April 25, 2024, 11:42 am

Một nhân chứng tin cậy

 

Mấy chục năm qua, tôi đã đọc nhiều tập sách của Trần Đương viết, dịch và biên soạn về văn hóa Đức. Cảm nhận và khâm phục sức làm việc của ông, đã có nhiều bài viết của nhiều tác giả, đánh giá về những đóng góp của Trần Đương đối với sự nghiệp “nối nhịp cầu giữa hai nền văn hóa”. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Ở Trần Đương có hai đề tài được ông đặc biệt chú ý là văn hóa Đức và Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cách ddaaay chưa lâu, vào mùa xuân năm 2015, bản thân tôi đã từng có dịp giới thiệu trên báo Văn nghệ cuốn Hồ Chí Minh - nhà dự báo thiên tài, một quyển sách đã được tái bản nhiều lần, cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin mang tính hệ thống và khoa học về thiên tài dự báo của vị lãnh tụ kính yêu, của Trần Đương. Nhắc lại điều này, tôi muốn lý giải cho câu hỏi: Vì sao lại có tình hình đó?

Tôi đã có thể tự trả lời được câu hỏi này sau khi đọc tập I và tập II của bộ sách gồm 4 tập mang tên Nước Đức - duyên nợ của đời tôi mà Trần Đương gọi là “Bốn anh em dưới một mái nhà”. Tập I (Tuổi thanh xuân dưới hai bầu trời) và tập II (Hiển hiện Tổ quốc trong tim mình), đã được xuất bản và phát hành, mỗi tập dày ngót 500 trang, đều có một bộ ảnh, đóng bìa cứng và in giấy đẹp. Tập III (Nước Đức trong lòng Hà Nội) đang được hoàn thiện, dự kiến ra đời vào đầu năm 2019. Tập IV (Sông Hồng sông Rhein hòa chung dòng chảy) cũng đã được thực hiện ở những bước đầu tiên. Trần Đương cho biết: trong hơn 100 tác phẩm (nói chính xác là 115 tác phẩm gồm sáng tác, dịch và biên soạn) mà ông đã công bố, bộ sách “Nước Đức duyên nợ của đời tôi” mang ý nghĩa tổng kết của một cuộc đời bình dị, mà nét đặc trưng là sự gắn bó với một đất nước ở Châu Âu từ khi tác giả còn là một chú bé 12 tuổi. Chính năm đó, Trần Đương và 149 thiếu nhi khác là con em của các gia đình cán bộ cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định gửi sang Cộng hòa Dân chủ Đức học tập, đào tạo. Trước ngày lên đường sang nước bạn, các em đã được vào Phủ Chủ tịch thăm Bác và nghe Người căn dặn. Lòng biết ơn của Trần Đương đối với vị lãnh tụ tối cao và nhân dân nước Bạn bén rễ và ăn sâu trong tâm hồn ngay từ những năm tháng ấy và trở thành hai đề tài chính được Trần Đương theo đuổi suốt mấy chục năm qua. Cho đến nay, ở mỗi đề tài, ông đã cho ra mắt 40 cuốn, trong đó có những cuốn được tái bản nhiều lần. Ngoài ra, Trần Đương là tác giả của 10 tập thơ, 10 tập sách nghiên cứu về nghệ thuật nhiếp ảnh và một số công trình khác. Đó là chưa kể đến hàng ngàn bài báo được công bố trên báo chí Đức và Việt Nam, đến 8 công trình đang xếp hàng để “chào đời”. Tính ra, Trần Đương đã hiến cho đời hàng vạn trang sách! Để làm được như vậy, Trần Đương phải là nhà “Tỷ tỷ phú” về phương diện thu nạp và tích lũy vốn sống, thông qua thực tiễn hoạt động nghề nghiệp và sưu tầm, nghiên cứu tư liệu. Nhà văn, Phó Giáo sư Lê Sơn đã “tấn phong” cho Trần Đương danh hiệu “Đại lực điền trên cánh đồng văn hóa” quả là xứng đáng. Ông viết về Trần Đương như sau:

Để gặt hái được những vụ mùa bội thu như vậy, quả thật Trần tiên sinh không đơn thuần là một bác thợ cày cần mẫn, mà đích thị còn là một đại lực điền, khiến tôi năm lần xin ngã mũ bái phục bởi sức lao động, trí tuệ phi thường mà ông đã bỏ ra để canh tác không mệt mỏi trong suốt hơn nửa thế kỷ trên cánh đồng văn hóa” (Báo Văn nghệ, số Xuân Nhâm Thìn - 4/2/2012).

