April 26, 2024, 5:18 am

Một cuốn tiểu thuyết nhiều tư liệu về chiến tranh

Nhà văn, người lính Đinh Đức Cường từng là sĩ quan kỹ thuật tham gia trực tiếp cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nên ông có những trang mô tả về lính kỹ thuật rất hay. Một góc cuộc chiến (Tập 1) với hơn hai trăm trang sách khổ lớn, nhưng là khối lượng tư liệu bề bộn của nhà văn từng tham gia mặt trận từ đầu cho đến cuôi của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Trong cuốn tiểu thuyết mới này ông như muốn giãi bày những “góc” hẹp, nhưng bề bộn của chiến tranh… Cuốn tiểu thuyết được chia làm 15 chương, mỗi chương là một câu chuyện sống động, là hồi ức của người lính trực tiếp chiến đấu, là những tư liệu quý giá được tái hiện. Nhà văn như không cần phải lao tâm xây dựng nhân vật, xây dựng cốt chuyện, mà cuộc sống của ông và đồng đội đã tự làm nên cuốn tiểu thuyết này. Đó là hình ảnh người lính luôn luôn nêu cao lý tưởng vì Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh, là một thế hệ có hoài bão, có lý tưởng và luôn siết chặt đội ngũ đi đến ngày chiến thắng, dù trên con đường đó đã có những kẻ không đủ dũng khí đi đến cùng.

Là người trong cuộc nên Đinh Đức Cường viết mà như kể lại về những năm tháng của ông cùng đồng đội ở chiến trường đầy khói lửa, song họ vẫn mang tâm hồn đầy lạc quan, hài hước trong cuộc sống bình dị. Ông viết với ngôn ngữ chân thật của lính tráng, tiết tấu nhanh, ông thung thăng kể lại mọi chuyện ở “một góc” cuộc chiến, nhưng là một góc rộng, là bộ mặt của chiến tranh đầy bi hùng, là lý tưởng cao đẹp song vẫn xen với những tị hiềm và tha hóa của một số người trong hàng ngũ vì không chịu nổi sự khốc liệt của chiến tranh, nên đã có người rời bỏ hàng ngũ, có người tìm mọi mánh khóe để lẻn về phía sau, bỏ lại đồng đội nơi mũi tên hòn đạn... Nhưng bên cạnh đó là đại đa số cán bộ chiến sĩ luôn sát vai cánh bên nhau, sống chết có nhau. Có những người đã ngã xuống giữa trận đánh. Sự hy sinh vô giá của một thế hệ đã đem lại hòa bình, độc lập...

Theo mạch kể của nhân vật Kiên, nhân vật chính của câu chuyện. Kiên tình cờ phát hiện nơi đơn vị vừa hành quân đến một đồng đội vẫn nằm nguyên trên võng ven suối giữa rừng, cứ tưởng người lính ngủ quên… nhưng đến nơi hóa ra anh đã hy sinh từ khi nào! Những đồng đội của Kiên cùng ngả mũ cúi đầu trước người lính mà họ chưa từng biết ấy và thu xếp để chôn cất cho đồng đội. Một khoảnh khắc khó quên cho người đọc. Một sự hy sinh xót xa, đau đớn đến không thể khóc được!

Đó còn là khoảng lặng khi quân ta tiến về giải phóng Nha Trang, ngổn ngang xác giặc, và cũng ngổn ngang tâm trạng của người chiến thắng. Cảm động hơn là cách hành xử của bộ đội giải phóng theo như lời Kiên kể: Khi bắt được tù binh, khi kiểm tra giấy tờ, Kiên ngờ ngợ về một mối liên hệ với cấp trên của mình Sau đó anh và đồng đội lặng lẽ xác minh, hóa ra người lính ngụy là con một người lính tập kết cùng đơn vị Kiên. Cuộc gặp gỡ trùng phùng giữa hai người lính ở hai trận tuyến khác nhau, người cha là Võ Tánh và con Võ Danh là một câu chuyện nhân văn của tinh thần Việt rất đỗi ám ảnh... Chỉ một chương kể về nhân vật trong hoàn cảnh này đủ thấy nhà văn đã tích lũy tư liệu khá dầy dặn và chi tiết. Những chi tiết mà chỉ ở cuộc chiến đó mới có… Rồi đó còn là những câu chuyện về kỷ luật quân đội khắc nghiệt, là nỗi khó khăn ở chiến trường vừa phải chịu đói, chịu rét khi có những lúc nhu yếu phẩm chưa kịp tiếp tế từ miền Bắc vào, vừa phải đối mặt với cái chết trực diện khi họ ở giữa vùng mặt trận đầy bom rơi đạn nổ...; là cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt; là công tác dân vận khi bộ đội sống ở vùng cao nguyên giữa các lề thói, tập tục của bà con dân tộc khắt khe… Câu chuyện anh lính bắn chết con voi của dân làng, theo luật lệ nếu không đền cho dân làng số muối to như con voi thì phải đền mạng là câu chuyện làm đau đầu cả lãnh đạo đơn vị và nỗi lo sợ khủng khiếp không chỉ của anh lính kia… Nhưng nhờ trí khôn, mưu lược của Kiên và sự đồng thuận của chỉ huy đơn vị mà mọi chuyện được xử lý êm đẹp, bà con dân làng cũng bằng lòng với cách xử lý của đơn vị…

Cuốn tiểu thuyết Một góc cuộc chiến ngồn ngộn những tư liệu quý giá về chiến tranh, được góp nhặt lại từ người trong cuộc. Nhà văn Đinh Đức Cường đã viết như một sự hối thúc và không né tránh những góc hẹp, góc khuất của mỗi con người đã đi qua cuộc chiến. Chính vì vậy mà ông đã tạo nên cái nhìn tổng thể, đa dạng về một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của một thế hệ có lý tưởng, có tình yêu Tổ quốc, có vui có buồn và cũng có cả sự thất vọng… Nhưng chính đó mới là bức chaan dung trung thực của cuộc sống

Thế hệ sinh ra sau chiến tranh có thể sẽ có nhiều bạn đọc tiếp nhận được những “góc khuất” của cuộc chiến một cách mới mẻ từ cuốn tiểu thuyết này. Chiến tranh mới đi qua đất nước ta gần nửa thế kỷ, mùi khói súng hình như vẫn còn chưa tan. Nhưng câu chuyện của những người lính sống chết bên nhau, siết chặt kỷ luật quân đội, bảo vệ tuyệt đối hình ảnh của những người lính chính nghĩa luôn là hình ảnh cao đẹp, là những tấm gương cho thế hệ mai sau.

Đề tài chiến tranh và hình ảnh những người lính trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc giữa thế kỷ 20 vẫn luôn là đề tài mà các nhà văn hướng đến, để khắc họa nhiều hơn về những vẻ đẹp bi hùng của thời điểm lịch sử ấy. Và nhất là những nhà văn từng khoác áo lính, nhiều người đã dốc tâm huyết vào những con chữ trên những trang viết dâng tặng bạn đọc. Một tác phẩm cũng gióng như một cuộc chiến vừa xuất bản, cũng là mong muốn của những nhà văn cựu chiến binh ký thác vào tác phẩm, để bạn đọc thế hệ sau hiểu thêm về thế hệ cha anh và những tháng năm rực lửa, bi hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc để có được ngày hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, độc lập và thống nhất.

Nguồn Văn nghệ số 42/2022


Có thể bạn quan tâm