April 25, 2024, 10:56 am

Một dải biên cương xanh

 

Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2019)

 

Mùa hè năm 1975, sau khi kết thúc khóa huấn luyện tân binh ở Trung đoàn 22B, Sư đoàn 341B (Đoàn Sông Lam), ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, suýt chút nữa thì tôi đã cùng hơn trăm anh em khác chuyển sang Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Ở vào thời điểm sau 30 năm binh lửa, khi non sông vừa liền một dải, hầu hết mọi người dân đều đang tận hưởng không khí của năm hòa bình đầu tiên mà chưa mấy ai lường trước được hiểm họa đương rập rình ngoài biên ải.

Tuy nhiên, chỉ cấp chỉ huy chiến lược trong quân đội và lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là biết rất rõ điều đó. Ấy là sự tráo trở và phản bội của Pol Pot cùng chế độ Khmer Đỏ ở quốc gia láng giềng gần gũi với Việt Nam. Bất chấp truyền thống đoàn kết, hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc, bị các thế lực phản động nước ngoài xúi giục, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary với tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đã liên tục kích động hận thù, chống phá Việt Nam. Sau khi lên cầm quyền ở Campuchia, Pol Pot cùng phe lũ ráo riết chuẩn bị chiến tranh, coi Việt Nam là “kẻ thù số 1”. Gần như ngay lập tức, chúng liều lĩnh xua quân mở nhiều cuộc tấn công ăn cướp chớp nhoáng vào các đảo và biên giới đất liền phía Tây Nam của nước ta. Ngày 3/5/1975, lính Pol Pot nổ súng đánh chiếm đảo Phú Quốc. Và một tuần sau, chúng tiếp tục đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt và sát hại hơn 500 dân thường…

 

Cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp giúp dân xây dựng nhà cửa.

Tình thế chẳng đặng đừng, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, lực lượng Công an nhân dân vũ trang được tập trung xây dựng cả về chất và lượng. Và dường như “số phận” cứ đưa đẩy và dịch chuyển cuộc đời mỗi người lính theo mỗi đường hướng khác nhau, chả mấy ai giống nhau. Nhưng, có lẽ nhờ bởi sự “lỡ duyên” ngay thưở ban đầu ấy mà về sau tôi được bù lại bằng mối thâm tình với nhiều anh em, bè bạn ở Biên phòng. Cùng một đại đội tân binh với tôi cuối thời chiến tranh và đầu thời hòa bình năm ấy, nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại rải rác dọc tuyến biên giới Tây Nam, nhưng cũng có người trưởng thành vượt bậc như Thượng tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XI, XII), nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.

Vào tuần thứ 52, tuần cuối cùng của năm 2018, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyến đi thâm nhập thực tế ở biên giới 3 tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước, cho 24 anh chị em cầm bút. Hầu hết các thành viên trong đoàn đều là cựu chiến binh, một số người trực tiếp cầm súng thời đánh Mỹ hoặc chiến đấu chống quân Pol Pot trên tuyến biên giới Tây Nam, rồi tham gia làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia... Người trẻ nhất trong đoàn cũng đã trạc ngoại tứ tuần. Có lẽ vì thế mà trước lúc xe chuyển bánh, ai nấy đều không giấu nổi sự háo hức, coi đây như một chuyến trở về nguồn. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố, Trưởng đoàn cho biết mục tiêu đến sẽ là các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, khởi đầu từ Long An.

