April 26, 2024, 6:49 am

Một cuộc thi sôi nổi để lại nhiều dấu ấn

Cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 của Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm vừa khép lại. Với đặc thù của một tạp chí có thời lượng xuất bản 2 tháng/ kỳ, cuộc thi không có sự “tưng bừng” như với nhiều cuộc thi ở các cơ quan báo chí, truyền thông khác trong cùng một khoảng thời gian tương đương như vậy. Song có lẽ chính sự âm thầm đó lại có vẻ gì đó gần với thể loại văn xuôi, với những trầm tích mà đời sống đã và đang lắng đọng mỗi ngày. Điều ấy, cho đến hôm nay, đã không còn là cảm giác qua từng số tạp chí xuất bản trong 2 năm qua, mà đã thực sự thể hiện một cách thuyết phục ở kết quả cuộc thi vừa được công bố.

Hai năm, với 12 số tạp chí mà đã thu hút hàng trăm truyện ngắn của các tác giả gửi tới tham gia. 27 tác phẩm của 19 tác giả vào chung khảo đã  được tập hợp in thành tập sách với tiêu đề Họ xứng đáng được hy vọng, do Nxb Hội Nhà văn ấn hành; cuộc thi đã chọn ra được 12 tác giả với 18 tác phẩm cho cơ cấu giải thưởng. Giải Nhất của cuộc thi đã thuộc về Hai tác giả, Nguyễn Hải Yến với chùm truyện Hoa gạo đáy hồ, Cửa sông thiên đường; và Phạm Lưu Vũ với chùm truyện Chiếc khoen đồng, Giọt lệ Nam Xương. Ngoài ra, Ban Tổ chức và Hội đồng Chung khảo, căn cứ vào những đóng góp với cuộc thi, đã quyết định trao một giải Đặc biệt cho nhà văn Y Ban.“Về phần mình, Nhà văn & Tác phẩm cùng Hội đồng Chung khảo đã làm hết mình để xứng đáng với các tấm thịnh tình ấy, với văn chương và với sự tin cậy của những tác giả dự thi và bạn đọc. Có thể còn có những ý kiến khác nhau về một tác phẩm cụ thể, nhưng chúng tôi tự tin khi giới thiệu các truyện ngắn đoạt giải cao cùng bạn đọc”. Nhà văn Văn Chinh, đại diện Ban tổ chức cuộc thi, cho biết.

Chặng cuối của cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 của Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm bị ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 nên đã ảnh hưởng đến lễ tổng kết và trao giải. Mặc dù Ban tổ chức đã chuẩn bị kịch bản một buổi lễ với 150 khách mời, cụ thể, nghiêm cẩn, và chuẩn bị tinh thần nồng nhiệt nhất có thể để có một buổi lễ xứng đáng với chất lượng cuộc thi. Song do tình hình thực tế, lễ trao giải đã phải tiến hành trong một bối cảnh khiêm tốn, gọn nhẹ tại tại trụ sở tòa soạn, số 65 Nguyễn Du, Hà Nội vào sáng ngày thứ Sáu, ngày 7/8 vừa qua. Các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thụy, đại diện cho Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan cấp II của Hội đã có mặt tham dự và trao Giải thưởng cho các tác giả có điều kiện đến nhận giải thưởng. Các nhà tài trợ cuộc thi, một số cơ quan truyền thông và khách mời, tổng cộng dưới 30 người theo quy định, đủ làm nên một buổi lễ trang trọng, ấm áp. Sự tưng bừng và đầy đủ hơn sẽ được dành cho chương trình trao giải online. Ban Tổ chức sẽ lần lượt công bố tác phẩm, gửi Bằng xác nhận Giải thưởng, quà của buổi Lễ trao giải đến nhà và tiền giải thưởng qua tài khoản cá nhân các tác giả được giải.

Một lễ tổng kết và trao giải thưởng với tinh thần “Cùng nhau chiến thắng Covid-19” có lẽ sẽ khiến cho một số tác giả và bạn đọc không khỏi chạnh lòng nuối tiếc. Nhưng thành quả của một cuộc thi thì vẫn tràn trề, bề thế và bền bỉ với thời gian, trong lòng bạn đọc.

Báo Văn nghệ xin chúc mừng cuộc thi và các tác giả được giải.

