April 20, 2024, 9:55 am

Một phép thử và một bước trưởng thành

Covid-19 đang đến và hoành hành khắp mọi nơi như không cần cân nhắc rằng người mà nó sẽ thâm nhập là giàu hay nghèo, là ở cương vị, địa vị xã hội nào đi chăng nữa. Lúc đầu con người ta hình dung sóng thần, động đất, thảm họa thiên nhiên hay chiến tranh… là khủng khiếp lắm rồi; nhưng chỉ vài ba tuần nay thôi, dường như chả có tai họa nào ghê gớm, nghiêm trọng như chính đại dịch Covid này đây.

Nhân viên bệnh viện Bạch Mai vui mừng trong giờ phút hết cách ly

 

Mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ đã và đang có cách đối xử riêng với nó. Các cách ấy khác nhau phụ thuộc vào sự điều hành của các nhà quản trị xã hội, vào ý thức và hành động (có tính chất tập quán) của họ và đặc biệt phụ thuộc vào năng lực và tiềm lực tài chính mỗi nơi. Ở Việt Nam ta cách ứng xử với Covid-19 có nhiều phần giống nhân loại và cũng có một số nét khác. Cái khác ấy bắt đầu từ cách gọi.

Lúc đầu, ta gọi Covid-19 là giặc là có lý do. Nhưng rồi gần đây hơn, ta gọi nó là dịch. Giặc thì phải đánh chứ trốn chạy nó à? Không, người Việt chưa trốn tránh giặc bao giờ. Dịch thì phải phòng và tránh. Hơn thế, nhỡ có đồng bào nào bị lây nhiễm, thì phải cách ly người đó, tức là bao vây bọn covid này mà diệt như đánh giặc chứ. Đây không phải chuyện chữ nghĩa thuần túy của mấy ông bà hay lấy chữ làm công cụ nói chuyện đâu nha.

Bây giờ, ta đang biết và hiểu dần dần, thấm thía tác hại vô cùng to lớn và toàn diện của dịch Covid-19 trong vài ba tuần gần đây ở nước ta và các nước giàu hơn ta.

Dịch Covid-19 quả là đang gây ra khủng hoảng toàn cầu. Tự nhiên nó trở thành một phép thử đối với tất cả. Giải quyết chiến tranh, có người bảo là có thể có chút không may mắn gì đó (hôm đó trời bỗng mưa to, đường sụt lở, bộ binh và cơ giới gặp khó khăn…). Nhưng chống dịch thì có thể ỷ vào yếu tố bất ngờ thế được ư?

Đối với lãnh đạo cấp cao ở nước ta, rõ ràng Chính phủ Việt Nam không bị rơi vào thế bị động hay bị buộc phải ứng phó với những bất ngờ. Nhờ có các biện pháp - một chuỗi, một hệ thống biện pháp mà ta đã vây hãm, khu trú được ổ bệnh, hơn thế đến nay, ta chưa có người nào phải tử vong. So với các nước khác, kết quả này hẳn là vô song.

Đối với các lực lượng xã hội, rất đáng khâm phục, biểu dương là lực lượng quân đội, công an và đặc biệt các cán bộ, nhân viên, y bác sĩ ngành y tế luôn phải căng mình ở những tuyến đầu chống dịch, từ những ngày đầu dịch khởi phát. Những đồng chí, đồng bào ta đang đóng vai trò chủ lực của việc chế ngự Covid 19 này đã nêu cao trách nhiệm mà tận tụy tác nghiệp, hành nghề. Sự hiệp đồng công tác giữa các lực lượng với nhau thật là nhịp nhàng. Họ đáng được nhận khen thưởng, những lời động viên, khuyến khích kịp thời hơn lúc nào hết.

Còn quần chúng?

Chống Covid mà hát ca tập thể rồi đơn ca đủ giọng Bắc - Trung - Nam. Bà con ở nước ngoài cũng hát dựng thành clip để chia sẻ. Lời hát chế theo các ca khúc dân ca, các bản nhạc quen thuộc đã đi suốt theo chiều dài năm tháng lịch sử. Tôi thấy nhiều người đã khỏe, đã cười vui khi nghe và xem các dân ca khác đời kiểu mới này. Bối cảnh trên khiến nhiều người nhớ lại cảnh sinh hoạt của hậu phương ta, tiền tuyến ta suốt một thời chiến tranh đã qua, biết bao nhiêu là xúc động, tin yêu và tự hào!

Có mấy nhà nghiên cứu, sáng tác nói với nhau: Sao không tuyển chọn các bài ca, bài thơ văn tự phát này mà in thành tập sách cho ai ai cũng được xem nhỉ? Có người lại băn khoăn: Sao không thấy một đoàn thể xã hội nào đứng ra tổ chức cuộc thi sáng tác với đề tài chống dịch Covid-19 này nhỉ? Tinh thần đoàn kết dân tộc, nghĩa tình đồng bào đồng chí của con dân Việt Nam như được chấn hưng và phát huy mạnh mẽ vào những ngày tháng này.

Ấy là nói về những cái được, được ngày từ bây giờ và có thể là được cho năm sau, rồi bao nhiêu năm sau nữa.

Vậy có cái nào chưa được lắm, hay tệ hơn là sai không? Cũng có. Chẳng hạn: Vẫn còn có làng xã, nông thôn chưa nghiêm khi thực hiện các biện pháp đã phổ biến; vẫn còn một số ít người chưa đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, đã thế còn ngang tàng chống người thi hành công vụ…v.v

Cũng có người băn khoăn: Phải chăng là một số cơ sở sản xuất của ta còn chưa nhạy bén với việc chế tạo các thiết bị y tế cần thiết, hoặc đơn giản hơn là may nhiều hơn các loại khẩu trang, quần áo chuyên dụng?...

Chúng ta cũng phải khẳng định rằng việc quán triệt về mặt nhận thức các chủ trương, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch ở đại đa số quần chúng là rất tốt. Song việc chuyển hóa nhận thức trên sang hành động cụ thể ở một bộ phận thiểu số, rất ít thôi, còn rất kém nghiêm túc, rất bàng quan. Và chính số ít đó thôi đã biến mọi thành quả, mọi nỗ lực của toàn xã hội trở nên đổ vỡ vài phần. Đó là sự thực đã diễn ra.

Phải tăng cường sức mạnh - hiệu lực của nhà nước pháp quyền ở ta, và nhân dịp này mà củng cố thêm một bước nền nếp hành chính - công vụ, làm việc theo pháp luật nghiêm minh, công bằng; có như vậy thì mới huy động toàn lực của xã hội vào việc tiêu diệt Covid 19 được, mới đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện ở nước ta lên được.

Nguồn Văn nghệ số 19/2020

 


Có thể bạn quan tâm