non tơ trong trắng trong sự an toàn nguyên vẹn. Đó chẳng phải là sự mong muốn của con người, của cộng đồng, của núi rừng nơi đây. Dẫu cho muôn vàn những đổi thay của lịch sử, của xã hội, của cơ chế này, cơ chế kia nhưng mong sao vùng đất này vẫn được bình yên, con người vẫn được bảo toàn. Và điều này chỉ có thể có được khi chính con người ý thức được nó, khi chính con người hành động bằng lương tâm nhân phẩm của mình.

Nguòn Văn nghệ số 50/2018

 

 

 


Có thể bạn quan tâm