April 20, 2024, 12:44 am

Một hướng tiếp cận chiến tranh từ góc độ nghiên cứu*

Nhận xét chung về sách chuyên luận

Sách tiểu luận - phê bình - chân dung văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang có thể nói từ lâu đã được giới nghiên cứu - lý luận - phê bình quan tâm đúng mức vì: “Chiến tranh là một siêu đề tài. Người lính là một siêu nhân vật” (Chu Lai). Năm 2017, trên Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật, chúng tôi (tác giả - BVT) đã công bố tiểu luận Sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng trên văn đàn hiện nay.

Động hướng tinh thần đó chỉ dẫn soi sáng một thực tiễn sáng tác văn chương về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu như Văn học về người lính (2002) của Ngô Thảo, Văn nhân quân đội (2015) của Lý Hoài Thu, Tự sự học về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại (2018) của Đỗ Hải Ninh (biên soạn), Âm vang từ chiến tranh (2019) của Tôn Phươn Lan, Sương lại càng long lanh (2020) của Nguyên An. Song song, tuy nhiên ít hơn, là những chuyên luận/chuyên khảo văn học về chiến tranh, dạng tổng quan hay tác giả. Có thể kể ra sau Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Chu Lai (2011) của Nguyễn Đức Hạnh, Văn xuôi về đề tài chiến tranh (2006) của Ngô Vĩnh Bình, Tiểu thuyết và chiến tranh (2011) của Nguyễn Thanh Tú và Tự sự về một cuộc chiến tranh qua Dấu chân người lính, Đất trắng và Nỗi buồn chiến tranh (2021) của Nguyễn Anh Vũ là ba cuốn chuyên luận gần gũi nhau ở hướng tiếp cận chiến tranh từ góc độ nghiên cứu tổng quan về một đề tài lớn trong văn học Việt Nam hiện đại đáng đọc.

Chúng tôi cũng biết có một vài Luận án tập trung nghiên cứu (theo hướng phương pháp so sánh) sâu tiểu thuyết về chiến tranh trong văn học Việt Nam và Mỹ sau 1975. Kết quả nghiên cứu rất khả quan. Tuy nhiên, từ Luận án đến một chuyên luận (in thành sách), từ một Luận án chỉ có dăm mười người có chức sắc (học hàm, học vị) trong Hội đồng đọc đến một cuốn sách có độc giả đông đảo, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, như ai đó nói là cả một chặng đường rất dài, có khi đi mãi mà không bao giờ tới đích. Trường hợp của tác giả Nguyễn Anh Vũ lại khác. Có một sự trùng phùng giữa Luận án và sách (chuyên luận) Tự sự về một cuộc chiến tranh qua Dấu chân người lính, Đất trắng Nỗi Buồn chiến tranh. Điều đặc biệt đáng nói là, tác giả Luận án/ sách chuyên luận đã theo đuổi một mục đích xác tín: “Mục đích nghiên cứu của chuyên luận trước hết là khái quát diện mạo, khuynh hướng của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh trong văn xuôi hiện đại Việt Nam, chỉ ra những ảnh hưởng, tác động từ môi trường sinh thái, lịch sử văn hóa.... chi phối đến sự phản ánh hiện thực chiến tranh trong từng tác pẩm. Tiếp theo, chuyên luận thông qua ba tác phẩm cụ thể là Dấu chân người lính, Đất trắngNỗi buồn chiến tranh để phân tích, lý giải sự vận động, những tiếp biến và đổi thay để hướng tới cái mới và cái khác trong hành trình sáng tạo của các nhà văn trước cùng một đề tài” (Tự sự về một cuộc chiến tranh..., sđd, tr.9). Chúng tôi coi đó là sự ứng xử thông minh của người nghiên cứu trên các thao tác khoa học ban đầu khi viết Luận án và kiến thiết sách chuyên luận. Đúng như chỉ dẫn nghề nghiệp của nhà văn Hoài Thanh, khi ông chia sẻ một kinh nghiệm: nhận xét một về người bình thơ giỏi trước tiên chúng ta cần thiết xem anh ta đã chọn tác giả nào, bài thơ nào, thậm chí câu thơ nào để đặt lên “bàn cân” khi thẩm định. Sự lựa chọn ba tác phẩm tiêu biểu viết về chiến tranh, như đã dẫn giải ở trên, có tính chất tiêu biểu và điển hình, đánh dấu các giai đoạn phát triển quan trọng của tiểu thuyết về chiến tranh trong toàn bộ tiến trình văn học từ sau 1945 đến cuối thế kỷ XX. Nó chứng tỏ, tiểu thuyết luôn được xác định là “cỗ máy cái”, “ngành công nghiệp nặng”, “cỗ trọng pháo” của ngành nghệ thuật ngôn từ; thước đo “sức khoẻ” của một nền văn học lớn.

