April 24, 2024, 9:48 pm

Một kẻ sĩ tài hoa vui tính

 

Nhà văn Hoàng Bình Trọng sinh ngày 18/01/1937. Ông quê gốc xứ Bồ Khê (Thanh Khê, Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Thuở nhỏ theo gia đình sang định cư xứ Hòa Ninh (Quảng Hòa, Quảng Trạch, tức thị xã Ba Đồn ngày nay).

Ông tốt nghiệp kỹ sư địa chất. Suốt tuổi thanh xuân, ông cùng các đoàn địa chất xuyên rừng tìm kiếm tài nguyên khoáng sản cho Tổ Quốc. Chính khoảng thời gian lặn lội theo các cánh rừng này, ông đã viết cuốn Bí mật một khu rừng. Đây là cuốn tiểu thuyết vào hàng kỳ lạ, hấp dẫn mọi lứa tuổi, đã được dịch sang tiếng Nga, được in lại ở trong nước lần thứ 7, và chưa thể gọi là lần chót. Hoàng Bình Trọng là một nhà văn tài hoa, hiểu cao biết rộng nhờ tự học. Ông giỏi cả chữ Hán, tiếng Nga lẫn tiếng Pháp. Mỗi lần điền dã đâu đó, có ông đi cùng, là chúng tôi được mở rộng tầm mắt. Đến một đền thờ, miếu cổ, việc đầu tiên là ông lặng lẽ vạch rêu, lần đọc các văn bia bị thời gian phong hóa. Và ông cho chúng tôi biết, đền miếu này thờ ai, khoảng thời gian nào, công tích ra sao...

Sự tài hoa của Hoàng Bình Trọng thể hiện trong gia tài sáng tác khá đồ sộ của mình. Ông xuất bản gần chục tiểu thuyết, 5 tập truyến ngắn và truyện dịch, 5 tập thơ và trường ca. Trong đó các trường ca nổi tiếng: Người anh cả của toàn quân viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và Anh hùng áo vải cờ đào viết về Quang Trung - Nguyễn Huệ, khá công phu, được bạn đọc đánh giá cao và rất yêu mến.

Con người Hoàng Bình Trọng đẫm chất kẻ sĩ, trung thực khoan hòa, không hám màng danh lợi. Càng không bon chen, khom mình, uốn lưỡi để được chút lợi riêng. Nhưng cuộc đời ông có lẽ vì thế không mấy may mắn. Nói đúng hơn, ông gặp khó ở những thời khắc quyết định số phận. Khoảng năm 1990, Hội Văn nghệ Quảng Bình tái lập (sau khi tách khỏi Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên tháng 7/1989), với một Ban Chấp hành lâm thời do nhà thơ Hoàng Vũ Thuật làm Chủ tịch, nhận được hồ sơ xin chuyển về công tác tại cơ quan Hội của nhà văn Hoàng Bình Trọng. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật mừng lắm, vì sau khi tách tỉnh, lực lượng văn nghệ sĩ trở về quê hương khá mỏng. Giờ có được nhà văn Hoàng Bình Trọng thì như được vàng. Ông liền làm văn bản trình Tỉnh ủy, xin được tiếp nhận Hoàng Bình Trọng. Nhưng khi vị cấp phó kiêm bí thư chi bộ cơ quan của Hoàng Vũ Thuật nhỏ nhẹ nói, sao một kỹ sư, lại trải qua mấy năm bộ đội vào chiến trường miền Nam, giờ vẫn không đảng viên? Câu hỏi nhẹ như gió thoảng ấy vậy mà có sức nặng ngàn cân. Kết quả là tờ trình xin tiếp nhận Hoàng Bình Trọng của Hoàng Vũ Thuật bị nằm xó vĩnh viễn...

