March 29, 2024, 2:41 pm

Một lời cam kết - Tại sao không?

 

Trong suốt nửa cuối tháng 7 và những ngày đầu tháng 8, dư luận cả nước dường như đã tăng nhiệt từng ngày khi những thông tin về gian lận thi cử xảy ra tại kỳ thi Quốc gia được coi là quan trọng nhất, nghiêm túc nhất  đã được chính những người trong cuộc (ở đây là Bộ chủ quản) và các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng, trên tinh thần sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Đây là việc làm cần thiết và được cho là cần phải tiến hành một cách quyết liệt để không chỉ lấy lại sự uy nghiêm cho giáo dục, mà còn loại bỏ khỏi ngành những con sâu đang làm mục ruỗng hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay

Ngay tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, trước hàng loạt chất vấn của thành viên Chính phủ và của đích thân Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, những sai phạm vừa qua tại các hội đồng chấm thi chưa đến mức phải xem xét việc nên hay không nên bỏ kỳ thi Tốt nghiệp PTTH Quốc gia, Bộ trưởng còn nhấn mạnh: “Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”.

Câu chuyện đề thi chưa phù hợp với kỳ thi (đề khó so với yêu cầu của thi THPT quốc gia, việc phản biện đề tuy có làm nhưng chất lượng chưa cao); phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ nhiều điểm yếu; Quy trình chấm thi giao cho địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có thể gian lận… là điều ai cũng nhận ra, song việc cần làm hiện tại là làm thế nào để đảm bảo chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới vẫn còn là bài toán chưa có lời giải…

Tuy nhiên, phải nói ngay rằng, để xảy ra sai xót trong lĩnh vực ngành quản lý thì việc người đứng đầu nhận trách nhiệm là chuyện không cần phải bàn cãi. Nhưng điều mà dư luận xã hội trông đợi từ Bộ trưởng không chỉ là nhận trách nhiệm rồi để đấy mà là một cam kết cụ thể, thỏa lòng dân chính là đến khi nào thì gian lận trong thi cả mới chấm dứt lại chưa có.

Còn nhớ, cách đây chừng ba năm, gian lận thi cử tại Phú Xuyên, (Hà Nội), ở Đồi Ngô (Bắc Giang), đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn học-thi theo kiểu đối phó, và cao hơn là căn bệnh thành tích trong giáo dục để rồi chính Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phải phát động phong trào nói không với thành tích, với nạn dạy thêm học thêm. Nhưng, sau tất cả những phong trào nói trên thì điều mà chúng ta đang có không phải là một nền giáo dục lành mạnh mà là một cái kết đau lòng mà chúng ta đã thấy trong kỳ thi 2018-2019. Không ai phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi, vì nhiều địa phương khác tổ chức kỳ thi tốt. Gộp kỳ thi 2 trong một cũng giảm bớt gánh nặng thi cử, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho Nhà nước cũng như người dân. Nhưng gian lận thi cử ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ thi THPT quốc gia, đó là sự thật hiển nhiên mà ngành giáo dục phải thừa nhận. Và lời cam kết ở đây nên được hiểu là một đòi hỏi chính đáng mà người dân có quyền đặt ra với Bộ trưởng và hiển nhiên lời cam kết ấy  không thể giống như  một vị đại biểu quốc hội từng nói “con đường dài nhất của Việt Nam là con đường từ lời hứa đến hành động”. Lời cam kết của Bộ trưởng phải rõ lộ trình, rõ thời gian, để con em chúng ta có thể bước vào giảng đường đại học với chất lượng thật, năng lực thật của chính mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tạo ra là một sản phẩm chất lượng cao ngay từ đầu để từng bước tiến gần hơn với mục tiêu: Giáo dục đại học Việt Nam có một chỗ đứng trong “Top 1.000” của thế giới.

 

 


Có thể bạn quan tâm