April 16, 2024, 11:50 am

Một hành động pháp lý mạnh mẽ và nhất quán

Ngày 30/3 vừa qua, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc gửi công hàm mang số 22/HC-2020, tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, trong đó bày tỏ lập trường nhất quán như sau: Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên (là các Công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019, và số CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Phái đoàn thường trực nước CHND Trung Hoa tại LHQ gửi Tổng thư ký LHQ trước đó – VN). Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông...

Công hàm cũng nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.

“Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên Hợp Quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan”. Công hàm của phía Việt Nam lưu ý. 

Nhân dịp này, báo Văn nghệ đã có dịp trao đổi với Ts. Đinh Hoàng Thắng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Hợp tác Quốc tế (ICCC) thuộc Viện Luật pháp, Chính sách và Phát triển (PLD), về tình hình Biển Đông cũng như vai trò và vị trí của luật pháp quốc tế trong thời gian gần đây.

Sau đây là nội dung phỏng vấn

Ts. Đinh Hoàng Thắng

* Văn nghệ: Hiếm khi được đọc tận mắt một công hàm chính thức của Cơ quan đại diện ta gửi cho các chính phủ, như công hàm do Cơ quan đại diện Việt Nam tại New York gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 30/3 vừa qua. Thưa ông, tại sao công hàm ấy lại không có chữ ký? Ý nghĩa sâu xa của nó là gì?

- Ts. Đinh Hoàng Thắng: Công hàm là văn kiện ngoại giao chính thức trong trao đổi giữa các chính phủ, hay giữa chính phủ với các tổ chức quốc tế, thông qua Bộ Ngoại giao hoặc trực tiếp. Các công thư này gồm nhiều hình thức: Công hàm, Công hàm ngoại giao và Biên bản ghi nhớ, hay còn gọi là Văn bản lưu ý (Reminder or Memorandum / Aide-Mémoire). Nội dung nhằm thông báo, yêu sách hay phản đối hoạt động hay sự kiện, hoặc vấn đề có liên quan, mà cả hai hay nhiều bên cùng quan tâm. Công hàm thường được soạn thảo ở ngôi thứ ba, đa phần không ký tên và chỉ đóng dấu treo của Cơ quan đại diện. Công hàm ngày 30/3/2020 vừa qua là một văn kiện ngoại giao có hình thức cao như thế.

Công hàm của chính phủ ta phản bác tất cả 5 nội dung trong công hàm của chính phủ CHND Trung Hoa đệ trình lên Liên Hợp Quốc gửi ngày 23/3/2020, trong đó Trung Quốc bác bỏ các công hàm của Malaysia (gửi ngày 12/12/2019) và của Philippines (gửi ngày 6/3/2020), liên quan đến việc xin công nhận phần thềm lục địa mở rộng của nước này trên Biển Đông (đối với Malaysia) và dẫn lại phán quyết CPA hồi năm 2016 để khẳng định chủ quyền của nước này ở nhóm đảo Kalayaan (đối với Philippines). Công hàm phản bác của ta đệ trình ngày 30/3 là sự tiếp nối những gì đã diễn ra từ năm 2009 khi các quốc gia đến hạn phải nộp hồ sơ lên Uỷ ban về giới hạn thềm lục địa của Liên Hợp Quốc. Vào thời điểm đó, Việt Nam và Malaysia cũng từng nộp chung hồ sơ lên Uỷ ban này, nhưng Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối trước Liên Hợp Quốc.

Trong công hàm của mình, Việt Nam cũng viện dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (CPA), đồng ý với những gì được đưa ra trong phán quyết, đồng thời bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa trong công hàm. Đây là quần đảo của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Như vậy, công hàm Việt Nam đã thể hiện được ý chí chính trị, đảo bị chiếm bằng vũ lực không thể coi là đảo đã bị mất. Không chấp nhận tư duy “vay mượn từ tương lai”, tức cho rằng, chúng ta không đòi lại được Hoàng Sa thì con cháu sẽ đòi. Không! Công việc này phải được bắt đầu ngay từ bây giờ, bởi thế hệ chúng ta, bằng công cụ của luật pháp quốc tế.