Từ thành phố Tân An, nương theo quốc lộ 62, chiếc xe lướt miên man qua một dải đồng bằng của các huyện, thị vùng Đồng Tháp Mười như Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, trực chỉ thị xã Kiến Tường. Tôi ngồi cạnh bác Khuynh Diệp, ông nhà văn người nhỏ thó nầy là cả một pho từ điển sống về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Vừa ngó hai bên đường, ông khẽ khàng nhắc lại trận lụt hồi năm 2000 có thể sánh với nạn lụt năm Nhâm Thìn (1952), cả vùng này đều bị chìm sâu trong nước. Đầu giờ buổi chiều, chúng tôi đến huyện Vĩnh Hưng xanh bóng lá, thăm Đồn biên phòng Long Khốt. Nằm về phía Tây Bắc tỉnh Long An, đầu năm 1978, huyện Vĩnh Hưng được thành lập từ việc chia tách huyện Mộc Hóa. Đây là địa danh nổi tiếng trong kháng chiến, có con sông Long Khốt vắt vẻo từ đất Campuchia chảy ngang qua phía sau đồn biên phòng, sau đó xuôi về nhập vào sông Vàm Cỏ Tây.

Gần 40 năm trước, nơi này từng diễn ra trận đánh máu lửa kéo dài hơn một tuần lễ, từ ngày 9 đến 16/6/1972 giữa Trung đoàn 2, Sư đoàn 5 (một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ) trong chiến dịch Nguyễn Huệ, với lực lượng rất mạnh của quân đội Sài Gòn tại yếu khu Long Khốt (gồm 2 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát, 1 trung đội biệt kích, 5 trung đội phòng vệ dân sự, 2 khẩu pháo 105ly với nhiều súng cối…). Sau 7 ngày đêm chiến đấu, lực lượng vũ trang cách mạng đã loại khỏi vòng chiến đấu 411 tên địch, bắn rơi 2 máy bay, phá hủy một số pháo và súng cối. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ ta bị thương vong…

Sau ngày đất nước thống nhất, Long Khốt là một trong những đồn biên phòng được thành lập từ khá sớm (10/1975), nguyên là Đồn CAND vũ trang 773. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, trải hơn 40 ngày đêm (từ 14/1 đến 27/2/1978), quân và dân xã Thái Bình Trung với nòng cốt là Đồn biên phòng Long Khốt đẩy lùi 28 đợt tiến công xâm lấn của Pôn Pốt-Ieng Sary, diệt tại chỗ 55 tên, bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương. Ngày 20/12/1979, Đồn biên phòng Long Khốt được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Trước khi gặp gỡ, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ biên phòng, chúng tôi tới dâng hương tại Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ngay trước cửa Đồn biên phòng. Mắt ai nấy chợt nhòe đi khi đọc đôi câu đối được khắc trên bia đá nơi ban thờ trang trọng phía sau: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.

Trong nhòa nhợt hoàng hôn, tôi chợt liên tưởng đến lời dạy của vua Lê Thái Tổ (1385-1433): “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an”. Có nghĩa là: Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng/ Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu. Gần 6 thế kỷ đã trôi qua, song những câu thơ khắc trên vách đá của vị Hoàng đế sáng lập nhà Hậu Lê vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong tình hình quốc tế và khu vực luôn có những biến đổi khó lường thì phương lược bảo vệ cương vực, lãnh thổ được đặt ra ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ.

Ngược dòng lịch sử, lên tận thời gian diễn ra cuộc kháng Pháp chín năm, thì cả vùng này nằm sâu trong căn cứ Đồng Tháp Mười. Bấy giờ nơi đây là miệt đồng hoang, bưng biền với nhiều lau sậy, bàng đưng[1]. Mùa khô cỏ cháy, mùa mưa nước tràn bờ mênh mông. Trên gò Bắc Chiêng nằm giữa thị trấn, giáp sông Vàm Cỏ Tây, có đồn Mộc Hóa. Hơn 70 năm trước, vào trung tuần tháng 8/1948, nổ ra trận công đồn Mộc Hóa, trận ra quân oanh liệt đầu tiên của Tiểu đoàn 307 oai hùng. Ta đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn lính Pháp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, bắt 6 tên (trong đó có viên trung úy đồn trưởng Louis Bertrand). Đêm đến, anh em nhà văn rủ nhau tham quan bia Chiến thắng trận Mộc Hóa được xây rất đẹp và trang nhã, một biểu tượng sáng ngời của khí phách Nam Bộ thành đồng, “đi trước về sau”. Trận đánh không chỉ đi vào lịch sử, mà còn trở nên bất tử trong bài hát “Tiểu đoàn 307” với những ca từ lẫm liệt, làm nức lòng người: “Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa, vang tiếng đồn với trận La Bang…” (thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Hữu Trí).

