April 19, 2024, 1:03 am

MỘT MẢNG VĂN HÓA NGA Ở VIỆT NAM

 

VĂN HÓA NGA ĐẾN VIỆT NAM

Luận cương Lênin (tên đầy đủ “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, được trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, 1920) của V. I. Lênin như mặt trời hiển hiện, biểu trưng cho ánh sáng của văn hóa Nga lần đầu tiên đến Việt Nam thông qua Ngyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sau này Người nhớ lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta đây, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Người đi tìm hình của nước (1960) đã viết: “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/ Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/ Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin/ Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/ “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”/ Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”. Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga ngày 30-6-1923 và ở lại đây đến khoảng đầu tháng 10-1924. Khi đó Lênin, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới, đã từ trần (ngày 21-1-1924). Nhưng ánh sáng của Luận cương Lênin vẫn mãi mãi như ngọn hải đăng dẫn dắt con tàu cách mạng Việt Nam. Sau này, trong những ngày hoạt động bí mật và gian khổ (1941-1945) ở Cao Bằng, trước hang Pác Bó, Người đã tạo dựng nên Suối Lênin và núi Các Mác như những biểu tượng của con đường giải phóng dân tộc: “Ai đã đến, ai chưa đến đó/ Có hòn núi Mác, suối Lênin/ Hãy về thăm quê ta Pác Bó/ Nơi Bác về nguồn nước mới sinh” (Tố Hữu - Trường ca Theo chân Bác). Trong những năm tháng bôn ba hoải ngoại tìm đường cứu nước, cũng như sau này trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh luôn tìm tòi trong nền văn hóa Nga những bài học quý báu để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đủ sức mạnh “soi đường quốc dân”.


Có thể bạn quan tâm