 

* Đúng là một “cuộc chiến công hàm”. Đối với người ngoại đạo thì không dễ hiểu, nếu như Việt Nam đã gửi một công hàm “bọc lót”, tức phản bác tất cả ba công hàm trước đấy, vậy thì hai thành viên ASEAN kia làm sao mà ủng hộ quan điểm của ta được?

- Câu hỏi rất hay! Vấn đề là trong đấu tranh pháp lý, khi đã đưa nhau ra trước các cơ quan tài phán quốc tế thì câu chuyện ở đây là mức độ thoả hiệp. Tuy phức tạp, nhưng Việt Nam và hai nước ASEAN kia có khả năng tìm được phương cách thoả hiệp, dung hoà được lợi ích các bên. Việc đệ trình công hàm 30/3 nêu rõ quan điểm pháp lý của chúng ta từ trước tới nay là cần thiết, thể hiện lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ mọi yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Còn Malaysia là bên khởi đầu, với việc yêu sách thềm lục địa mở rộng ngày 12/12/2019, dẫn tới việc các nước liên quan ra công hàm thể hiện quan điểm của mình. Nhưng dường như trong công hàm ngày 6/3/2020 của Philippines lẫn công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam đều không nhấn mạnh đến nội dung bác bỏ lập trường của Malaysia, mà chủ yếu chỉ tập trung để phản đối Trung Quốc.

Trong vụ tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm các tàu cá ngư dân của Việt Nam, Philippines đã sớm lên tiếng phản đối Trung Quốc. Trong một tuyên bố phát ngày 8/4, Bộ Ngoại giao Philippines nhắc lại, các ngư dân nước này từng là nạn nhân của Trung Quốc và sẽ mãi ghi nhớ hành động nhân đạo của Việt Nam đã cứu vớt các ngư phủ Philippines. Tình hình đó cho thấy, dường như ba quốc gia thành viên ASEAN đã lượng định trước được những lợi ích trùng hợp. Cho nên dù cả ba đều giữ lập trường của mình, nhưng vẫn tìm được các biện pháp thoả hiệp, trong khi vẫn phản bác các luận điệu của Trung Quốc bằng công hàm của mỗi nước.

Trung Quốc đòi chủ quyền trên 90% toàn bộ Biển Đông và Bắc Kinh dứt khoát không chịu đàm phán đa phương, họ chỉ chấp nhận ngồi lại với từng nước. Thâm ý của Trung Quốc là, ở Biển Đông, với độc quyền khai thác các khoáng sản trong lòng và dưới đáy đại dương, bằng cách ấy, phần lớn tài nguyên sẽ thuộc về Trung Quốc, sau khi đại lục giành được ít nhất 50% trong các cuộc mặc cả tay đôi với từng nước.

 

* Ông có bình luận gì về thời điểm Việt Nam chọn gửi công hàm 30/3 lên Liên Hợp Quốc?

- Thời điểm đệ trình công hàm 30/3 có mấy đặc điểm: Thứ nhất, Việt Nam hành động rất đúng lúc. Nếu để muộn hơn, không nêu lập trường về một vấn đề hệ trọng đòi hỏi phải lên tiếng – theo nguyên tắc “trước sau như một” (estoppel) – đối với sai trái của Bắc Kinh. Như thế là đánh mất cơ hội để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của mình trên Biển Đông. Thứ hai, ta tính trước được ý đồ Trung Quốc sẽ ra công hàm với những luận điệu “lập lờ đánh lận con đen” như nhiều lần trước đây. Vì vậy, ta chờ cho đến khi Trung Quốc gửi công hàm 23/3, sau đó một tuần, Việt Nam có ngay công hàm 30/3 để đáp trả. Nếu gửi sớm hơn, ta nhỡ mất cơ hội có tiếng nói sau cùng. Và Thứ ba, chính quyền giải toả kịp thời bức xúc của lòng dân. Chính quyền phản ứng quyết liệt với Trung Quốc trong việc tàu cá bị đâm chìm. Báo Nhân Dân đăng toàn văn Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao… Tất cả những “điểm rơi” ấy đều đúng lúc.