Sáng hôm sau, đoàn thẳng tiến đến với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp. Toàn tỉnh Long An hiện có 132,977 km đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Prây Veng và Svây Riêng của Vương quốc Campuchia. Cửa khẩu quốc tế này mới được nâng cấp năm 2011, nhưng do đường giao thông khó khăn, nên lượng người và hàng hóa qua lại hãy còn thưa thớt lắm. Điều khiến nhiều thành viên trong đoàn rất đỗi ngạc nhiên là từ hàng cây thốt nốt trước cột mốc 211 này nhìn ra xa, thấy một dải đồng đất của hai nước Việt Nam - Campuchia ngả thành hai mảng màu khác nhau, một bên lúa đương thì con gái xanh ong óng, phía liền kề lúa cùi cụi vàng xuộm như màu cỏ cháy, làm nên một đường biên tự nhiên thẳng như kẻ chỉ. Ngó tưởng giản đơn vậy song những người lính biên phòng ở đây luôn phải căng mình ra trên một địa bàn có cả đường sông, đường bộ, đồng ruộng thẳng cánh cò bay, để chống nạn buôn lậu, triệt phá các đường dây vận chuyển ma túy, giữ bình yên cho cả một vùng biên. Vậy nên, ngay cả trong bữa cơm gặp gỡ đoàn nhà văn, vẫn thiếu vắng khá nhiều anh em đương tỏa ra trên các hướng mũi làm nhiệm vụ.

*

Trong chặng hành trình ngày thứ ba, chiếc xe đưa đoàn nhà văn tiến sâu vào đất Tây Ninh. Trưa cuối năm, thời tiết vẫn oi ả như giữa mùa hạ, nhờ những câu chuyện phiếm trên xe mà khoảng cách về địa lý vẻ như bị xóa nhòa. Cho tới khi ngó ra bên ngoài, chúng tôi mới hay là đã tới Đồn biên phòng Xa Mát, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Lại thêm một địa danh quá ư quen thuộc nhưng lần đầu tôi mới đặt chân đến. Đây là Đồn biên phòng nằm tại vị trí tiếp giáp giữa quốc lộ 22 của Việt Nam và một nhánh của quốc lộ 7 phía Campuchia. Bởi vậy, Xa Mát là một trong những nơi ghi dấu tội ác của Khmer Đỏ. Chỉ tính từ tháng 3 đến đầu tháng 9/1977, tập đoàn Pôn Pốt-Ieng Sary đã cho quân tiến hành hàng chục đợt xâm nhập vào sâu bên trong lãnh thổ nước ta, địa bàn do đồn Xa Mát quản lý.

Nửa đêm 24, rạng ngày 25/9/1977, quân Pol Pot tràn sang sát hại hơn 1.000 thường dân vô tội ở xã Tân Lập (huyện Tân Biên), đốt phá hơn 400 nhà cửa, cướp đi nhiều tài sản. Trước khi bước vào chiến đấu, lực lượng Đồn biên phòng Xa Mát chỉ có 51 cán bộ, chiến sĩ, do Đại úy Vũ Xuân Bát làm Đồn trưởng. Trong 5 ngày đêm kiên cường bám trụ chiến đấu, phối hợp với các lực lượng của cấp trên, đồn Xa Mát đẩy lùi hơn 20 đợt tiến công của địch, diệt 144 tên địch, thu nhiều vũ khí.