Tập I và tập II của bộ sách Nước Đức duyên nợ của đời tôi, với mấy chục đề mục khác nhau, qua lối kể chuyện dí dỏm, cuốn hút, đã cho người đọc hình dung khá đầy đủ về chặng đường 30 năm đầu đời và 10 năm hoạt động thông tấn, báo chí, văn học của Trần Đương với tư cách một phóng viên thường trú, Trưởng cơ quan đại diện của TTX Việt Nam ở Berlin. Qua hai tập sách này, người đọc có thể cảm nhận rất rõ về Trần Đương - một nhà báo lớn, năng nổ, có trách nhiệm cao, tiếp xúc rộng, rất rộng và có tầm nhìn, tầm nghĩ, sự quyết đoán của một cán bộ chính trị (mặc dù lúc đó còn trẻ tuổi), không hề chủ quan, thiển cận, thiếu cân nhắc khi viết, phát ngôn và tiếp xúc với hàng loạt nhân vật, từ các vị lãnh tụ Đảng cộng sản và công nhân, các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, các nhà hoạt động xã hội - văn hóa lỗi lạc, các trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng, các vị đứng đầu cơ quan Đảng và Nhà nước cho đến các nhà giáo ưu tú, các bác nông dân, công nhân, các bạn thanh niên - sinh viên quốc tế. Trần Đương đã có vinh dự được tháp tùng nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang thăm và công tác ở Đức. Viết về các cuộc tháp tùng này, Trần Đương cung cấp cho người đọc nhiều chi tiết cảm động và bổ ích về Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ lớn Tố Hữu…Nhà báo năng động này đã tham dự hàng trăm cuộc mít tinh của các tầng lớp nhân dân nước bạn nồng nhiệt ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ, rất nhiều lần giới thiệu sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của nhân dân ta trên các cơ quan truyền hình, phát thanh làm cho hình ảnh Việt Nam càng trở nên gần gũi, thân thiết với nhân dân nước bạn.

Không dừng lại ở các mối quan hệ hữu nghị mang tầm vĩ mô, Trần Đương - qua hoạt động báo chí, văn học và cuộc sống đời thường của mình - đã đưa các mối quan hệ đó vào chiều sâu, đem lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các nhà lãnh đạo và bầu bạn Đức. Điều này thể hiện rất cụ thể và sinh động qua các bài viết về Werner Lamberz, Kurt Hager, Friedrich Ebert, về các nhà cách mạng tiền bối của Đức khi Trần Đương tiếp xúc để lắng nghe những câu chuyện đầy tình cảm của họ về Bác Hồ kính yêu; những bài viết về các nhà trí thức văn nghệ sĩ, khoa học - kỹ thuật bày tỏ tình cảm sâu nặng với Việt Nam. Điều ấy còn thể hiện cả ở những bài thơ, bài viết, phát biểu của bầu bạn quốc tế về Tổ quốc chúng ta mà Trần Đương đã dịch và phát về nước. Bởi vì, Tổ quốc dường như lúc nào cũng hiển hiện trong tim mình, nên Trần Đương đã dày công nghiên cứu và giới thiệu các kinh nghiệm của nước bạn trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước - những vấn đề vốn khô khan nhưng vô cùng có ích cho đất nước.

