March 29, 2024, 12:53 pm

Một mối quan hệ nghĩa tình đặc biệt

KỶ NIỆM 175 NĂM, NĂM SINH DANH NHÂN VĂN HÓA ĐÀO TẤN (1845-2020)

Theo nhiều nguồn tư liệu lịch sử hiện có, trước khi vào Sài Gòn tìm đường cứu nước (1911), Nguyễn Tất Thành (tên gọi thời trẻ của Bác Hồ) đã cùng cha và anh trai từ Huế vào sinh sống, học tập tại Bình Định trong khoảng thời gian hơn một năm (từ tháng 5/1909 đến tháng 7/1910). Thời gian này, Nguyễn tất Thành thường cùng cha đến thăm gia đình cụ Đào Tấn tại xã Phước Lộc, huyện Tuy phước, sau đó vào Phan Thiết làm trợ giáo ở trường Dục Thanh, rồi mới đi Sài Gòn.

Như vậy, từ lúc thiếu thời đến lúc ra đi, thì Bình Định cùng với An Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay); Thừa Thiên Huế, Bình Thuận và thành phố Sài Gòn, là những địa phương đã gắn bó với sự nghiệp của Bác, và dấu ấn văn hóa từ những vùng đất đó, ít nhiều cũng có những ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm hồn của Bác để góp phần tạo nên khí phách Hồ Chí Minh, mà tình bạn vong niên giữa cụ Đào Tấn, Đại quan của Triều Nguyễn, một nghệ sĩ lớn của dân tộc, và cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác, cũng là sợi chỉ đỏ để tạo nên những cảm xúc ấy…

*

Như chúng ta đã biết, năm 1894, sau khi Nguyễn Sinh Sắc đỗ Cử nhân tại Trường thi Nghệ An, Đào Tấn đã khuyến khích và giúp đỡ, đưa gia đình vào Huế để tiếp tục học hành thi cử. Lúc đó, cậu bé Nguyễn Sinh Cung vừa tròn 4 tuổi. Theo những bài viết của các nhà nghiên cứu sâu về thời thơ ấu của Bác, thì ngày đó, nghệ thuật hát ca trù, ví, giặm, phường vải và nhất là tuồng cổ xứ Nghệ đã phát triển hết sức mạnh mẽ, bởi ngay từ năm 1889 (trước một năm ngày Bác ra đời), Đào Tấn đã làm Tổng đốc An Tĩnh; và tại tư dinh của mình, ông đã thành lập rạp hát Như thị Quan - một cuộc cách mạng trong thế giới quan, nhân sinh quan của nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Vì thế, trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ lúc ra đời đến năm lên bốn, lên năm tuổi, đã thấm đẫm chất dân ca Nghệ Tĩnh (qua lời ru của thân mẫu, bà Hoàng Thị Loan trên vùng đất địa linh nhân kiệt Nam Đàn nổi tiếng); và tuồng cổ, bởi ông Nguyễn Sinh Sắc là bạn “vong niên” với “ông tổ” Tuồng Đào Tấn (ông Nguyễn Sinh Sắc thua Đào Tấn 18 tuổi)…

Đến năm 1894, Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế, đúng vào năm Đào Tấn rời An Tĩnh về kinh đô (Huế) để giữ chức Thượng thư triều Nguyễn. Suốt trong thời gian đó, tuổi thơ của cậu bé Cung lại gắn bó với cha mình (ông Nguyễn Sinh Sắc đã được Đào Tấn thu xếp dạy học để có tiền sinh sống). Năm 1901, thân mẫu Hoàng Thị Loan mất, 11 tuổi, Nguyễn Sinh Cung theo cha và anh là Nguyễn Sinh Khiêm về lại quê nhà Kim Liên, Nam Đàn. Lúc đó, Đào Tấn đã ra làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai (1889-1902). Thế là cậu bé Cung lại tiếp tục được về Vinh để xem tuồng Đào Tấn và được nghe cha mình cùng Đào Tấn và các bậc nho sĩ xứ Nghệ đàm đạo về nghệ thuật ca hát, về nghĩa khí làm người, về đức độ và cách đối nhân xử thế, trong thời buổi đất nước đã bắt đầu nhiễu nhương, ly loạn. Suốt thời gian làm Tổng đốc trên đất Hồng Lam, Đào Tấn gần như đã tận dụng tất cả biên chế của nhân viên và lính tráng phục dịch trong dinh Tổng đốc, đồng thời tập hợp về đây những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của đất tuồng Bình Định và An Tĩnh, cùng nhau tập luyện và biểu diễn. Từ Duyệt Thị Đường ở đại nội Huế đến Như Thị Quan ở thành Vinh, đã báo hiệu một sự thay đổi có tính chất cách mạng của Tuồng hát Đào Tấn. Tại Như Thị Quan, với sự xuất hiện của hàng loạt vở diễn khác hẳn về chất so với những tác phẩm trước đó, như Khuê các anh hùng, Sơn Hậu cổ thành, Trầm hương các, Diễn võ đình, Hộ sanh đàn… Cuộc “làm mới Tuồng hát” mà Đào Tấn hằng ấp ủ, đã diễn ra rất mạnh mẽ, ông đã mạnh dạn trao hy vọng, niềm tin cứu nước, cứu dân vào những người hiện đang bị đặt ngoài vòng pháp luật ở trên núi cao hoặc đang phải tha hương. Triệu Khánh Sanh và Tiết Cương, những người anh hùng đang phải “vay” rất nhiều nợ gian nan, mà Đào Tấn từng nói rằng, đó là hình ảnh của các chí sĩ vùng đất An Tĩnh như Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng… đã hiện diện trên sân khấu của ông. Phải chăng, chất bi hùng của đất tuồng Bình Định và xứ Nghệ, qua tài năng, dũng khí của Đào Tấn, đã phần nào trở thành những ngọn lửa để nhen nhóm lên trong tâm hồn non nớt, thơ ngây của cậu bé Cung những cảm xúc đầu tiên về quê hương đất nước, về đồng bào và những con người đầy tình cảm, nghĩa khí, để 9 năm sau (năm 1911), Nguyễn Sinh Cung tròn 21 tuổi đã trở thành chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, rời bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước…

Việc nghiên cứu, chứng minh những giả thuyết trên là một việc làm hết sức cần thiết, nghiêm túc, cẩn trọng và khoa học của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến các địa phương, để làm sáng tỏ và khẳng định những vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ở bài viết này, chúng tôi chỉ ghi lại đôi dòng suy nghĩ để luận bàn về một vấn đề hết sức quan thiết: từ cảm xúc, tâm hồn Hồ Chí Minh, đến khí phách Hồ Chí Minh đã được nuôi dưỡng trong dòng chảy của nghệ thuật dân ca xứ Nghệ, kết hợp cùng nghệ thuật tuồng của đất tuồng Bình Định mà thiên tài Đào Tấn đã sáng tạo nên, ngay trên mảnh đất An Tĩnh địa linh nhân kiệt, nơi Đào Tấn đã gắn bó suốt 10 năm trong cuộc đời của một ông quan - nghệ sĩ - một tài năng lớn, một nhân cách lớn của nền kịch hát dân tộc Việt Nam! Và như thế, mối quan hệ giữa Đào Tấn và gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc ngay từ thuở Bác Hồ còn thơ bé, đúng là một mối quan hệ nghĩa tình rất đặc biệt!

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Có thể bạn quan tâm