April 25, 2024, 5:49 pm

Một phức điệu xa xứ

​Có gì vừa bâng khuâng, vừa day dứt. Có gì vừa rưng rưng, vừa nghèn nghẹn lay lắc ở trong những câu thơ Đào Phi Cường. Những chuyển nhịp nội tại khoan nhặt cùng những giai điệu răng cưa của hai mảng thơ “Ru đêm” và “Tạ từ” đã tạo nên một phức điệu xa xứ của riêng người thơ đã bước vào cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” từng có nhiều năm tháng thương nhớ quê nhà từ thủ đô Paris – kinh thành ánh sáng thế giới. Cũng là thơ, cũng là những thi ảnh vụt lóe trong không gian đất khách, song Cung Trầm Tưởng xa xưa khác, Đào Phi Cường bây giờ khác. Cái thương nhớ của Đào Phi Cường là ở Pháp nhớ Việt Nam. Bởi vậy, những bài thơ thương nhớ mùa mùa tháng tháng của anh, mà tháng đây là tháng Ta trên đất Tây, cho nghe được một thảng thốt, một trắc ẩn của người thơ với quê hương cội rễ sinh thành.Cứ thế, những thương nhớ ấy cứ vút lên, chìm xuống những cung bậc trầm bổng trong phức điệu từ hai mảng thơ mà anh tâm đắc trình làng. Nghe âm vang đâu đó, âm vang của Vivaldi, âm vang của Tchaikovsky bởi những tổ khúc “Bốn mùa” nổi tiếng của họ. 

 

​Lần hồi theo tháng trong năm, thấy một tháng Giêng xưa thấp thoáng trong quá vãng:”Trời rét căm căm – Mẹ bấm ngón tay nhắm ngày cắm mạ - Cha ngồi nhả khói thuốc lào – Tính Tết còn bao xa…” Những tháng Giêng, những cái Tết trong veo tuổi thơ: “Con nhìn vào mắt mẹ - Chìa tay xin tiền bỏ ống tre – Ước mơ diện một tà áo Tết để khoe bạn bè hàng xóm… Tết hồi bé dần xa, dần xa – Đọng lại những ký ức với thăng trầm bước chân qua…” Âm nhạc reo thầm tiếc nuối: “Đâu những lời Tết xưa, đâu tiếng đồng xu bỏ ống”. Tất cả làm nên một “Tết xưa” đóng đinh trong thơ Đào Phi Cường.

​Từ Tết xưa đến Tết nay, mượn một ý ca từ Trần Tiến, Đào Phi Cường đã thở dài tê tái:

​​Mẹ ơi

​​Con đã già rồi

​​Xuân vừa gõ cửa con ngồi nhớ quê

​​Trắng đêm mơ một ngày về

​​Tha hương ôm rét tái tê phận đời

​​​​​(Con sáo sang sông có về?)

​Nỗi tha hương, xa xứ đã tràn ngập tháng Giêng đến nghẹn nấc:

​​Pháo giao thừa lịm tắt

​​Leo lắt một tháp Eiffel

​​Lặng thinh một dòng sông Seine

​​Vắng một lời chúc tụng

​​Rùng mình giục trời sáng

​​​​ ​(Xuân và những bông tuyết)

​Và cả nỗi vắng mẹ, thiếu cha: “Hồi bé – Con không nghĩ sẽ có ngày Tết thiếu vòng tay mẹ - Hồi bé – Con không nghĩ sẽ có đêm giao thừa hương khói nhòe ánh cha”.

​Qua giêng hai, người thơ dẫn ta đến “Gõ cửa tháng Ba”: “Tháng Ba gõ cửa – Người đàn bà vội vàng mở cánh … Bông hoa bưởi – Nhoẻn miệng cười – Hương thơm – Quện – Những viên bánh trôi…”, rồi nhìn “Hoa gạo rưng rưng – rụng – Đỏ hồn nữ thôn quê” rồi “ôm chầm một cơn gió” trong rét nàng Bân, rồi “Nhặt cánh xoa – li ti, li ti… ngóng xuân tàn – Chờ hạ quả đung đưa”.

