April 26, 2024, 2:17 am

Một định hướng vì nhân dân

Cách đây mấy năm, trong một bài viết có đề cập đến “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”, tôi đã nêu một câu hỏi đơn giản: định hướng XHCN trong kinh tế thị trường là gì? Và câu trả lời cũng đơn giản không kém: đó là nhà nước phải nắm chắc y tế và giáo dục, phải thể hiện sự ưu việt của chế độ qua chính sách vì dân trong hai lĩnh vực quan trọng nhất với nhân dân này… Và tôi nêu một điển hình: đó là nước Cu-Ba, được coi là “anh em thân thiết với Việt Nam”. Cu-Ba là một nước nghèo, lại bị Mỹ cấm vận trong bao nhiêu năm nay, nhưng Cu-Ba đã kiên trì với chính sách: nhà nước tài trợ hoàn toàn cho nhân dân trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục. Đó là một chủ trương không hề đơn giản, vì ai cũng biết, ngân sách nhà nước sẽ phải chi một khoản tiền rất lớn hàng năm cho hai lĩnh vực này, nếu tài trợ “trọn gói” cho nó. Nhưng Cu-Ba đã làm được điều hết sức khó khăn ấy, trong hoàn cảnh đất nước họ cũng khó khăn không kém. Nếu Cu-Ba đã nghiến răng làm được công nghiệp lớn lao như vậy, vì họ nhìn thấy sự phát triển của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào hai lĩnh vực này. Đầu tư cho y tế và giáo dục là đầu tư cho tương lai, nghĩa là lời lãi không thể tính bằng tiền, mà tính bằng sự phát triển của xã hội, của kinh tế, của văn hóa, của giáo dục và của cuộc sống con người. Đó là quyết định đầu tư của những người có tầm nhìn rất xa, rất rộng.

Bây giờ, khi Việt Nam đã thu được những thành tựu rất lớn trong công cuộc chống lại dịch bệnh Covid-19, thì chúng ta nghe được từ phương Tây những tiếng nói về “kinh tế thị trường định hướng… tư bản chủ nghĩa”. Xin trích một đoạn ngắn: “Một lần nữa, dịch bệnh có hiệu ứng làm hiện hình: Chủ nghĩa tư bản là một xã hội trong đó các chọn lựa đáng lý là mang tính tập thể, là kết quả của bàn bạc dân chủ, bị bỏ mặc cho quyết định của tư nhân trên cơ sở tính toán thị trường hẹp hòi”.

(tríchVề tính phù phiếm của kinh tế học chính quy: sự đánh đổi giữa hoạt động kinh tế và rủi ro y tếcủa Michel Husson - bản dịch Trần Hải Hạc)

Còn nhiều những phân tích rất chuyên sâu của những chuyên gia, những nhà kinh tế học phương Tây về vấn nạn này, khi đại dịch xảy ra. Những phản ứng có phần chậm chạp, có phần lúng túng của nhiều quốc gia tư bản giàu có bậc nhất phương Tây cho thấy, họ luôn bị trì kéo giữa lợi nhuận và tính mạng con người. Và họ luôn tính, tỉ lệ tử vong như thế nào thì không quá ảnh hưởng tới lợi nhuận, tới “sắc xanh” trên thị trường chứng khoán. Nhưng con Covid thì không phức tạp như vậy. Nó tính toán rất giản đơn: nhân lên nhân lên và nhân lên mầm bệnh trong bất cứ người nào lọt vào “tầm ngắm” của nó. Chỉ vậy thôi. Mà nó thắng những nhà kinh tế học tài giỏi nhất, những cố vấn kinh tế mà các tổng thống tin dùng, dù chưa biết họ tài hay ngu… Ở đây không có chuyện mị dân hay dân túy gì cả, đây là chuyện tính toán làm ăn, nhưng khốn nỗi, lại tính toán trên chết chóc của con người. Điều đó thật đáng sợ.

Định hướng XHCN trong kinh tế thị trường chắc chắn không đi theo con đường đó, con đường vì tăng trưởng GDP mà bất chấp tất cả, kể cả sinh mạng con người. Bây giờ, tôi mới thật sự khâm phục Karl Marx vì những nhận định tuyệt đối đúng của ông về chủ nghĩa tư bản hoang dã thời ông sống. Thời nay, chủ nghĩa tư bản đã khác với thời Marx. Nhưng là khác về hình thức, không khác về nội dung. Còn chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam thì vẫn na ná với chủ nghĩa tư bản thời Marx, nghĩa là vẫn tích lũy tư bản chủ yếu dựa vào tích tụ đất đai, “địa ốc đứng lên”, hoang sơ vật vã. Rồi sẽ qua thời kỳ đó, nhưng nó sẽ phát triển như thế nào, hay vẫn là bản sao của chủ nghĩa tư bản tài chính hiện đại, vẫn “toàn cầu hóa” một cách vô trách nhiệm và đầy mưu toan vụ lợi, thì chuyện này còn phải bàn dài dài.

Đại dịch Covid-19 là một cơ hội để Việt Nam tự nhìn lại mình một cách sâu sắc, một cách trung thực nhất. Trong những cái nhìn đầy tính thực tế nhưng cũng gắn với tầm xa ấy, Việt Nam sẽ phải đánh giá lại thuật ngữ “kinh tế thị trường định hướng XHCN” một cách bình tĩnh và thẳng thắn nhất. Làm sao phải giải nghĩa cụ thể, rõ ràng thuật ngữ “định hướng XHCN” cho thật thuyết phục, để nhân dân có thể tin tưởng vào đó, rằng đây là một định hướng hiện thực, vì lợi ích của nhân dân, chứ không vì lợi ích của những nhóm lừa mị nhân dân.

Nguồn Văn nghệ số 20/2020


Có thể bạn quan tâm