 

* Nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, ngay trong đại dịch Covid-19. Ông bình luận gì về cách hành xử này?

- Thế giới đang bị sốc nặng. Có thể thấy qua dư luận quốc tế lên án các hoạt động của Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hoá trên Biển Đông như tập trận với Campuchia, điều các máy bay chiến đấu ra một số đảo đá, tranh thủ khai thác các tài nguyên ở Biển Đông, đâm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam… Những hành động ấy đều nằm trong một kế hoạch từ trước, có kịch bản, có lớp lang. Trước mắt ta thấy Hoa Kỳ, Philippines đã lên tiếng lên án những hành động này, và chúng tôi có tin từ châu Âu, một số thành viên EU cũng đang chuẩn bị có động thái phê phán Trung Quốc. Cả thế giới lo tập trung dập dịch, cứu sinh mạng của từng con người bị lây nhiễm. Trong khi Việt Nam và các nước đều chia sẻ với người dân Vũ Hán, thì Trung Quốc lại ra lệnh cho tàu hải quân đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam, rồi vu oan giá hoạ rằng, tầu gỗ Việt Nam “lao thẳng” và “đâm” vào tàu hải cảnh Trung Quốc (!?). Không còn gì để bình luận thêm đối với thái độ và hành động man rợ ấy. Nó hoàn toàn xa lạ với thế giới văn minh! Đừng nghĩ rằng, thế giới bị cuốn vào đại dịch, đây là cơ hội để “múa gậy vườn hoang”, đẩy mạnh các hoạt động, từ quân sự, pháp lý đến tuyên truyền, nhằm biến Biển Đông thành ao nhà. Biết đâu Covid-19 sẽ là nhân tố tiềm tàng sẽ làm thay đổi “cuộc chơi” ở Biển Đông.

 

* Công hàm 30/3 có ý nghĩa gì trong một hành động pháp lý mạnh mẽ và nhất quán để bảo vệ độc lập chủ quyền đối với các vùng biển đảo của ta? Đâu là những điều kiện cần và đủ để có thể tiến đến một hành động như vậy trong tương lai gần?

- Sẽ còn cần nhiều bước đệm khác nữa trước khi có thể tiến hành một vụ kiện hoặc song phương hoặc đa phương. Kiện một quốc gia là cả một vấn đề đại sự. Đại sự nhưng không phải là bất khả thi trong bối cảnh tình hình quốc nội và quốc tế như hiện nay. Qua những nỗ lực trong việc chống lại Covid-19, Việt Nam được sự đồng cảm của thế giới tiến bộ. Lần này, đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc, chúng ta càng có cơ hội làm sáng tỏ chính nghĩa. Khi có chính nghĩa sẽ càng được sự đồng tình của nhân loại văn minh. Qua đại dịch Viruscorona, chúng ta thấy, chưa bao giờ nhân loại cần đến một trật tự quốc tế đặt trên căn bản của luật pháp như hiện nay. Điều kiện cần là chúng ta phải có một đột phá về tư duy, khai phóng về tư tưởng. Phải vượt thoát các quan điểm xưa nay. Hãy luôn nhớ rằng, trước đại dịch, thế giới đã nhiều lần phải lên tiếng về những nguy cơ từ phía Trung Quốc. Sau đại dịch, các cuộc tranh luận về “quốc tịch” con virus Vũ Hán sẽ là nỗi ám ảnh lâu dài đối với phần còn lại của nhân loại… Và chúng ta sẽ không cô độc!

