April 24, 2024, 1:57 am

Một gia đình yêu nước

 

Dòng họ Phan ở chùa Thầy, Sơn Tây, từng lưu lạc sang tận Viên-chăn (Lào). Ông bà sinh được 3 người con: Phan Trọng Tuệ (sau này là Bộ trưởng Giao thông vận tải, rồi Phó thủ tướng); Phan Trọng Quang, Cục trưởng Cục Điện ảnh; Phan Thị Sáng, từng lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Bắc Ninh, đại biểu Quốc hội lập hiến…

 

Ảnh TL

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, 2/9/1945, Chính phủ lâm thời và Chính phủ liên hiệp kháng chiến nhanh chóng chuẩn bị Tổng tuyển cử, bầu Quốc dân đại hội. Nhưng do gặp nhiều trở ngại, ngay 23/9/1945 Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ rồi chiến sự ở nhiều vùng; mặt khác có tranh chấp giữa Việt Minh cầm quyền và các đảng phái đối lập nên tới ngày 6/1/1946, Tổng tuyển cử mới diễn ra trên phạm vi cả nước.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa I đã chọn ra 333 người, trong đó Việt Minh chiếm 120 ghế, Đảng Dân chủ: 46 ghế, Đảng Xã hội: 24 ghế, và 143 ghế không đảng phái. Trong 333 đại biểu được bầu có 10 đại biểu nữ. Hai đảng đối lập Việc Quốc, Việt Cách không tham gia tranh cử, nhưng đã đàm phán riêng với Việt Minh nên được đặc cách thêm 70 ghế trong Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất, có tổng cộng 403 đại biểu dự họp.

Số nữ đại biểu Quốc hội gồm các bà: Cao Thị Khương, Ngô Thị Huệ, Vũ Thị Khôi, Trương Thị Mỹ, Tôn Thị Quế, Trịnh Thị Thục Viên, Lê Thị Xuyến, Bùi Thị Diệm, Nguyễn Thị Thập và Miếng.

 

Chuyện về ông Phan Trọng Tuệ, anh trai bà Sáng

Cuối năm 2009, tôi được anh Nguyễn Duy Thành mời đến thăm bà mẹ sống cùng anh ở một con phố nhỏ thuộc thị xã Hà Đông. Chúng tôi thân tình vì cùng là đồng đội lại cùng là con em Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội 19/8/1945; hơn nữa bà Phan Thị Sáng, mẹ anh, lại là em gái ông Phan Trọng Tuệ - bạn hoạt đông thời kỳ bí mật của ông Trần Tử Bình, cha tôi. Giữa 2 ông có kỷ niệm khó quên… Ngày 6/5/1943, ông Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) chủ trì cuộc họp bí mật, phổ biến nghị quyết Trung ương cho 2 Xứ ủy viên Bắc Kỳ (ông Phan Trọng Tuệ và cha tôi) ở xã Hưng Công, Bình Lục, Hà Nam. Họp hành xong, đêm ấy, cơ sở bố trí cho 3 ông nghỉ chân ở một gia đình có trang trại ngoài gò. Đang đêm nghe tiếng chó sủa rát đầu làng, với kinh nghiệm hoạt động bí mật, ông Bình thức giấc rồi báo cho “thượng cấp” Hạ Bá Cang, sau đó mò sang giật võng ông Tuệ. Ông Tuệ giật mình rơi xuống đất rồi lại trèo lên võng ngủ tiếp.

Trong đêm tối, ông Bình dẫn ông Cang, vạch hàng rào dâm bụt, trốn ra ngoài cánh đồng thì cũng là lúc mật thám với đèn đuốc sáng trưng ập vào. Chúng bắt được ông Tuệ. Thì ra có kẻ phản bội báo tin về cuộc họp cho mật thám Pháp. Lục soát mãi không thấy ông Cang, ông Bình, đến sớm sau thì lui quân.