Được thành lập ngày 8/7/1976, Đồn CAND vũ trang Tống Lê Chân có phiên hiệu là Đồn 729, làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh đoạn biên giới quốc gia dài 23 km. Những ngày giữa tháng 2/1978, Pol Pot tăng cường binh hỏa lực uy hiếp toàn tuyến biên giới giáp tỉnh Tây Ninh, chúng tập kích vào Đồn 729. Dẫu không bị bất ngờ, song do lực lượng quá mỏng, nên cán bộ, chiến sĩ ta phải lùi về khu vực cầu Sa Cá, xây dựng trận địa phòng ngự, chặn địch. Đơn vị đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, diệt hàng chục tên, bảo toàn được lực lượng. Sau ngày chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Xary bị lật đổ, chính quyền cách mạng Campuchia được thành lập, Đồn biên phòng Tống Lê Chân đã phối hợp với phía bạn mở nhiều cuộc truy quét bọn tàn quân. Tuy nhiên, vào những năm đầu thập niên 80, tàn quân Pol Pot vẫn tổ chức thành nhiều toán nhỏ lẻ, cải trang chui lủi trà trộn trong dân vùng biên để nắm tình hình và hoạt động gây rối. Máu của các chiến sĩ biên phòng của ta vẫn tiếp tục đổ. Tháng 3/1982, Đại đội trưởng Trịnh Duy Phương cùng hai chiến sĩ biên phòng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở đoạn giáp ranh giữa đồn Cà Tum với đồn Tống Lê Chân… Giờ đây, Đồn biên phòng Tống Lê Chân được quy hoạch và đầu tư xây dựng khang trang, có thể coi là một doanh trại đẹp được thiết kế theo mẫu chuẩn của Bộ Quốc phòng.

Trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước), Đồn biên phòng Hoa Lư làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới dài hơn 30km, kiểm soát cửa khẩu Hoa Lư và bảo đảm trật tự, an ninh chính trị - xã hội hai xã biên giới Lộc Hòa, Lộc Tấn. Sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Ngọ, chiều muộn ngày 27/2/1978, địch cho trinh sát mò vào phía tây đồn, bị vướng mìn nổ. Lúc này, Đồn biên phòng Hoa Lư chỉ có hơn 60 cán bộ, chiến sĩ, trang bị súng bộ binh, với 2 khẩu cối (60 và 82ly), 4 trung liên, 4 khẩu B40… Lợi dụng đêm tối, quân Pol Pot tập trung hỏa lực đánh vỗ mặt vào đồn. Đơn vị chủ động đánh trả quyết liệt. Sáng hôm sau, địch bắn hỏng bồn đựng nước và cần bơm nước giếng khoan trong đồn, khiến cán bộ, chiến sĩ ta thiếu nước uống. Chiến đấu trong điều kiện bị vây tứ phía, thiếu đạn, thiếu nước, nhưng anh em vẫn kiên cường bám công sự chặn địch. Hạ sĩ Bùi Minh Tiến, bắn hết cơ số đạn cối 82, anh dùng súng bắn tỉa tiêu diệt địch và hy sinh ngay tại chiến hào. Do không có được sự hỗ trợ từ tuyến sau, Đồn phải chia thành 3 phân đội mở đường máu rút lui. Trận này, có 25 cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh, 10 đồng chí bị thương.

Suốt một dải biên thùy dọc tuyến Tây Nam, đã có không biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ biên phòng và Lực lượng vũ trang ta cùng người dân ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

