April 25, 2024, 6:20 pm

Một ngày của A Biu

 

Bạn hỏi Tây Nguyên có gì vui mà cứ trở lại miết vậy? Tây Nguyên mê hoặc đâu cứ phải theo mùa? và Kon Tum quyến rũ theo cách riêng của phố núi nhỏ tưởng như lượn vài vòng xe máy là hết phố. Ít ai biết Kon Tum là miền cao nguyên cát trắng, khác Gia Lai và Đăklăk là cao nguyên đất đỏ. Phố Kon Tum nhỏ lắm, vì lướt một loáng hết phố là đến buôn làng. Bạn nhắn lên Kon Tum thì đến chỗ A Biu.

Từ Kon Tum lên Ngok Bay không quá xa nhưng với người mù mờ đường xá thì là một khó khăn đáng kể. Gọi điện cho A Biu thì nghe giọng đàn ông trầm ấm, nói đến chỗ sạt lở thì gọi, sẽ ra đón. Bỗng lo lắng và hơi nản, cơ mà lại nghĩ không đi sao được?

Nghệ nhân miền sơn cước A Biu biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Ảnh Internet

Nhớ ra bạn văn nơi đâu trên đất nước này đều mang phẩm chất nhiệt tình chu đáo. Chỉ sau cú điện thoại là nhà thơ Tạ Văn Sĩ có mặt, anh nói chừng 10 cây số thôi, biết nhà A Biu rồi. Vậy là rong ruổi trong buổi sáng Kon Tum giống như tiết mùa thu xứ Bắc, bảng lảng mây, nhè nhẹ gió, háo hức với nắng cao nguyên.

Nhà thơ Tạ Văn Sĩ bảo, đi thực tế là phải đi bằng xe máy mới thích cơ. Ừ thì đã biết Tạ Văn Sĩ từng chở thơ đi từ đầu này Tây Nguyên đến đầu kia Tây Bắc, cả anh và con ngựa sắt già nua này đã nổi như cồn trong giới văn chương rồi. Cỡ mình làm sao đủ bản lĩnh dám mà phượt như gió tung tẩy trên rừng Tây Nguyên vậy?

Con đường lên Ngok Bay vốn là lộ 14 đi Măng Đen, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, nên xe cộ tấp nập. Con lộ nhỏ vừa hai làn xe chạy, giờ thêm xe máy xuôi ngược. Thế mà cũng phải dừng lại vì một cái tai nạn ở đoạn đường rẽ lên Ngok Bay. Nhà thơ Tạ văn Sĩ bảo, giờ đường này là to ra rồi đấy, đường cũ chỉ một ô tô đi lọt, muốn tránh nhau phải dừng lại.  Tay lái lụa Tạ Văn Sĩ dễ dàng vượt qua khúc sạt lở do đường ăn sâu vào eo núi, mưa ngấm sũng nước, đất đổ ập xuống tràn gần kín mặt đường, từng ô tô, xe máy cẩn thận bò qua khúc đường cong gấp tay áo, và phía dưới kia là dòng sông Đăkbla cuộn chảy mênh mang trong mưa cao nguyên.

Nhà A Biu là ngôi nhà sàn kiểu nhà Barna, hàng cột hiên trang trí hoa văn sặc sỡ, song cửa sổ đẽo gọt cầu kỳ theo đường dích zắc. Gầm sàn tận dụng bày đồ dệt thổ cẩm, măng khô, mật ong rừng, nhưng với A Biu “du lịch hommestay” là cái gì đó quá mới mẻ.

Người đàn ông tuổi Đinh Tỵ, dáng cao gầy rắn chắc, mái tóc dài rủ qua vai, khuôn mặt dễ gây thiện cảm bởi nước da nâu sạm nắng gió cao nguyên, và đôi mắt tinh anh của người sống nhiều ở rừng. A Biu đón chúng tôi ở khuôn cổng bằng gỗ, có treo cái chiêng như đánh dấu sự khác biệt với căn nhà khác trong làng. A Biu bảo, hôm nay nhà A Biu sẽ đón các cháu tiểu học đến vui Tết Trung Thu, tổ chức cho các cháu vui. Chứ bình thường thì A Biu đã đi rẫy, làm ao cá, đi dạy chinh chiêng ở trường học, ở các làng xa. Vậy là hôm nay, chúng tôi gặp may.

