April 19, 2024, 10:19 am

MỘT HỒI ỨC HƠN CẢ HỒI ỨC…

Trong những năm tháng dài rộng của cuộc đời, mỗi người đều gặp gỡ, trò chuyện, yêu quý nhiều người. Mỗi người dù là ai cũng có những kỉ niệm sâu sắc, những kí ức tốt đẹp để chia sẻ. Và bất kì kỉ niệm nào cũng có giá trị riêng của nó. Rồi khi kỉ niệm đó tồn tại trong kí ức dù đó là niềm vui, nỗi buồn thì cũng đem lại những yếu tố nhân văn cấu thành nên tâm hồn, nhân cách của mỗi người. Hồi ức chính là một phần cuộc đời, khi đọc hồi ức chính là được đi vào kí ức của người đó, được cùng vui buồn cùng thăng hoa, cùng trải nghiệm… Tôi đã gặp điều đó khi đọc Chuyện tôi của tác giả Nguyễn Huy Thắng (con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng)
 

1. Cuốn sách 220 trang chỉ nhỉnh hơn một tập truyện ngắn, bìa sách là sự đan xen hình ảnh: một người đàn ông tư lự bên bàn viết, đêm trăng, căn nhà, những ô cửa thời bao cấp, những trang sách, bức thư, chiếc bút máy Parker, ấm tích… đan xen nhau tạo ra sự đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại. Màu vàng chanh phủ một cảm giác an yên, bình lặng, nhẹ nhàng như những lời thủ thỉ được gọi về từ quá khứ. Những hình ảnh từ trí tưởng dường như đã được tái hiện ngay trên bìa cuốn hồi ức.

Và ta cứ theo vết của những trí tưởng đó, mở cuốn sách, cùng tác giả tìm về với kỉ niệm, với nhớ thương, với những thăm trầm của cuộc đời. Hồi ức được triển khai trên hai mạch chính. Phần 1: Kỷ niệm và nhớ thương chủ yếu kể về người cha, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Phần 2: Trải nghiệm và đam mê, kể về giai đoạn trưởng thành, những cuộc gặp gỡ trong cuộc đời tác giả. Ta có thể xem những kỉ niệm, những nhớ thương trong phần 1 chính là nguồn cơn, lí do, là động lực và yếu tố để tạo nên một Nguyễn Huy Thắng trong phần 2 với trải nghiệm và đam mê. Phần 1 là cậu bé Thắng trong nỗi nhớ cha da diết, trong những hiện hữu lồng ghép với hình bóng người cha quá cố “Tôi lớn lên giữa những người phụ nữ trong gia đình – mẹ tôi, các chị và em gái. Cả thảy sáu chị em bên người mẹ góa. Nhưng không hiểu sao tôi không bao giờ cảm thấy mình thiếu bố. Cha tôi luôn hiện diện trong những câu chuyện giữa mấy mẹ con. (…) Đã hơn một lần, tôi bắt gặp ánh mắt của mẹ nhìn tôi đăm đăm. Thấy tôi nhìn lại, bà bất giác nói: “Chú Thắng giống bố quá!””. Sự gặp gỡ giữa cha – con chỉ qua lời kể lại của mẹ, của các chị, qua những mảnh ghép không đầy đủ trong trí nhớ non nớt của đứa trẻ năm tuổi, qua những lời tâm sự, những dòng nhật kí, qua những kỉ vật… Tưởng rằng mọi thứ không vẹn tròn đó sẽ bị thời gian xói mòn nhưng hóa ra trong mỗi kỉ vật đều có câu chuyện, đều ẩn chứa tình cảm và nhờ những mảnh ghép hồi ức ấy mà đứa trẻ thiếu thốn tình cha như chú bé Thắng vẫn mạnh mẽ lớn lên và trưởng thành. “Mình được cha thương yêu hơn cả. Mình được cha chăm chút, thậm chí, còn hơn cả cho ông. Tự nhiên tôi cảm thấy mình mới đặc biệt làm sao! Và cùng với đó là cảm giác được bảo vệ, được chở che. Một sự nhận thức đã làm thành điểm tựa cho tôi trong suốt cuộc đời…”. Hồi ức về con nhưng lại nói được về cha. Hồi ức về cuộc đời con nhưng lại ăm ắp và thấm đẫm tình cha con, một câu chuyện cảm động về tình phụ tử thiêng liêng.