Hoàng Bình Trọng (sau khi nghỉ ở trường trung cấp địa chất) lúc đó đang làm hợp đồng ở tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, thuộc Hội văn nghệ Vĩnh Phú, rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Không chuyển về quê được theo hình thức chuyển công tác như đã nói trên, trong khi anh, như cáo chết ba năm vẫn quay đầu về núi, tha thiết trở về quê hương khi tuổi sém năm mươi. Lại có ông anh ruột Hoàng Hiếu Nghĩa, hiệu trưởng một trường cấp 3 ở đấy mách bảo, khu vườn của gia đình ở sát vườn nhà ông, chuẩn bị đi kinh tế mới trong Nam, rao bán 4 triệu đồng thời giá bấy giờ. Nếu Hoàng Bình Trọng mua được khu vườn có ngôi nhà cấp bốn ấy, ông thỏa mãn “hai trong một”. Vừa được về sống ở quê cuối đời, vừa anh em gần gũi, hôm sớm tắt lửa tối đèn có nhau… Và máu kẻ sĩ trong Hoàng Bình Trọng lại nổi lên. Không cần vào Tỉnh ủy Quảng Bình trình bày xin xỏ, ông tặc lưỡi quyết định. Cả hai vợ chồng cùng nghỉ chế độ 176, lấy mỗi người 2 triệu đồng mua khu vườn nói trên...

Khu vườn khoảng sào đất, mặt quay ra con đường trục của làng, lưng chạm con hói rộng khá sâu đổ vào sông Gianh phía Cửa Hác. Đất đai vùng này rất tốt, ưa các giống rau củ, bầu bí, hợp với con nhà nghèo. Nhưng hóa ra, nó là cái rốn lũ. Mưa to vài hôm, cả vùng chưa làm sao, vườn nhà Hoàng Bình Trọng nước đã lên mắt cá chân. Khi trong vùng có nơi vừa ngập lụt, nhà Hoàng Bình Trọng nước đã chạm mái ngói... Gần như năm nào nhà Hoàng Bình Trọng cũng bị lụt. Mọi đồ đạc, sách vở, bếp núc, đều dọn lên tra (gác gỗ). Khi nước rút mới được xuống, nước rút đến đâu tìm cách lau chùi bùn đến đấy...

Rời khỏi đồng lương công chức, nhà văn không dễ sống chút nào, bởi mấy ai sống được bằng nhuận bút… Hoàng Bình Trọng rơi vào khốn khó. Cả hai vợ chồng không lương, thêm cậu con trai đang học phổ thông, chỉ trông vào cây bút của ông. Ông viết, bà đánh máy bản thảo từ chiếc máy cơ thủ công cọc cạch. Cuộc kiếm sống quả là vàng mắt. May thay, nhà thơ Văn Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Nhật Lệ bấy giờ, xin tỉnh cho ngân sách hợp đồng biên tập với nhà văn Hoàng Bình Trọng. Thế là ông xa nhà, cơm niêu nước lọ với Tạp chí Nhật Lệ tại Đồng Hới mười mấy năm, cho đến khi dính bệnh phổi phải nghỉ...

      Nhà văn Hoàng Bình Trọng rời quê từ nhỏ, nay về quê như áo gấm đi đêm, ít người biết, nhất là các lãnh đạo tỉnh. Chỉ cánh văn nghệ sĩ và nhà báo biết ông, nể phục ông, thương cảm hoàn cảnh của ông. Và nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, thư ký tòa soạn báo Quảng Bình lúc đó, viết kín một trang báo Quảng Bình, nói về đoạn trường khúc nôi của nhà văn Hoàng Bình Trọng, khiến ai cũng nể trọng và cám cảnh. Ngay tức thì, Chủ tịch tỉnh Phạm Phước lúc bấy giờ ký cho ông 2 triệu đồng với đề nghị Hoàng Bình Trọng đem tiền ra Vĩnh Phú nộp lại và xin hồ sơ về để Quảng Bình tiếp tục biên chế trả lương cho đến ngày nghỉ hưu theo chế độ... Nhưng số Hoàng Bình Trọng không gặp may, khi ra đến nơi, tỉnh Vĩnh Phú cũng đã chia tách thành hai tỉnh theo địa giới cũ là Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ông vào Vĩnh Phúc trình bày, được trả lời là hồ sơ ông ở Phú Thọ. Ông đi lên Phú Thọ trình bày, họ lại bảo hồ sơ ông còn ở Vĩnh Phúc. Cứ thế, ông lệt bệt đi lại mấy vòng giữa Vĩnh Phúc và Phú Thọ mà không biết nộp tiền vào đâu để xin hồ sơ về. Tháng bảy nắng như đổ lửa, các con đường bụi mù vì xe chở vật liệu (sau tách tỉnh, mỗi tỉnh mới thành một đại công trường xây dựng), nhà văn Hoàng Bình Trọng lầm lụi cuốc bộ một cách vô vọng. Cuối cùng, lại cái tặc lưỡi của kẻ sĩ. Thôi, bỏ!..

