March 29, 2024, 5:40 am

Một hướng làm mới trong thể loại Chân dung văn học

 

            Trong mảng phê bình văn học, Nhà văn Nguyên An là người viết khá thành công với thể tài Chân dung văn học. Suốt mấy mươi năm qua, những tác phẩm chân dung văn học của Nguyên An đã được giới chuyên môn và đông đảo các thế hệ bạn đọc ghi nhận, như: Nhà văn của các em (1996); Kể chuyện tác gia văn học nước ngoài (1996, 1999, 2001); Một thoáng văn nhân (2004); Chân dung văn học Việt Nam (2010); Phiên bản văn nhân (2010), Người thường gặp (2015)… v.v. Có thể nói trong số những tác giả viết chân dung văn học từ vài ba mươi năm trở lại đây, thì Nguyên An là người làm việc tỷ mỉ, bền bỉ, khoa học và có duyên hơn cả với việc dựng chân dung của giới văn chương.

            Đọc những chân dung Nhà văn mà Nguyên An dựng nên thấy ăm ắp ở đó cái chất văn, chất người của mỗi tác giả. Không sa đà vào tiểu tiết, không tạo sự kiện, không cắt cúp, chắp vá tạo sự giật gân, những chân dung của văn nhân được Nguyên An tạc nên bằng câu chữ vừa gần gũi vừa minh triết và khu biệt. Để có được những trang chân dung văn chương ấy, hẳn ông đã phải tìm tòi, khổ công đọc vỡ, rồi chắt lọc từ hàng chục vạn trang sách, trang đời trong cái ồn ã nổi chìm, thật giả lẫn lộn trong cả cõi văn và cõi người hôm nay.

Thể tài chân dung văn học thuộc bộ môn phê bình văn học, nhưng ngay ở thời nay, trong đâu đó thể loại này nhiều khi vẫn bị lẫn với giai thoại văn học hay chuyện bếp núc của giới văn chương. Rất nhiều tác phẩm chân dung văn học của thế giới và Việt Nam đã được bạn đọc đón nhận từ thế kỷ trước, nhưng đến nay khái niệm và nội hàm của thể tài chân dung văn học thì ngay trong giới chuyên môn cũng chưa hoàn toàn thống nhất. Mới đây, trong một tiểu luận về mảng chân dung văn học từ năm 1986 đến nay, Gs Ngô Văn Giá đã đề cập đến ba kiểu chân dung văn học, là: Chân dung mang tính phê bình văn học, chân dung mang tính báo chí, và chân dung mang tính tản văn. Theo G.s Ngô Văn Giá thì Nhà văn, T.s Nguyên An thuộc nhóm người viết chân dung mang tính phê bình văn học!

*

            Có một vùng văn học trên quê hương Việt Nam là một bộ sách Chân dung văn học hàm chứa một hướng làm tương đối mới của Nhà văn Nguyên An khi có ý tưởng xây dựng chân dung văn học qua các vùng miền của đất nước. Điểm mới này tạo nên một cuốn sách chân dung văn học mang đẫm tính vùng miền đặc trưng, và trong đó chân dung của văn chương vùng ấy được hiện diện qua những bức chân dung các tác giả văn chương cụ thể đã sinh ra và lớn lên tại vùng đất ấy.

Tập 1 của bộ sách chân dung văn học theo vùng miền này bao gồm rất nhiều tư liệu quý và 55 gương mặt văn chương của miền Nghi Lộc và Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An. Hơn bảy trăm trang sách khổ15 x 24 cm, đã cập nhật khá đầy đủ những gương mặt văn chương của một vùng đất vốn đầy những văn tài của xứ Nghệ trải dài hơn một thế kỷ qua! Bạn đọc gặp ở đây những tên tuổi lớn của văn chương và lịch sử Việt Nam như Đặng Thái Thân(1874 -1910), Hoài Thanh, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đức Bính, Nguyễn Đức Đàn, Nguyễn Đức Nam, rồi Nguyễn Trọng Oánh, Anh Ngọc , Lâm Quang Mỹ, Nguyên An, Giáng Vân…, rồi cả đến những cây bút trẻ đầy triển vọng như Hoàng Vân Khánh, Nguyễn Hồng của Hội VHNT tỉnh Nghệ An hiện nay.