Tôi ra vườn có nhiều cây cổ thụ như khu rừng nhỏ. Gặp cây Chòi Mòi, hái chùm quả đỏ chói đẹp như hạt cườm, lá cây Chòi Mòi vò nát, lọc lấy nước gội đầu tóc đen và mượt lắm. A Biu trồng Chòi Mòi để thỏa nỗi nhớ rừng và suốt đời thương nhớ mái tóc dễ thương. Người vợ của A Biu tuổi lục tuần mà nhanh nhẹn như con sóc chuyền cành, mái tóc đen nhánh không tuổi. Cả hai từng lang thang trên những cánh rừng Kon Tum huyền bí để rồi dừng chân ở Ngok Bay với nhiều khát vọng. Cây Chòi Mòi rì rào trong gió kể về tình yêu mãi cùng thời gian.

 Còn những khế, ổi, xoài, sơ ri đang mùa quả, trưa nào trẻ con cũng ào vào, xanh chín gì cũng hái hết à, cây trái trong vườn để cho lũ trẻ ăn thôi, nhưng vào vườn phải xin phép, không nuông đâu trẻ sẽ hư  nhanh lắm. Vẫn thấy A Biu như một thầy giáo chu đáo cho dù đã xa nghề dạy học mấy chục năm. Tiếng ríu rít con trẻ và văn hóa Barna cùng tồn tại trong A Biu.

Tôi nghỉ trưa trong căn phòng sơ sài, nghe tiếng chân thậm thịch chạy ra chạy vào của lũ trẻ. Qua cửa sổ, thấy chúng nấp bên hàng rào, gọi nhau như chích bông ríu ran qua nách lá. A Biu bỏ giấc trưa, và lát sau đã nghe âm thanh rộn rã của chinh chiêng từ dưới vườn như Tây Nguyên đang mùa lễ hội.

 A Biu đang say mê dạy bọn trẻ đánh chinh chiêng. Những đứa trẻ gầy gò, có đứa xách cái chinh to vẹo cả người, duy đôi mắt sáng ngời say mê đung đưa dàn chinh chiêng theo nhịp chỉ huy của A Biu. Ngày nay, khi những đứa trẻ ở phố chỉ gặp siêu nhân người Nhện, người Sắt của thế giới ảo thì những âm thanh chinh chiêng rộn rã trong tâm hồn trẻ thơ ở NgokBay như dòng nước đầu nguồn mát lành trong trẻo chắt ra từ núi rừng.

  Bằng giọng ưu tư, A Biu nói ước muốn chinh chiêng của người Banar được tuôn chảy sang thế hệ tiếp nối. A Biu mở lớp dạy cho trẻ từ ba tuổi, học cấp hai đã đánh chinh chiêng như nghệ nhân, nhưng rồi bọn trẻ lớn lên đi học, ra thành phố kiếm sống. Tôi hiểu, những em bé tuổi mẫu giáo, tiểu học, mang đôi mắt trong veo như ánh trăng đến nhà ABiu học chinh chiêng. Nếu không còn rừng nguyên sinh và âm thanh bi hùng của chinh chiêng, thì Tây Nguyên còn gì mà hùng vĩ?

 Khách phương xa đều tìm đến làng Plei K’lech và ngôi nhà sàn nhỏ xinh giữa vườn cây rập rạp. A Biu không sinh trưởng từ ngôi làng này, vùng quê của A Biu bị lấy làm thủy điện, A  Biu không chịu nổi làng định cư có những căn nhà như hộp diêm xếp cạnh nhau. A Biu dừng chân ở mảnh đất hoang rìa làng, vì A Biu nhớ rừng, muốn nhìn thấy con suối chảy hàng ngày. A Biu mua mảnh đất bằng 50 ký thóc, là cái ăn của một năm, tuy họ hàng và vợ con A Biu phản đối. Việc A Biu làm xuất phát từ bản năng yêu và giữ lại giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, A Biu đã có sự ủng hộ của gia đình và chính quyền xã Ngok Bay.

A  Biu không muốn làm homestay, cho dù có nhiều khách Tây muốn trải nghiệm ở căn nhà giữa vườn cây tốt um rậm rạp như rừng này. Họ muốn nghe tiếng con suối nhỏ róc rách chảy qua sa mạc tâm hồn khô khát căng ra vì đời sống công nghiệp. Muốn thả hồn vào âm vang chinh chiêng trầm hùng của Đam San, Xing Nhã. Muốn chìm trong dịu dàng của nàng Hơ Nhí, Hbhi có thân hình như uyển chuyển như ngọn lửa, có đôi mắt sáng như mắt hươu nai trong rừng thẳm.

