April 19, 2024, 10:18 am

Một đời sống khác

 

Vào lúc 2:30 sáng ngày 14 - 07 - 2021, nhà văn Nguyễn Lam Thủy đã rời bỏ thế gian ở xứ người. Nhà văn Nguyễn Lam Thủy sống và làm việc tại Hungary đã 35 năm.

Nhà văn Nguyễn Lam Thủy sinh năm 1955, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sống ở Hungary, là bác sỹ trong một bệnh viện lớn nhất ở thủ đô Hungary. Trong nhiều năm, anh Thủy lúc nào cũng giục tôi sang thăm Hungary. Anh nói: “Mình sẽ lái xe đưa Thiều đi dọc dãy núi đẹp nhất nước Hung và nghỉ lại ở những trang trại của những người nông dân Hung”. Một chuyến đi như thế là ước mơ của tôi. Nhưng cứ việc này đến việc khác không đi được. Khi có thể đi thì đại dịch Covid 19 bùng ra và mọi chuyến đi như vậy đều chấm dứt.

Nhà văn Nguyễn Lam Thủy có bệnh tim. Mấy tháng trước, các bác sỹ khuyên anh vào viện phẫu thuật. Nhưng anh sợ bệnh viện cho dù anh là một bác sỹ. Ðiều anh sợ là nếu nằm viện nhiều ngày vợ con anh không thể mang đồ ăn do vợ anh nấu vào cho anh được vì đang đại dịch. Anh nói nếu không ăn đồ ăn nhà làm lúc có bệnh và trong nhiều ngày anh cũng sẽ chết. 

Anh định cư ở Hungary hàng chục năm nay nhưng chỉ có ẩm thực Việt Nam mới làm cho anh có cảm hứng. Những món ăn xứ người đã không tìm được cách xuyên thủng hàng rào ẩm thực của anh cho dù anh yêu đất nước Hungary như tổ quốc thứ 2 của mình. Anh sinh ra và lớn lên ở một vùng đất miền trung Việt Nam. Suốt tuổi thơ cho tới lúc anh sang Hungary học và định cư, những món ăn mẹ nấu ở một làng quê nghèo đói miền Trung đã “thống trị” trong ký ức anh.

Cuộc phẫu thuật tim đã không thành công và anh đã rời bỏ gia đình và bạn bè đi về cõi vĩnh hằng. Tôi sẽ chẳng bao giờ được anh lái xe chạy qua những miền thôn dã Hungary rực rỡ nữa.Lúc này, tôi biết anh đang sửa soạn để lên đường trở về với mẹ và quê hương. Ðó là chuyến đi kỳ vĩ nhất cuộc đời mà anh từng nói đến.

Và lúc này, tôi không nói lời vĩnh biệt anh mà nói: bạn bè anh đang chờ đón anh trở về với mẹ.

(trích từ facebook của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)

Dưới đây là khúc tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Lam Thủy của nhà văn Trần Ðức Tiến:

Sau lần đi Hungary về, mình vẫn giữ mối liên hệ với Nguyễn Lam Thủy. Dần dà hai người trở nên thân thiết. Kém mình một vài tuổi, có thể coi là bằng vai phải lứa, trong giới viết lách càng dễ “ông ông, tôi tôi”, nhưng Thủy trước sau vẫn gọi mình là anh, xưng em. Hiền lành, tốt bụng, hơi yếu đuối, những phẩm chất bẩm sinh của chàng bác sĩ-nhà văn ấy thích hợp vô cùng với cái tạng người càng ngày càng trở nên gầy mảnh và xanh xao của chàng.

Mình ở Vũng Tàu, Thủy ở Budapest. Xa, nhưng không hề cách biệt. Hai anh em thường xuyên gọi điện thoại, nhắn tin cho nhau. Biết Thủy là bác sĩ giỏi (Thủy làm việc trong một bệnh viện lớn của Budapest), mình thường “lợi dụng” chuyên môn của bạn mỗi khi sức khỏe “có vấn đề”. Mình đau cái ngón tay, Thủy cho ngay một toa thuốc. Bị viêm tuyến tiền liệt, Thủy liên tục gửi về những hộp tinh dầu bí đỏ. Bị loét dạ dày, Thủy khuyên nên đi khám ở đâu, kiêng khem những gì. Nghe nói con của một người bạn bị bệnh khó chữa, Thủy cũng viết hẳn một bức thư dài, tận tình chỉ dẫn thuốc thang, nói rõ thêm về căn bệnh cho bạn yên tâm… Chuyện gì thì chuyện, cuối cùng không quên hỏi han tin tức về Hội nhà văn, về tình hình văn chương trong nước, về những nhà văn mà Thủy quý mến. Phải mất khá lâu kể từ khi quen thân, mình mới biết Thủy cũng tha thiết yêu văn chương, và đã âm thầm thử sức với không ít trang viết. Lạ, cái mạng mà mình với Thủy thường dùng để liên hệ với nhau, bình thường trong nước rất hay bị trục trặc, ngắt quãng. Nhưng khi kết nối hai anh em ở hai đầu không gian thăm thẳm vời vợi, nó lại trở nên ngoan ngoãn, thông đồng bén giọt đến không ngờ. Rõ từng câu từng chữ, đôi lúc còn nghe được cả tiếng cười khẽ trong máy, rồi hình dung ra nét hóm hỉnh vừa thoáng qua trong mắt bạn.