​Phức điệu dựng lên trong “Tiếng chổi tre ngừng hát”: “Tiếng chổi tre – xào xạc – hát – cùng những mảnh đời – lang thang vỉa hè – giấu số phận – lẩn dưới những đám lá sấu rụng – vàng đầu hạ”. Mùa hạ, mùa hạ chói chang, mùa hạ kéo dài mê man như một chiếc hôn đã đến nồng nàn “Tháng Năm ơi con thuyền vương phượng đỏ”, trong bước đi của nắng: “Em đi – Sấu đầu mùa – Chua hạt muối – Bát canh cua – Ngừng đợi”. Không hiểu sao người thơ lại lấy chủ đề hai “Tạ từ” thực sự là lời tạ từ mùa hè để bước sang mùa thu: “Ta gói những kỷ niệm xưa – Khâm liệm  một cuộc tình chết yểu – Đêm mưa ướt lá – Thu vẫn chưa về để tiễn hạ bơ vơ”. Và dùng dằng “Mưa chiều cuối hạ” : Hè chưa tan – Thu lang thang  ôm mối tình phai nhạt”. Để rồi : “Cơn mưa hạ qua rồi – Chồi thu căng hạt sương” ở “Vô đề”.

​Mùa thu của người thơ mang đậm ấn tượng ngâu từ huyền tích Ngưu Lang – Chức Nữ. Đấy  là “tháng Bảy cho ai” : “Bão hận nhân gian cuồng phong cầu gãy – Chức Nữ, Ngưu Lang mong ngóng mùa ngâu”. Đấy là “Tháng Bảy chờ mưa giông”: “Tuổi sợi vàng chờ tả ngạn mang giông” phập phồng âm hưởng Hoàng Cầm, Phùng Cung. Đấy là “Mưa ngâu tháng Bảy”: “Tháng Bảy về - Lang buồn – Nữ khóc – mưa giăng cửi tắc – ướt đẫm sợi tơ”. Đấy là “Ru con đêm ngâu”: “Ầu ơ – Vôi bạc lá trầu – Buồn rơi không chọn đêm sầu tháng ngâu” hay “Hạt ngâu tan đêm thâu”: “Hoa sữa – Thơm như giọt nắng vui cỏ dại – Gió – Quằn quại – Nghe ngâu đêm rả rích – Cuộc tình khuya”. Mùa thu ở tháng Tám là “Tháng Tám chờ thu”: “Tháng Tám – Em – Bừng tỉnh – Hồng trinh nữ - Chờ… Sương thu”, là“Trung thu cho người lớn”: “Trăng rằm – Tròn to lắm – Em nằm ngắm xa xăm” rồi bước sang “Cọng rơm vàng tháng Chín: “Tháng Chín – Cọng rơm vàng – rơi – nằm đợi…” là những bông cúc họa mi: “Họa mi ơi – Em đến khi giấc mơ vừa tắt” rồi cuốn sang “Tự tình tháng Mười”: “Đêm nghiêng xuống mình ôm cô quạnh”. Đào Phi Cường cũng yêu mùa thu như biết bao nhà thơ xưa nay. Giống như Thanh Tùng của “Thời hoa đỏ” ngày nào, anh cũng dựng lên một bộ tứ bình thu gồm “Thu đợi”, Thu say”, “Thu lại”, “Thu tàn”: “Thu đi – Gió giấu vết chân em – Oải hương quên men đồng nội – Hoa cải nở nụ cười vàng”.

​Mùa đông của người thơ lại mang mang cùng hoa Thạch Thảo ngỡ trong “Mùa thu chết” của Apollinaire mà Phạm Duy đã hát lên chất ngất. Đấy là “Đông về” (Người còn mãi xa): “Giấu nhành thạch thảo chốn chênh vênh”. Đấy là Đông về (lang thang nhặt lá gói hạt buồn rơi): “Cành hốc hác nhỏ lệ khôn nguôi – Păng sê tím khóc thương ai lận đận”. Đấy là “Chuyến tầu cuối” : “Vắng lặng một nhà ga – Chờ một đông qua”. Đấy là “Bàng đông”: Vẫn “thẫn thờ vòng nón rách – Mẹ đợi lá bàng rơi”, là “Đêm nghe gió mùa đông bắc về”: “Những bông hồng cánh rụng, trơ bầu nhụy – Gối ướt giấc mơ, câu thơ dần tắt”. Mười hai tháng  - bốn mùa, cứ như một, giấc mơ của thời gian trong “”.

​​Về đi ai

​​Xuân, hè mai ngóng đợi

​​Thềm cũ rêu phong

​​Thu khép cửa rồi

​​Về đi tôi

​​Gió heo may tìm lối

​​Lạc trời đông...