Bằng những hoạt động nhiều mặt của mình, Trần Đương đã trở thành một người bạn thân thiết của nhiều nhà hoạt động xã hội và nhiều gia đình người Đức. Tôi xúc động khi được biết tình cảm của đồng chí Werner Lamberz, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng dành cho Trần Đương, quan tâm giúp đỡ Trần Đương trong công tác và ngược lại, Trần Đương coi ông như một người anh lớn và đã vô cùng đau đớn khi nghe tin ông qua đời trong một vụ tai nạn máy bay ở Libya. Trần Đương được bà Margot Honecker, Bộ trưởng Bộ giáo dục, phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Erich Honecker, nhận làm “em kết nghĩa”, bà cụ Solja Riedel, một cán bộ cách mạng lão thành nhận làm “con đỡ đầu”, đã hết lòng săn sóc hai cháu Quang Tuấn và Kim Hoa - hai con sinh ra ở Đức của Trần Đương - với tấm lòng một người bà kính yêu.

Tình cảm ấm áp đầy tính nhân văn cũng được cảm nhận qua các câu chuyện trong hai tập sách này khi kể về nữ văn hào Anna Seghers, các nhà văn lớn Juri Brezan, Max Zimmering; về Bác sĩ Max Sefrin, Chủ tịch và nhà thơ Willi Zahlbaum, Tổng thư ký Ủy ban đoàn kết với Việt Nam, tác giả bài thơ xuất sắc “Việt Nam -Tình yêu của tôi”; về bà Sybille Weber, một người bạn vô cùng đắc lực trong phong trào ủng hộ Việt Nam ở Tây Đức; chị Merka Kosel ở xứ Bautzen; bà Deba Wieland, ông Artur Mannbar - Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã ADN; về các bạn đồng nghiệp như Szeponik; W.Kuestner W.Lulei, H.Kapfenberger, H.Frotscher; về những chuyên gia từng sang Việt Nam giúp đỡ nhân dân ta trong sự nghiệp phát triển kinh tế và khoa học - kỹ thuật, về những người dịch truyện Kiều, Nhật ký trong tù ra tiếng Đức…Tôi rất xúc động trước câu nói của Chủ tịch Ủy ban đoàn kết với Việt Nam Max Sefrin tại một Hội nghị lớn ở thành phố Halle: “…Với việc hiến máu của các công dân Đức cho Việt Nam, giữa hai dân tộc chúng ta đang hình thành một quan hệ máu mủ” (Blutverwandtschaft). Tôi cũng xúc động khi Cục quan hệ quốc tế của Thông tấn xã ADN nhận cháu Quang Tuấn làm con đỡ đầu và thực sự cháu đã trở thành “đứa con của tình hữu nghị”.

Ở hai tập sách này, Trần Đương không có ý kể về những gì thuộc riêng mình, mà chỉ muốn qua đó chứng tỏ là nhân chứng của các mối quan hệ hữu nghị và văn hóa giữa hai đất nước, hai dân tộc. Phía sau câu chuyện riêng là những sự kiện lịch sử của hai dân tộc, là tình cảm cao cả của các bầu bạn quốc tế rất tiêu biểu như: lãnh tụ Fidel Castro, các văn hào nước Nga M.Solokhov, K.Simonov, B.Polevoi, nữ nghệ sĩ điện ảnh Mỹ J.Fonda… Trần Đương đã viết về họ với ngòi bút nặng tình nặng nghĩa, với những chi tiết sinh động, giúp người đọc càng thêm mến yêu, gần gũi họ.

Đánh giá cao những hoạt động nhiều mặt của Trần Đương, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã trao tặng ông Huy chương danh dự bằng vàng vì tình hữu nghị giữa các dân tộc; bằng Huy chương có chữ ký của Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Geralt Goetting. Tại cuộc trao tặng, Tổng vụ trưởng Tổng vụ báo chí Bộ Ngoại giao CHDC Đức đã nói: “Với những cống hiến của mình, đồng chí Trần Đương đã thực sự viết một số trang vào cuốn lịch sử của hai Đảng và hai Nhà nước chúng ta”.

Câu nói đó thật chí lý; Trần Đương có thể coi là một vinh dự, một nhận định tổng quát về 10 năm hoạt động thông tấn - báo chí ở Berlin - hơn thế nữa, về cả cuộc đời Trần Đương gắn bó với nền văn hóa Đức, mà các bạn Đức trân trọng dành cho mình.

Nguồn Văn nghệ số 37/2018


Có thể bạn quan tâm