*

Đồn biên phòng Tân Hà nổi lên là một điểm sáng về công tác vận động quần chúng ở vùng biên tỉnh Tây Ninh. Với 10 năm thành lập, có 5 năm đồn được công nhận là Đơn vị Quyết thắng, nhiều năm là đơn vị vững mạnh toàn diện. Giống như các đồn biên phòng của 3 tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước, mà đoàn nhà văn ghé thăm, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp gương mặt sáng trong của những người lính mang quân hàm xanh, dẫu cho màu da của anh em đều sạm đen vì nắng gió biên thùy. Tạm gác lại những nỗi niềm riêng tư, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn đặt nhiệm vụ lên trên hết và ở cương vị nào cũng thấy anh em toàn tâm toàn ý. Gần dân, hiểu dân và lắng nghe dân, Đồn biên phòng Tân Hà tuyên truyền vận động nhân dân với tất cả tấm lòng. Anh em hết lòng, tận tụy lo cho dân, thì hệ quả tất yếu, bà con hết sức tin cậy bộ đội biên phòng, chung sức lo giữ vùng biên cương Tổ quốc. Nhiều hộ dân đưa nhau ra sinh cơ lập nghiệp dọc đường biên, làm nên những “cột mốc” sâu rễ bền gốc.

Sau bữa điểm tâm ở thị trấn Tân Châu, Tây Ninh, chiếc xe đưa đoàn hướng về cầu Tha La trên con đường lầm bụi đỏ quạch. Xa xa là những vạt rừng cao su san sát. Cuối mùa khô, hai bên vệ đường, cây cối cũng khoác lên màu bụi đất, nhìn xốn cả mắt. Một chút ngỡ ngàng khi đọc dòng chữ trên biển báo “cầu Sài Gòn 2”, nhưng khi tới chốt Cần Lê, xe dừng lại vào thăm anh em biên phòng trực ở đây thì tôi mới hiểu hóa ra cây cầu bê tông này vắt qua thượng nguồn sông Sài Gòn thật. Ở quãng này, từ trên thành cầu ngó xuống, khúc sông nom chả khác gì một con suối cạn, nước le ve chảy xiết. Người dân đóng cọc và giăng lưới theo hình chiếc vó, để bắt cá. Cảnh vật mới thật thanh bình, yên ả.

Từ cơ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Phước, chúng tôi về Lộc Ninh. Hai bên đường lộ ra những vách đất ba-zan đỏ au, tươi ròng như những tảng thịt con min (bò tót) vừa xẻ ra vậy. Sau khi thăm khu Nhà giao tế, trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đoàn rẽ sang căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam. Chặng cuối hành trình, cả đoàn đến Đồn biên phòng cửa khẩu Tà Vát. Gặp gỡ trò chuyện, mới thấy lính biên phòng ở đâu cũng xông xáo, tháo vát. Bữa cơm chia tay đậm tình đồng đội, thắm nghĩa quân dân keo sơn.

Do vị trí đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, dẫu được Nhà nước, Quân đội và cả địa phương đặc biệt quan tâm, song đời sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn chưa hết gian nan vất vả. Chợt nhớ những câu thơ trong Thư mùa đông của Hữu Thỉnh, rằng: “Gạo thường lên sớm, thư thời chậm/ Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm/ Bao năm không thấy màu con gái/ Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em”. Ngoại trừ cơ quan Bộ chỉ huy Biên phòng các tỉnh, trong biên chế của các đồn đều không có nữ. Thế nên, anh em cán binh phải đảm đương từ khâu hậu cần, bếp núc, đến tăng gia sản xuất, chăm sóc cảnh quan xanh sạch đẹp. Ấy vậy mà bất kỳ đồn biên phòng nào, chúng tôi ghé thăm, trong doanh trại mọi thứ đều sạch sẽ và gọn gàng ngăn nắp đâu vào đấy. Các đồn đều có vườn rau, ao cá, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồn biên phòng Long Khốt nuôi cả đàn heo rừng giống F1. Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư có hồ rộng rênh, hàng đàn cá sắp lớp chen chúc nhau, chúng nhảy tưng lên khỏi mặt nước khi được người ném thức ăn xuống. Thế nên, trong các bữa cơm đãi đoàn nhà văn, cán bộ các đồn biên phòng rất thiệt tình, rằng mời các cô, các chú dùng các sản phẩm “nhà trồng được”. Các chàng trai trẻ làm “anh nuôi” mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi đỏ bừng, song ánh mắt rạng ngời vì lúc nào cũng đảm bảo được cơm ngon, canh ngọt cho đơn vị.