Văn nghệ

Từ trái sang phải: Nhà văn Văn Chinh, nhà văn Nguyễn Hải Yến (Giải Nhất), nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Y Ban (Giải Đặc biệt), nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Phạm Lưu Vũ (Giải Nhất) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại lễ trao giải

 

Điều vui mừng trước hết ở Cuộc thi này là các tác giả đau đáu với thế sự, với những vấn đề vừa cốt lõi vừa nan giải của dân tộc, của con người. Kinh tế và văn hóa, đạo đức và tình nghĩa đồng bào, môi trường sống và môi trường tâm linh... lĩnh vực nào cũng ngổn ngang; cái nếp xưa đã phá vỡ từng mảng lớn, cái diện mạo của đời sống văn minh còn chưa thấy đâu, còn chưa hoàn thiện… tất cả dằng níu nhau, cản trở nhau để sinh ra ùn tắc, trì trệ. Tất cả đều có trong các truyện ngắn Dự thi. Truyện Một trang sử làng (Nguyễn Hiệp) kể về kẻ mải chạy theo cái hư huyễn, khi dừng lại, quay về với di sản ông bà và với bổn phận làm người thì ngôi từ đường xưa đã xuống cấp nghiêm trọng, đụng đâu sụp đấy; từ lâu không ai ngó tới, nó trở thành thế giới của gián chuột mối mọt và ẩm mục bụi bặm mù mịt sặc sụa. Kẻ định sửa chữa đã bị ngôi nhà cũ sập ngã xuống mà chết. Cùng motif này còn có truyện Bức hỏa tâm đăng (Nguyễn Tham Thiện Kế,) được khai mở rộng ra tới bốn chi tộc trưởng bàn nhau hạ giải ngôi từ đường do cụ tổ hiển hách xưa để lại – một vàng son dĩ vãng, để “giải phóng mặt bằng”, bốn ông mánh lới khác nhau nhưng đều toan tính để cuộc xẻ thịt di sản theo cách có lợi và “vừa miếng” mình; ghê tởm nhất là kẻ muốn thầu ngôi nhà cổ chở về xuôi làm cửa hàng đặc sản và bức tranh thờ hỏa tâm đăng – biểu tượng oai hùng của dòng họ Thống không biết từ bao giờ đã được đánh tráo và chỉ còn là tranh nhái. Vẫn là vấn đề di sản, nhưng ở Viên đá trên gò Giá Ngự (Phan Đình Minh) nó bị đem nung vôi, kẻ dâm ô bất chấp đó là con gái mình, kẻ  ác vì tiền bất chấp văn hóa và môi sinh đã bị viên đá huyền tích như thể sự dồn nén căm phẫn của lòng người, của trầm tích văn hóa đã biến thành thuốc nổ trong mỹ cảm người đọc.

Chủ đề văn hóa, bên cạnh sự lên án gay gắt hành vi trục lợi di sản, là những tác phẩm mang tính “lời bàn” về một nhóm vấn đề thuộc trong tập tục và thói quen của con người. Đôi giầy của Ninh Kiều, là Việt kiều Pháp và tuổi đời đủ lớn để có cái humour về thói quen không chịu từ bỏ, những cái hết đát như hàng trăm đôi giầy chất đống trong kho mặc dầu chả để làm gì nhưng không chịu vứt đi. Có thể có có thể không, một truyện dài ngót 9000 chữ, đọc rất cuốn hút, mạch truyện mịn như nhung, làm mới hẳn một Y Ban rốt ráo, sắc xói là phong cách đã định. Nó bàn về tục lệ thờ cúng tổ tiên, mỗi năm làm mấy chục cái giỗ, với kẻ làm dâu thì hoàn toàn không biết về người được cúng, như kẻ xa lạ, chỉ là việc phải làm; nó đặt ra một vấn đề hóa ra, vâng thì làm người phải nhớ ơn tổ tiên, nhưng liệu tổ tiên có vui lòng không khi bắt con cháu cứ cả năm cả đời cặm cụi chắt bóp để phụng sự mình? Xác đáƯớc mơ con gái (Phan Đức Lộc) lại là những đối thoại có tính cật vấn về một tập tục rùng rợn là lấy đá tạc nên tượng và thần tượng sẽ phá trinh hết thảy con gái của bộ tộc, hay những quan niệm khư khư nhất mực mà không thèm đếm xỉa đến những nghịch dị trầm tích từ quá trình phát triển can thiệp vào bản sắc giới của con người; một truyện nữa cũng hay, viết về giới tính biến đổi, truyện Điều ước muộn màng (Nguyễn Hồng Minh) tuy không khốc liệt bằng, nhưng quan niệm khư khư nhất mực cũng kịp để lại tổn thương không thể khỏa lấp; Tháng mười củi khô Hồn hoa lưu lạc (Bảo Thương) xót xa những sai trái, nhỡ nhàng của quá khứ chưa xa, văn chị cứ nhẩn nha đẹp và buồn như một hoài niệm dịu dàng, như ngọn hoa leo chới với vươn vào trời xanh; Bức họa ánh sáng (Phạm Thúy Quỳnh) viết về cái đẹp, cái tự do bị nhốt trong hầm tối và phải tự phát sáng để chống chọi với can qua, tham vọng chiếm hữu của ba bè bảy mảng thế lực, qua mấy nét cắt ngang của người đẹp Lê, vua Bảo Đại, họa sĩ Alex người Pháp ta thấy họ hiện ra như bức tranh trước mặt được viền bằng ánh sáng của vẻ đẹp Hà Nội thanh bình xưa đã trở lại.

