April 16, 2024, 12:46 pm

Một nhà văn lặng lẽ

 

Hè năm ngoái, vợ chồng nhà thơ Thanh Thảo có ghé Nha Trang. Ngoài vài người bạn tâm giao ở thành phố biển này mà ông gặp còn có một nhân vật khác, ông dặn tôi nhất thiết phải đến thăm cho được. Người ấy, ngoài tình đồng hương Mộ Đức, còn có tình đồng nghiệp với ông nữa. Đó là nhà văn Văn Biển, tên thật là Phạm Văn Biển, cháu gọi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bằng chú ruột.

Bạn văn với nhà thơ Thanh Thảo trên đất nước này thì nhiều, nhưng những ai mà ông ghé thăm, người đó phải là đặc biệt. Nhà văn Văn Biển là một trường hợp như thế. Không phải vì ông là cháu ruột cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà Văn Biển đặc biệt ở chính số phận của ông.

Văn Biển sinh năm 1930 tại Đức Tân, Mộ Đức. Ông là con út trong một gia đình đông anh em, cha ông từng làm quan triều đình nhà Nguyễn. Hiện nay, ai ghé thăm Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng ở Mộ Đức, Quảng Ngãi nhìn trên bàn thờ thấy ba người đội mũ cánh chuồn, một trong ba người đó là cha Văn Biển. Năm 1955, Văn Biển đi tập kết, tốt nghiệp đại học ngành mỏ- địa chất rồi làm công việc “chui hầm”-như cách tự trào của ông, suốt 10 năm sau đó. Cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, một đồng môn cùng thời với Văn Biển có nói vui rằng, Văn Biển không thích hoạn lộ chứ nếu “quyết chí”, gì chứ cái chức bộ trưởng một bộ nào đó là trong tầm tay của ông ấy.

Ông được đào tạo bài bản, từng tham gia kháng chiến, lại có người chú là một “đại thần” trong chế độ nhưng Văn Biển gần như xa lạ với những vinh hoa chờ đón ông. Văn Biển chỉ muốn trở thành một nhà văn, lặng lẽ cống hiến cho đời những trang sách, được viết bằng tất cả tâm huyết của một người cầm bút mà không màng đến cái danh hão như nhiều nhà văn bây giờ “phấn đấu”. Ông sống lặng lẽ đến mức cực đoan. Nha Trang thì đâu có rộng dài cho lắm, nhưng có mấy nhà văn đồng nghiệp ở thành phố này biết Văn Biển đang ở chỗ nào, đang viết những gì… Ngay cả các đại hội Hội nhà văn mà tôi được tham dự, cũng chẳng thấy ai nhắc đến ông, còn ông thì cũng chẳng thèm người khác nhớ đến mình, dù ông đường đường là một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam! Không phải ông phẫn chí điều gì mà là ông muốn tự khuất lấp chính mình, làm người đứng bên lề của những ồn ào nhăng nhố, để từ đó, ông viết nên những câu thơ, những trang văn  rơm rớm nỗi đời.

Khi nghe tôi nhắc đến người chú ruột Phạm Văn Đồng, Văn Biển nhớ lại: “Tôi có 17 năm ở trong nhà chú Tám (cách gọi thân mật về Thủ tướng Phạm Văn Đồng), nên gần như chú hiểu tâm tính của đứa cháu. Chú lặng lẽ dõi theo từng bước trưởng thành của tôi. Vậy nên, biết tôi là một kỹ sư địa chất mà chú Tám vẫn gợi ý: “Biển nên lên Nông trường Ba Vì để gặp Hồ Giáo, một người đồng hương Quảng Ngãi vừa dự Đại hội anh hùng (1966), hy vọng là cháu sẽ có những trang viết hay về con người khá độc đáo này”. Tôi khoác ba lô lên Ba Vì, ăn ngủ với Hồ Giáo và đàn bò sữa ngót một năm trời. Đúng như chú Tám nhận định, Hồ Giáo là một nhân vật lạ lẫm, từ nhân cách đến công việc. Sau một năm tiếp cận với Hồ Giáo, tác phẩm Cô bê 20 ra đời”.