Về phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu khoa học nói chung, phương pháp đóng vai trò hàng đầu, quyết định hướng đi và có thể dự báo đúng kết quả công bố. Trong nghiên cứu văn học nói riêng, có nhiều phương pháp truyền thống cũng như hiện đại. Vấn đề là người nghiên cứu lựa chọn phương pháp nào có tính tối ưu và thực tiễn. Trong chuyên luận, chúng tôi nhận thấy tác giả đã sử dụng cùng lúc nhiều (6) phương pháp: Phương pháp tiếp cận hệ thống (chủ đạo và xuyên suốt); phương pháp nghiên cứu loại hình; phương pháp nghiên cứu trường hợp; phương pháp so sánh lịch sử; phương pháp tiếp cận thi pháp học; phương pháp phân tích tác phẩm. (Tự sự về một cuộc chiến tranh..., sđd tr. 11-12). Như vậy có đến sáu (6) phương pháp nghiên cứu cùng lúc được tác giả huy động và vận dụng trong quá trình thao tác khoa học. Thoạt đọc thì có cảm giác đủ đầy, giống như ngồi vào mâm cỗ thịnh soạn và bắt mắt. Nhưng khi theo chân tác giả triển khai ý đồ, mở rộng nội dung những vấn đề cụ thể (trong từng chương, mục, tiểu mục) sẽ thấy dường như chỉ có “phương pháp tiếp cận hệ thống” và “phương pháp nghiên cứu loại hình” là song hành thường trực (chẳng hạn “phương pháp nghiên cứu trường hợp” rõ ràng đa phần hòa/ lẫn/ dung nạp vào “phương pháp nghiên cứu loại hình”). Rất may, theo chúng tôi, nhờ vào sự thông minh mà người nghiên cứu đã đôi khi thoát khỏi “bát đồ trận” của sáu (6) phương pháp nghiên cứu do mình “bày mâm bát”. Cuối cùng, theo quan niệm của chúng tôi, chỉ còn lại cặp “song sinh” – phương pháp tiếp cận hệ thốngphương pháp nghiên cứu loại hình. Cặp song sinh này tỏ rõ tính đắc dụng của mình, hỗ trợ tối đa tác giả trong suốt quá trình nghiên cứu.

Cấu trúc sách ánh phản tính hợp lý của nội dung nghiên cứu đối tượng

Để phân biệt sự vật này với sự vật khác người ta thường xem xét, đo đếm cấu trúc – còn được gọi là kết cấu – thành tố quan trọng quyết định bản chất mỗi sự vật. Đọc vào nội dung bốn chương (đánh số từ I đến IV) sẽ thấy rất rõ tính hệ thống của vấn đề nghiên cứu: Chương I/ Nghiên cứu về văn xuôi chiến tranh trước và sau 1975; Chương II/ Diễn trình tự sự về chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại từ 1945 đến cuối thế kỷ XX; Chương III/ Cấu trúc tự sự và vấn đề tái tạo hiện thực chiến tranh qua Dấu chân người lính, Đất trắng Nỗi buồn chiến tranh; Chương IV/ Phương thức tự sự về chiến tranh qua Dấu chân người lính, Đất trắngNỗi buồn chiến tranh. Trừ đi những phụ lục, phần “ruột” của chuyên luận gần 200 trang được phân chia một cách hợp lý giữa các chương (trong đó trọng lực là chương III, hơn 70 trang, 3 chương còn lại tương đối đồng đều về độ dài). Chương I và II, về bản chất là lịch sử một thể loại ánh phản trong hình thức tiểu thuyết về chiến tranh. Ở đây tính chất khảo luận thể hiện rất rõ (khảo và luận cân đối, hài hòa). Một Luận án , theo quan điểm chung, thường không được “cân nhắc” hay “đánh giá” sát sao ở những nội dung thường hằng như thế này. Phải có những “quả đấm thép”, những “trọng lực”, “điểm nhấn” để chí ít góp một đề xuất có tính khai phá nghề nghiệp trong một phạm vi/ khoảng hạn nhất định. Là người có điều kiện theo dõi sát sao văn học Việt Nam hiện đại/ đương đại, đặc biệt quan tâm tới bộ phận văn học/ văn xuôi/ tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, nên chúng tôi cảm thấy thú vị và bổ ích khi đọc các chương III và IV, vì chuyên luận, thông qua các chương tiêu biểu này, đã cung cấp một cái nhìn hệ thống về hệ thống các giá trị văn hóa – đạo đức trong chiến tranh, ngõ hầu làm lưng vốn/ của để dành cho ứng xử văn hóa thời hậu chiến, cho các thế hệ sinh sau đẻ muộn, không biết chiến tranh là gì theo bước tiền nhân. Cái nhìn hệ thống về hệ thống các giá trị văn hóa – đạo đức thời chiến có khi được coi như là chìa khóa khai mở những bí mật tâm hồn của người Việt Nam qua bão tố chiến tranh và cả bể dâu đời người. Thậm chí có thể giúp trả lời cho những câu hỏi/ cật vấn lương tri thời đại hậu chiến. Nhưng kinh nghiệm sống của các lớp hậu thế thì cơ bản vẫn phải nương dựa vào ký ức lương thiện do những cuốn sách về chiến tranh gom góp, những hình tượng nghệ thuật có sức mạnh thổi lên gió bão của đời sống và thanh lọc tâm hồn tạo dựng mà nên. Ví như nhân loại vẫn cứ mãi mãi say mê đọc những tuyệt phẩm Chiến tranh và hòa bình của đại văn hào Nga thế kỷ XIX – L. Tolstoy, Con đường đau khổ của văn hào Nga thế kỷ XX – A. Tolstoy.