Ở mảng truyện về di sản văn hóa này, dù viết để lên án đả phá, viết để gợi mở lòng trắc ẩn hay để ngăn chặn lối trở lại của sai lầm dĩ vãng đều được viết bởi bàn phím bao dung, chân thành nên sức lan tỏa của ngôn ngữ, nhất là của nhịp điệu hành văn thấm đẫm lòng người đọc.

Tất nhiên, nhiều hơn cả vẫn là truyện về cái nóng bỏng của đời sống đang diễn ra. Nóng bỏng và “bụi bặm” nhất có lẽ là chùm của Nguyễn Trí: Ai bảo đi tù là khổ, Có ai ở đó không. Nguyễn Trí có cách kể thật náo hoạt, đọc rất hấp dẫn; chỉ tiếc, sau sự ly kỳ hấp dẫn thì cái triết luận từ đó vẫn loanh quanh đâu đó. Ninh Nguyễn viết về những kẻ thay tình yêu bằng tình dục thật tài, truyện Đàn ông đều có bàn chải (mỗi anh một cái, trong toilet của nhà chị khá giả, sồn sồn) là một phát hiện mới về tính cách người hiện đại, nó khiến một trong những đàn ông có tình cảm thật rơi vào tình thế dôi dư. Chùm của Hương Duyên (Biển hồ đầy vơi) phát hiện một kiểu gia đình nghịch lý, cha mẹ cư xử với con cái theo kiểu quái dị, như không bằng người bạn tù và người quản giáo, nhưng khi chết thì toàn bộ cuộc đời keo kiệt bủn xỉn tích trong lon sữa bò vàng, để lại cho con. Trong xã hội đang đầu tư phát triển, tệ dồn ép thiên nhiên, đất đai và những nông dân nghèo có số phận dưới đáy vào sự tối thiểu nhất có thể của những nhà đầu tư; tối thiểu đến mức phần đất dành cho nghĩa trang cần rút lại nữa với Dự án chôn dọc của A Béo. Cái sự phát triển bất chấp đạo lý nó sản sinh ra loại quan chức đặc thù, nhưng họ còn đang “phát triển” chưa kịp lắng để trở thành hình tượng nghệ thuật, chỉ mới lướt qua như ở Tốt đã nhập cung (Hồ Ngọc Quang) đã thấy ghê gớm và nhếch nhác chừng nào. Nó gần như một vụ án, một kiểu “làm ăn” nơi tổ chức nhân sự bị vỡ lở, nó cảnh báo một hiểm họa, như tốt nhập cung đối phương trên bàn cờ tướng. Ở mảng đề tài này, Y Ban có truyện Con yêu tinh hấp dẫn và sống động vô cùng, nó cứ như được bứng nguyên xi một góc ngõ xóm ven khu đô thị mới bên cạnh nhà mình mà đặt trước mắt mình. Cái đô thị hóa nhốn nháo nhộn nhạo, trên thực tế đã trở thành con yêu tinh làm bất hòa, làm tai giáng họa vào từng nhà, hết nhà này sang nhà kia; nó khủng bố cái gia đình truyền thống, là cặp vợ chồng giáo sư già mang mỹ cảm truyền thống, đến nỗi bà vợ đòi đi “tị nạn” ở khách sạn! Truyện sẽ tuyệt vời nếu tác giả dụng công để con yêu tinh vô tính vô hình nhưng hiển hiện một hình tượng nghệ thuật.