 Đôi mắt đặc biệt sáng của A Biu thoáng chùng xuống, có phải ai cũng hiểu hết việc mình làm đâu? A Biu theo đuổi chinh chiêng như một cuộc chơi cả đời đắm đuối. A Biu không hiểu kiến thức lý luận về văn hóa dân tộc, đơn giản là giữ lại cái đẹp trong phong tục người Barna.

  A Biu cho tôi xem cái ching lớn nhất, có vô số vết máu con trâu cúng Zàng trong mùa lễ hội, như linh hồn của làng gửi lên cho thần linh. A Biu đã dành cả đời để sưu tập từng cái ching chiêng, vốn lang thang rải rác trong cộng đồng Barna. Hỏi Kon Tum có bao nhiêu ngọn núi đã in bàn chân gian khó của A Biu, đi theo tiếng vọng ngàn đời bằng niềm say mê bất tận để đưa được dàn chinh chiêng về nhà? Kể chuyện với tôi mà đôi mắt A Biu ánh lên niềm tin sáng lấp lánh, bây giờ thì các con cũng ủng hộ rồi. Nếu mình không làm thì con cháu đâu biết tiếng gọi của thần linh và tổ tiên?

 Trong đời này có những việc đến như số mệnh định sẵn. Với A Biu đó là việc chỉnh âm thanh chinh chiêng cho đúng trường độ, cao độ, phù hợp nốt nhạc trong dàn chiêng. Việc A Biu cặm cụi sửa chiêng cho ngân lên âm thanh giai điệu như mong muốn, đã khiến A Biu trở thành người chỉnh sửa chinh chiêng giỏi nhất vùng.

A Biu cho tôi xem chiếc búa sửa chiêng nhỏ bằng ba ngón tay màu đồng vàng óng. Chiếc búa do người bạn của cha A Biu mang về từ Campuchia, đã tặng lại, cha A Biu đã gìn giữ nó như báu vật, truyền lại cho con trai. Có người tìm đến và trả giá trăm triệu, nhưng A Biu không bán. Lúc cần tiền nhất đã qua rồi, bây giờ chiếc búa chỉnh chiêng này như tâm hồn A Biu vậy.

   Một lần chỉnh chiêng được trả công nửa triệu đồng, nhưng A Biu không lấy tiền, thường khi chỉnh chiêng cho nhà văn hóa cộng đồng, trường học, trung  tâm văn hóa. A Biu mong muốn cho văn hóa Barna được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng. Khi chạm đến di sản chinh chiêng, ngôn ngữ và phong tục Barna, A Biu vụt trở thành con người khác, như cá bơi trong nước.

A Biu cho tôi hiểu tại sao cái cối giã gạo gắn bó với người đàn bà Tây Nguyên? Tại sao chiếc cối giã gạo tại sao lại được đặt ở đầu sàn hướng về phía mặt trời mọc hoặc mặt trời lặn, hoặc đặt ở chân cầu thang? Bởi người đàn ông Tây Nguyên phóng khoáng như gió rừng thổi ào ạt hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Người đàn bà ở nhà, nuôi con chăm mẹ già, bao nỗi nhớ mong gửi vào cối giã gạo.Tiếng chày giã gạo sáng sớm, khi canh khuya, bươn bả đuổi theo ngọn gió rừng, mong người đàn ông biết đường về nhà.

Trong khuôn viên A Biu bày rất nhiều cối giã gạo dọc theo lối ra vườn, chân cầu thang. Nhìn chiếc cối giã gạo bằng đá mòn vẹt, cái sứt mẻ miếng lớn, hình dung ra số phận người Barna luôn tồn tại trong thao thức cộng đồng, mà A Biu là một trong những người giữ lửa.