​Cứ thế, thơ về 12 tháng của Đào Phi Cường nằm rải rác trong hai mảng thơ “Ru đêm” và “Tạ từ” như 12 quẻ Dịch nằm rải rác trong 64 quẻ dịch. Ở giữa nó là những ái, ố, hỷ, nộ của người thơ lúc thì ở quê hương, lúc thì ở đất khách, lúc thì ở hiện tại thanh bình, lúc quay ngược về thời chiến tranh:

​​Tỉnh giấc chưa con?

​​Cha gửi chuyện hôm qua vào ngọn gió

​​Chuyện những người vô tội vừa ngã gục trong ngõ nhỏ

​​Những dòng máu tuôn trào đỏ lá rụng mùa thu

​​Đoạn kết buổi hòa nhạc tàn dư cơn ác mộng

​​Tiếng súng vang lên khói nồng ngạt thở

​​Bom nổ vang, hồn ngỡ vẫn chiêm bao 

​​​​​​(Chuyện hôm qua)

​Bài Người đàn bà ngủ trên vai tôi là bài thơ có tứ hay và lạ. Tình cờ nó lại làm đúng vào ngày 14.7 Quốc Khánh Pháp với tiêu chí: “Tự do – Công bằng – Bác ái”. Tứ thơ thật “Bác ái”.

​​Người đàn bà cúi đầu

​​Mái tóc hai màu lắc lư

​​Tay ôm khư khư trên đùi một chiếc ba lô nho nhỏ

​​Chắc cuộc đời chỉ còn lại nhiêu đó

​​Chiếc ba lô bỏ ngỏ

​​Ai ngó có còn chi

​Rất nhiều những bài thơ nhớ về quê hương hay làm tại Việt Nam những lần trở về đều là những tâm trạng luôn khắc khoải, đau đáu về tình, về đời, về số phận, về người. Anh “chỉ thấy nỗi buồn xào xạc” trong “Lời ước hoa sưa”, thấy “Gót chân sau một thời/ nhuốm máu” trong “Đêm Sài Gòn”, thấy “Gió lùa – lắc nhẹ đánh rơi cuộc tình”, “thấy “Đìu hiu xóm vắng – Lặng về bước cô đơn” trong “Ảo ảnh”, thấy “Đời – là một vết cắt – Đứt đôi” trong “Ngẫu hứng với đời”. Anh còn thấy “Bàn chân mài ngõ nhỏ - Cải vàng mềm như dưa” trong “Rau chợ chiều”, thấy“ Một người điên… ngơ ngác – bơ phờ - Người đến bên tôi – Nụ cười chợt tắt” trong “Người điên”  “thấy “Sen đời thâm tím bẽ bàng” trong “Sen tàn” thấy “Khăn yếm nặng câu thề - Ai đó đi rồi ai tái tê chờ mộng” trong “Ru đêm”.

​Tất cả cứ thế trầm bổng trong “Một phức điệu xa xứ”. Phức điệu ấy có lúc “Kiêu ngạo hát – Lấy gió làm lời ca – Gọi mưa là nốt nhạc – Mẹ bao dung cùng dấu lặng”, có lúc “Văng vẳng rừng reo tiếng Hạc Cầm – Đời trôi theo nốt nhạc dư âm”. Cứ thế miên man, miên man chừng không muốn dứt.

​Đào Phi Cường đang ở độ chín. Thơ anh phóng khoáng, giầu tính thể nghiệm vì hình như anh làm thơ là cho chính mình, bởi thế nên cũng kén độc giả. Nhưng không sao, nghệ thuật đích thực là nghệ thuật không dành cho đám đông. Thơ anh có nhiều bài giống như viết để được hát lên thành một ca khúc, điển hình là bài “Thu đợi” với những điệp từ “về đi anh”. Cũng đã ở tuổi “tri thiên mệnh”, cứ thế mà bước tới tận cùng của sáng tạo riêng mình:

​​Ngưỡng cửa năm mươi vừa hé mở

​​Lưỡng lự chuyến đò trốn vết xưa

​​Giọt mưa bay thềm xưa bóng đổ

​​Đời nghiêng nghiêng bến đỗ hoàng hôn

​Rất tin tưởng sau tập thơ này, anh sẽ có thêm những chiêm nghiệm mới, những sáng tạo mới trong cuộc chơi “Vô tăm tích” không biết “Hỏi ai bây giờ”:

​​Hỏi ai tặng chiếc đèn cù

​​Mình ai đưa đẩy phập phù tiễn đêm

​​Cuộc tình ví tốt đi đêm

​​Kẻ đưa người đẩy nhận thêm vơi sầu?

​​Hỏi người phiêu bạt năm châu

​​Hỏi người ở lại còn dâu nuôi tằm…

https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

 

Có thể bạn quan tâm