2. Đến với phần 2 của cuốn sách ta gặp một trí nhớ khỏe, gắn với những chi tiết sống đắt giá đó cũng là nguyên cớ để có những mục gắn với chuyện đời, những chân dung người được kể. Với Nguyên Hồng là món quà tặng thi đỗ, tờ tiền mệnh giá 10 đồng, bát phở giá 5 hào, những bước nhấn pê đan đầu tiên trên bàn đạp xe đạp. Với Tô Hoài, đó là một bản dịch tiếng Pháp. Với nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là nhà số 73 thừa ra của phố Hàng Quạt. Với Kim Lân là một chi tiết đọc qua tưởng đúng nhưng so với cuộc đời thực thì lại là sai;… “Nhớ một người để nhớ mọi người”… cảm xúc trong câu hát này hình như rất đúng với hồi ức của Nguyễn Huy Thắng. Hồi ức đã vượt thoát khỏi câu chuyện cá nhân cho người đọc thêm một hình dung mới về chân dung, tính cách, cuộc đời của những nhà văn, nhà văn hóa, nhiếp ảnh gia, học giả,… những người muôn năm cũ, tưởng rằng ai cũng đã biết bỗng hiện lên sống động mới mẻ.

3. Với tựa sách, “Chuyện tôi” kèm thêm tựa phụ “Hồi ức của con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”, nhiều độc giả sẽ nghĩ rằng, cuốn hồi ức này, tác giả sẽ chỉ kể về cha, dành cho cha, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhưng không, ta gặp một Nguyễn Huy Thắng từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành, trở thành một người có cương vị trong ngành xuất bản. Ta thấy được sự trưởng thành, rèn luyện nghiêm cẩn để sao không xấu hổ với cha, không làm nhọc nhằn thêm những vất vả của mẹ, trở thành điểm tựa cho cả gia đình, trở thành một người đồng nghiệp đáng tin cậy… Và những câu chuyện nghề: làm sách lịch, mạnh dạn biên soạn sách, tập đánh máy, viết những bài thuyết trình (thay mẹ), gặp gỡ, ứng xử với cộng tác viên (nhiếp ảnh gia Nguyễn An Ninh)… đã gợi ra quá trình học tập, rèn luyện nghiêm túc, đem lại nhiều thông tin bổ ích trong nghề xuất bản. Vậy là đã hơn cả việc chỉ kể lại cuộc đời mà hồi ức của tác giả Nguyễn Huy Thắng trở thành cuốn sách đúc rút kinh nghiệm, bài học từ cuộc đời cá nhân đem lại những giá trị tích cực cho người đọc, trở thành cuốn sách hữu ích cho những biên tập viên trẻ mới vào nghề.

4. Với văn phong điềm đạm, từ tốn, với một trí nhớ khỏe, với tình cảm chân thành, cuốn hồi ức đã cho ta gặp lại không chỉ là chân dung của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, một tên tuổi đáng kính trọng của văn học hiện đại Việt Nam, mà còn gặp lại chuyện đời, chuyện người của một thời đất nước. Đúng như GS. Phong Lê đã nhận định “Với cuốn sách này của Nguyễn Huy Thắng tôi có tiếp niềm vui đọc lại Nguyễn Huy Tưởng qua Nguyễn Huy Thắng và được đọc chính Nguyễn Huy Thắng”. 


Có thể bạn quan tâm