April 25, 2024, 5:05 am

Một người xứ Thanh đáng kính

 

Nhà văn Trần Hiệp sinh ngày 25/2/1936, mất ngày 26/2/2021 tại Hà Nội. Quê quán: Chính Đa, Quảng Chính, Quảng Xương, Thanh Hóa. Nguyên Trưởng Phòng Phóng viên Báo Thanh Hóa, Phó Ban Thư ký Hội Nhà báo Thanh Hóa, Trưởng Ban Văn Xuôi Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa 3 khóa. Nghỉ hưu từ 1998.

Các tác phẩm chính đã xuất bản: Tiểu thuyết: Mặt trận đường sông, Kho báu một dòng họ, Nữ ký giả vào đời, Gặp lại đối thủ, Chuyện vặt thời hậu chiến, Thời chưa xa, Huyền thoại một dòng sông, Trầm tích Hàm Rồng, Lạc đàn, Trong bão lửa, Giải hạn, Quân sư Đào Duy Từ, Hồng nhan phiêu dạt, Bạch Kim... Truyện ngắn: Đám cưới kỳ lạ, Quẻ bói, Trăm mối tơ vương, Nỗi niềm hãy hiểu cho nhau... Truyện ký: Người bến thép, Xi măng Bỉm Sơn, Sa lưới, Vũ khúc thời gian. Đặc biệt là Tuyển tập Trần Hiệp gồm 8 tập (16.000 trang, xuất bản năm 2019). Sinh thời, nhà văn tâm sự về nghề: “Mỗi nhà văn có một cung bậc khác nhau, viết gì cũng chỉ nhằm phục vụ hạnh phúc con người, nhưng khó lắm, cuối đời suy ngẫm:

Từng dòng chữ tuôn ra như máu đổ

Viết suốt một đời chưa đi hết chữ TÂM

*

Nghĩ đến Trần Hiệp mấy chục năm trước của thế kỷ XX, tôi nghĩ đến những phóng sự về những trận chiến đấu ác liệt ở Hàm Rồng, cầu Đò Lèn, bến phà Ghép quê hương ông thời chống Mỹ... Những phóng sự điều tra về những mặt trái của xã hội những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, nhiều nhà báo hồi ấy lảng tránh thì ông là người dám nói và viết những điều “nhạy cảm” nhất. Đó là những vụ thụt két ngân hàng, rút ruột kho lương thực, cướp giật trên tầu hỏa, các vụ tiêu cực trong cơ quan nhà nước... được bạn đọc đặc biệt quan tâm. Những bài phóng sự đó sau này in thành tập Sa Lưới và tái bản nhiều lần. Viết những mặt trái của xã hội cũng gây khó dễ và phiền hà cho ông khá nhiều. Có lần đối tượng bị lên án, ban đêm đã bắn vào nhà ông, trúng giường ông nằm, nhưng ông không nản chí.

Nhưng tôi ấn tượng nhất là, một lần, xem mạng, nhìn thấy hình ảnh nhà văn Trần Hiệp tặng 200 triệu đồng từ sổ tiết kiệm nhiều năm của ông cho quĩ Khuyến học của xã nhà Quảng Chính, huyện Quảng Xương Thanh Hóa. 200 triệu đồng với các đại gia bây giờ thì không là gì nhưng với người sống và viết bằng nhuận bút là cả một khoản tiền lớn và với nhà văn khi đã về hưu thì lại càng là một việc lớn. Vấn đề tôi kính phục là Trần Hiệp là nhà báo, nhà văn bình thường, không chức sắc quyền thế gì, mà người xưa đã có câu: Nhà văn nhà báo nhà giáo nhà đài/ Bốn nhà cộng lại thành hai nhà nghèo. Ngẫm lại, ông đã làm được một việc lớn. Đúng như cái điều ông đã nói trong suy nghĩ về nghề văn: Viết suốt một đời chưa đi hết chữ TÂM.

Một lần khác, xem mạng, tôi được biết, ông thông tin đã in xong bộ Tuyển tập Trần Hiệp có dung lượng dày đến 16.000 trang. Tôi ngạc nhiên về khả năng làm việc một đời viết của ông. Tất nhiên, với một nhà văn, viết ít nhưng hay và để lại được dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc mới là vấn đề quan trọng nhất chứ không phải là viết nhiều. Nhưng viết được khối lượng dày dạn đến như thế, dễ mấy ai trong đời làm được mà ông lại hàng chục năm ốm đau. Mặt khác, với sự xuống cấp của văn hóa đọc như hiện nay thì các nhà văn lớn còn chưa đọc hết của nhau, nói gì đến người đọc thông thường, làm sao tạo dấu ấn cho họ bằng cách đọc hàng nghìn trang sách ở cái thời buổi cái gì cũng phải đọc thật nhanh này. Với 31 đầu sách được ấn hành, 15 cuốn tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, 6 tập bút ký, 2 tập truyện viết cho thiếu nhi đã làm nên một nhà văn danh giá Trần Hiệp và được nhiều giải thưởng văn học cao quí.

Trần Hiệp, một con người xứ Thanh khác biệt mà tôi biết. Thẳng thắn, cương trực đến cực đoan... đến đáng yêu, nhưng rất mang tính xây dựng và đoàn kết.

Tôi rất kính trọng nhân cách và đặc biệt là chữ Tâm của nhà văn Trần Hiệp, một nhà văn Xứ Thanh mà tên tuổi và tác phẩm của ông để để lại cho đời dày dạn và sâu sắc. Thế hệ trẻ xã Quảng Chính và cả huyện Quảng Xương sẽ không quên được ông, nhà văn Trần Hiệp, người đã tặng quà khuyến học cho các cháu. Nhưng cái quan trọng hơn là ông muốn lớp học trò sau ông sẽ nối tiếp cha ông làm nên sự nghiệp lớn cho quê nhà giàu đẹp hơn cái thời ông đã sống… Làm sao quên được nhà báo Trần Hiệp, một nhà báo xông pha một thời chống Mỹ cứu nước với những bài viết sắc sảo và đầy tính cổ vũ chiến đấu. Thật là một nhân cách đáng kính của một nhà văn cao tuổi, một trí thức xứ Thanh.

Nguồn Văn nghệ số 10/2021


Có thể bạn quan tâm