Hầu hết cán bộ, sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp ở các đồn đều xa gia đình. Nhiều anh em, vợ con vẫn ở các miền quê tận Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Cũng có một số người đã hợp lý hóa gia đình, song cũng ở cách đồn vài chục cây số, vậy nhưng tịnh không một ai lấy đó làm điều. Có lẽ nhờ được học hành, đào tạo bài bản, song cái chính là những người lính biên phòng mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, cho thấy họ có được một cái phông văn hóa rất cơ bản. Biết mình, biết người, khiêm nhường và cẩn trọng, tận tâm và tế nhị. Trong ánh hoàng hôn, mải mê ngắm bóng cây Kơ-nia ngay phía sau đồn sừng sững hiên ngang in đậm trên nền trời đỏ ối màu lửa, tôi chợt liên tưởng đến hình tượng những chiến sĩ biên phòng.

Hiện tại, trên địa bàn vùng giáp biên của tỉnh Bình Phước, Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia đã hoàn tất việc cắm mốc chủ quyền. Các cột mốc chính đều được thiết kế đẹp và trang nghiêm, lại được xây đúng quy cách, kiên cố. Đứng trước cột mốc, ai nấy đều cảm thấy thiêng liêng bởi từng tấc đất của cha ông được gìn giữ bằng chính máu xương bao thế hệ. Có lẽ trên quả địa cầu này chưa ở đâu có chuyện biên phòng giữa hai nước láng giềng lại có mối quan hệ đặc biệt như ở đây. Không chỉ thực hiện tốt phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn là những “sứ giả” ngoại giao nhân dân xuất sắc. Lãnh đạo, chỉ huy các Đồn biên phòng thấm nhuần đường lối đối ngoại của Đảng, xây dựng biên giới hòa bình. Các anh kịp thời tham mưu giúp cấp trên có những quyết sách hỗ trợ và giúp đỡ bạn Campuchia cả về vật chất lẫn tinh thần. Có năm vào đúng trưa mùng một Tết Nguyên đán, Đồn biên phòng Tân Hà nhận tin của người dân báo vừa bị mất cặp bò trị giá gần 80 triệu đồng. Lập tức, đồn phân công cán bộ, chiến sĩ chia thành nhiều mũi, phối hợp với biên phòng nước bạn Campuchia, chỉ sau 24 giờ, họ đã tìm lại khối tài sản có giá trị bàn giao đầy đủ cho dân vui Tết cổ truyền. Ngược lại, thời gian sau, khi phía bạn yêu cầu, đồn Tân Hà cũng nỗ lực giúp tìm và giao lại cho người dân Campuchia 5 con trâu bị kẻ xấu bắt trộm đưa sang Việt Nam.

Các đồn biên phòng của ta đều có mối quan hệ tốt đẹp với phía biên phòng và người dân nước bạn Campuchia. Trong các dịp lễ lạt, mừng Tết cổ truyền của Việt Nam, hay đón Tết Chon Chơ-nam Thơ-mây của Campuchia, hay việc hiếu hỉ, hai bên đều qua lại thăm nhau. Vâng, xây dựng và gìn giữ được chốn biên ải yên bình, hữu nghị, cán bộ, chiến sĩ biên phòng thật xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ! Dọc hành trình cả ngàn cây số xuyên dọc một số tỉnh biên giới Tây Nam, chúng tôi ấm lòng và tin cậy.

 


[1] Bàng: một loại cỏ cao và thẳng tựa cói, được giã dẹp, phơi vài nắng cho dai, dùng để đan đệm, nóp. Đưng: một loại cói mọc ở vùng đầm lầy, có thể dùng để lợp nhà.

Nguồn Văn nghệ số 9/2019


Có thể bạn quan tâm