March 29, 2024, 8:40 am

Một nhà báo trung liệt

Tại nhà ông Thái ở gần đập Ba Suối thuộc thôn Đàn Trung xã Kỳ Long, nơi bộ phận Ấn loát, Ban Tuyên huấn huyện Bắc Tam Kỳ tá túc làm việc, tôi loáng thoáng nghe Cả Trác nói với anh Thắng: - Anh cho in bài thơ cổ động thực hiện chủ trương giảm tô, cải cách ruộng đất của Mặt trận Dân tộc giải phóng do đồng chí Nguyễn Mân sáng tác.

 

Minh họa của NGÔ XUÂN KHÔI

 

Nghe nói in thơ của thầy Mân tôn kính, tôi hăng hái ra giếng nước mài và phơi khô bản đá rồi hoà mực cho anh Thắng viết. Sau đó, tôi và anh Đoàn Thịnh in mấy trăm bản để phát hành. Vốn là một cậu bé rất thích thơ, tôi đọc, ngẫm nghĩ, so sánh văn bản chủ trương của Mặt trận và nội dung thơ của thầy Mân. Tuy là một cậu bé nhỏ tuổi nhưng tôi cảm nhận được thầy Mân đã chuyển tải nội dung chủ trương của Mặt trận thành thể thơ song thất lục bát rất chuẩn xác, thật tài ba.

Thế rồi tôi cứ trông mong gặp lại Thầy. Đã gần một năm thầy trò chúng tôi chưa một lần gặp lại. Tôi luôn nhớ cái giọng giảng bài của thầy ngọt ngào, trong như cha đạo truyền giáo vậy. Thế rồi ước mong đó cũng đến với tôi. Thầy Tám Mân đến liên hệ với Cả Trác, thủ trưởng trực tiếp của chúng tôi về việc in ấn tờ Tin tức của huyện. Thầy trò chúng tôi gặp nhau giữa chiến trường đạn bom bời bời. Những phút giây ấy thật là quý giá và cảm động. Thầy xoa đầu tôi ôn tồn: - Thời buổi này còn nhỏ như các em mà cũng phải nhón chân làm việc của người lớn, cố gắng nghe học trò cưng của thầy.

Tôi lặng yên chẳng dám nói gì cả. Bởi ở bên thầy tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé. Mình theo cách mạng bắt đầu từ tình cảm. Cha, chú, cậu đi tập kết cả, mình sinh ra đã mang dòng máu ấy rồi, không còn con đường nào nữa. Thầy Mân thì khác, con đường đến với cách mạng của thầy là một quá trình đấu tranh chiến thắng mọi cám dỗ.

Hồi Pháp thuộc thầy đã học xong trung học. Trong kháng chiến chống Pháp thầy đi bộ đội vệ quốc, vì sức khoẻ yếu phải xuất ngũ về dạy học tại trường cấp II tư thục Tam Thanh. Đầu năm 1955, ngay sau khi thiết lập được chính quyền, bọn phản động tại địa phương cố tình mua chuộc, lôi kéo thầy Mân ra làm việc cho chúng. Thầy Mân tìm mọi lý do từ chối, không cộng tác với chính quyền Ngô Đình Diệm. Mãi đến khi có Luật 10/59, bọn chúng đặt ra nhiều quỷ kế, chặn hết mọi nẻo đường, buộc thế thầy phải nhận lời ra làm Ủy viên kinh tài xã Kỳ Anh.

Rồi một hôm, đột nhiên hai công an Phòng nhì quận Tam Kỳ đến trụ sở xã Kỳ Anh, đọc lệnh bắt tống giam ông Nguyễn Mân. Bọn chúng đưa ông “Ủy viên kinh tài xã” đã “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” ra giam tại nhà lao Mang Cá 3 năm. Sau vụ đảo chính Ngô Đình Diệm, can phạm chính trị Nguyễn Mân mới được “phóng thích”. Về quê, thầy Mân mở lớp dạy tư. Tôi và nhiều bạn bè khác trong xã, nghe lời cha mẹ không lên Tam Kỳ mà đến Thầy xin “nhập môn”. Vừa kết thúc lớp đệ thất, niên khoá 1963-1964 thì cách mạng về giải phóng xã Kỳ Anh, thầy Tám Mân cùng lũ học trò chúng tôi lập tức gác việc học, thoát ly tham gia cách mạng.

