April 20, 2024, 1:01 am

Một cõi thơ day dứt trong cuộc lữ trần ai

 

Thơ là một cõi lặng, nó không chấp nhận sự xốc nổi ồn ào. Thi sĩ bước vào cõi thơ như một kẻ trút linh hồn vào xác chữ. Thơ đòi hỏi sự tận hiến, dấn thân. Thi sĩ Tươi Nguyễn (tên thật Nguyễn Như Tươi) là một con người như vậy.

Ban đầu Tươi Nguyễn đi tìm ý nghĩa đời sống, tìm trong cái đẹp một chân dung tâm hồn mình. Cuộc sống mở ra bao la những cuộc chơi tàn canh gió lộng. Tươi Nguyễn thoát khỏi đời sống vật chất mà anh dư dả để tìm chiều sâu hút của linh hồn. Những bài thơ này của Tươi Nguyễn như gợi nhắc một quá vãng xa xôi nơi con người êm đềm với những giấc mộng trẻ thơ.

Bị bủa vây giữa gánh nặng áo cơm nơi phố thị, Tươi làm thơ cho nhẹ lòng mình. Những bài thơ về quê hương của Tươi như thấm đượm một mảnh hồn quê quay quắt. Nỗi nhớ xa xót về quê hương trong màn mưa mù như một cố quận không tiêu trầm theo thời gian. Một cái Tết tha hương nhớ quê nhà, những cơn mưa xuân gợi nhắc, một người chị xa xưa… Tươi ước ao tìm về nguồn cội khi tuổi đời đã trôi quá xa. Nhìn quê hương trong đói rách điêu tàn, lòng thi sĩ không khỏi có những giọt lệ rưng rưng. Anh viết: “Về quê lòng dạ thêm sầu/ Bốn mươi năm lẻ nỗi đau vẫn còn/ Làng xưa xóm cũ héo hon/ Cái nghèo đói ấy gầy mòn như xưa”. Trong đau thương, anh xưng tụng quê hương như một lời thú nhận: “Quê tôi làng Câu Nhí/ Đồng chân mạ xanh non/ Con đường làng cong quẹo/ Tháp Chàm buồn héo hon”.

Hình ảnh quê hương đẹp đẽ luôn trở đi đi trở lại trong thơ anh như một niềm thôi thúc để dấn bước tiếp trong cõi đời chông chênh: “Quê cũ nhà em bên dốc núi/ Nghe chừng đá mỏi với non cao”. Nhưng quê hương đẹp đẽ u buồn không ngăn được bước chân thi sĩ thoát ly đi tìm một vùng trời mới lạ. Từ đó anh tha hương dấn thân vào cuộc sóng gió trần ai.

Những cơn say của tuổi trẻ, anh đắm say trong men tình. Anh tìm trong cơn say một sự giải thoát khỏi thực tại khốn đốn: “Say để thấy đời như giấc mộng/ Và thấy tình hư ảo chiêm bao”. Anh muốn níu lại thời gian và tuổi trẻ, vùi sâu vào những cuộc vui trần thế: “Níu tay với tuổi xuân ơi chầm chậm/ Hãy cùng ta bày yến tiệc tân toan”. Anh tìm đến tình yêu như một sự rửa tội cho những oan khốc điêu linh, anh gọi rượu là em, ở đây men say lồng vào tình yêu giới tính: “Những lúc buồn anh tìm đến với em/ Người dấu yêu không bao giờ phản bội”. Trong mảng này, bài Nỗi buồn và bài Hoa dại là hai bài hay. Bài Hoa dại gợi nhớ đến một tứ thơ của Quách Thoại, nhưng nó mất đi tính chất thần thánh, nó chỉ còn là cái đẹp của đời sống. Chìm trong men nồng, trong tình yêu, anh vẫn không hết buồn. Nên bước sau cùng anh tìm đến tôn giáo như một sự giải thoát tâm linh.

Anh nhìn cõi sinh diệt vô thường như một làn khói ảo ảnh, mọi công danh sự nghiệp như áng mây tan: “Hôm nay về cốc không tìm kiếm/ Công danh lợi lộc áng mây vương”. Từ đó anh nhìn cái chết như một sự đương nhiên, con người muốn sống phải biết tập chết: “Thời gian còn quá ít/ Lo tập chết từng giờ/ Trong từng hơi thở nhẹ/ Đời người tựa giấc mơ”. Tuy theo Phật giáo, nhưng anh không phủ nhận cuộc sống mà anh lại đề cao sự sống, cái mầm sống nhỏ nhoi trong sinh diệt: “Ngồi xem chồi nhú trong cây/ Mùa xuân vốn ở nơi này đã lâu”. Từ đó anh tìm lại chính mình như một sự thức nhận, như một tàn phai năm tháng, anh viết: “Tôi tìm tôi mà không thấy tôi/ Giữa đêm đen trong vùng trời rét lạnh/ Nơi hang sâu mình tôi ẩn dật/ Nỗi cô đơn rực cháy tan tành”. Và, sau cùng anh tìm thấy gương mặt chính mình trầm tích dưới lớp thời gian.

Nhìn bao quát tập thơ, Tươi Nguyễn đi tìm ý nghĩa sống trong cuộc đời dâu biển vô thường, với những phận đời nghệ sĩ hẩm hiu heo hắt. Dấu vết của những cuộc chơi tàn canh còn lại trong thơ như mớ tàn tro đốt sưởi hoang vu núi lạnh. Tươi tìm đến những cái hợp lý tình cảm trong cái tình đời vô cùng phi lý hữu tận, như “hư không hữu tận”, chốn hư không cũng có cái tận cùng. Một lần anh muốn mộng lại trẻ thơ. Rồi từ đó anh tìm đến tâm linh tôn giáo như tẩy rửa cuộc trần ai nhiều bụi bặm thị phi lao khổ lưu đày. Nhưng tôn giáo không giúp anh thoát khỏi ràng buộc trần ai, và anh quay lại trần thế với gương mặt mới: nhẫn nại và im lặng.

Nguồn Văn nghệ số 45/2022


Có thể bạn quan tâm