Viết về cái đang diễn ra, dễ mà khó. Vì quy luật đời sống đã chỉ ra rằng, cái hôm qua tưởng là ghê gớm, nhưng hóa ra là chuyện nhỏ so với cái xảy ra hôm nay, càng không là gì so với cái ngày mai. Việt Nam làm công nghiệp hóa sau Anh và Mỹ 300 năm, sau Nhật 200 năm; những gì diễn ra ở xứ họ vào khi họ bắt đầu rất dễ xảy ra ở Việt Nam hôm nay. Do đó mà mô tả hiện thực bao giờ cũng cần “độ lùi”, phải đặt hiện thực trong dòng chảy liên tục của thời gian, trong tương quan so sánh với lịch sử và với không gian ngoài nó, nếu anh không muốn bị mang tiếng là kẻ kể những chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi.

Ở cuộc thi này, Lê Hoài Lương gửi hai chùm, mỗi chùm đều có cái hay vượt lên, những cái khác chỉ làm nền cho nó. Người bọ chét mỉa mai kẻ hà tiện, vốn dĩ cao ráo sáng sủa, nhiều tiền đồ. Nhưng đó là cái bẫy nhân cách, muốn lên cao, anh ta phải hạ thấp mình xuống, xu nịnh để vừa lòng cấp trên. Thành thử thân người anh ta ngày càng ngắn lại, cho đến khi thành người vuông, khi anh ta chết, “cái mộ cũng vuông luôn”. Câu kết đúng là cái quan định luận. Truyện Nghề vớt xác phát triển xung quanh motif kẻ có biệt tài ngửi thấy mùi tử khí ngay khi kẻ đó sắp chết. Nhờ cái tài ấy, kẻ cô đơn, cơ nhỡ, thiểu năng mà cứu được bao nhiêu người khỏi chết đuối, toan nhảy sông tự trầm nên cuộc sống dần dà thay đổi, có vợ con, có nhà ở, có TV; cũng nhờ cuộc sống khá lên, anh ta được tham dự vào cộng đồng, tham dự những sự kiện. Đó là cơn cớ để truyện ngắn chuyển động theo hướng bất ngờ nhất: Chứng kiến một sự kiện, anh ta ngửi thấy mùi tử khí từ một trong những người phát biểu trên khán đài. Hôm sau, người phát biểu chết, anh ta cũng tự nhiên tịt mất biệt tài ngửi mùi tử khí sớm, nó làm anh mất nghề… Thiên Sơn cũng đi theo hướng này ở Cây mạ ly huyền bí, chữa bách bệnh như thuốc tiên thuốc thánh. Cái ác của ông chủ đến mức cho chọc lòi mắt đàn chó cũng khó là sự thực, nhưng lòng tham như hắn là một thực tế đầy rẫy, tham vọng muốn bịt mắt bịt mõm đàn chó, bắt đi đứng, cắn sủa theo chỉ huy của mình, buộc vạn vật (trong đó có người), không còn là chính nó và chỉ có phận sự phục vụ mình làm giàu thì ai cũng “cảm nhận” rất rõ… Phát hiện con người trở nên ác, con người đoạn tuyệt với tình ruột thịt vì tiền là các truyện Kiều mạch trắng, Thiếu ơi của Tống Ngọc Hân. Đồng tiền làm biến dạng nhân tính vốn đã không là điều còn mới trong văn chương nhưng nhờ câu chuyện cảm động, nhờ thuần thục trong cách kể, truyện thành hay một cách thống thiết. Ở Thiếu ơi còn có phát hiện về sự “tiến hóa” của cặp quan hệ tiền – tình: Cái ác, lòng tham cộng với sự tăm tối tù túng của hoàn cảnh sẽ sản sinh ra cái ác mới, ác sau khốc liệt hơn ác trước, vòng luẩn quẩn ấy đưa tất cả trở lại với man rợ.

Chúng tôi thực không dám chờ đợi nhiều nhưng một khi những truyện có chủ  đề hậu chiến tranh thống nhất đất nước xuất hiện nhiều và sâu, thì nhận ra đó là cái rất xứng đáng để chờ đợi của văn chương. Nhiều và đa dạng về tư tưởng nghệ thuật và nhiều về cách thể hiện… Chúng tôi muốn nói đến Nước mắt thời gian của Nguyễn Duy Liễm, Ám ảnh mầu của Mai Tiến Nghị, Chuyện hai người lính của Trọng Khang, Bóng rừng của Thế Đức, Mùa đã đi qua của Bảo Thương…        