Dọc đường áp giải, chúng cứ khen “cái thằng Việt Minh này đẹp như Tây lai”. Ông Tuệ bị tống giam Hỏa Lò; sau khi ra tòa, bị kết án rồi bị đày ra Côn Đảo. Tới sau ngày 23/9/1945 mới được Xứ ủy Nam Kỳ cho tầu ra đón về đất liền cùng với bác Tôn Đức Thắng và các ông Phạm Hùng, Lê Duẩn, Nguyễn Thọ Chân…

Cho tới Đại hội Đảng 2 (tháng 2/1951) ở xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, ông Tuệ là đại biểu Nam Bộ, ông Bình đại biểu Quân đội. Ba ông kéo nhau ra trước tượng đài Tổ quốc ghi công. Ông Tuệ trách ông Bình, sao lần bị vây ráp ở Hưng Công, không báo để mình cùng thoát. Ông Bình cười: “Đã giật đứt cả dây võng báo cho ông, sau đó phải đưa “thượng cấp” trốn ngay chứ không thì bị bắt cả nút”. Khi đó ông Việt cắt ngang lời: “Chắc ngày đó chú em trẻ quá, mới có 26, đang tuổi ăn tuổi ngủ, chỉ nghĩ mình nằm mơ nên lại lên võng ngủ tiếp. Vì thế mới bị bắt, phải không?”. Ba ông cười vang một góc rừng.

Cuối 1943, ông Bình cũng bị bắt, qua các nhà lao Nam Định, Phủ Lý, Ninh Bình rồi về giam ở Hỏa Lò. Cho tới tháng 3/1945, ông đã cùng Ban sinh hoạt tổ chức cho hơn 100 tù chính trị vượt ngục về với phong trào. Còn ông Tuệ thì kể, ngày từ Côn Đảo về hoạt động ở Nam Bộ, tới đầu năm 1946, thấy báo chí đưa tin về bầu cử Quốc hội khóa 1 ngoài Hà Nội, rồi đưa ảnh 8 đại biểu nữ, thấy có hình bà Sáng thì nhận ra đó là em mình nhưng lại thắc mắc: vì sao đại biểu này lại tên Vũ Thị Khôi? Sau đó, có đại biểu Quốc hội Nam Bộ ra Hà Nội họp, gặp bà Khôi kể lại chuyện này thì mới biết anh mình còn sống.

 

Chuyện bà đại biểu Quốc hội Vũ Thị Khôi

Anh Thành kể lại: “Tên khai sinh của mẹ tôi là Sáng, Phan Thị Sáng. Ông bà ngoại tôi sinh bác Tuệ và mẹ tôi ở Viên-chăn, Lào. Các cụ hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Thái và Lào; sau đó mới về Sài Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây. Năm 1939, khi vừa tròn 20, mẹ tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại chi bộ Sài Sơn. Năm 1941, bà là bí thư chi bộ cả vùng Tùng Thiện - Sơn Tây. Năm 1942, Xứ ủy điều bà về Bắc Ninh, làm bí thư Ban Cán sự Phụ nữ tỉnh rồi kiêm cả Tỉnh ủy viên…”.

Tháng 8/1945, bà là đại diện Bắc Ninh tham gia đoàn đại biểu Hà Nội – Bắc Ninh lên Việt Bắc dự Hội nghị Trung ương mở rộng và Quốc dân đại hội, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Trưởng đoàn là ông Nguyễn Văn Trân - bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ cùng ông Trần Quốc Hoàn (Thường vụ xứ) và ông Chu (Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội). Không ngờ bà là đại biểu nữ duy nhất. Vừa họp xong hội nghị, thấy tình hình rất khẩn trương, Trung ương cử bà cùng 3 ông trở ngay về xuôi. Bắc Bộ năm ấy bị trận lụt khủng khiếp, 4 ngày sau mới về tới Hà Nội thì thấy Hà Nội đã có chính quyền nhân dân. Bà về ngay Bắc Ninh.

Sau 19/8/1945, bọn Tàu Tưởng vào giải giáp quân Nhật, đóng ở đồn Bắc Ninh hay ra quậy phá dân chúng, bà nhận lệnh chỉ huy đánh đồn. Bà con Bắc Ninh quý trọng bà, từng dựng cả giai thoại: bà Sáng cưỡi ngựa hồng, súng sáu dắt lưng, đi dẹp quân Tàu Tưởng. Vì có một thằng thoát, chạy về kêu với chính phủ ở Hà Nội mà ông Nguyễn Duy Thân, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ lên thanh tra. Tưởng gặp một tay cán bộ ngang tàng thì lại gặp cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp, giỏi giang, ông Thân phải lòng sau cái nhìn đầu tiên. Rồi nhờ ông Xuân Thủy mai mốt mà ông bà nên vợ nên chồng.