Chân dung một vùng văn học trong cuốn sách này được dựng lên với 20 tác giả của Hội Nhà văn Việt Nam, 18 tác giả của Hội VHNT tỉnh Nghệ An và một số cây bút văn chương tự do đặc sắc của khu vực này. Năm mươi lăm tác giả văn chương đã định hình, ấy là năm mươi lăm khoảng trời riêng với những cá tính sáng tác rất khu biệt, bởi vậy chỉ nghĩ đến việc đọc hàng trăm cuốn sách của họ, rồi lại phải bứng ra lấy mươi mười lăm trang đặc sắc nhất trong ấy để dựng nên cái chân dung văn chương của họ giữa đời này, ấy đã là một việc công phu lắm, khổ công lắm, nếu không có cái đam mê, cái bản lĩnh văn chương, cái tư duy khoa học hòa hợp trong một con người thì khó mà làm được!

            Vốn là người chỉn chu, Nhà văn Nguyên An đã tiếp cận tìm hiểu rất kỹ càng về một thế kỷ văn học của người Nghi Lộc, Cửa Lò – Nghệ An qua những chân dung văn chương rất cá thể, cụ thể ở vùng đất này. Có được tư liệu rồi, dựng được các tiểu chân dung cá thể rồi, nhưng bên cạnh đó phải tìm cho dòng sách này một bố cục khoa học, và khu biệt, để từ những tiểu chân dung văn chương kia dựng thành bức chân dung lớn của một vùng văn học trên quê hương Việt Nam. Trong lời giới thiệu của tác phẩm Có một vùng văn học trên quê hương Việt Nam tập1 này, Giáo sư Phong Lê viết: “… Tôi có nhiều bậc thầy và bạn ở nhiều nơi trong cả nước và riêng trong xứ Nghệ. Nhưng khi cầm trên tay bản thảo này thì mới giật mình thấy ở đây sao hội tụ được những tên tuổi thân quý đến vậy…”. “… Nhà văn Nguyên An viết về 55 văn nhân trong lịch sử và những người cùng thời với mình có cùng quê hương Nghi Lộc và Cửa Lò. 55 gương mặt ấy có 11 người sinh ra từ thế kỷ XIX, người nhiều tuổi nhất đang sống và viết là GS. NGND Nguyễn Đình Chú tuổi 90, người trẻ nhất là Hoàng Vân Khánh (sinh 1982)…”.

            Đọc tác phẩm Có một vùng văn học trên quê hương Việt Nam tập 1 này, chúng ta gặp chân dung văn chương của những bậc tiền bối văn hóa, văn học của đất nước xuất hiện bình đẳng bên cạnh những tác giả đang độ “sen ngó, đào tơ”, hừng hực sức trẻ của người Cửa Lò, Nghi Lộc hôm nay. Gấp tác phẩm lại, hiển hiện trước mắt chúng ta là nguồn mạch văn chương của một vùng quê, trong ấy có nguồn ngọn hàn lâm uyên bác, có sự lan tỏa, phát huy, nối tiếp mở rộng và sáng tạo luân hồi.  

            Có một vùng văn học trên quê hương Việt Nam – Một bộ sách về chân dung văn học được Nhà văn Nguyên An dựng nên từ linh khí và nguồn mạch văn chương của mỗi vùng miền, bởi vậy dòng sách ấy không chỉ nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của giới chuyên môn và những người yêu văn chương, mà nó còn được đón nhấn và tương tác ngay từ chính quyền, đoàn thể, nhà trường và bạn đọc của mỗi miền quê ấy. Có thể nói, đây là một hướng làm khá mới và hiệu quả đối với thể tài Chân dung văn học. Nó kéo gần hơn khoảng cách giữa Nhà văn với bạn đọc, đồng thời, qua lăng kính văn chương, hướng làm này còn khơi dậy thêm niềm tự hào về Tổ quốc, quê hương đối với người viết, người đọc của miền quê ấy!

Nguồn Văn nghệ số 41/2018


Có thể bạn quan tâm