Có thể coi Nguyễn Hải Yến là hiện tượng của Cuộc thi, chị gửi độ mười truyện, đã in 7, trong đó có Cửa sông thiên đường, Hoa gạo đáy hồ Bồ kết về đồng. Cho đến nay, sau khi nhận Giải thưởng năm 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam, cô giáo trường làng đã nổi tiếng. Nhưng Nguyễn Hải Yến là một bàn phím bản lĩnh, nhất là đã sớm có cho riêng mình một thế giới nghệ thuật. Cái mới ở bàn phím này là các chi tiết và chuyện của người và ngôn ngữ nông thôn đúng là chân quê mà không thô thiển, tinh tế chứ không ra vẻ nhà quê; cũng không đô thị hóa, văn chương hóa. Còn ma ở đây là anh linh, hương hồn người, họ không trục lợi hay phá bĩnh thế gian mà thân thiện sống với người, như thể, nếu còn ở thế gian, họ cư xử với nhau, với người trong họ ngoài làng vẫn thân thiện thế. Họ chỉ tiếp tục khát vọng sống còn dở dang do bị chết, họ như cùng người sống tạo nên một không gian sống chứa chan nhân hậu tình người. Giời phú cho bàn phím này cái tự nhiên, ma nói người nói không dẫn giải lôi thôi, để rồi sau một hồi, không nhớ ai là ma ai là người nữa…

Về tác giả Phạm Lưu Vũ, chúng tôi không dám cho rằng Cuộc thi đã phát hiện ra ông, ông đã nổi tiếng từ lâu trên văn đàn tự do; nhưng chúng tôi tự hào vì Cuộc thi đã cuốn ông vào dòng chảy chính thống và ông lập tức đã chính thống một cách chuyên nghiệp. Thế giới nghệ thuật của Phạm Lưu Vũ, không phải người với di sản văn hóa hay trong thời cuộc như các tác giả khác, không phải ma với người như Nguyễn Hải Yến, mà là tiên, Phật, thánh thần sống với người. Họ là “quan sát viên” của thế giới người; khi cần thì can thiệp cùng người chống giặc ngoại xâm, giặc cướp hay lũ tham quan ô lại biến thái. Họ như các hiền giả, tìm cách mang minh triết đến cho con người, thông qua lời tiên tri như Chiếc khoen đồng, rằng bản lĩnh và bản sắc một con người, một dòng họ (và suy ra một dân tộc) là không thể mất, dù có thời nó chìm, nó tồn tại trong một hình hài khác, nhưng cứ có nhân nhân [lại] mọc, vô nhân [thì] nhân trẩm [không mọc, biến mất]; như ở Giọt lệ Nam Xương, minh triết rằng, dẫu có là Tiên Thánh, là Giời mà trong lúc quốc gia bị đặt trên lẽ hưng vong đánh giặc giữ bình yên cho nước, giữ toàn vẹn lãnh thổ của nước mà anh không đồng lòng cùng dân tộc, anh tìm cách né tránh, định vân du đến cõi cực lạc của riêng mình, anh vẫn sẽ bị Vô vị Chân nhân cai quản địa tiên xứ Nam Diêm phù đề – vị tổng chỉ huy như thần Zeus của thần thoại Hy La, quăng lưới tóm lại, giam vào rọ sắt thời gian đến thành hóa thạch mà sám hối lỗi lầm. Văn Phạm Lưu Vũ đầy biến ảo trong cái sinh quyển Phật giáo nhưng là cái Phật giáo trẻ trung, dấn thân đồng hành cùng nhân quần và với cả giới Tiên Thánh nữa.

Cảm nhận rất rõ là ai cũng viết hay hơn chính họ. Một cuộc thi đa dạng về đề tài, như lược kể trên, điều đáng kể là mỗi người viết đều khai thác đề tài ở chỗ mình thuộc nhất, “đi đến” chỗ sâu sắc nhất của nó để trở nên một ấn tượng khó phai; đa dạng về thi pháp, mỗi người mỗi cách, chỉ một người khi dùng ma làm vật liệu để tổ chức truyện thì mỗi ma mỗi tính nết, số phận; và, chỉ là ma thôi nhưng mỗi người khai thác mỗi cách. Những người làm Cuộc thi cảm thấy đây là cuộc thi sôi nổi và có đẳng cấp; các giải khá gần nhau, giải Khuyến khích cũng không khác mấy so với giải Ba. Nhưng người làm thì nghĩ vậy. Còn bạn? Còn các bạn được giải, chúng tôi không dám biết, nhưng biết chắc, nó là tác phẩm sẽ sống lâu bền trong đời sống văn chương!

 

Nguồn Văn nghệ số 33/2020

 


Có thể bạn quan tâm