Đầu năm 1946, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Trần Đức Thịnh cử bà ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Và bà trúng cử vào Quốc hội với số phiếu cao, lúc mới 26 tuổi. Trong 10 đại biểu nữ Quốc hội khóa 1 thì bà là người trẻ nhất. Thời gian hoạt động bí mật, bà có tên là Thục, Khôi. Đến khi làm giấy tờ ra ứng cử Quốc hội thì bà lại đi vắng, chả ai rõ họ tên chính xác của bà. Vậy là người ta khai giúp tên bà là Vũ Thị Khôi. Và cái tên này làm cho anh trai Phan Trọng Tuệ tuy đã nhận ra em gái mình nhưng ngờ ngợ vì cái tên Vũ Thị Khôi.

Ngày 2/3/1946, Quốc hội lập pháp họp phiên họp toàn thể lần thứ nhất tại Hà Nội. Có 10 đại biểu nữ nhưng bà Nguyễn Thị Thập và bà Miếng không có mặt, chỉ có 8 bà. Vậy là bà Khôi mời 7 bà chị lớn tuổi ra hiệu ảnh Khánh Ký chụp một bức ảnh kỷ niệm.

Trong ảnh nhận ra các bà: Ngô Thị Huệ (phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh), Trương Thị Mỹ (phu nhân ông Vũ Anh, sau này là Phó chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam), bà Tôn Thị Quế (1902-1992, em gái nhà cách mạng Tôn Quang Phiệt), Lê Thị Xuyến (1909-1986, Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), Trịnh Thị Thục Viên (1903-1984), Cao Thị Khương, Bùi Thị Diệm và Vũ Thị Khôi… Không ngờ bức ảnh này trở thành tư liệu lịch sử quý, được trưng ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

 

Cặp vợ chồng “nghị viên” đẹp nhất Quốc hội khóa 1

Ông Thân là người Đình Bảng, cậu ruột ông Lê Quang Đạo (sau này là trung tướng – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị rồi Chủ tịch Quốc hội). Ngày học trường Bưởi, ông là cậu học sinh trắng trẻo, thông minh, giỏi tiếng Pháp. Ông từng gan góc ngồi nhà tù Sơn La với Nguyễn Khang, Trần Đình Long... Có uy tín với bà con Đình Bảng, Bắc Ninh ở Hàng Ngang, Hàng Đào nên ngày 15/8/1945, ông được Thường vụ Xứ ủy quyết định là đại diện của giới Công thương trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội cùng các ông Nguyễn Quyết, Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy, do ông Nguyễn Khang là chủ tịch và Trần Đình Long là cố vấn. Ông Thân trực tiếp tham gia cánh đánh chiếm Phủ Khâm sai trong ngày 19/8/1945. Còn bà Sáng, sau khi họp xong hội nghị Trung ương mở rộng, đã cùng ông Trân, ông Hoàn về ngay dưới xuôi vì tình hình cấp bách lắm rồi. Trước ngày về, bà được cùng ông Võ Nguyên Giáp ra nhận hàng viện trợ của lực lượng OSS (Mỹ) cho máy bay thả dù xuống. Thấy dù có màu đỏ đẹp quá, bà xin một góc, sau về may được 22 lá cờ đỏ sao vàng, treo ở Bắc Ninh trong ngày Tổng khởi nghĩa. Vợ chồng bà cùng có tên trong danh sách đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, bà tham gia Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Còn trong Sắc lệnh số 175 (ngày 14/4/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Nguyễn Khang làm Chủ tịch và ông Nguyễn Duy Thân làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và Thường vụ Liên khu 1 (Việt Bắc).

Năm 1952, khi được cử sang Bắc Kinh, Trung Quốc học ở Học viện Mac – Lê-nin, ông đột ngột ra đi vì bạo bệnh. Bà Khôi ở vậy nuôi 3 con trai nên người. Bà ra đi vào cuối năm 2009, khi chỉ còn ít tháng nữa là tới kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám 1945, bỏ lỡ dịp chứng kiến ngày vui đó…

 

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2020

 


Có thể bạn quan tâm