Điều gì cần bàn thảo sau đọc chuyên luận?

Một cuốn sách (chuyên luận) được đánh giá thành công như Tự sự về một cuộc chiến tranh qua Dấu chân người lĩnh, Đất trắng và Nỗi buồn chiến tranh của tác giả Nguyễn Anh Vũ không phải là không còn vấn đề gì đề bàn thảo tiếp nữa. Tất cả chỉ là tương đối. Về cơ bản chúng tôi đồng thuận với hệ thống quan điểm tác giả được trình bày một cách khúc chiết, thuyết phục. Chúng tôi nhận ra động hướng viết của tác giả có tính nguyên tắc, trên tinh thần khoa học, tựa vững quan điểm chính thống. Nhưng đồng thời tác giả cũng tự tin thể hiện là người nghiên cứu cập thời vũ, cố gắng tránh bị coi là “học phiệt”, “bảo thủ”. Một vài vấn đề cần bàn thảo với tác giả nằm ở phần Kết luận (tr. 218 - 224). Nhận định thứ nhất: “Sau năm 1986, cảm hứng sử thi đã trở nên mờ nhạt, sự xáo trộn của thời hậu chiến dẫn đến những biến động của tư tưởng, nhận thức và quan niệm thẩm mỹ, cùng với sự đổ bộ của các trào lưu hiện đại và hậu hiện đại từ phương Tây đã khiến văn học nói chung và văn học viết về chiến tranh nói riêng đi xa khỏi phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa một thời độc tôn để tiến gần hơn với thế giới bên ngoài thông qua các cảm thức mới về cuộc sống và con người” (Tự sự về một cuộc chiến tranh..., sđd, tr. 218). Theo chúng tôi, không có trong hiện thực “cuộc đổ bộ” nào của các trào lưu hiện đại và hậu hiện đại vào Việt Nam, một cách chính thức. Có chăng là qua đường “tiểu ngạch” của một thiểu số các nhà nghiên cứu, nhà sáng tác để chứng tỏ mình không lạc hậu với thời cuộc. Nhưng đôi khi “cũ người mới ta”. Ai muốn tiến đến tiếp thu, làm chủ hiện đại không cần đi vay mượn đâu xa, cứ đọc và ngẫm cho kỹ càng, rồi năng phát huy tinh thần tiếp biến văn hóa di sản nghệ thuật ngôn từ của Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Du,...có khi cũng mất cả một đời văn chưa chắc đã “ngộ”. Nhận định thứ hai: “Nỗi buồn chiến tranh đã bước xa hẳn vào thời hậu chiến với sự khủng hoảng niềm tin vào những chân lý tưởng chừng bất biến của một thời, đã bắt đầu đặt ra những vấn đề gần với tinh thần của hậu hiện đại” (Tự sự về một cuộc chiến tranh..., sđd, tr. 219). Nếu ai trong văn giới gần và hiểu nhà văn Bảo Ninh thì sẽ thấy nhận định của nhà nghiên cứu là chưa thực sự thuyết phục. Bởi vì môn Tâm lý học sáng tác chỉ rõ: nhà văn khi viết chủ yếu dựa vào trực cảm (trực giác), chỉ vận dụng lý tính khi sửa chữa, hoàn tất tác phẩm (ở khâu này nhà nghiên cứu không có đủ điều kiện kiểm chứng). Nên nói Bảo Ninh “gần với tinh thần của hậu hiện đại” khi viết Nỗi buồn chiến tranh, thiết nghĩ, như cổ nhân nói: “kính chẳng bõ phiền” đồng nghiệp văn chương.

________

* Về chuyên luận “Tự sự về một cuộc chiến tranh qua Dấu chân người lính, Đất trắng Nỗi buồn chiến tranh, của Nguyễn Anh Vũ, Nxb Văn học, 2021

Nguồn Văn nghệ số 13/2022


Có thể bạn quan tâm