Giản dị trong thanh bần, nhưng Hoàng Bình Trọng sống vui tính và rất dễ mến. Ở đâu có ông là ở đấy có tiếng cười ròn. Gặp nhau đôi ba người, chỉ chén trà hay ly rượu suông, Hoàng Bình Trọng được dịp xổ bồ tiếu lâm, và ông cười như nắc nẻ, như súng nổ liên thanh. Tiếng cười giòn vang, rạc cả trời, muốn bay mái nhà. Vì thế, bạn bè nói Hoàng Bình Trọn “cười bay ngói!”..

Hoàng Bình Trọng là bậc sành sõi trong Truyện Kiều và câu đối. Một hôm, chuyên gia câu đối Văn Lợi, nêu vế thách đối cho Hoàng Bình Trọng: Hoàng Bình Trọng Hoàng Bình Trọng. Trong giây khắc, Hoàng Bình Trọng có ngay vế đối khá thông minh: Nguyễn Đình Thi Nguyễn Đình Thi. Số là, trong vế thách đối có thể ngắt để hiểu là: (nhà thơ) Hoàng Bình (tức Xích Bích) (nể) trọng Hoàng Bình Trọng. Vì thế vế đối được ngắt để hiểu là: (nhà thơ) Nguyến Đình thi (với) Nguyễn Đình Thi...

Ngay cả sự vui đùa dí dỏm, Hoàng Bình Trọng cũng tỏ rõ một bậc trí tuệ thâm sâu. Ở Quảng Bình, lúc đó có nhà thơ Nguyễn Văn Dinh, hay làm thơ tú tuyệt. Mấy năm cuối đời, Nguyễn Văn Dinh tập trung sáng tác về Bác Hồ. Ông có tập Nhớ Bác Hồ đến mấy trăm bài. Và tập cuối cùng là Hai con sóng. Lần ấy, Chi hội nhà văn Quảng Bình thuê một xe 15 chỗ ngồi, đưa các nhà văn vào Nha Trang dự Hội nghị Nhà văn khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Đường xa, trên xe toàn bậc trí giả, tha hồ chuyện trên trời dưới đất. Qua một dòng sông rộng, những con sóng trào lên lớp lớp dưới chân cầu, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh bất ngờ liên tưởng, đọc bài thơ Hai con sóng của mình. Mươi phút sau, nhà văn Hoàng Bình Trọng có thơ ứng tác, tặng nhà thơ Nguyễn Văn Dinh và đọc lên cho cả đoàn cùng nghe: Thơ bác bàn chuyện thanh cao/ Thơ em toàn chuyện tào lao khôi hài/ Em bé mọn, bác thiên tài/ Bác hai con sóng, em hai con bồ!..

Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Hoàng Bình Trọng đã từ giã cõi đời vào lúc 8 giờ ngày 26/02/2021 tại nhà riêng xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, hưởng thọ 84 tuổi. Sinh thời, đằng sau dung mạo có vẻ khắc kỷ, khép kín, ông là một người khá hài hước và trào lộng. Ông từng nói: “Con người ta có hai cách phát ngôn. Một là bằng lời nói, hai là bằng con chữ. Mình đã nói được nhiều bằng chiếc bút rồi thì để cho người ta nói bằng cái mồm. Chẳng thiệt đi đâu mà lo”… Nói xong cười kha… kha… kha…

Và ông bình thản đi bên cuộc đời cho đến hôm nay, nhà văn Hoàng Bình Trọng đã “đi mây, về gió”, nhẹ bỗng như khi ông còn đang đối diện với cuộc đời này. Ấy vậy mà khi nhắc đến ông, người ta vẫn cứ như nghe đâu đây vẳng tiếng cười kha… kha… kha… đầy hào sảng.

Nguồn Văn nghệ số 10/2021


Có thể bạn quan tâm