Cảm thấy gần gũi là thế, nhưng xa vẫn thật xa. Trong khoảng 10 năm, chỉ một lần duy nhất Thủy về nước thăm bà chị ở Sài Gòn rồi xuống Vũng Tàu thăm mình. Hai anh em ngồi ăn trưa trong cái nhà hàng ngay cạnh biển. Định kêu vài món hải sản hiếm ở Vũng Tàu, nhưng Thủy vội vàng ngăn lại. Không bia, không rượu, không tôm cá cua ghẹ móng tay móng chân… phức tạp. Ông khách - bác sĩ giản dị, trong veo từ tâm hồn đến thể xác ấy chỉ xin một chén cơm trắng, một ly nước đun sôi, một đĩa rau nấu chín. Thủy phàn nàn mấy hôm trước dự hội nghị Hội Nhà văn ngoài Hà Nội, dự tiệc chiêu đãi ở Bảo tàng văn học, lỡ ăn phải một món đồ nguội, về ôm bụng quằn quại suốt đêm. Nhìn cung cách ăn uống đạm bạc, giữ gìn chi li của bạn, ái ngại quá chừng. May chủ để câu chuyện trong bữa ăn hôm ấy làm mình hào hứng.

Dự kiến cuối năm, mình sẽ quay lại Hungary cùng với hai thi sĩ: Nguyễn Quang Thiều và Trần Hùng. Thủy đã có lời mời hai ông nhà thơ, và hai ông cũng đã hứa chắc như vé máy bay đã nằm trong túi. Ông Thiều đi Tây đi Tàu nhiều, nhưng Hung thì chưa, giờ chỉ thích làm một cuộc du lịch sâu trên đất Hung. Còn mình, Thủy sẽ đích thân lái xe đưa đi chơi trên các cung đường Hungary. Sẽ đi qua nhiều nước. Qua những thành phố, thị trấn xinh đẹp, yên vắng, mơ màng trong mưa, trong sương… Kế hoạch sắp xếp đâu vào đấy, bất chợt, bà mẹ Trần Hùng ngã bệnh. Rồi, Nguyễn Quang Thiều vướng công chuyện Hội nhà văn Á-Phi. Trì hoãn, trì hoãn… Cho đến khi bùng ra vụ Covid-19 thì cái kế hoạch rất giàu chất thơ của bọn mình phải tạm thời gói ghém, phong bao cất kĩ.

Bệnh mất ngủ của Thủy trở nên trầm trọng. Xương sống giở chứng. Qua điện thoại, Thủy xót xa báo tin: anh sang Hung bây giờ, em không ngồi lái xe đưa anh đi được nữa. Mình vội vàng nói át: không việc gì phải lo chuyện đón rước, còn lâu mới sang, cố chạy chữa thuốc thang cho khỏe hẳn. Ít bữa sau, Thủy mổ xương sống. Xương vừa ổn định thì chuẩn bị mổ tim. Trong vòng hai năm trời, dồn dập những sự cố, những thông tin đầy lo âu… Trước khi lên bàn mổ tim, Thủy còn hẹn: xong xuôi, em sẽ báo anh biết!

Thủy ơi!

Không bao giờ mình còn nhận được cái tin mà Thủy đã hứa. Chỉ có tin nhắn choáng váng của vợ Thủy: Thủy không vượt qua được ca phẫu thuật, ra đi lúc 2 giờ 30…

Có những giới hạn không thể vượt qua trong cuộc đời mỗi người. Nhưng mình luôn tin: trái tim đau yếu của Thủy ngừng đập không phải là một giới hạn. Không còn được ngồi với nhau ở Vũng Tàu ăn chén cơm nóng. Con đường qua dãy Alpes chắc cũng chìm sâu vào những giấc mơ. Nhưng Thủy sẽ bắt đầu một đời sống khác - một đời sống trong trẻo, hồn hậu trong tình thương, trong nỗi nhớ của người thân và của bạn bè.

Nguồn Văn nghệ số 31/2021

 


Có thể bạn quan tâm