  A Biu đã yêu nghề dạy học biết bao? A  Biu đưa tôi về cánh rừng hoang vu, con đường sỏi đá len lách qua buôn làng xa xôi để gieo con chữ cho những đứa trẻ thiếu ăn. A Biu bảo 15 năm làm thầy giáo là nhiều đam mê nhất, và hạnh phúc nhất là khi vì lũ suối mà A Biu đến lớp muộn, những đứa trẻ chân đất đứng tràn ra bên mép suối đợi A Biu. Bọn trẻ chỉ hân hoan vui sướng tột độ khi thấy bóng thầy giáo A Biu thấp thoáng bên kia suối. A Biu kể từng làm phó hiệu trưởng nhiều năm, nhưng khi trường cần hiệu trưởng thì lại không phải là A Biu… A Biu không cần làm hiệu trưởng, mà chỉ muốn dạy chữ. Những tỵ hiềm lại không chịu hiểu A Biu. Chưa từng lùi bước trước cơn lũ suối nào, nhưng A Biu phải chịu thua cơn lũ cuộc đời. A Biu bảo, tự xin thôi làm thầy giáo, chỉ thương lũ trẻ con. A Biu nuôi tình thương yêu với lũ trẻ bằng cách dạy học. Bây giờ A Biu đến các trường phổ thông để dạy chinh chiêng. A Biu được thỏa mãn tình yêu với nghề dạy học, và thế hệ trẻ được bồi đắp tình yêu văn hóa Barna. A Biu cần mẫn giữ gìn ngọn lửa nuôi dưỡng tâm hồn người Tây Nguyên trên cao nguyên đầy nắng gió này.

  Tôi nghe giọng nói sôi nổi, trẻ trung, và nghĩ A Biu làm sao già đi được? Tôi ngắm mái tóc khi buông thả phất phơ, khi buộc túm đuôi gà, và nghĩ gió rừng còn mang A Biu đi xa lắm. Tôi ăn bữa trưa có canh măng chua nấu cá suối, thịt bò xào măng tươi, có khô cá nục rán, có bà chủ nhà ngồi bên xới cơm, đơm canh và rót chén rượu nhỏ đủ gây men say ngây ngất. A Biu ăn ít vì dạ dầy bị cắt rồi, vợ A Biu cười và nói nhỏ nhẹ, cứ ăn cho no cái bụng nha, kệ A Biu đi. Chị bảo đang nướng gà, cơm lam cho thầy cô giáo và học sinh trường trung học cơ sở, còn A Biu sẽ tổ chức múa Xoang, và nhà văn nên ở lại nhen. Tôi nghĩ, A Biu đi qua mưa gió rừng già là nhờ nụ cười nhỏ nhẹ ở bên như thế này

 Khi dàn chinh chiêng cất tiếng hoan ca, thì nhà A Biu như công chúa ngủ trong rừng nay thức giấc. Tôi lo, lần sau trở lại, không gặp A Biu phóng khoáng như gió rừng cao nguyên? Bài toán kinh tế du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa truyền thống khi nào cũng đầy nút thắt mà thiếu người gỡ?

Ai đó nói nghệ sĩ luôn cô đơn khi sáng tạo? ở làng Plei k’lech, A Biu là nghệ sĩ cô đơn đích thực. Ban đầu người làng tò mò A Biu mang rượu mang gà, mang gạo đổi chinh chiêng, cái cối, con dao, con rựa, cái cuốc, cái chày...v.v để làm gì? ủy ban theo dõi A Biu vì thấy khách Tây đến nhà? Nhưng bây giờ ủy ban đã hiểu công việc của A Biu.

 Mùa mưa Tây Nguyên, khi thì vài đường mưa rơi lắc thắc, khi mấy giọt nắng rơi xuống bàn đá lung linh như rắc hoa. A Biu băn khoăn mời khách vào nhà, khách muốn ngồi bên con suối nhỏ róc rách, bên bụi cây rừng hoang dại, thấm đẫm mùi nước mùi cây mùi không khí trong veo.

 Tình cờ gặp một quan chức ngành văn hóa, anh đến nhà A Biu bằng xe máy, và ngồi im lặng cả buổi sáng trong vườn, cầm cây ghi ta hát vu vơ vài khúc nhạc Trịnh, anh nói vườn A Biu như nơi để tìm lại mình. Còn A Biu đang say mê nói về ước mơ muốn làm một bảo tàng về không gian sống của người Banar.

A Biu khoe tin mừng là sẽ được trao danh hiệu Nghệ Nhân Ưu Tú. Tôi mừng cho A Biu, từ đây  có niềm tin và nhiều cơ hội làm nốt ước mơ dang dở, văn hóa Barna sẽ được nối dài từ quá khứ đến hiện tại, hòa nhập vào cuộc sống hiện đại trong thao thức về cội nguồn. Từ biệt A Biu trong cái bắt tay nồng ấm mà không biết khi nào trở lại, nhưng vườn A Biu sẽ là nơi tôi kể với bạn bè về Kon Tum.

Nguồn Văn nghệ số 43/2019

 

 

 

`


Có thể bạn quan tâm