Cô bê 20 đã thành tác phẩm “gối đầu giường” một thời đối với thiếu nhi miền Bắc những năm chiến tranh. Sách kể về sự tận tụy của Hồ Giáo chăm sóc “cô bê 20” từ một con bê thiếu cân, còm cõi, dưới bàn tay chăm sóc của Hồ Giáo, nó đã trở nên phổng phao, mạnh khỏe như bao con bò cho sữa khác của Nông trường Ba Vì. Nhà văn đã hóa thân vào con bê ấy để kể về cuộc đời của nó. Một giọng văn thủ thỉ thù thì làm mê mẩn bao lớp trẻ con. Tác phẩm đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải thưởng đặc biệt năm 1968 là vậy. Năm 2009, tôi đưa Hồ Giáo trở lại Ba Vì sau hơn 30 năm ông rời xa vùng đất ấy và lấy làm ngạc nhiên là tại sao các anh chị ở Nhà xuất bản Kim Đồng lại đón Hồ Giáo một cách trọng thị đến vậy. Cho đến khi xem lại tiểu sử của Văn Biển, biết được thành tích của Cô bê 20, tôi vỡ lẽ mọi điều. Văn Biển đã đến với văn chương một cách tự nhiên và có phần giản đơn như vậy. Nhưng Văn Biển đâu chỉ có Cô bê 20! Ông còn là một kịch tác gia với nhiều đột phá vào thời khắc “đêm trước của đổi mới” mà trong làng kịch nước ta, mỗi khi nhắc đến cái tên Văn Biển, giới viết kịch, ai cũng nhớ đến ông.

Que diêm thứ 8 là tên một vở kịch của Văn Biển viết từ năm 1987. Hỏi sao ông lấy tựa đề các tác phẩm bằng những con số? Ông bảo rằng do ngẫu nhiên thôi, rồi khẽ nhếch miệng bằng một nụ cười bí ẩn. Bí ẩn như chính vở kịch “để đời” này. Hình như thấy vở kịch ấy không ép-phê, Văn Biển đã chuyển toàn bộ những dữ liệu mà ông góp nhặt cả đời ấy để viết cuốn tiểu thuyết cùng tên, ngót nghét 1.000 trang sách. “Cuối năm nay sẽ có sách”- ông khoe với nhà thơ Thanh Thảo khi hai ông trao đổi về chuyện văn chương và những dự định sắp tới. Có đến 17 năm sống cùng người chú làm Thủ tướng, Văn Biển gần như “thuộc” đến chân tơ kẽ tóc những biến động lớn nhất của lịch sử dân tộc. Nhưng khác với cung cách của một số nhà văn cùng thời, Văn Biển không sa đà vào kể lể những chuyện thâm cung bí sử “trong triều” do ông trực tiếp chứng kiến hoặc nghe từ chú mình kể lại để “câu khách”, mà ông tỏ ra “cao tay” hơn nhiều. Tiểu thuyết đậm chất sử liệu này sẽ cung cấp một phần những gì mà hậu thế muốn biết về một quá khứ hào hùng nhưng cũng quá nhiều đau thương của dân tộc khi phải trải qua mấy cuộc chiến tranh.

Nhưng Văn Biển đâu chỉ có Cô bê 20Que diêm thứ 8! Qua cuộc đàm đạo suốt buổi trưa giữa hai nhà văn cùng quê Mộ Đức, tôi được biết thêm rằng, Văn Biển còn có một vở kịch khá nổi tiếng, mang tên Thành phố con tàu sau một tháng ông lang thang ở Quy Nhơn cùng Thanh Thảo vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Ngoài những tác phẩm kể trên, Văn Biển còn có hàng loạt tác phẩm cả thơ, truyện lẫn kịch cũng khá nổi tiếng một thời như: Mười ngày làm khách, Tuổi thơ muôn màu, Hiệp sỹ vô hình… cùng các vở kịch như: Trăn trở, Chuyện cổ Bát Tràng, Đêm Stockholm… Kể ra, một đời văn nghiệp mà từng ấy tác phẩm thì cũng không phải là nhiều nhưng bạn văn cùng thời luôn nhớ đến Văn Biển với tư cách là một nhà văn dấn thân rất quyết liệt. Ông xa lạ với những hư danh và luôn đau đáu với những thăng trầm của đất nước. Sắp vào tuổi 90 nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, luôn luôn sôi động cùng thời cuộc.

Ông ở khu An Viên của Nha Trang  nhưng “vườn” ấy chẳng “an” chút nào với riêng ông.

Nguồn Văn nghệ số 9/2019


Có thể bạn quan tâm