Còn Điều kiện đủ là chúng ta phải không ngừng tăng cường nội lực. Nếu không có nội lực, bước đầu không Giãn để tìm cách Thoát ra khỏi những sự phụ thuộc trên mọi lĩnh vực vào một quốc gia khác, thì chưa thể khởi kiện ngay được. Ai cũng biết, chúng ta có cả ngàn cây số đường biên giới, thâm thủng thương mại bất lợi; và đặc biệt, Trung Quốc lại có nhiều tham vọng có và âm mưu trên Biển Đông mà chúng ta và nhiều nước Đông Nam Á khác sẽ phải đối mặt khi họ thể hiện điều đó. Cho nên phải chuẩn bị nhiều mặt, đặc biệt phải tăng cường mở rộng nội hàm của khái niệm Hội nhập để thúc đẩy các quan hệ sâu rộng với thế giới dân chủ. Được thừa hưởng những án lệ quốc tế, được hỗ trợ từ công pháp quốc tế trong cuộc đấu tranh thì chúng ta cũng phải tôn trọng những giá trị phổ quát mà luật pháp quốc tế quy định chung cho mọi quốc gia.

Một điểm nữa, trong cuộc chiến này, không được quên câu “bùa chú” của người Tàu: “Thuận ngã giả xương, nghịch ngã giả vong” (Theo ta thì được tốt đẹp, chống lại thì ta cho chết). Không quên không phải để sợ, mà để tính cuộc chiến đấu còn lâu dài, chưa biết được đâu là hiệp cuối, kể cả trên mặt trận pháp lý. Nhưng một khi đã bước được một bước lên đường thì sớm muộn chúng ta sẽ đến được cái đích cần đến.

 

* Ông đánh giá thế nào về khả năng và giới hạn của luật pháp quốc tế trong vấn đề giải quyết tranh chấp với Trung Quốc về biển đảo hiện nay?

- Các học giả tổng kết, 90% các tranh chấp quốc tế ngày nay đều được giải quyết qua đàm phán và tranh tụng quốc tế. Trong các tranh chấp về chủ quyền biển đảo, tỷ lệ này thấp hơn, nhưng các dàn xếp xung đột lợi ích tại các cơ quan tài phán quốc tế bao giờ cũng chịu những tổn phí thấp nhất. Dùng các công cụ luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc là một khả năng ngày càng thực tế. Từ cuối năm ngoái, phát ngôn ở cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã tuyên bố là sẽ giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó không loại trừ khả năng đưa ra cơ quan tài phán quốc tế.

Biển Đông là nơi có thể kiểm chứng mức độ thượng tôn pháp luật của các nước, hiệu quả của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS-1982). Biển Đông sẽ là nơi thử thách tính hiệu lực của công pháp quốc tế, rằng một nước, lớn hay nhỏ đều cần phải tuân thủ luật pháp. Đây cũng là nơi để tăng cường hợp tác, nhất là hợp tác đa phương, thúc đẩy áp dụng UNCLOS-1982, để đi đến Bộ Quy tắc COC. Hy vọng, khi các nước tôn trọng Công ước, nhất là những nước đã ký và phê chuẩn, như Trung Quốc, thì trật tự, hòa bình, ổn định trên biển có thể được duy trì.

Nhận xét của một số chuyên gia cho rằng, luật pháp quốc tế có vai trò hạn chế trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là chưa xác đáng. Cần nhận thức rõ, luật pháp quốc tế là cơ sở, chỉ là cơ sở, nhưng là cơ sở rất quan trọng để các quốc gia liên quan giải quyết các tranh chấp về chủ quyền trên biển. Đối với Việt Nam, vai trò của luật pháp quốc tế đến đâu, tích cực và tiêu cực như thế nào, tuỳ thuộc vào năng lực của chúng ta trong việc vận dụng luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích trên biển của Việt Nam./.

Lương Ngọc An thực hiện


Có thể bạn quan tâm