Tháng 6 năm 1965, Huyện uỷ Bắc Tam Kỳ bố trí thầy Mân biên tập tờ Tin tức của huyện. Lúc đó, tôi là người viết và in ly tô của huyện nên mới gặp được thầy. Sau đó do yêu cầu công tác, tôi theo các chú ở Giáo dục Khu 5 lên phía núi Trà My. Tôi thầm nghĩ, lên chiến khu mình được phần an toàn hơn. Còn các cơ quan huyện đóng ở đồng bằng, ác liệt lắm. Tôi linh tính ái ngại cho thầy. Người như thầy, một trí thức ở tuổi 35, đang độ tài hoa, là mẫu người đáng kính của tôi mà rủi có chuyện gì thì thật nghiệt ngã.

Trong phút chia ly, thầy nắm tay tôi ân cần dặn dò: - Chiến tranh còn dài lắm, sức vóc em còn quá nhỏ, ráng chịu đựng nghe.

Thầy còn muốn dặn dò điều gì nữa, nhưng đột nhiên lặng yên, nhìn tôi...

Có lẽ thầy sợ nói ra nhằm phải điềm gở. Bởi, lửa bom đang bủa giăng khắp mọi nẻo đường…

Đầu năm 1968, từ Trà My xuống Kỳ Thịnh gùi mắm, trên đường đi gặp một người đồng hương Kỳ Anh, tôi được biết thầy Mân vì ít được cấp trên tin tưởng nên đã bỏ về dưới quê rồi.

Trời ơi! Trong cuộc chiến đấu sinh tử này, người thầy lý tưởng của tôi lại rời bỏ vị trí chiến đấu. Cái tin ấy làm tôi choáng váng. Có thể thế chăng? Tôi cố gạn hỏi lý do tại sao thầy ít được tin tưởng, đến nỗi phải bỏ về quê. Mà ở dưới vùng Đông mình còn khó khăn, ác liệt hơn trên này nhiều, chết sống như trở bàn tay chứ sướng ích gì mà về. Người đồng hương ấy chép miệng:

- Thật là tội nghiệp, cách mạng không trọng dụng Tám Mân thì thật sai lầm. Ổng là nhà báo của huyện, có mấy người làm được chuyện cách mạng giao như ổng, giỏi lắm mới làm được đấy. Giữa cuộc chiến vô cùng ác liệt này mà vẫn còn lòng người đố kỵ đấy em ạ.

Anh lặng yên. Hình như mặt anh đỏ lên, tiếp tục hơi nghèn nghẹn: - Cái ông gì đó có trách nhiệm duyệt Tờ tin, nhưng ổng đi công tác ở vùng Đông, bị kẹt luôn dưới đó. Do yêu cầu phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền thời chiến, Tám Mân quyết định cho in phát hành Tờ tin. Khi trở về ông thủ trưởng ấy không biểu dương mà còn kiểm điểm. Lý do là Tám Mân chưa phải đảng viên mà tự động làm chuyện vượt nguyên tắc. Tám Mân là kẻ sĩ, không chịu được thái độ cực đoan, xúc phạm lý tưởng của ông thủ trưởng kia nên phải bỏ về làm người dân trụ bám dưới vùng Đông mình đấy. Ông Tám Mân là người từng trải, điềm tĩnh, lịch thiệp, học rộng mà hành động như vậy thì bọn mình làm sao hiểu nổi. Tôi không dám đánh giá gì về ổng cả.

Vào giữa năm 1969, cũng trên đường đi công tác tôi gặp anh Thiêm người bà con với thầy Mân. Tôi hỏi về thầy, anh Thiêm lặng yên một hồi lâu rồi rưng rưng trong câu chuyện:

- Khi anh Tám về quê, tôi đang công tác ở thôn Quý Thượng. Tình hình dưới mình quá khó khăn. Địch càn quét, đánh phá dữ dội. Ngày nào cũng chạy càn, cũng chui hầm bí mật. Em biết đấy anh ấy thanh mảnh, yếu ớt lắm chỉ biết dạy học, viết báo, làm thơ chứ lao động chân tay có được đâu. Thôn Quý Thượng của tụi anh ở sát nách địch. Anh phải lo cho ảnh nhiều, sợ ảnh chết lắm. Anh đã đào 2 cái hầm bí mật cho ảnh nấp riêng. Anh không thể nấp chung với ảnh. Dòng họ anh ít đàn ông, rủi có chuyện gì thì không còn người trụ cột sau này. Hôm 20 tháng 5 âm lịch năm ngoái (Mậu thân-1968), sáng sớm địch đã đổ quân ồ ạt vào các thôn Quý Thượng, Tỉnh Thuỷ, Kim Đới, Ngọc Mỹ. Chúng phối hợp đủ các binh chủng: xe tăng từ Tam Kỳ càn tới, Biệt lập từ Kỳ Trung kéo lên, lính Cộng hoà từ HU1A đổ xuống. Tôi thấy tình hình khác quá, địch càn rất lớn, sợ chúng sẽ chiếm đóng lâu dài nên kéo anh Tám cùng chạy ra xóm Ấp Bắc, thôn Kim Đới. Ở đó tụi tôi có xây dựng một cái hầm bí mật dài lắm, đủ chứa được cả trung đội. Chui xuống đó đông người, nếu địch chiếm đóng lâu dài thì bàn nhau tìm cách vượt ra rồi thoát ly lên trên này luôn. Anh Tám đồng ý theo tôi.

Bọn mình nằm ở dưới hầm bí mật mãi tới hơn 3 giờ chiều, thường là đến tầm này thì địch rút quân về căn cứ. Ở muộn nữa chúng sợ ta tập kích. Đột nhiên nghe xe tăng rùng rùng chạy tới. Nó xông thẳng vào nơi chúng tôi đang nấp rồi dừng lại. Hầm đã bị lộ. Chúng đào tung nắp hầm, ném quả khói vào mù mịt, nghẹt thở. Sáu người trong số 11 người chúng tôi không chịu nổi chui lên. Một người bị chúng nó bắn chết, 5 người bị bắt. Tám Mân là người thứ 7 vọt lên khỏi miệng hầm. Quyết không để rơi vào tay giặc, anh vừa chạy vừa hô: Hồ Chí Minh muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Mặt Trận dân tộc giải phóng…

Tiếng hô chưa trọn vẹn, một loạt AR15 nổ xé gió. Anh Tám ngã ngay tại chỗ.

Tôi và 3 đồng chí nữa nằm lỳ dưới hầm, liều chết đợi trời tối tìm cách trốn thoát. Tôi nhận định địch sẽ khó ở lại đây đến lúc trời tối, mà bây giờ cũng đã hơn 5 giờ rồi. Biết đâu chúng sẽ bỏ đi, mình sẽ sống. Liền sau đó, nghe tiếng bà con trong xóm Ấp Bắc chạy ra khóc lùm úm. Kinh nghiệm chiến tranh cho biết địch đã rút quân. Bọn tôi vọt lên khỏi miệng hầm, thấy anh Tám Mân nằm vắt người trên bờ mương. Cắn răng đau điếng, mình vào nhà ông Hoà gần đó xin một miếng phên cốt, một cây đòn và nắm lạt tre đem ra bó xác anh Tám, băng đồng khiêng về Quý Thượng. Tình hình quá căng thẳng, ngày mai địch có thể trở lại, anh em tôi phải khiêng anh Tám lên nổng cát sau nhà, chôn luôn trong đêm.

Anh Thiêm nói tiếp trong xúc động: - Mấy tháng sau, đồng chí thủ trưởng có lòng hoài nghi anh Tám cũng đã hy sinh trong một trận càn của địch ở xã Kỳ Quế. Anh Tám của tôi, một nhà báo phải bỏ về làm dân trụ bám và đồng chí ấy đều đã chết dưới làn đạn của kẻ thù. Nếu gặp lại ở bên kia thế giới, chắc chắn hai người sẽ ôm nhau khóc nức nở.

Nghe anh Thiêm kể về cái chết của thầy Mân, tôi rưng rưng yên lặng. Từ biệt anh, tôi lại tiếp tục những bước gập ghềnh trong tâm hồn chênh vênh suy ngẫm về lòng người, về tình đồng chí, về người thầy lý tưởng và uẩn khúc chiến tranh. Trong muôn vàn sắc thái biểu hiện về lòng yêu nước thì chữ trung liệt, sắt son kia cũng có ba bảy đường. Duy có một sự thật tự nhiên, gần gũi như cỏ cây, như củ khoai hạt lúa và thiêng liêng như máu thịt, như trời đất đó là: Tiếng hô suy tôn của Liệt sĩ - Nhà báo Nguyễn Mân về Bác Hồ, về Đảng sẽ luôn vang vọng trong lòng người dân vùng Đông quê tôi. Và, tiếng hô cuối cùng ấy đã vô hình chung nhắc nhở những ai đó trên đời này: Hãy cẩn thận khi đánh giá về một con người…

Nguồn Văn nghệ số 25/2020


Có thể bạn quan tâm